Thursday, February 4, 2010

Đọc VÕ PHIẾN, NGHĨ VỀ TUỔI THỌ của GIỚI CẦM BÚT

Đọc Võ Phiến, nghĩ về tuổi thọ của giới cầm bút
Nguyễn Hưng Quốc
Thứ Năm, 04 tháng 2 2010
http://www1.voanews.com/vietnamese/news/literary/vo-phien-02-04-2010-83559557.html
Cuốn “Cuối cùng”, tác phẩm mới nhất của nhà văn Võ Phiến, được xuất bản vào cuối năm 2009 và được phát hành vào đầu năm 2010, lúc tác giả được 85 tuổi.

Vâng, 85. Lớn hơn cái mốc “cổ lai hy” mà người xưa thường nói đến 15 tuổi.

Nói đến tuổi của Võ Phiến, tôi bỗng đâm tò mò về tuổi thọ của giới cầm bút Việt Nam. May, trong bài “Nhân đọc ‘Từ điển Văn học Việt Nam’: Vài phân tích thống kê”, giáo sư Nguyễn Văn Tuấn có viết về vấn đề này với những số liệu khá cụ thể:

“Trong số 188 tác gia có thể xác định được năm sinh và năm qua đời, tuổi thọ trung bình của 188 tác gia này là 62 tuổi. Khoảng 25% (trong số 188) tác gia có tuổi thọ dưới 50 tuổi, và 25% tác gia thọ trên 72 tuổi. Người có tuổi thọ ngắn nhất là Ngô Thì Ức, sinh năm 1709 và mất năm 1736, tức chỉ thọ 27 tuổi. Hai
người có tuổi thọ cao nhất là Ngô Sĩ Liên và Huỳnh Quỳ. Ngô Sĩ Liên, tác giả bộ Ðại Việt sử ký toàn thư, sống vào thế kỷ 15, không rõ năm sinh và năm mất, tuy nhiên các sử liệu cũ đều ghi là ông thọ 98 tuổi (tr. 85). Huỳnh Quỳ, còn có danh hiệu là Tú Quỳ, là một nhà thơ sống vào đời vua Minh Mệnh, quê quán ở Quảng Nam, nhưng tổ tiên di cư từ Hà Tĩnh. Ông sinh năm 1828 và mất năm 1926, thọ 98 tuổi, là tác gia của khoảng 300 đơn vị tác phẩm, gồm những bài văn tế và phú, và thơ vịnh thuộc loại trào lộng.
Ðiều tương đối thú vị là những tác gia nguyên quán ở Nghệ An, Huế, và Nam Ðịnh có tuổi thọ trung bình ngắn hơn (khoảng 56-59 tuổi) những đồng nghiệp của họ thuộc các vùng khác của đất nước như Hà Nội (63 tuổi), Bắc Ninh (64), Hưng Yên (63), và Thanh Hoá (64).”

Ngoài Ngô Thì Ức, trong văn học Việt Nam (http://tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=36),
có khá nhiều thiên tài mệnh yểu. Nhiều nhất là trong thế kỷ 20. Trong số đó, nổi tiếng nhất là: Bích Khê (1916-46), 30 tuổi; Hàn Mặc Tử (1912-40), 28 tuổi; Trần Đăng (1921-49), 28 tuổi; Quách Thoại (1929-57), 28 tuổi; Vũ Trọng Phụng (1912-39), 27 tuổi; Y Uyên (1943-69), 26 tuổi; và Nguyễn Nhược Pháp (1914-38), 24 tuổi. Kém tài hơn nhưng cũng có một, hai tác phẩm được truyền tụng, có Phạm Tất Đắc (1910-35), 25 tuổi; Trần Mai Ninh (1917-47), 30 tuổi; Hoàng Lộc (1920-49), 29 tuổi; Hồng Nguyên (1924-54), 30 tuổi; và Lê Anh Xuân (1940-68), 28 tuổi.

Nhiều, nhưng rõ ràng là không quá nhiều để chúng ta phải nói đến cái mà người xưa tin như là quy luật: thiên tài hay quốc sắc thì thường… yểu mệnh (“Giai nhân tự cổ như danh tướng / Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”). Trong văn học, những người có tài hoa cao ngất sống lâu không ít. Sống đến mức được gọi là thượng thọ cũng không ít.

Đúng hơn: ngày xưa thì ít. Dò tìm trong cuốn Từ điển Văn Học (bộ mới) do nhà xuất bản Thế giới ấn hành năm 2004, tôi thấy, từ cuối thế kỷ 19 trở về trước, số người thọ trên 80 chỉ có bốn người: ngoài hai người, Ngô Sĩ Liên và Huỳnh Quỳ mà Nguyễn Văn Tuấn đã nêu, chỉ có hai người nữa: Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), 94 tuổi, và Nguyễn Bá Lân (1701-1785), 84 tuổi. Có thể đó không phải là tất cả.

Ngày xưa vấn đề hộ tịch thường sơ sài; sử sách lại càng sơ sài; do đó, không có gì lạ khi năm sinh năm mất của nhiều người hoàn toàn mù mịt. Nhưng, dù vậy, số người thọ hơn 80 chắc cũng không nhiều hơn bao nhiêu. Nếu gấp đôi con số ấy thì cũng không thể gọi là nhiều.

Trong thế kỷ 20, số lượng văn nghệ sĩ thọ trên 80 tăng vọt. Thọ nhất là dịch giả kiêm nhà Hán Nôm học Giản Chi (1904-2005): 101 tuổi! Kế tiếp là học giả Nguyễn Khắc Kham (1908-2007), và Cung Giũ Nguyên (1909-2008), nhà tiểu thuyết viết văn bằng tiếng Pháp: cả hai đều thọ 99 tuổi; nhà thơ Khương Hữu Dụng (1907-2005), 98 tuổi; nhà văn Thanh Châu, tác giả truyện ngắn “Hoa ti-gôn” gắn liền với huyền thoại một người làm thơ ký tên T.T.Kh., 95 tuổi (1912-2007); Toan Ánh (1915-2009): 94; Mộng Tuyết và (bà) Tùng Long: 93; Vương Hồng Sển: 92; Nguyễn Duy Cần và Đoàn Văn Cừ: 91; Nguyễn Đăng Thục và Bùi Hiển: 90; Nguyễn Mạnh Tường, Trần Tuấn Khải và Tế Hanh: 88; Kim Lân: 87; Huy Cận, Trương Tửu, Nguyễn Văn Xuân, Ngân Giang, Lê Đình Kỵ, Bàng Bá Lân và Ngọc Giao: 86; Trinh Đường: 85; Đào Duy Anh và Anh Thơ: 84; Vũ Đình Liên và Tam Lang: 83; Đặng Thai Mai, Thế Lữ, Sơn Nam và Yến Lan: 82; Phạm Hổ, Hữu Mai, Nguyễn Duy Cần và Nguyễn Văn Bổng: 80. Một số người khác qua đời trước khi kịp bước sang tuổi 80, gồm: Nguyễn Đổng Chi (1915-1984), Lưu Trọng Lư (1912-1991), Nguyễn Đình Thi (1924-2003) và Lê Đạt (1929-2008).

Tổng cộng, tính từ đầu thế kỷ 20 đến nay, có ít nhất trên 50 trong số các cây bút nổi tiếng thọ trên 80 tuổi.

Hiện nay, cũng trong số các cây bút nổi tiếng hoặc khá nổi tiếng, có khoảng 100 người vẫn còn sống. Trong số đó, người cao niên nhất có lẽ là Lãng Nhân Phùng Tất Đắc (sinh năm 1907), kế theo là Trần Văn Giàu (sinh năm 1911) và Hữu Loan (sinh năm 1916). Sinh trong thập niên từ 1920 đến 1930 còn lại khá nhiều. Trong nước thì có Tô Hoài, Hoàng Cầm, Vũ Cao, Vũ Tú Nam, Vũ Khiêu, Chính Hữu, Giang Nam, Nguyễn Xuân Sanh, Vũ Hạnh, Võ Hồng, Phạm Tường Hạnh, Ngô Ngọc Bội, v.v... Ngoài nước thì có Nguyễn Thị Vinh, Linh Bảo, Minh Đức Hoài Trinh, Mặc Đỗ, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Văn Trung, v.v...

Và Võ Phiến.

Có điều, trong số những cây bút sinh từ năm 1930 về trước hiện còn sống, số người còn tiếp tục viết lách không nhiều. Ở trong nước, còn được dăm bảy người: Tô Hoài, Hoàng Ngọc Hiến, Hoàng Minh Châu, v.v... Ở ngoài nước, không chừng chỉ có một mình Võ Phiến.

Bởi vậy, với cuốn “Cuối cùng” vừa được xuất bản, Võ Phiến có đến ba điều đáng mừng: một trong những cây bút thọ nhất của Việt Nam; một trong vài tác giả lớn tuổi nhất có sách được xuất bản (lúc 84 tuổi); và một trong vài tác giả cao niên hiện vẫn còn ít nhiều viết được.

Sực nhớ, Robert Frost, Tennyson, Thomas Hardy và Walter Savage Landor vẫn làm thơ nhiều và hay khi đã ngoài 80; Sommerset Maugham (1874-1965) viết cuốn “Points of View” vào năm 84 tuổi; xuất bản cuốn hồi ký “Looking back” vào năm 88 tuổi; George Bernard Shaw (1856-1950) thì viết “Farfetched Fables” vào năm 93 tuổi. Ở Việt Nam, Tô Hoài, lớn hơn Võ Phiến 5 tuổi, gần đây vẫn còn viết sách và
in sách.

Nên hy vọng “Cuối cùng” chưa phải là tác phẩm cuối cùng của Võ Phiến.

-------------------

Ghi chú:
Buổi ra mắt cuốn “Cuối cùng” của Võ Phiến sẽ được tổ chức tại hội trường nhật báo Việt Herald, 14861 Moran Street, Westminster, California 92683, USA; (714) 897-7379 vào lúc 3 giờ chiều thứ Bảy, 6-2-2010. Bạn nào ở gần, xin mời đến dự. Nếu không đến dự được, bạn đọc cũng có thể đặt mua sách ở toà soạn báo Việt Herald theo địa chỉ ở trên.


No comments: