Saturday, February 13, 2010

MỸ - TRUNG HỤC HẶC CÓ TẠO CƠ HỘI CHO VIỆT NAM KHÔNG ?

Mỹ Trung Quốc hục hặc có tạo cơ hội cho Việt Nam không ?
Phong Uyên
Đăng ngày 12/02/2010 lúc 23:09:39 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4587
Việt Nam luôn luôn phải trả một giá rất mắc cho những cuộc mặc cả hoà hoãn giữa Mỹ và Trung Quốc: Hiệp định Genève năm 54 chia đôi đất nước ; Hiệp định Paris 73 đem đau thương cho một nửa dân tộc ; Chiến tranh với Khờ me đỏ ; Chiến tranh biên giới 79 ; Hoàng Sa - Trường Sa v.v. Cách đây mấy tháng, sau cuộc gặp gỡ giữa Obama và Hồ Cẩm Đào, báo chí thế giới đưa ra viễn cảnh G2 Mỹ Tàu chia nhau ngự trị kinh tế thế giới, khiến lại một lần nữa viễn tượng Mỹ Tàu thoả thuận với nhau trên đầu trên cổ Việt Nam để chia nhau Đông Nam Á lại ám ảnh nhiều người.

Nhưng chỉ trong vòng một tháng, sau vụ tin tặc Google, tiếp theo là vụ Mỹ bán khí giới cho Đài Loan và Obama sẽ tiếp Đạt Lai Lạt Ma, giao thiệp giữa Mỹ và Trung Quốc trở thành xấu hẳn. Nhiều người khấp khởi mừng là nhân cơ hội này Việt Nam, "nếu" khôn ngoan, sẽ biết lợi dụng cơ hội thoát khỏi vòng cương toả chính trị kinh tế của Trung Quốc.

Khổ một cái, "Nếu" là điều kiện khó thực hiện nhất:1. Trước hết là giữa Mỹ và Tàu sẽ không có chiến tranh lạnh như giữa Mỹ và Liên Xô ngày xưa khi 2 nước này cầm đầu hai khối có hệ tư tưởng, chính trị và kinh tế hoàn toàn đối nghịch nhau. Mỹ, Tàu cũng sẽ không như Trung Quốc thời Mao và Liên Xô thời "chủ nghĩa xét lại", xâu xé nhau trước mặt các nước đàn em vì giảng khác nhau những giáo điều chủ nghĩa cộng sản.

2. Trung Quốc từ thời Đặng Tiểu Bình đã đi theo đường lối kinh tế tư bản và sắp trở thành siêu cường thứ nhì trên thế giới, tất nhiên là cũng thực tiễn như Mỹ. Hai nước lại dính chặt với nhau về tài chính, mua bán vay mượn nhau đều cùng chung một thứ tiền đô la. Tuy vậy vì vấn đề cán cân thương mại, vì vấn đề chia nhau thị trường kinh tế toàn cầu, thỉnh thoảng có sự hục hặc nhau, thách đố nhau, va chạm nhau, và mỗi bên đều tận dụng triệt để những con bài trong tay mình.

Hiện Đông Nam Á là khu vực có nhiều cuộc va chạm, giằng co, mặc cả, giữa Mỹ và Tàu nhiều nhất.

Những con bài của Mỹ ở Đông Nam Á là:
- 5 nước đầu tiên trong ASEAN khi tổ chức này được thành lập (1967) với mục đích chống cộng sản: Thái Lan, Philippin, Malasia, Singapore, Inđônêsia, luôn luôn trung thành với Mỹ.
- Đài Loan, Nam Hàn, và các nước đồng minh như Ấn Độ, Nhật, Úc.
- Những nhân vật đối kháng có nhiều uy tín như Đạt Lai Lạt Ma, Aung San Suu Kyi.

Đối lại Trung Quốc có dưới tay mình:
- Bắc Hàn và chính quyền các nước mới gia nhập ASEAN sau này: Việt Nam, Lào, Cam Bốt, Miến Điện.
- Thêm hậu thuẫn của một số người Hoa nắm giữ kinh tế trong những nước có đông người gốc Hoa như Thái Lan, Mã Lai Á...

Có thể nói, Trung Quốc bằng những hành động tin tặc, đã gây hấn trước. Mỹ trả đũa lại, bán khí giới cho Đài Loan, tuyên bố sẽ tiếp đón Đạt Lai Lạt Ma. Đó là cách trả đũa chỉ có tác dụng tâm lí chọc tức Trung Quốc chứ không thể tạo hi vọng Tây Tạng thoát khỏi Trung Quốc và Đài Loan có thể độc lập.

Trung Quốc cũng biết đó chỉ là những tín hiệu Mỹ đòi Trung Quốc phải nhượng bộ ở một vài điểm nào chứ có đến 10 Đạt Lai Lạt Ma cũng không tránh được Tây Tạng trước sau cũng sẽ bị hoàn toàn Hán hoá. Và Đài Loan cũng không dại dột gì đòi độc lập để kinh tế Đài Loan bị phá sản một khi lục địa Trung Hoa không còn là chỗ kinh doanh, là công xưởng sản xuất những đồ điện tử cho Đài Loan nữa.

Trái lại điểm yếu của Trung Quốc lại là Việt Nam:
1. Việt Nam là yết hầu của những tỉnh Tây Nam nước Tàu, Quảng Tây, Vân Nam, Tứ Xuyên. Sở dĩ Việt Nam bị thực dân Pháp chiếm là vì tư bản Pháp muốn tìm đường xâm nhập Tàu qua ngả Vân Nam. Tàu mở miệng nói Việt Nam - Trung Quốc "môi hở răng lạnh" là vì đã nhớ lại những chuyện đó.
2. Việt Nam với 86 triệu dân là thị trường tiêu thụ đồ Tàu lớn nhất Đông Nam Á. Đồng thời cũng là nơi cung cấp tài nguyên khoáng sản, nguyên liệu, nông sản, hải sản cho Tàu, là nơi thợ Tàu có công ăn việc làm nhiều nhất vì chủ Tàu trúng thầu nhiều nhất:

Theo Sài Gòn Tiếp Thị 1-2-10: Gần 90% nhập siêu là từ Trung Quốc (11 tỉ 5/12 tỉ USD). Theo báo này "... Các doanh nghiệp (Trung Quốc) tung hoành xuất khẩu sang Việt Nam... thì xuất khẩu của Việt Nam qua Trung Quốc rất là khó khăn... Nhà thầu Trung Quốc trúng thầu ở từng loạt các dự án khai thác: Luyện đồng ở Lào Cai. Nhiệt điện ở Hải Phòng.... Trung Quốc là nước có số lượng trúng thầu nhiều nhất tại Việt Nam, mang theo hầu hết những gì họ có để phục vụ công trình từ máy móc, công nghệ đến nguyên vật liệu, công nhân..."

Cũng theo Sài Gòn Tiếp Thị ngày 25-1-2010: Trong cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú về Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại tự do ACFTA (Asean-China Free Taxe Area) với Trung Quốc, ông Tú khẳng định là Hiệp định này không phải là chung giữa 10 nước Asean và Trung Quốc mà là riêng mỗi nước với Trung Quốc. Không biết vì lí do gì các nước trong Asean lại không liên đới với nhau ký mà lại chịu mỗi nước ký riêng với Trung Quốc. Có những nước như Việt Nam, ký riêng khó tránh được áp lực chính trị của Trung Quốc:

Điều khoản chính trong Hiệp định ACFTA VN-TQ mới được ký là Trung Quốc giảm thuế nhập khẩu ngay từ năm nay cho hàng Việt Nam bán qua Trung Quốc (phần nhiều là nông hải sản). Còn hàng Trung Quốc xuất khẩu qua Việt Nam phải đợi 5 năm nữa. Đó là một cách dụ khị "chết người": Theo Sài Gòn Tiếp Thị," xuất khẩu qua Trung Quốc giỏi lắm là lời được vài chục triệu USD vì giảm thuế, trong khi chỉ vài năm nữa hàng Trung Quốc được giảm thuế theo lộ trình cắt giảm tới gần 7000 dòng thuế, sẽ làm tăng nhập siêu Trung Quốc lên nhiều tỉ USD". Nghĩa là cả trăm lần hơn!

Không thể không thấy là cho tới nay Việt Nam là nguồn cung cấp nguyên vật liệu rẻ cho TQ, nhờ vậy mà công kỹ nghệ TQ phát triển. Nông hải sản Việt nam bán rẻ cho TQ cũng giúp TQ rảnh tay lấy nguyên vật liệu Việt Nam chế biến rồi xuất khẩu trở lại Việt Nam hệt như thực dân Pháp ngày xưa, biến Việt Nam thành thị trường tiêu thụ đồ Trung Quốc khiến công kỹ nghệ Việt Nam không ngóc đầu lên nổi. Nay lại thêm ACFTA, một hiệp ước bất bình đẳng không có những điều khoản làm cân bằng xuất nhập giữa Việt Nam và Trung Quốc, thì làm sao 5 năm nữa khi đồ hàng miễn thuế Trung Quốc tràn ngập, kinh tế Việt Nam có thể sống nổi! Rõ ràng là Hiệp ước này được ký là vì có sự đồng loã của những người thân Trung Quốc trong bộ máy cầm quyền ĐCSVN.

Việt Nam gần như là thuộc địa của Trung Quốc. Nếu vì lí do gì những người thân Trung Quốc bị mất quyền ở Việt Nam thì thật là một sự mất mát vô cùng to lớn cho bá quyền Đại Hán. Giữa Đài Loan và Việt Nam, chắc chắn là Trung Quốc chọn Việt Nam vì trước sau gì Đài Loan cũng sẽ trở về với Trung Quốc trong khuôn khổ một nước hai chế độ như Hồng Kông hiện nay.

Trung Quốc thấy rõ đó là "gót Achille" -điểm yếu của mình, nên mới ra lệnh bịt miệng những người trí thức, bỏ tù những người yêu nước chống Trung Quốc, dùng tin tặc phá hoại những websites Việt Nam chống Trung Quốc.

Nếu trong chính quyền CSVN còn có những người muốn đưa đất nước thoát khỏi vòng cương toả của Trung Quốc thì những người này phải biết lợi dụng sự kèn cựa giữa Tàu và Mỹ hiện nay để làm sao tỏ cho Mỹ biết là trong ĐCSVN có những người không muốn cứ tiếp tục lệ thuộc Tàu để giữ quyền hành. Những người này phải tìm cách lật mặt nạ, loại bỏ tay chân Trung Quốc đang nắm quyền thế trong Đảng và nhân Đại Hội 11, chuyển hoá Đảng. Khi thấy có một chính quyền biểu lộ ý chí dứt khoát đi ra khỏi quỹ đạo Tàu, toàn dân sẽ đứng sau ủng hộ. Và tất nhiên trong cuộc giằng co với Trung Quốc, Mỹ sẽ dùng con bài Việt Nam vì biết là 86 triệu dân Việt mạnh hơn cả chục lần 23 triệu dân Tàu Đài Loan.

Phong Uyên
© Thông Luận 2010


No comments: