Monday, February 1, 2010

NGƯỜI TRUNG QUỐC nói gì về "MÔ HÌNH TRUNG QUỐC"

Người Trung Quốc nói gì về “Mô hình Trung Quốc”?
Cập nhật 16:12 ngày 01-02-2010
http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=45&sub=135&article=167206
NDĐT - Ngày 21 tháng 1 năm nay Cục Thống kê nhà nước Trung Quốc công bố GDP năm 2009 của nước này tăng 8,7% so với năm 2008, đạt 33.535,3 tỷ Nhân Dân Tệ.
Tính theo tỷ giá hối đoái 1 Nhân Dân Tệ = 0,1466 USD thì con số ấy tương đương 4916,275 tỷ USD.
Cục trưởng Cục Thống kê Trung Quốc nói: “Dù GDP Trung Quốc xếp thứ mấy trên thế giới đi nữa nhưng GDP bình quân đầu người vẫn xếp thứ hạng sau 100. Tình hình cơ bản của Trung Quốc vẫn là người đông, vốn mỏng, tương đối thiếu tài nguyên, lắm người nghèo.”
Theo số liệu của IMF, 10 nước lớn kinh tế năm 2008 là Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Đức, Pháp, Anh, Ý, Nga, Tây Ban Nha và Brazil. Ngành thống kê Trung Quốc cho biết: vì gần đây đồng Yen Nhật tăng giá so với USD, cho nên kinh tế Trung Quốc năm 2009 chưa vượt Nhật nhưng năm 2010 (vượt Nhật) thì “không có vấn đề.”

Một công ty tư vấn Pháp dự kiến sớm nhất tới năm 2020 kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ, năm 2030 vượt xa Mỹ; khi ấy 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ là Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật, Brazil, Nga, Đức, Mexico, Pháp và Anh; tỷ lệ của các nước trong GDP toàn cầu là: Mỹ 16%, EU 15%, Trung Quốc 19%, Ấn Độ 9%.
Hôm 24/1 Jim O’Neill chuyên viên trưởng kinh tế của Goldman Sachs Group Inc. nói trong năm nay Trung Quốc có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sớm 1 năm so với dự kiến trước đây. Ông nói: với tốc độ tăng trưởng 8,3%, tới năm 2020 quy mô kinh tế Trung Quốc sẽ gấp 3 hiện nay.
Rõ ràng sự trỗi dậy mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc đã trở thành hiện thực trước mắt toàn thế giới. Tạp chí Forbes (Mỹ) số ra ngày 15-12-2009 viết “Trung Quốc đã là siêu cường”

Dư luận quốc tế bắt đầu bàn luận ồn ào về Mô hình kinh tế Trung Quốc. Các nước đang phát triển mong muốn từ mô hình đó tìm được con đường phát triển của mình; các nước giàu cũng muốn tham khảo các kinh nghiệm bổ ích của Trung Quốc để giúp cho sự phục hồi kinh tế của họ.
Mới đây Joshua Cooper Ramo đăng trên cơ quan ngôn luận của một nhóm chuyên gia cố vấn nổi tiếng Anh Quốc là Trung tâm chính sách ngoại giao Luân Đôn bài viết có tên Nhận thức chung Bắc Kinh (The Beijing Consensus), tuyên truyền rùm beng về cái gọi là Mô hình Trung Quốc, cho rằng trong cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua mô hình này đã “cứu thế giới” ra khỏi cơn suy thoái kinh tế. Thậm chí báo Anh The Guardian còn gọi năm 2008 là Năm mô hình Trung Quốc.
Nhà chính trị học nổi tiếng Francis Fukuyama, tác giả cuốn Hồi kết của lịch sử (
The End of History and the Last Man, 1992) – trong đó ông từng quả quyết “Mô hình Mỹ ưu việt hơn bất cứ mô hình nào khác” – nhưng năm 2009 khi trả lời phỏng vấn của nhà báo Nhật lại nói: “Trong gần 30 năm nay sự phát triển nhanh chóng kỳ lạ của kinh tế Trung Quốc đã thể hiện tính hữu hiệu của Mô hình Trung Quốc, nhìn chung người ta cho rằng Trung Quốc có khả năng tiếp tục tăng trưởng 30 năm nữa. Hiện thực khách quan chứng tỏ dân chủ tự do của phương Tây không phải là hồi kết của lịch sử tiến hoá của nhân loại. Cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, cái gọi là thuyết Hồi kết của lịch sử cần được cân nhắc lại và hoàn thiện thêm. Kho tàng tư tưởng của nhân loại cần dành một chỗ cho truyền thống của Trung Quốc.”
Báo Washington Post ngày 14-11-2009 cũng đăng bài với đầu đề Người Trung Quốc đang thay đổi chúng ta.

Tóm lại dường như các nước phương Tây tràn đầy niềm hy vọng đối với Trung Quốc. Có điều niềm hy vọng ấy không đơn giản chút nào.

Dư luận Trung Quốc cũng rất phấn khởi đưa tin thế giới xôn xao ca ngợi mô hình phát triển kinh tế của nước họ. Tuy vậy, theo Quảng Châu nhật báo, nhiều người đã nhanh chóng nhận ra động cơ sâu xa tại sao phương Tây lại làm rùm beng vấn đề Mô hình kinh tế Trung Quốc – đó là họ muốn Trung Quốc phải gánh vác trách nhiệm vượt quá năng lực của mình. Nói trắng ra, cách phương Tây tâng bốc “Mô hình Trung Quốc” chẳng qua là để làm hại Trung Quốc mà thôi – tờ Quảng Châu nhật báo viết.

Tổng thống Obama từng nói trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2009: “Mỹ không theo đuổi việc kiềm chế Trung Quốc, ngược lại, Trung Quốc lớn mạnh phồn vinh có thể trở thành một lực lượng của cộng đồng quốc tế.” Có thể từ câu nói này suy ra ông Obama yêu cầu Trung Quốc cần có đóng góp tương xứng với vai trò một lực lượng của cộng đồng quốc tế.

Đồng thời báo chí phương Tây bắt đầu bàn tán ầm ỹ cái gọi là mô hình “G2”, tức liên kết kinh tế My-Trung Quốc, cho rằng thế giới đã tiến sang thời đại “Trung Quốc-Mỹ cùng thống trị toàn cầu”. Theo lô-gic của họ, một khi Trung Quốc đã ngang hàng với Mỹ thì nước này nên gánh vác nhiều ‘trách nhiệm” hơn đối với thế giới.
Thí dụ khái niệm G2 được nêu lên tại 2 cuộc họp G20 trong năm 2009, sau đó lại được tiếp tục đề cập tới trong hội nghị thượng đỉnh khí hậu Copenhagen. Có người nói Mỹ và Trung Quốc chiếm 40% lượng khí thải gây nên hiệu ứng nhà kính toàn cầu, nếu hai nước này không có cam kết cụ thể thì hội nghị Copenhagen rất khó đạt được bất cứ thoả thuận nào. Nghĩa là phương Tây muốn trên vấn đề biến đổi khí hậu, Trung Quốc phải cùng gánh vác trách nhiệm như Mỹ. Người Trung Quốc cho rằng, đòi hỏi như vậy là không hợp lý, vì họ đã không xét tới việc Trung Quốc chỉ là nước đang phát triển, khác với Mỹ là nước đã phát triển; một nước đang phát triển đang mở mang kinh tế thì dĩ nhiên cần thải khí nhiều hơn.

Báo Nhật Mainichi ngày 3-8-2009 có bài viết dưới đầu đề “Kế tâng bốc để diệt Trung Quốc”. Bài báo viết: Chủ tịch Uỷ ban Kinh tế Mỹ (National Economic Council) Lawrence Summers mới đây nói: “Mỹ không còn là đầu tàu kinh tế thế giới nữa”, ngụ ý nhường vai trò đó cho Trung Quốc, nhưng đây chỉ là kế sách tạm thời của Mỹ nhằm để tâng bốc mà làm hại Trung Quốc. 20 năm trước Mỹ cũng dùng cách tâng bốc Nhật là Số Một thế giới để hại Nhật, kết quả chỉ sau vài năm kinh tế bong bóng của Nhật tan vỡ, rơi vào tình trạng trì trệ lâu dài.

Một chuyên gia tại Brookings Institution phân tích phương Tây muốn Trung Quốc gánh vác “trách nhiệm quốc tế” trên 3 mặt: Thứ nhất, trách nhiệm về kinh tế và vật chất; họ nói Trung Quốc nay giàu rồi nên góp công góp của cho các vấn đề quốc tế. Thí dụ Ngân hàng Thế giới WB nói Trung Quốc đã không còn là nước cần được quốc tế cho vay nữa. Thứ hai, trách nhiệm mở cửa thị trường tài chính, Trung Quốc cần bãi bỏ sự kiểm soát thị trường này để các công ty nước ngoài tham gia thị trường tài chính Trung Quốc, một thí dụ là phương Tây ép Trung Quốc nâng giá đồng Nhân Dân Tệ. Thứ ba, trách nhiệm về đạo nghĩa, Trung Quốc cần tăng đóng góp tài chính cho cộng đồng quốc tế, cho các tổ chức quốc tế.

Quảng Châu Nhật báo cho rằng tình hình Trung Quốc hiện nay rất giống Nhật trước đây. Sau 2 thập niên tăng trưởng cao, nửa cuối thập niên 80, kinh tế Nhật tiến vào thời kỳ phồn vinh chưa từng thấy. Năm 1985 Nhật trở thành nước chủ nợ lớn nhất thế giới, còn nước Mỹ sau 70 năm là chủ nợ nay lại là con nợ. Ngày ấy dư luận phương Tây bàn tán om xòm về Huyền thoại Nhật Bản. Năm 1979 cuốn Nhật Bản là Số Một (Japan As No. 1) của Ezrra Vogel xuất bản làm chấn động dư luận thế giới. Trong cuốn Thuật luyện đan tài chính (The Alchemy of Finance, 1988), George Soros tuyên bố: sức mạnh kinh tế tài chính đang chuyển từ Mỹ sang Nhật.

Thập kỷ 80, tư bản Nhật thừa đô-la tranh nhau mua bất động sản tại Mỹ. Nhiều người Mỹ lo sẽ có ngày Nhật mua hết cả nước mình. Thực ra doanh nhân Nhật còn thiếu kinh nghiệm đầu tư ở nước ngoài. Trên thực tế họ đã mù quáng mua lại nhiều công ty cũng như bất động sản của Mỹ.

Trong thời gian đàm phán Thoả ước Plaza (Plaza Accord) Nhật Bản quá tự tin đã chủ động đề xuất tăng giá trị đồng Yen Nhật thêm 10%. Nhưng chính là việc ký thoả ước đó (22/9/1985) làm cho Nhật chỉ vài năm sau đã rơi vào cuộc suy thoái “10 năm mất mát”. Đồng yên lên giá, đô-la mất giá làm cho xuất khẩu của Nhật giảm sút, mặt khác các bất động sản người Nhật tậu tại Mỹ tự nhiên mất giá, toàn bộ sự phồn vinh kinh tế của Nhật nhanh chóng biến thành bong bóng xà phòng. Một thí dụ: công ty Mitsubishi bỏ ra 1,4 tỷ USD mua Trung tâm Rockefeller chưa được bao lâu phải bán lại cho chủ cũ với giá bằng một nửa. Nhiều dự án đầu tư của Nhật tại Mỹ thất bại thảm hại.

Mãi tới cuối 1989 chính phủ Nhật mới chú ý đến tính chất nghiêm trọng của nền kinh tế bong bóng. Ngược lại, kinh tế Mỹ từ thập niên 90 bắt đầu thoát ra khỏi sự trì trệ, tiến sang thời kỳ tăng trưởng nhanh liên tục trong cả chục năm. Sau khi các bong bóng kinh tế nối nhau tan vỡ, người Nhật mới tỉnh ngộ, suy nghĩ lại mọi chuyện. Nhiều chuyên gia kinh tế Nhật đổ lỗi cho Thoả ước Plaza, thậm chí cho rằng đó là âm mưu thâm hiểm của Mỹ.

Trung Quốc cần rút kinh nghiệm tránh giẫm lên vết xe đổ của Nhật Bản, chớ nên hoa mắt trước những lời tâng bốc ca ngợi Mô hình Trung Quốc của phương Tây – Quảng Châu Nhật báo kết luận.

NGUYÊN HẢI tổng hợp


No comments: