Saturday, February 6, 2010

NHÀ NƯỚC CSVN CHỐNG VĂN HOÁ PHẨM của NGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠI

Nhà nước CSVN chống văn hoá phẩm của người Việt hải ngoại
Bách Lam/Viễn Đông
Cập nhật lúc 9:16:20 PM - 29/01/2010
http://viendongdaily.com/Contents.aspx?contentid=7457&item=89

WASHINGTON – Từ khi Việt Nam vào Tổ Chức Mậu Dịch Quốc Tế WTO năm 2004, CSVN vẫn chưa tôn trọng và thi hành đúng mức những quy định quốc tế, và điều này gây ra những tổn thất trực tiếp đối với cộng đồng người Việt Nam tị nạn tại Hoa Kỳ cũng như các nơi khác trên thế giới. Các vị dân cử và các tổ chức đã liên tục lên tiếng đòi hỏi cho quyền lợi của người Việt tị nạn, nhất là qua việc đưa văn hóa phẩm của CSVN vào Hoa Kỳ, trong khi tiếp tục dựng lên những rào cản để không cho văn hóa phẩm của người Việt tị nạn được vào Việt Nam. Và thành quả đạt được tuy “có khả quan, nhưng rất chậm”, theo đánh giá của Giáo sư Nguyễn Quốc Khải, một người theo dõi sát quá trình gia nhập WTO của Việt Nam.

Hôm qua, thứ Sáu, ngày 29-1-2010, một phái đoàn gồm có Dân biểu Tiểu bang Trần Thái Văn, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng (Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển, BPSOS), Luật sư Shandon Phan Quốc Cường (Phòng Thương Mại Người Việt Toàn Quốc Tại Hoa Kỳ, VietAmCham), và Giáo sư Nguyễn Quốc Khải (Ủy Ban Hoa Kỳ Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam) đã đến văn phòng Đại Diện Mậu Dịch Hoa Kỳ tại Washington để nêu lên một số ý kiến đúc kết từ những mối quan tâm chung về quan hệ mậu dịch giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Tiếp phái đoàn có ông David Bisbee, Phó Phụ Tá cho Đại Diện Mậu Dịch Hoa Kỳ và bà Zeenat Syed, một nhân viên thuộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.

Sau buổi họp kéo dài một tiếng rưỡi đồng hồ, DB Văn, TS Thắng, và GS Khải đã nói chuyện qua điện thoại với Viễn Đông về một số chi tiết trong buổi họp, trong đó có vấn đề văn hóa phẩm của người Việt tị nạn. Gần đây việc sang băng lậu trở thành một đề tài bàn tán sôi nổi ở Little Saigon khi Giám đốc Trung tâm Thúy Nga, ông Tô Văn Lai, loan tin có thể phải ngưng sản xuất băng Paris By Night vào cuối năm nay vì công ty thua lỗ nặng, một phần do tình trạng sang băng bất hợp pháp tràn lan. Ông Bisbee, văn phòng Đại Diện Mậu Dịch Hoa Kỳ, cũng nhắc tới trường hợp của Trung tâm Thúy Nga vài lần trong buổi thảo luận, theo lời DB Văn.

Tại Việt Nam, sản phẩm của các trung tâm băng nhạc như Thúy Nga, Asia đều bị sang lậu mặc dù CSVN
không cho phát hành những băng dĩa này một cách chính thức. Điều này, theo TS Thắng, cho thấy “một mặt, Việt Nam không tuân thủ luật pháp quốc tế, không cho các sản phẩm văn hóa của người Việt hải ngoại được tự do vào trong nước mà phải qua hệ thống kiểm duyệt, mặc dù đã ký kết quan hệ mậu dịch; mặt khác, băng lậu của các trung tâm được bán đầy đường, mà Việt Nam không cấm, không kiểm soát chặt chẽ”.

Qua lời DB Văn thuật lại, phía Đại Diện Mậu Dịch Hoa Kỳ cho biết họ sẽ nêu lên những vấn đề này với CSVN. Ông Bisbee đặc trách khu vực Đông Nam Á và nói chuyện với đại diện phía Việt Nam rất thường xuyên.

Tuy nhiên, để cho phía Hoa Kỳ có những chứng cớ cụ thể, DB Văn cũng như TS Thắng kêu gọi những cá nhân hay tổ chức có những trường hợp đã gặp phải, cung cấp tài liệu và hồ sơ cho Đại Diện Mậu Dịch Hoa Kỳ, có thể qua văn phòng DB Văn hoặc BPSOS của TS Thắng. Thí dụ, một thi sĩ hay nhạc sĩ muốn in ấn, phát hành tác phẩm của mình tại Việt Nam nhưng không qua được kiểm duyệt, cũng có thể đưa trường hợp của mình lên cho văn phòng Đại Diện Mậu Dịch Hoa Kỳ.

Một trong những nhiệm vụ của văn phòng này là đại diện cho các cá nhân hay thương gia trong quan hệ
thương mại với ngoại quốc, nên họ có thể giúp đại diện cho cộng đồng tị nạn Việt Nam nói chuyện với CSVN về những vấn đề liên quan đến tác quyền hay quyền lợi kinh doanh.

Một khi Hoa Kỳ nêu lên vấn đề cán cân mậu dịch mất cân bằng, qua những văn hóa phẩm Việt Nam tràn vào Hoa Kỳ một chiều, mà CSVN không giải quyết thỏa đáng, theo DB Văn, thì Đại Diện Mậu Dịch Hoa Kỳ sẽ đứng ra kiện CSVN với WTO, như trường hợp đã xảy ra với Trung Cộng, dùng những trường hợp cụ thể của người Việt Nam tị nạn.

GS Khải nói rằng CSVN dùng đủ mọi biện pháp để ngăn không cho nhập cảng sách báo vào Việt Nam, nhưng dưới sức ép của cộng đồng quốc tế, CSVN cũng phải nhượng bộ đôi chút, dù vẫn tìm nhiều cách
khác nhau như kiểm duyệt, chỉ cho phép nhập cảng qua hệ thống quốc doanh, v.v.. Cho nên, theo GS Khải, Hoa Kỳ phải luôn nêu lên những mối quan tâm của mình. Ngoài ra, GS Khải nói với Viễn Đông, trong cuộc họp, ông cũng nhắc nhở phía Hoa Kỳ rằng CSVN có thể sửa luật cho hợp với những điều kiện pháp luật của quốc tế, nhưng sau đó không thi hành thì cũng không đem lại được kết quả khả quan.

Buổi gặp gỡ với Đại Diện Mậu Dịch Hoa Kỳ hôm thứ Sáu là do DB Trần Thái Văn yêu cầu. Nội dung buổi họp, theo DB Văn cho Viễn Đông biết, gồm có “các đề tài băng dĩa lậu, vi phạm tác quyền, những khó
khăn trong việc giữ cán cân trao đổi văn hóa không thiên lệch mà phần lợi về phía Việt Nam, hệ thống kiểm duyệt, nạn buôn người dưới hình thức lao động, và việc thi hành các án lệnh của tòa như việc CSVN phải bồi thường cho các nạn nhân buôn người ở Samoa 3,2 triệu Mỹ kim”.

Ngày 25-1-2010, Dân Biểu Liên Bang Cao Quang Ánh gửi thư cho ông Ron Kirk, Đại Diện Mậu Dịch của Hoa Kỳ, nhấn mạnh nguyên tắc mậu dịch công bằng trong lãnh vực văn hóa phẩm.

Theo Đạo Luật Lưỡng Đảng về Thẩm Quyền Phát Huy Mậu Dịch (Bipartisan Trade Promotion Authority Act) được Quốc Hội thông qua năm 2002, ngành hành pháp Hoa Kỳ phải thông báo cho Quốc Hội ít nhất 90 ngày trước khi xúc tiến việc thương thảo về mậu dịch với các quốc gia khác. Văn phòng Tổng thống Obama đã hoàn tất thủ tục hội ý với Quốc Hội vào cuối năm 2009, chuẩn bị cho cuộc thương thảo về Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 8 quốc gia: Úc, Brunei, Darussalam, Chile, Tân Tây Lan, Peru, Singapore và Việt Nam. Sau đó, bên hành pháp đã thông báo việc này trên Công Báo Liên Bang để lấy ý kiến từ những thành phần quan tâm, hạn chót là ngày 25-1 vừa qua.



No comments: