Friday, February 5, 2010

KHOA HỌC VIỆT NAM ĐANG Ở ĐÂU TRONG NĂM 2009 ?

Khoa học VN đang ở đâu trong năm 2009 ?
Nguyễn Văn Tuấn
Thursday, February 4, 2010
http://tuanvannguyen.blogspot.com/2010/02/khoa-hoc-vn-ang-o-au-trong-nam-2009.html
Tôi có thói quen làm kiểm kê cuối năm. Mấy năm gần đây, cứ đến thởi điểm gần cuối năm, tôi đếm số lượng ấn phẩm khoa học từ Việt Nam được công bố trên các tập san khoa học quốc tế. Để có con số này không phải là chuyện dễ dàng, vì phải truy cập một trang web của Viện thông tin khoa học (ISI) và có khi phải trả tiền. Tôi may mắn làm trong một viện nghiên cứu có tài khoản với ISI, và vì thế tôi có thể truy nhập vào trang web này để thu thập dữ liệu. Những dữ liệu mà tôi thu thập bao gồm tổng số bài báo khoa học công bố trong năm 2009, và tiện đó, tôi so sánh với các nước trong khối ASEAN để biết mình đang ở đâu và đi đến đâu. Những dữ liệu này cung cấp cho chúng ta một “bức tranh” tổng quát về khoa học trong vùng, và theo tôi thì cũng có ích cho giới quản lí khoa học ở trong nước.

Ấn phẩm khoa học là một thước đo năng suất khoa học. Đối với một cá nhân, số lượng và chất lượng ấn phẩm khoa học là một chỉ tiêu quan trọng để được đề bạt trong hệ thống khoa bảng. Đối với một quốc gia, số lượng ấn phẩm khoa học là một thước đo về năng suất khoa học và mức độ sáng tạo của quốc gia đó. Ở đây, nói đến “ấn phẩm khoa học” tôi chỉ giới hạn trong những “articles”, tức là bài báo khoa học được chấp nhận cho công bố trên các tập san mà cộng đồng khoa học quốc tế công nhận mà tác giả có địa chỉ từ Việt Nam. Tập san khoa học “được công nhận” có nghĩa là tập san đó nằm trong danh mục của ISI. Do đó, “ấn phẩm khoa học” ở đây không bao gồm những abstracts trong hội nghị khoa học, không bao gồm những bài báo trên các tập san khoa học ở Việt Nam. Thật ra, không có một tập san khoa học nào ở Việt Nam nằm trong danh mục ISI. Vì là thước đo khoa học của Việt Nam nên tôi chỉ tính những bài mà tác giả ghi rõ là xuất phát địa chỉ Việt Nam, cho nên những bài, kể cả những bài quan trọng như của Ngô Bảo Châu, không được tính là của Việt Nam. So sánh ấn phẩm khoa học với các nước trong vùng cũng là một cách làm tương đối (chỉ “tương đối” thôi) khách quan để biết chúng ta đang ở đâu trong bản đồ khoa học quốc tế.

Vậy thì nền khoa học của chúng ta đang ở đâu trên thế giới?
Trả lời: chúng ta đang ở trong vị thế dưới trung bình trong khối ASEAN.

Trong năm 2009, các nhà khoa học VN công bố được 959 bài báo khoa học. Trong cùng năm, số bài báo khoa học từ Thái Lan cao gấp 4.7 lần (4527 bài), Mã Lai cao gấp 4 lần (3903 bài), và Singapore cao gần 8 lần (7524 bài) con số ấn phẩm khoa học từ Việt Nam. Con số bài báo khoa học của Việt Nam cao hơn Indonesia (814 bài) và Philippines (710 bài). Ba nước vẫn còn lẹt đẹt trong vùng chính là Việt Nam, Indonesia và Philippines; và khi xem xét những con số trong 5 năm qua, tôi xếp hạng chúng ta thấp hơn trung bình trong khối ASEAN.

Biểu đồ về số lượng ấn phẩm khoa học của VN và các nước trong khối ASEAN trong thời gian 2005-2009. Biểu đồ bên trái trình bày dữ liệu cho 5 nước, còn biểu đồ bên phải phóng đại cho 3 nước Việt Nam, Indonesia, và Philippines.
http://tuanvannguyen.blogspot.com/2010/02/khoa-hoc-vn-ang-o-au-trong-nam-2009.html

Số bài báo khoa học của VN có tăng trưởng, nhưng tỉ lệ tăng thấp hơn các nước trong vùng. So với năm 2008, số bài báo khoa học của VN trong năm 2009 tăng 14%. Tuy con số này khá khả quan, nhưng trong cùng thời gian, Thái Lan tăng 37%, Malaysia tăng gấp 78%, Indonesia và Philippines tăng khoảng 50%. Riêng tỉ lệ tăng trưởng của Singapore là 35%. Như vậy, con số ấn phẩm của ta đã thấp, mà tỉ lệ tăng trưởng còn thấp nhất trong vùng.

Y sinh học, chứ không phải toán học, đóng góp nhiều bài báo khoa học của VN. Trong thời gian 2005-2009, khoảng 19% bài báo khoa học của Việt Nam thuộc về lĩnh vực y sinh học, 16% là những công trình nghiên cứu về toán học, 4.5% là vật lí chất rắn, và 4.2% thuộc về lĩnh vực môi trường. Những dữ liệu này không phù hợp với một phát biểu (đã trở thành niềm tin) cho rằng ngành toán đóng góp nhiều bài báo nhất cho khoa học VN.

Nói tóm lại, vài dữ liệu ban đầu này cho thấy năng suất nghiên cứu khoa học ở Việt Nam vẫn còn quá thấp. Cả nước hiện nay có 8398 giáo sư và phó giáo sư (1336 giáo sư, 7062 phó giáo sư), những người đáng lẽ làm nghiên cứu khoa học. Nói cách khác, gần 9 GS/PGS mới sản xuất được một bài báo khoa học. Thật ra, con số này cao hơn nhiều, vì chỉ có khoảng 20% bài báo khoa học là do nội lực, phần lớn là do cộng tác với đồng nghiệp nước ngoài. Để thấy chúng ta thấp như thế nào, hãy so sánh với Thái Lan. Ở Thái Lan, có 4409 người được nhóm là “nhà khoa học” (tức bao gồm giáo sư, phó giáo sư, giảng viên đại học, và những người làm trong viện nghiên cứu), nhưng họ “sản xuất” được 4527 bài báo trong năm 2009. Như vậy, mỗi nhà khoa học của họ sản xuất 1 bài trong năm 2009, và năng suất này cao gấp 9 lần so với Việt Nam.

Phát triển kinh tế được thực hiện qua công nghệ. Một cách ví von, công nghệ là “con đẻ” của khoa học, và khoa học là một sản phẩm của nghiên cứu. Qua những lĩnh vực có liên quan mật thiết này, nghiên cứu được xem là một phương tiện để nuôi dưỡng phát triển kinh tế.
Kể từ ngày Việt Nam giành được độc lập, có thể nói rằng giới khoa học Việt Nam chủ yếu là những người tiêu thụ hơn là những nhà sản xuất tri thức. Nhận xét này có lẽ không quá đáng vì trong thực tế, các giáo sư Việt Nam phổ biến và truyền bá kiến thức qua giảng dạy, và ngay cả giảng dạy cũng dựa vào sách giáo khoa và nghiên cứu từ nước ngoài. Ngay cả thông tin về Việt Nam cũng chủ yếu nằm trong tay của giới khoa học nước ngoài, chứ không phải của giới khoa học Việt Nam. Những phân tích trên đây cho thấy Việt Nam cần phải nâng cao nghiên cứu khoa học hơn nữa để phục vụ cho nhu cầu và góp phần vào phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.

NVT


No comments: