Bài thơ tìm lại
Bài thơ viết về Hà Nội, đã không được phổ biến vì tính chất lãng mạn, tiểu tư sản trí thức mà người Cộng sản lên án và cấm phát hành. Đó là bài thơ Hà Nội Phố của Phan Vũ.
Bích Huyền
Thứ Sáu, 05 tháng 2 2010
http://www1.voanews.com/vietnamese/news/arts/Music-Poetry-Bai-Tho-Tim-Lai-02-05-10-83644692.html
Phan Vũ là một đạo diễn, một nhà biên kịch đa tài.
Nếu như Bên Kia Sông Đuống có thời bị vùi giập cùng với tên tuổi Hoàng Cầm trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, bị liệt vào hàng “thơ cấm” thì… số phận Hà Nội Phố cũng rất truân chuyên.
Bài thơ làm xong Phan Vũ chỉ đọc cho bạn bè nghe, sau đó được truyền miệng và đi vào quên lãng.
Rồi Phan Vũ cũng gặp nhiều “trục trặc” trong bước đường sự nghiệp. Bên cạnh đó, người vợ yêu quý của ông - một nữ diễn viên điện ảnh xinh đẹp qua đời sớm, Phan Vũ buồn nản bỏ Hà Nội vào Sài Gòn sinh sống. Ông chuyển hẳn sang vẽ tranh. Cái tên đạo diễn, nhà biên kịch Phan Vũ trở nên nhạt nhòa cùng với lịch sử. Ít ai còn nhớ đến một đạo diễn trẻ triển vọng một thời từng được Giải Kịch trong năm 50 chứ đừng nói tới tác giả một bài thơ chưa bao giờ được phép xuất hiện công khai.
Người “đi tìm Hà Nội Phố” đầu tiên chính là nhạc sĩ Phú Quang. Trong một lần ở Saigon, vô tình họ gặp nhau. Phú Quang được Phan Vũ đọc cho nghe Hà Nội Phố. Người nhạc sĩ có nhiều tác phẩm viết về Hà Nội vì yêu Hà Nội đã nhớ một số đoạn để phổ nhạc thành ca khúc Em ơi, Hà Nội Phố. Bài hát Em ơi, Hà Nội Phố được rất nhiều ca sĩ trong và ngoài nước thu vào CD phổ biến khắp nơi, được đón nhận nồng nhiệt.
Bài hát được xếp là đỉnh cao nhất trong sự nghiệp viết ca khúc về Hà Nội của Phú Quang. Chính vì sự nổi tiếng của bài hát đã làm sống lại trường ca Hà Nội Phố.
Rất nhiều người Hà Nội, người yêu thơ đều cố công đi tìm một bài thơ nguyên vẹn, nhưng không thể tìm thấy được, chẳng hạn như Eros - một tên gọi trên một diễn đàn của mạng lưới Internet.
Tuổi hai mươi điên rồ và cuồng dại
Đêm mơ Hà Nội Phố
Thoáng tóc em mềm mại
Thoáng nhớ nhà biết kể cùng ai...
Bài thơ Hà Nội Phố như một bức ảnh đen trắng chụp bởi bàn tay một nghệ sĩ nhiếp ảnh có sự cảm nhận tinh tế, chọn lọc và sắp xếp bối cảnh vô cùng nghệ thuật.
Mỗi đoạn thơ lại gắn với một hình ảnh Hà Nội có chủ đề, có không gian khi rõ nét, khi lãng đãng mờ ảo… Từ một góc đường lặng lẽ cổ xưa của Hà Nội, có khi là cổng chợ, rồi công viên ghế đá, và có quán liêu xiêu… Có thời gian là đêm khuya hay nắng hanh buổi sớm, là hoàng hôn với nỗi nhớ mênh mang trước đổi thay của lịch sử:
Ta còn em con đường cũ
Cổ Ngư
Cành phượng vĩ la đà
Chiều phai nắng
Bông hoa muộn in hình ngọn lửa…
Trong không gian ấy, nổi bật lên hình ảnh trung tâm mà ống kính Phan Vũ chụp được rất nét, rất linh động: “Đôi tình nhân của một cuộc tình hờ bỗng hóa nghiêm trang”, “Người soát tàu điện áo bành tô cũ nát”, “Gã Trương Chi si tình ôm ghi-ta từng đêm hóa đá”, "Bà quán ê a chuyện nàng Kiều", “Cô hàng hoa gánh mùa thu qua cổng chợ”, rồi “người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố”…
Cũng có thể là sự vật của Hà Nội đang chuyển mình như “Năm cửa ô, năm cửa gió”, những giọt sương nhòe bóng điện của Hồ Gươm, con đường Cổ Ngư thay tên gọi khác hay đơn giản chỉ là chiếc lá bàng đầu tiên nhuộm đỏ….
Ta còn em một con tàu giã biệt bến song
Mảnh trăng vỡ tiễn người bỏ xứ
Dãy phố buồn nghìn năm mắt nhớ
Ôi, tâm trạng ngày xưa ấy của Phan Vũ rất giống tâm trạng của hàng triệu người phải bỏ đất nước ra đi sau năm 1975.
Đã đến lúc chúng ta phải tìm lại, phải giành lại những gì đã mất.
Cảm ơn Huy, một vị thính giả trẻ tuổi ở Sài Gòn đã gửi cho Bích Huyền tài liệu để thực hiện chương trình này. Và Bích Huyền ước mong vẫn tiếp tục nhận được những đóng góp quý báu của các bạn trẻ trong nước.
Mời quý vị bấm vào đường dẫn bên phải để nghe chương trình này.
NGHE : Bài thơ tìm lại
http://www1.voanews.com/vietnamese/news/arts/Music-Poetry-Bai-Tho-Tim-Lai-02-05-10-83644692.html
No comments:
Post a Comment