Chừng nào Thúy Nga đóng cửa?
Trịnh Bình An
07-02-2010
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7142
Trong những ngày gần đây, dư luận người Việt hải ngoại xôn xao với tin “Thúy Nga Paris by Night có thể sẽ phải đóng cửa”.
Ông Tô Văn Lai, giám đốc trung tâm băng nhạc Thúy Nga, trên nhiều đài phát thanh RFA, BBC, Radio Saigon Dallas, Nguoi-Viet Online… cho biết tình trạng băng dĩa sang lậu làm Thúy Nga ngày càng lỗ lã đến mức trong tương lai không còn đủ sức tiếp tục hoạt động.
Sau lời tuyên bố có thể đóng cửa Thúy Nga Paris của ông Tô Văn Lai, lại rộ lên tin đồn trung tâm băng nhạc có 27 năm hoạt động này sẽ được sang nhượng hoặc bán đứt cho đại gia hoặc vợ chồng ca sĩ nào đó với giá 5 triệu đô la, như blogger Le Quoc Tuan của diễn đàn X-Café viết:
Theo tin mà cá nhân tôi được biết, xin miễn cho việc trưng bày nguồn gốc, Paris by Night đã bị bán cho tư bản đỏ. Trong một ngày rất gần đây hải ngoại sẽ nhìn thấy chương trình này sẽ thay đổi nhiều về nội dung. Tin hay không tùy các bác. Tôi chỉ góp thêm ý này sau khi đọc được ý kiến của chetbam thôi.
(Trích: Thúy Nga Paris có thể đóng cửa vào mùa hè năm 2010”, x-cafevn.org)
Để phản bác những tin đồn đó, cô Tô Ngọc Thủy, đại diện trung tâm Thúy Nga trong cuộc phỏng vấn với Thanh Tùng (Việt Tribune) đã xác định “Không có chuyện Thuý Nga Paris bị bán!”
Thanh Tùng: Báo Tuổi Trẻ trong nước phát hành hôm thứ Hai 25 tháng 1/2010 cho biết rằng “dựa vào nguồn tin riêng” thì trung tâm Thúy Nga đã được bán cho đôi vợ chồng ca sĩ Việt Nam sống tại New York với giá 5 triệu đô la. Thực hư chuyện này ra sao thưa chị?
Tô Ngọc Thủy: Họ muốn nói tới gia đình ông Chính Chu và ca sĩ Hà Phương. Lời đồn này đã có từ mấy năm rồi và hoàn toàn thất thiệt. Chúng tôi mời Hà Phương tham dự chương trình Paris By Night với tư cách là một ca sĩ freelance. Trước đó, cô cũng đã hát cho trung tâm Thế giới Nghệ Thuật và Asia.
Thanh Tùng: Như vậy, cho đến giờ phút này, trung tâm Thúy Nga vẫn chưa được bán cho bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào, thưa chị?
Tô Ngọc Thủy: Dạ thưa, anh nói đúng. Cho đến bây giờ, trung tâm Thúy Nga vẫn do gia đình chúng tôi làm chủ và chưa có một sự hợp tác tài chính nào từ bên ngoài cả.
Như thế cho đến nay, những nguồn “tin riêng” đó vẫn còn là quá riêng (tư) nên không ai biết rõ nguồn (gốc), ngoại trừ nghe phong phanh từ một tờ báo trong nước.
Tình trạng băng dĩa sang lậu đã và đang là một vấn nạn đe dọa sự sống còn của rất nhiều nghệ sĩ và trung tâm ca nhạc hải ngoại. MC Nguyễn Ngọc Ngạn cuối năm 2008 đã than thở: (1)
Kinh doanh ngành nghề nào thì cũng chẳng ai muốn mình xuống dốc, nhất là làm nghệ thuật vốn không phải là một business thuần túy để làm giàu. Tiếc thay, từ khoảng vài năm gần đây, nạn băng đĩa lậu đã làm tổn hại khủng khiếp đối với mọi trung tâm băng nhạc. Một số khán giả trước đây vốn trung thành với băng gốc của Thúy Nga, gần đây cũng yếu lòng đổi sang băng lậu…
Người viết chợt nhớ tới một điều rất thường xảy ra nơi sở làm. Khi có một hộp bánh ai đó đặt trên bàn phòng ăn để chia với mọi người, 10 lần hết 9, bánh trong hộp nhanh chóng biến hết chỉ còn trơ cái hộp trống không!
“Tại sao người lấy cái bánh cuối cùng không cầm hộp vứt vào thùng rác?” Thùng rác chỉ cách bàn vài bước và cái hộp không nặng chút nào. Nhưng, người cầm cái bánh cuối không thể làm được điều nhỏ bé đó.
Ông bà mình giải thích hiện tượng tâm lý đó với câu: “Khuất mắt trông coi.”
- Khi không có người khác nhìn thì nếu là việc tốt, không ai muốn làm; nếu là việc xấu, ai cũng thành… yếu lòng.
Vậy còn những kẻ “hồn nhiên” sang băng, hồn nhiên đem những dĩa lậu đó làm quà tặng bạn bè; hay tệ hại hơn, in lậu rồi đem vào sở bán kiếm vài trăm đút túi thì sao? Những người này biết rõ đang làm một điều sai, thậm chí phạm pháp, nhưng vẫn thản nhiên như ruồi.
Ông bà mình cũng có câu trúng phóc: “Của người phúc ta.” Lấy cái công sức, tiền bạc của người khác đem tặng cho người khác, mình đứng giữa không làm gì cả nhưng được tiếng là bạn biết chia xẻ với bạn; hay kiếm được vài trăm, dẫn vợ con đi nhà hàng, được tiếng là người chồng, người cha biết quan tâm tới gia đình.
Ông Tô Văn Lai, người đại diện cho các nghệ sĩ, có quyền đòi hỏi một sự công bằng rất bình thường theo nghĩa “ăn bánh trả tiền.” (2)
Một chương trình ca nhạc văn nghệ hoành tráng như vậy nếu quý vị không chịu trả tiền thì tôi chỉ còn biết nói theo Công giáo là của Cesar thì trả cho Cesar; của Thuý Nga mà quý vị trả tiền cho người in băng lậu là lỗi đạo công bằng. Cũng như nhà văn Giao Chỉ nói nếu quý vị ăn một chiếc bánh mà quý vị không trả tiền thì không còn bột nữa để mà làm bánh. Sau cuốn Paris By Night 100 vào ngày July 4th thì có thể chúng tôi phải đóng cửa không phát hành nữa.
Nhưng đối với một số người, “cái lẽ công bằng” được nhìn theo hướng khác. Thí dụ, “Ôi, Thúy Nga giàu quá rồi, rụng vài cọng lông nhằm nhò gì. Chia bớt cho anh em xài với chứ.”
Chúa bảo người giàu như con lạc đà; người giàu vào nước thiên đàng khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim. Hóa ra những người in lậu băng, coi băng lậu đang ra tay làm phước cho các “đại gia” Thúy Nga, Asia, Vân Sơn...; những người này đang giúp các “trọc phú” thành nghèo bớt để mai kia chết đi linh hồn họ sẽ không khó khăn ì ạch như con lạc đà nặng nề, nhưng sẽ như sợi chỉ luồn kim, chui cái ọt vào nước thiên đàng, hưởng sự rỗi đời đời… Ông Tô Văn Lai nên biết ơn những người đang giúp ông nghèo đi mới là “phải đạo.”
Trở lại chuyện hộp bánh ở trên. Người cầm cái bánh cuối cùng biết rất rõ mình nên tử tế cầm cái hộp bỏ vào thùng rác, nhưng anh ta vẫn không làm vì nghĩ rằng: “Những người khác cũng ăn nhưng có làm gì đâu, tại sao tôi phải là người làm việc dọn dẹp.”
Tương tự, người mua băng sang lậu cũng nghĩ: “Người ta mua hà rầm, tui cũng chỉ làm như mọi người khác thôi, có gì xấu đâu.”
Có một câu nói, không của ông bà mình, nhưng vẫn đúng cho những suy nghĩ kiểu “Ai sao tui dzậy. Ai làm bậy tui làm… theo.”
Không ai không muốn tiết kiệm tiền bạc, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn. Nếu mua sách hay băng dĩa trên Amazon.com, người mua khó cầm lòng trước những giá rẻ đến mức khó tưởng tượng. Một cuốn sách có khi chỉ vài chục xu, một DVD giá phân nửa, hay chỉ còn một phần ba... Nhưng đó là hàng cũ, hàng tồn kho, không phải hàng sao chép lậu.
Amazon.com cạnh tranh bằng cách giảm giá và không tính phí vận chuyển. So ra, đồ mới Amazon bán không đắt hơn đồ cũ, nhưng được bảo đảm về phẩm chất; nếu người mua không vừa lòng có thể trả về dễ dàng.
Cô Tô Ngọc Thủy cũng nói tới việc giảm giá DVD Thúy Nga:
Để chứng tỏ thiện chí muốn đưa băng gốc đến từng gia đình, chúng tôi dự tính sẽ hạ thấp giá bán cho cuốn DVD của chương trình DIVAS. Hiện giờ chúng tôi chưa biết sẽ xuống bao nhiêu, vì chúng tôi nghĩ, xuống bao nhiêu cũng không bằng được giá của những người làm băng giả, vì họ không hề bỏ tiền ra để làm sản phẩm, nên dù họ chỉ bán $1 đồng cho một DVD, họ vẫn có lời như thường.
Giảm giá sản phẩm luôn luôn hấp dẫn. Giảm giá đặc biệt cho khách hàng mua băng dzin không những khuyến khích việc mua băng gốc còn chứng tỏ sự biết ơn của nhà phát hành tới khách mộ điệu.
Tuy nhiên, kết quả cuối cùng vẫn tùy thuộc rất lớn vào thiện chí và ý thức của người mua. Chỉ có người mua mới giữ được chất lượng món ăn tinh thần của mình, chỉ có người mua mới giữ được Thúy Nga không bị rơi vào tay tư bản đỏ, và chỉ có người mua mới bảo vệ được các ca sĩ, nhạc sĩ... mà họ yêu mến.
Với một sản phẩm rác rưởi, dù cho free cũng không lấy.
Nhưng nếu DVD Thúy Nga có giá trị thật sự, hãy trả cho họ xứng đáng.
Ở Việt Nam, tại các sạp báo thường có những người đứng “coi cọp.” Họ đứng coi hết tờ báo này đến tờ báo khác nhưng không mua tờ nào. Đó là những người mê chữ nghĩa nhưng quá nghèo để mua chữ cho riêng mình.
Người Việt hải ngoại ngày nay có nghèo đến mức không đủ tiền mua DVD gốc?
Ước mong năm Cọp tới đây, trong nhà bạn bè nhắc nhở nhau, ngoài tiệm người người nói với nhau: “Năm Cọp nhất định KHÔNG coi cọp!”
© DCVOnline
(1). Từ Paris By Night đến DCVOnline, Trịnh Bình An, DCVOnline.net, 02/02/09
(2). Thúy Nga Paris giã từ khán thính giả, Mặc Lâm, rfa.org, 01/19/10
No comments:
Post a Comment