Friday, February 12, 2010

MIẾN ĐIỆN BỊ ÁP LỰC QUỐC TẾ TRÊN HỒ SƠ NHÂN QUYỀN

Miến Điện phải đối phó với áp lực quốc tế ngày càng lớn trên hồ sơ nhân quyền và dân chủ
Trọng Nghĩa
Bài đăng ngày 12/02/2010 - Cập nhật lần cuối ngày 12/02/2010 21:47 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/122/article_6867.asp
Ngày mai 13/02/2010, trên nguyên tắc, chính quyền quân sự Miến Điện sẽ trả tự do cho ông Tin Oo, nhân vật số hai của phong trào đối lập. Phó chủ tịch Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đã bị giam lỏng từ tháng 2 năm 2004 đến nay, và ngày mai là ngày ông mãn hạn quản chế.

Tại một quốc gia mà việc giam cầm vô thời hạn các nhân vật đối lập hoàn toàn tùy thuộc vào ý muốn của chính quyền, khả năng tập đoàn quân sự trả tự do cho ông Tin Oo đúng vào ngày kết thúc thời hạn quản chế được giới quan sát cho là một cử chỉ rất nhỏ nhằm giải tỏa sức ép của quốc tế đang gia tăng trở lại trên chính quyền Miến Điện từ đầu năm đến nay.

Nghị Viện châu Âu yêu cầu Trung Quốc, Nga và Ấn Độ gây áp lực trên Miến Điện.
Áp lực mới nhất đến từ châu Âu. Trong phiên họp vào hôm qua tại Strasbourg (miền đông nước Pháp), Nghị Viện châu Âu đã thông qua một nghị quyết lên án tập đoàn quân sự tiếp tục vi phạm ''một cách có hệ thống'' các quyền tự do căn bản cũng như quyền dân chủ tối thiểu của người dân Miến Điện.
Điểm đáng chú ý trong nghị quyết của các đại biểu dân cử châu Âu là yêu cầu gởi đến các quốc gia có quan hệ mật thiết với Miến Điện là Trung Quốc, Nga và Ấn Độ để ba nước này ''sử dụng uy thế kinh tế cũng như chính trị của họ đối với Miến Điện để buộc tập đoàn quân sự cải thiện tình trạng nhân quyền trong nước. Nghị Viện châu Âu còn kêu gọi Bắc Kinh, Matxcơva và New Delhi đình chỉ việc cung cấp vũ khí và những nguồn tài nguyên chiến lược khác cho chính quyền Miến Điện.
Một cách cụ thể, các nghi sĩ châu Âu đã tỏ ý quan ngại về bản án nhắm vào lãnh tụ đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi hồi năm ngoái, và đòi hỏi chính quyền quân sự trả tự do ngay lập tức cho bà, cũng như cho phép bà tham gia cuộc tổng tuyển cử sắp diễn ra.
Không chỉ có châu Âu, mà ngay cả Hoa Kỳ cũng lại nêu bật mối quan ngại về tình trạng dân chủ và nhân quyền tại Miến Điện, sau khi tập đoàn quân sự bị cho là viện lý do hình sự để kết án tù ông Kyaw Zaw Lwin, một nhân vật ly khai người Mỹ gốc Miến Điện.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên án một hành động xuất phát từ động cơ chính trị trong lúc dân biểu Howard Berman, chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện Hoa Kỳ thì kêu gọi chính quyền của tổng thống Obama là phải siết chặt thêm chế độ trừng phạt Miến Điện.

Malaysia và Philippines cũng chỉ trích Miến Điện
Phản ứng từ châu Âu và Hoa Kỳ về tình hình Miến Điện như kể trên được đưa ra vào lúc ngay tại vùng Đông Nam Á, một số đồng minh của Miến Điện trong khối ASEAN cũng tỏ ý nóng ruột trước việc tập đoàn quân sự tiếp tục coi nhẹ yêu cầu của quốc tế muốn lãnh tụ đối lập được trả tự do.
Với ngôn từ hết sức ngoại giao, hôm 09/02 vừa qua, ngoại trưởng Malaysia, ông Anifah Aman, đã công khai bày tỏ hy vọng là chính quyền Miến Điện sớm trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi để lãnh tụ đối lập có thể tham gia cuộc bầu cử dự trù trong tháng 10 tới đây, chứ không chờ đến sau ngày tổng tuyển cử như bộ trưởng Nội vụ Miến Điện từng tiết lộ.
Trước Malaysia, Philippines đã có lời lẽ mạnh mẽ hơn. Ngoại trưởng Alberto Romulo đã không ngần ngại phê phán chính quyền Miến Điện khi cho rằng một cuộc bầu cử mà họ mệnh danh là dân chủ chỉ là một ''trò hề'' nếu không có sự tham gia của bà Aung San Suu Kyi.
Theo giới phân tích, khi quyết định xúc tiến việc trả tự do cho ông Tin Oo vào đúng ngày ông mãn hạn quản chế, có thể chính quyền Miến Điện mong muốn giải tỏa phần nào sức ép đến từ bên ngoài, nhất là khi vào tuần tới, họ sẽ tiếp đón ông Tomas Ojea Quintana, báo cáo viên Liên Hiệp Quốc phụ trách nhân quyền Miến Điện.
Bản thân sự kiện tập đoàn quân sự bật đèn xanh cho chuyến viếng thăm của đặc sứ nhân quyền Liên Hiệp Quốc sau nhiều lần bác bỏ cũng được coi là một động thái nhằm xoa dịu quốc tế, cho dù ông Quintana sẽ không hoàn toàn được tự do tại Miến Điện như đi thăm những nơi mà ông muốn hay tiếp xúc với những người mà ông muốn gặp, chẳng hạn bà Aung San Suu Kyi.
Theo một nhà ngoại giao phương Tây tại Miến Điện được hãng tin Pháp AFP hôm nay trích dẫn, thì cần chú ý theo dõi thái độ của chính quyền Miến Điện đối với đặc sứ nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhân chuyến công du năm ngày vào tuần tới, và nhất là xem ông Quintana ''được tiếp xúc với ai''.



No comments: