Tuesday, February 16, 2010

CANH DẦN : HY VỌNG hay TUYỆT VỌNG ?

Canh Dần: Hy vọng hay Tuyệt Vọng?
Nguyễn-Khoa Thái Anh
03:08:am 16/02/10
http://www.danchimviet.com/2010/02/canh-d%e1%ba%a7n-hy-v%e1%bb%8dng-hay-tuy%e1%bb%87t-v%e1%bb%8dng/
“Whenever I despair, I remember that all through history the way of truth and love has always won. There may be tyrants and murderers, and for a time, they may seem invincible, but in the end, they always fall. Think of it: always”.(Mahatma Gandhi)

Nhiều lúc nóng vội và buồn bã vì những diễn biến bất cập, u tối và lạc hậu ở Việt Nam, tôi cố gắng tự an ủi mình bằng những biện chứng về thời gian của các nhà khoa học và triết gia rằng thời gian chỉ là mốc điểm được loài người bày vẽ ra, chứ thật sự trong vũ trụ vô biên và vĩnh hằng này không có thời giờ, ngày, mùa, hay năm, tháng gì sất. Tất cả chỉ là những đo đạc của con người nhằm áp chế lên thiên nhiên những dấu mốc trong cuộc sống hữu hạn, đầy biên chế của mình.

Trong dòng chảy vĩnh cữu của lịch sử – thí dụ như Việt Nam — năm tháng có thể ví những một viên gạch chất chồng lên mấy mươi nghìn năm (1) xây nên bức tường thành lịch sử Việt tộc. Nếu thế năm con Chuột cũng như những năm tháng u buồn dưới triều đại kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã đến và đi mà chẳng làm được cột mốc đáng ghi nhớ hay tích sự gì. Ngoại trừ những chuyện bắt bớ, lên án và giam hãm con dân cấp tiến của mình, nhà nước Việt Nam có lẽ sẽ được lịch sử ghi chép là một chế độ ít gây máu đổ thịt rơi trong những vụ chuyển nhượng đất và biển đảo trong vòng mươi năm qua của thế kỷ 21 này. Nói một cách khác, theo đà diễn tiến hiện nay, Trung quốc sẽ không cần đổ máu của con dân họ khi xâm chiếm Việt Nam, nhờ tay các đàn em Cộng sản Việt Nam tự nguyện hiến dâng đất nước để đổi lấy việc củng cố sự cai trị thừa sai của mình.

Trong một bình diện gần hơn, lãnh đạo Việt Nam có lẽ sẽ được tuyên dương một cách bán chính thức (trừ phi họ tự thú nhận) đã thành công trong việc huy động tài lực quốc gia cho tin tặc tấn công đánh phá các trang mạng trong và ngoài nước. Mặt khác, mọi chuyện so sánh ví von về những lĩnh vực kinh tế, xã hội, giáo dục trong thời thượng của Cộng sản cũng chẳng mang lại một phấn khởi nào cho những người hiểu biết, kể cả những người có ý hợp tác trên con đường “thực dụng mới” với cầm quyền Việt Nam.

Riêng tôi, trong nỗi trầm kha triền miên vì lỡ mang thân phận và giòng máu Việt của mình, tình cờ xem lại cuốn phim “Gandhi” (đoạt 8 giải Oscar năm 1982; do đạo diễn Richard Attenborough thực hiện, Ben Kingsley thủ vai chính) được ông Gandhi an ủi.
“Khi sa vào cơn tuyệt vọng, tôi chợt nhớ rằng trong suốt bề dày lịch sử: đường đi của chân lý và tình thương lúc nào cũng thắng. Đã có nhiều kẻ độc tài và sát nhân, lắm lúc tưởng chừng như họ bất diệt, nhưng cuối cùng rồi họ cũng bị lật đổ. Lúc nào cũng vậy.” (Mahatma Gandhi)

Phim “Gandhi” kể lại cuộc đời của ông Mohandas K. Gandhi từ lúc là một luật sư trẻ ưu tú, tốt nghiệp trường Luật ở Luân Đôn (University College London). Năm 1893, ông nhận thấy sự phân biệt đối xử giữa người di dân Ấn độ cũng như dân bản xứ và người Ăng lê khi sang South Africa, (chính ông đã bị quẳng ra khỏi toa xe lửa hạng nhất, tuy mua vé hạng nhất). Sau nhiều năm tranh đấu gây tiếng vang ở South Africa, năm 1915, ông được mời về nước tiếp tục đường lối đấu tranh “bất bạo động” tranh giành độc lập cho Ấn độ. Ông từ bỏ cuộc sống vật chất xa hoa, lột bỏ Âu phục, trở về cuộc sống bình dị với dân tộc mình. Chủ trương đối kháng bằng cách khởi xướng các cuộc biểu tình, xuống đường, chịu đòn dai dẳng, nhưng vẫn cương quyết không tuân thủ luật lệ bất công của đế quốc, tẩy chay hàng hóa, vải vóc Anh quốc. Những cuộc hành trình hai hàng trăm dặm, meetings diễn thuyết, phản kháng dần dà thu hút được đại đa số quần chúng, kêu gọi họ đình công, bãi việc chống lại siêu thuế bóc lột làm cho hệ thống thuộc địa của Anh quốc gần như tê liệt.

Sự tham gia hưởng ứng của nhiều thổ dân cũng như sắc giáo nhiều nơi ở Ấn độ với chủ thuyết không dùng vũ lực dưới sự lãnh đạo của ông Gandhi làm nhà cầm quyền Ăng lê ở Ấn độ nao núng và mẫu quốc bối rối, tuy thán phục ý chí dũng mãnh của ông, họ buộc phải bỏ tù ông nhiều bận. Nhưng càng bị tù đầy, giam hãm, ông càng nảy sinh ra nhiều phương kế và sáng kiến hoà hoãn và càng trở nên cao siêu hơn với các cuộc tuyệt thực thanh lọc thể xác và rèn luyện tâm trí làm phía Ăng-lê khó ứng xử. Dân chúng gọi ông bằng những xưng tụng yêu dấu như Mahatma (Một Tâm Linh Vĩ Đại), hay Bapu: cha già (dân tộc). Ông từ bỏ các món thịt thà, ăn chay trường để diệt những ham muốn và hăng say xác thịt. Những án tù song song với các cuộc tuyệt thực bán sống bán chết, không những đã làm nao núng kẻ thù, còn làm rung động và chột dạ nhiều sắc tộc Ấn đang say máu trả thù.

Sau hai cuộc Thế chiến, Anh quốc bị mỏi mệt, lại phải đương đầu với những chiến dịch biểu tình, đình công bãi thị rầm rộ ở Ấn độ của Gandhi, cưỡng lại những chính sách hà khắc của họ, Anh quốc đã giao trả độc lập cho Ấn độ vào tháng 8, 1947. Nhưng không vì thế cuộc chiến bất bạo động của ông Gandhi đã chấm dứt một cách giản tiện ở đây. Hai phe Hồi giáo và Hindu lại bị chia xé với Ấn độ trên bán lục địa Nam Á, trở thành East Pakistan và West Pakistan (sau này W. Pakistan thành Bangladesh) trở nên cuồng nộ chém giết lẫn nhau. Ông Gandhi lại tuyệt thực gần chết, rốt cuộc hai phe siêu lòng ngưng cuộc giết chóc điên cuồng vì ý chí cương quyết và sự chí tình của ông Gandhi. Ít lâu sau vào ngày 30 tháng Giêng, 1948 một người Hindu tên Nathuram Godse len lỏi trong đám đông đến gần và bắn ông Gandhi ba phát vào ngực và bụng, kết kiễu cuộc sống của một vị anh hùng dân tộc.

Xem người lại nghĩ đến ta. Chuyện ông thánh sống Gandhi dưới vương triều Anh quốc, xảy ra cả thế kỷ nay, có nhiều điểm tương đồng, nhưng cũng lắm điều khác biệt với Việt Nam. Người viết không biết phải ví đế quốc Anh với bá triều Trung quốc hay với lãnh đạo Cộng sản Việt Nam?

Công tâm mà xét, tuy vào thời điểm đô hộ, người Anh, không khác mấy với những nước Âu châu như Pháp, Tây ban Nha v.v.., đã có những bóc lột đáng chê trách tại các thuộc địa của mình, nhưng chính Anh quốc cũng là nơi nảy sinh ra những tư tưởng gia lớn, gieo trồng những hạt giống và nhân tố cho hai cuộc cách mạng Pháp và Hoa Kỳ, như các ông Thomas Hobbs (1588 – 1662), John Locke (1632 – 1704), Adam Smith (1723 – 1790), Thomas Paine (1737 – 1809), v.v..đã mang lại nhiều ý tưởng tự do, dân chủ, kinh tế thị trường (theo đúng nghĩa của nó) cho thế giới trong kỷ nguyên này.

Gần đây nhiều tác giả Việt Nam, sống ở nước ngoài hoặc ngay cả trong lòng chế độ, thường so sánh chế độ Pháp thuộc với sự cai trị của Đảng Cộng sản Việt Nam và cho rằng vào thời Pháp thuộc ở Việt Nam có nhiều tự do báo chí và ngôn luận hơn vào đời nay. Tuy không sống qua thời đại này, người ta có thể kiểm chứng điều này qua các giai thoại, qua các tác phẩm văn chương còn lưu truyền trong dân gian. Nếu hỏi những người đã sống qua thời vàng son của chữ quốc ngữ hay báo chí, các bậc tiền bối như các cụ Nguyễn văn Vĩnh, Phạm Quỳnh (Nam Phong Tạp chí), Nhất Linh, Khái Hưng của Tự lực Văn Đoàn, thì có lẽ cũng thấy ngay vì sao văn chương ở một cái nôi văn hóa như Hà thành lại có những bước (thoái/tiến)… giật lùi?

Chủ đích bài viết này không muốn đào sâu các vụ ám sát đê hèn của thế kỷ trước, hoặc ngay cả chuyện cởi trói cho văn nghệ sĩ vào thời Đổi mới, mở cửa (cuối thập niên 80) mà các anh trong nhóm Đà lạt như Tiêu Dao Bảo Cự, Hà sĩ Phu, cụ Hữu Loan… đã làm; tác giả là kẻ hậu sinh, lại càng không phải là một học giả để có thể nói chuyện về Nhân văn Giai phẩm, Trần Dần, Hoàng Cầm, v.v.. mà thiển nghĩ cả một guồng máy tác nhân đã gây khó khăn tạo ra một quốc nạn, quốc khổ cho tư tưởng, văn chương Việt Nam.
Ông Gandhi sống ở thế kỷ trước không có một phương tiện truyền thông đại chúng và chớp nhoáng như mạng lưới toàn cầu ngày nay, nhưng cả bao nhiêu lời nói, bài viết hay nói chuyện của ông đã không bị Anh quốc bóp nghẹt mà còn được báo chí, phát thanh của họ truyền đi khắp nơi trên thế giới. Ngày nay, mấy trăm câu phát biểu của ông đã thành châm ngôn được lưu giữ, truyền tụng, phiên dịch khắp năm châu. Nhìn lại càng thấy buồn cho Việt Nam!

Thời gian không những luống vô tình mà còn là một dấu mốc trêu người trong thế kỷ 21 văn minh này. Rồi chuyện này cũng như bao nhiêu chuyện chuyên chế vô nhân khác sẽ qua đi! This, too, shall pass?
Nhưng sao con tim khắc khoải Việt Nam vẵn âu lo từng ngày cho số phận con dân và đất nước họ?

Tại sao thời đại huy hoàng, diễm lệ, trữ tình (romantic) của thế kỷ ông Gandhi lại không thể xảy ra trong thời đại kinh tế thị trường này? Vì sao Luật sư Lê Công Định không là một Gandhi của Việt Nam? Vì sao hai người, hai thế hệ là cả hai thái cực? Vì sao linh mục Nguyễn văn Lý, luật sư Nguyễn văn Đài, Lê thị Công Nhân lại được chúng ta ôm ấp và quên lãng như một Nelson Mandela của South Africa (suốt 27 năm)? Hay là chúng ta lại mong họ trở thành những bi hùng ca ai oán như chí sĩ như Nguyễn Ái Quốc và cô Giang?
Vì sao các dân oan bị chiếm đất, các công nhân bị chèn ép không trở nên các cơn sóng triều như phong trào tràn lan rộng lớn bất bạo động của Gandhi, Ấn độ? Hay là tuyệt đại đa số dân tộc cũng sẽ lao đầu vào cuộc đua vật chất, cháy như những con thiêu thân chỉ vì một chút bổng lộc, ơn mưa mốc của kim tiền, thích lờ đi hoặc cả nhạo báng những anh hùng sa cơ lỡ vận? Hay là linh hồn và lẽ sống của dân tộc đang hướng về thời thượng giữa tư bản và cộng sản (crony commies)?

© Nguyễn Khoa Thái Anh
----------------------------------

(1) Dòng tộc, nguồn gốc của Lạc Việt không chỉ 4 ngàn năm văn hiến như nhiều dữ liệu đã ghi, mà thật ra như nhiều khai phá về DNA cũng như khảo cổ học đã cho thấy cổ sử của VN đã có ít nhất hơn 15 ngàn năm nay. Xin đọc “Eden in the East” của Stephen Oppenheimer và “New Light on A Forgotten Past”, giáo sư Wilhelm G. Solheim II, Ph.
http://www.mevietnam.org/NguonGoc/fv-newlight.html


No comments: