Monday, February 1, 2010

ĐỌC TÁC PHẨM "CUỐI CÙNG" của VÕ PHIẾN

Ðọc tác phẩm cuối cùng của Võ Phiến
Nguyễn Hưng Quốc

Thứ Hai, 01 tháng 2 2010
http://www1.voanews.com/vietnamese/blogs/quoc/vo-phien-02012010-83279497.html

Tác phẩm mới nhất của Võ Phiến, vừa được Thế Kỷ 21 xuất bản tại California, có nhan đề là “Cuối cùng”.

Tại sao lại là “Cuối cùng”? Cuốn sách bao gồm bốn bài thơ và 15 bài tạp văn hay tuỳ bút: không có bài nào có nhan đề là “Cuối cùng” cả. Chủ đề của cuốn sách tập trung chủ yếu vào hai khía cạnh chính: sự sống và viết lách, không có gì dính líu đến ý niệm cuối cùng. Tôi đoán, đặt tên sách như vậy, Võ Phiến chỉ muốn xem đó là tác phẩm kết thúc sự nghiệp văn học kéo dài hơn nửa thế kỷ của ông mà thôi.

Một ý nghĩ bi quan như vậy, từ một người cầm bút đã ngoài 80 như Võ Phiến, kể cũng là điều dễ hiểu. Huống gì Võ Phiến lại vốn nổi tiếng là bi quan. Lớn tuổi, sau hai lần bị mổ tim, ông lại càng bi quan hơn nữa. Ở dưới bài thơ “Cũng hợp”, được sáng tác vào năm 1996, trong đó có hai câu “Vừa lúc ấy chuyến xe đời đang nhẹ lướt / Bỗng leng keng chuông báo cuối đường”, Võ Phiến ghi “Chép tặng những người ở lại”. Tức là, ngay từ lúc ấy, cách đây 14 năm, Võ Phiến đã nghĩ đến chuyện ra đi vĩnh viễn. Về sau, dường như ông càng nghĩ đến nó nhiều hơn.
Trong bài “Cái sống hững hờ”, ông thú nhận:
“Bản thân tôi trước đây có lần phải vào bệnh viện chịu mổ xẻ, tôi ngậm ngùi viết những lá thư gửi lại bạn bè, nhờ một văn hữu thân tình trao giúp cho, sau khi mình… ra đi. Hoá ra rồi sau cuộc giải phẫu tôi tiếp tục sống nhăn. Sống và ngượng ngập vu vơ.
Năm tháng trôi qua. Quá bát tuần, tôi lén lút hướng một chút tưởng tượng về cái kết thúc của đời mình. Chắc là gần thôi. Liếc mắt phớt qua tí ti, sợ gì? Liếc qua xong rồi liếc lại, tôi ngạc nhiên không nhận thấy một xúc động bất thường nào xảy ra cả. Cuộc sống đang tiếp diễn vẫn tiếp diễn đều đều.” (tr. 182)

Có thể xem tất cả các bài viết in trong tập “Cuối cùng” này – được sáng tác từ năm 1996 về sau, chủ yếu là trong bốn năm, từ 2004 đến 2007 – là những nghĩ ngợi bâng quơ nảy sinh trong những lúc Võ Phiến liếc mắt về cái điểm kết thúc ấy. Theo tôi, chính cái ám ảnh về điểm kết thúc ấy là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, tạo nên sự thống nhất cho một cuốn sách vốn được hình thành như một sự tập hợp của những bài viết được hoàn tất có lẽ một cách ngẫu nhiên trong chuỗi thời gian khá dài. Sợi chỉ đỏ ấy chính là ước muốn kiểm điểm lại cuộc đời và công việc viết lách của chính mình. Để “kiểm điểm”, có khi Võ Phiến ngước nhìn; có khi ông cúi nhìn. Chữ “cúi nhìn” là chữ của Võ Phiến: “Bây giờ, gần cuối đời, nếu còn lích kích bước, thì phải là vừa đi vừa cúi nhìn. Tức thị là cái đi… thẫn thờ.” (tr. 114).

Võ Phiến không cúi nhìn sự nghiệp mà ông đạt được. Không. Có lúc, ông tự đặt câu hỏi:
“Mình viết lách từ hồi nào? Được bao lâu rồi nhỉ? Mằn mò nghĩ ngợi cho ra, e khó. Tí toáy tập tành, viết lèm nhèm, thì làm sao nhớ được từ năm tháng nào. Viết được ra trò, được cái đáng kể, thì biết cái nào là cái đáng kể mà ấn định lúc bắt đầu? Vậy hãy phỏng chừng từ độ tuổi đôi mươi đến giờ: Sáu mươi năm. Trong chừng ấy thời gian, được gì nào?”

Hỏi. Hỏi bâng quơ, vậy thôi. Chứ Võ Phiến không hề làm cái công việc mà nhiều người, ở lứa tuổi của ông, rất thích làm: liệt kê, thậm chí, tự biểu dương thành tựu. Không, Võ Phiến chỉ “cúi nhìn” vào công việc viết lách, hay, rộng hơn, vào ý nghĩa của văn học, niềm đam mê mà ông theo đuổi gần như trọn cuộc đời.

Khi “cúi nhìn” như thế, Võ Phiến có một số phát hiện thật tinh tế. Chẳng hạn, về bản chất của ngôn ngữ: “Đối với vạn vật mọi giống, người tha hồ tiếp xúc, nhưng giữa người với người, mỗi giống bị cầm giữ trong một cái ngục cô liêu của ngôn ngữ” (tr. 152). Văn học là nghệ thuật của ngôn ngữ. Mỗi ngôn ngữ là một cái ngục. Ngôn ngữ nhỏ như tiếng Việt lại càng là một cái ngục, một cái ngục hết sức “cô liêu” vì khuất cách với thế giới bên ngoài. Mà ngay ở những ngôn ngữ lớn hơn, nhiều người biết hơn, người viết cũng không thoát được sự cô liêu. Người ta có thể xem tranh hay nghe nhạc tập thể, ở đó, hoạ sĩ và nhạc sĩ, nhất là nhạc sĩ, có thể tận mắt nhìn thấy sự ngây ngất của giới thưởng ngoạn. Còn văn học? Đọc, bao giờ người ta cũng đọc một mình, một cách thầm lặng, ngoài tầm nhìn của tác giả. Do đó, tác giả bao giờ cũng cô đơn. Chính vì vậy, Võ Phiến tự hỏi: “Cầm bút là cầm cái bất hạnh?” (tr. 152).

Hỏi thế, thật ra, cũng là một cách trả lời.

May, trong “cái ngục cô liêu” ấy, giới cầm bút cũng hưởng được một số ấm áp, nảy sinh từ quan hệ đặc biệt giữa tác giả và độc giả. Chứ không “đặc biệt” thì là gì? Trong tiếng Việt, ai cũng biết chữ “bạn đọc”. Võ Phiến đặt thành vấn đề một cách thú vị: Người ta chỉ nói “bạn đọc” (đối với văn học), chứ không ai nói “bạn xem” (đối với ngành mỹ thuật) hay “bạn nghe” (đối với ngành âm nhạc).
Rồi ông nhận xét:
“Nghề văn hay nghề viết quả kỳ cục. Cổ lai nghề đâu có nghề chỉ nhằm vào một loại khách hàng duy nhất là ‘bạn’. Phải chăng vì vậy mà nghề ấy lắm khi được gọi tránh ra là cái ‘nghiệp’?” (tr. 154).

Nếu “cúi nhìn” văn học, Võ Phiến vừa bi quan vừa lạc quan, khi “ngước nhìn” vào tương lai, hình như ông chỉ thấy toàn đe doạ. Đe doạ lớn nhất là cái chết. Không phải cái chết của một người mà là cái chết của toàn nhân loại. Võ Phiến viết: “Vận mệnh loài người, lúc này, đáng lo quá.” (tr. 46). Đáng lo vì chưa bao giờ các loại bom có sức huỷ diệt hàng loạt lại nhiều như lúc này; chưa bao giờ các xung đột giữa các tập thể lại sâu sắc và dữ dội như lúc này; chưa bao giờ “giữa người với người cái ý muốn giết nhau mãnh liệt như lúc này” (tr. 101).

Nếu nhân loại không bị huỷ diệt thì sự sống cũng sẽ đổi thay với tốc độ cực kỳ nhanh chóng. Bản thân những sự thay đổi ấy cũng là những sự đe doạ đối với giới cầm bút:
“Đời sống tiến tới, biến cải. Sự đào thải cái cũ, xưa chậm nay nhanh. Kỹ thuật truyền thông tiến mạnh, cách viết cách xem văn thơ, cách thưởng thức mọi thể loại nghệ thuật đổi khác vùn vụt, quan niệm thẩm mỹ nhảy từng bước dài. Những cái mình đang hè hụi thực hiện lúc này, chúng nó sẽ chịu sự đối xử kiểu nào mai sau? ‘Mai sau’ không phải là vài ba thế kỷ tới, e cũng không phải một thế kỷ tới đâu. Ngắn ngủi hơn thế nhiều: “Bất tri tam ‘thập’ dư niên hậu.” (tr. 81-2).

Có điều, mặc dù bi quan như thế, Võ Phiến vẫn không hoảng hốt và lo sợ. Ông viết: “Chỉ mong những bước chân đến ngôi mộ của chính mình sẽ là những bước thong thả, hững hờ.”

Trong cuộc sống, có thể ông “thong thả” và “hững hờ”, nhưng trong văn chương, hình như ông vẫn còn nồng nàn lắm. Giọng văn của ông vẫn tinh tế, sắc sảo và dí dỏm. Nếu, so với trước, sự sắc sảo và dí dỏm có phần sút giảm chút ít thì sự tinh tế trong cách nhìn và cả trong cách đọc nữa, chừng như vẫn còn nguyên vẹn.

Sự tinh tế ấy làm cho “Cuối cùng” vẫn là một tác phẩm hay.

Hay như hầu hết những gì Võ Phiến đã viết.


Ghi chú:
Buổi ra mắt cuốn “Cuối cùng” của Võ Phiến sẽ được tổ chức tại hội trường nhật báo Việt Herald, 14861 Moran Street, Westminster, California 92683, USA; (714) 897-7379 vào lúc 3 giờ chiều thứ Bảy, 6-2-2010.

Bạn nào ở gần, xin mời đến dự. Nếu không đến dự được, bạn đọc cũng có thể đặt mua sách ở toà soạn báo Việt Herald theo địa chỉ ở trên.

Nguyễn Hưng Quốc blog



No comments: