Saturday, February 13, 2010

MÙA XUÂN BÌNH YÊN ?

Mùa Xuân bình yên ?
Phố Tịnh
Đăng ngày 13/02/2010 lúc 09:38:46 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4588
Có một thời chúng ta thường nghe một bài hát thật quyến rũ mang tên là "Mùa xuân trên đỉnh bình yên". Nét nhạc thanh thản, lời ca thơ mộng. Bài hát ra đời trong một thời loạn lạc, đã gửi gấm ít nhiều mơ ước của những người đương đi qua một thời buổi nhiễu nhương. Những ước vọng bình thường như thế mà chừng như rất khó khăn trở thành hiện thực.

Thời loạn lạc cũng thường dẫn đến tình cảnh loạn tâm. Người ta đối xử với nhau bẳn gắt, chật hẹp. Người ta nghĩ nhiều đến mình hơn là đến những người khác –nói chi đến cộng đồng, đến xã hội!

Nhu cầu được sống sạch sẽ, được thanh thản trong lòng, được một mùa xuân bình yên… là nhu cầu chính đáng của mọi người. Người ta khát khao đi tìm những lời giải cho bài toán tâm hồn. Đã từ lâu rồi, khi người ta đã chán ngán với loạn lạc và khát khao đi tìm thì cũng là lúc nhiều vị thầy xướng lên những học thuyết để giúp đời. Hai thập niên 1960 và 1970 sinh hoạt văn hoá ở Sài Gòn đã nảy sinh rất nhiều "học phái" như thế. Một người thầy đã có ảnh hưởng rất đậm trong tâm thức thế hệ trí thức một thời là Kim Định, tác giả một bộ sách mà ông gọi tên là "triết lí an vi". Sách triết lí an vi trước và sau hết là phản ánh con người tác giả thường an nhiên thoát vòng tục luỵ. Ông dẫn đưa người đọc ông trở về nguồn uyên áo của đạo học phương đông. Kim Định sống triết lí an vi và lấy bút hiệu –trước khi dùng tên thật- là Lý Nhân Sinh. Thời loạn lạc đó mà có được một hiền giả như ông cũng là một hạnh ngộ cho những người cùng thời.

Thời buổi ấy không chỉ có mình Kim Định, mà còn nhiều vị hiền giả khác nữa ở cả miền Bắc lẫn miền Nam, mỗi vị là một hiện thân của phong thái đạo sĩ phương đông, dù họ là một nhà sư Phật giáo, một người thầy dạy hán nôm, thậm chí một nhà khoa học. Sở dĩ nhắc đến ông ở đây là cốt ý muốn đối sánh với những người thời nay đang lợi dụng ông vào những phiêu lưu văn hoá đầy tính bạo động, rất trái ngược với đạo học mà ông muốn xiển dương suốt một đời.

Những hiền giả như Kim Định xem ra khá cô đơn trong xã hội mình. Trước 1975, chỉ một nhóm nhỏ những trí thức làm dáng ở các giảng đường đại học biết đến ông. Sau 1975, sách của ông bị chính quyền quân quản càn quét, thiêu huỷ. Ở hải ngoại ông vẫn viết và sống triết lí an vi cho đến khi qua đời mươi năm trước. Và cũng như một khoảnh miền Nam kéo dài ra ngoài, không thấy có dấu vết gì của sự lưu tồn triết lí an vi hiểu như một cốt cách sống an nhiên bao dung. Trong khi đó thì ở trong nước có người lại đang cố gắng rao giảng một số quan điểm văn hoá và triết lí Kim Định trong một số giảng đường và một quyển sách in đi in lại nhiều lần. Có thể đấy là một bước đầu rất đáng khích lệ. Bởi vì dù sao thì hơn hai mươi năm nay, đất nước không còn thời loạn lạc, nhưng nhìn cho kĩ thì xã hội chưa hẳn đã bớt loạn tâm. Người ta đối đãi với nhau sao "quá nhiều biên giới"! Người ta vẫn cứ bẳn gắt với nhau, sát phạt nhau như những kẻ không đội trời chung. Người ta sống trong tình cảnh phi-an vi, hoặc thậm chí bất-an vi. Nhưng xiển dương đạo học của những hiền giả phương đông thì chẳng phải là chỉ dừng ở mặt tư biện, cốt khoe chữ nghĩa màu mè nhưng khô chết. Xiển dương đúng nghĩa triết lí an vi là phải đưa nó trở lại cuộc sống hằng ngày.

Kể ra thì pho sách triết an vi cũng không mỏng manh gì. Ngót nghét năm mươi cuốn. Loại trừ một khối lượng trang sách khổng lồ nặng tính cách suy tưởng bùa chú, một phần rất nhỏ còn lại của những trang sách triết lí an vi Kim Định nay chỉ đọng lại ở những diễn giải về đạo học phương đông. Nhưng mấy ai đã quan tâm đến những điều này!

Hãy thử nhìn lại nhiệt kế của sinh hoạt chữ nghĩa hiện nay xem triết an vi có quanh quất đâu đó: nhiệt kế ấy là một khu sinh hoạt chữ nghĩa trên mạng. Trang câu lạc bộ chữ nghĩa nọ cho thấy loại sách nghệ thuật sống kiểu triết lí an vi hoàn toàn vắng bóng. Vì những hậu duệ của Kim Định không khéo xiển dương đạo học của thầy, hay vì nhân tâm đã thay đổi quá, đã trượt quá nhanh về hướng bạo động chữ nghĩa? Trong một thời nhiễu nhương kéo dài, không còn ai là người gọi là "có lòng" nữa sao? Thời thế này vẫn còn loạn tâm đến vậy sao?

Hiện tượng bất an vi trong sinh hoạt văn hoá, xã hội Việt Nam hiện nay còn thể hiện ở những bạo hành liên tục đối với những tu sinh đạo Phật tại tu viện Bát Nhã trong năm qua. Đây là một điển hình khác về tình trạng bạo động không chối cãi ở cấp bậc nhà nước đối với một sinh hoạt văn hoá nhắm làm sống dậy truyền thống nhân ái, hoà bình, truyền thống an vi đích thực giữa một xã hội đầy độc khí của bạo động. Những hạt giống bồ đề đã ươm cấy trong lòng xã hội rồi, dù có bị vùi dập bây giờ thì cũng sẽ vươn dậy mạnh mẽ một ngày mai. Đàn áp những con người đang gieo trồng những hạt giống văn hoá mới cho xã hội, những người đương quyền có lẽ cũng đã nhận ra mối đe doạ cho vị thế cầm quyền của họ mà điểm tựa cho thế đứng của họ chỉ là bạo lực, là trạng thái bạo động mọi mặt trong sinh hoạt xã hội hiện nay. Mà tương lai của Việt Nam không thể bình yên với thứ văn hoá bạo động của hôm nay được đâu.

Có phải là trong không khí ngột ngạt như thế mà mùa xuân năm nay không phải là mùa xuân bình yên? Những ngày cuối năm cũ đã có vài dấu hiệu chỉ báo mùa băng giá trên quê hương chúng ta vẫn còn tiếp nối. Mùa băng giá trên quê hương? Trong một xã hội bạo động có hệ thống và được chuẩn nhận là một lối sống bình thường thì không thể tránh khỏi băng giá trong sinh hoạt xã hội. Trước kia người ta đã nói đến một thời băng giá trong văn học Nga Xô Viết. Cũng có một thời văn học băng giá sau biến cố Nhân Văn-Giai Phẩm, dù cho xã hội có hay không công khai thừa nhận nó. Những tín hiệu chỉ báo cho mùa băng giá có thể thấy được qua những sự kiện dưới đây:

Sinh hoạt xã hội được định hướng gắt gao, mọi hoạt động chỉ được chấp nhận khi đi đúng quỹ đạo đã được ấn định sẵn. Những kẻ muốn đi chệch ra ngoài con đường định hướng và một chiều đó sẽ không tránh khỏi hình phạt của bạo lực.

Bạo động chữ nghĩa: xưa nay đã từng xuất hiện khá đông đảo những đao phủ thượng thừa về nghệ thuật chém treo ngành những ai dám phát ngôn trái ý làm phật lòng các đấng đao phủ. Những tay đao phủ loại này có thể chỉ là một anh chủ báo phát không hoặc in miễn phí. Nhưng như thế cũng đủ quyền lực lắm rồi nếu cần phát pháo khai hoả vào kẻ tội đồ nào! Hành động phỉ báng công khai một công dân như kiểu báo lá cải của công an đối với hàng loạt các công dân bất đồng chính kiến, là điển hình mẫu mực cho loại bạo động chữ nghĩa khác được chính nhà nước dung dưỡng.

Nhân danh những mĩ từ to lớn để tước bỏ quyền của những ai trái ý phật lòng. Chúng ta đã biết nhiều thứ nhân danh trong suốt thế kỉ XX: nào nhân danh các đấng linh, nhân danh chủ nghĩa, nhân danh tổ quốc…! Dùng quyền lực nhà nước để đàn áp công dân qua những bản án dành cho Vũ Hùng, Nguyễn Xuân Nghĩa và các bạn ông ở Hà Nội và Hải Phòng, và rồi Phạm Thanh Nghiên, Trần Khải Thanh Thuỷ, và những bản án dành cho Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung và Lê Công Định là một vài ví dụ mới đây nhất.

Nói một cách khái quát thì có thể thấy rằng khi có kẻ nào dùng mọi hình thức bạo động để khủng bố và đàn áp ý kiến của một hay nhiều công dân khác, thì có thể thấy là mùa băng giá đang kéo về. Đã nhiều người nói đến nỗi sợ hãi trùm phủ lên sinh hoạt văn hoá văn nghệ nước mình một thời kì dài, rất dài. Nhưng thử hỏi, đến mùa xuân này, bóng dáng của nỗi sợ hãi dằng dặc bao trùm kia có còn không? Có người gọi thời gian này là mùa băng giá của phong trào dân chủ Việt Nam. Hình ảnh đó nói lên khá đầy đủ cảnh trạng của xã hội Việt Nam hôm nay.

Nhà nước đương quyền hiện nay đang ra sức khủng bố những người con của đất nước muốn được sống tử tế trong tư thế của một công dân biết nghĩ đến cộng đồng, đến đất nước. Lần lượt, họ phải đương đầu với những đòn khủng bố và trấn áp. Chỉ vì một tội là họ dám nghĩ dám làm như một công dân có tinh thần trách nhiệm. Nhân danh điều gì mà nhà cầm quyền đã trấn áp những công dân không mảy may có chút vũ khí bạo lực trong tay? Khi bạo lực trở thành công cụ của kẻ cầm quyền thì sinh hoạt dân chủ cũng bị thủ tiêu.

Hiện nay lằn ranh giữa văn hoá bạo động và văn hoá dân chủ đã vạch ra rất dứt khoát. Không có hiện tượng nhập nhằng. Và đó cũng là thuốc thử màu phân biệt màu của những tâm hồn yêu dân chủ và những ai là đao phủ của dân chủ. Khi bạo động trong mọi dạng hình sinh hoạt xã hội, mà đáng xấu hổ nhất, nhục nhã nhất trong mọi dạng bạo động là bạo động trong sinh hoạt văn hoá, thì biết bao giờ băng giá mới tan được?

Bao giờ mùa xuân mới được bình yên? Câu trả lời hoàn toàn nằm trong mỗi người con đất nước ngày hôm nay, kể cả những người cộng sản đang mỗi ngày bám víu vào chế độ chính trị mà họ biết ruỗng nát rồi đấy nhưng rời bỏ nó thì cũng run sợ. Chỉ có thể tìm câu trả lời chuẩn xác và củng cố tự tin từ một hiểu biết đầy đủ về những gì tư do và dân chủ thực sự sẽ đem lại cho tương lai mỗi người và tương lai của mọi người. Mùa xuân bình yên phải là mùa xuân tìm thấy chứ không phải mùa xuân được ban phát.

Phố Tịnh
© Thông Luận 2010


No comments: