Sunday, February 7, 2010

BỎ RƠI NHÂN QUYỀN

Bỏ rơi nhân quyền
Joshua Kurlantzick
Đinh Từ Thức dịch

07/02/2010 11:30 sáng
1 phản hồi
http://www.talawas.org/?p=15937
Lời người dịch:
Năm 1997, Ngụy Kinh Sinh (Wei Jingsheng), nhà vận động dân chủ nhân quyền nổi tiếng của Trung Quốc đang thi hành bản án thứ nhì 14 năm tù thì được tha, do sự can thiệp của Tổng thống Bill Clinton với Chủ tịch Giang Trạch Dân (Jiang Zemin). Tháng 11 năm 2009, trong chuyến công du Bắc Kinh, Tổng thống Obama kín đáo yêu cầu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao) thả ông Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), người đã bị bắt vì tham dự việc thảo và ký tên vào Linh bát Hiến chương. Đúng ngày Lễ Giáng Sinh 25 tháng 12, Trung Quốc đem ông Lưu ra xử 11 năm tù.
Vốn theo sát Trung Quốc trong lãnh vục đàn áp đối lập và hạn chế tự do dân chủ, Việt Nam đem hàng chục nhà vận động nhân quyền và tự do dân chủ ra tòa y án cũ, hay lãnh án mới. Người bị xử nặng nhất là ông Trần Huỳnh Duy Thức, không phải chỉ có 11 năm như ông Lưu Hiểu Ba, mà 16 năm tù. Trung Quốc và Việt Nam không làm như thế trong quá khứ. Tại sao bây giờ họ làm như thế?
Họ làm như thế, giản dị là họ có thể làm như thế mà không sợ hậu quả.
Bảy năm trước, ngày 30 tháng 4, 2003, ông James Webb, tác giả bài “Chăn gối với kẻ thù” (Sleeping With the Enemy) nghiêm khắc lên án cánh tả trong đảng Dân chủ như McGovern, Bill Clinton, Jane Fonda và các nhà làm phim Hollywood đã có thái độ thân thiện cộng sản Việt Nam. Bây giờ, là Nghị sĩ Dân chủ, ngay sau phiên tòa xử Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long, ông Webb cũng lên tiếng chỉ trích rằng: “Vụ bắt giữ và xét xử những người này cho thấy áp lực ngày càng tăng tại châu Á hướng về việc kiểm duyệt của nhà nước và sự chuyên quyền”. Nhưng ông vội vàng yêu cầu chính quyền Obama đừng nặng tay với Hà Nội: “Thay vì cô lập Việt Nam vì các hành động như thế này, tôi khuyến cáo chính phủ Obama tiếp tục đề cập các chủ đề quyền tự do lập hội và thực thi pháp quyền với Việt Nam.” Hoa Kỳ đã đề cập những chuyện này với Việt Nam từ trên ba chục năm, và số người bị đàn áp ngày càng nhiều hơn.
Greg Rushford viết trong The Rushford Report 2009 ngày 25 tháng 1, 2010 rằng: “Việc đàn áp các nhà bất đồng chính kiến được sự ủng hộ ngầm của tập đoàn kinh doanh Hoa Kỳ”, và “Đối với các nhà vận động dân chủ ôn hòa như ông Định, ông Long và ông Thức, Phòng Thương mại Hoa Kỳ AmCham (American Chamber of Commerce) có vẻ như chia sẻ quan điểm với Bộ Chính trị: họ là những người phá rối cản đường”.
Trong một bài tham luận đọc cuối tháng trước tại California về tình hình Trung Quốc và Việt Nam trước triển vọng dân chủ, do AsiaNews đang lại ngày 29 tháng 1, Ngụy Kinh Sinh cũng nói: “Mối quan hệ giữa các nền dân chủ Tây phương và các chế độ độc tài châu Á đã chuyển từ đối đầu, sang khoan nhượng và hợp tác. Các lực lượng đối lập ở nước ngoài của Trung Quốc và Việt Nam trở thành cái gai trong mắt của các chính trị gia của các nước dân chủ”.
Theo Joshua Kurlantzick qua bài “Giving up on Human Rights in China and Beyond”, sở dĩ Trung Quốc gia tăng đàn áp, và Việt Nam bắt chước, chỉ vì các nước Tây phương đã quan tâm về mặt kinh tế, và bỏ rơi những giá trị cổ truyền của mình về nhân quyền.

-----------------

Bỏ rơi nhân quyền

Từ khi nhậm chức, chính quyền Obama đã theo đuổi một đường lối phát triển nhân quyền yên ắng hơn rất nhiều so với các chính quyền trước đó. Từ cách đối xử với chế độ quân phiệt tàn bạo ở Miến Điện cho đến sự im lặng ban đầu trước những cuộc biểu tình tại Iran, chính quyền của ông Obama đã gợi ý rằng vấn đề này tốt nhất nên được đề cập tới trong vòng kín đáo – hay không nên đặt ra. Chuyện này không phải chỉ xảy ra với Washington. Do bởi nhiều nguyên nhân, từ khủng hoảng toàn cầu cho tới sự lớn mạnh của Trung Quốc, thời đại phát huy nhân quyền toàn cầu đã sụp đổ, nhường chỗ cho thời đại của chủ nghĩa thực tiễn chưa từng thấy từ thời Henry Kissinger và Richard Nixon.

Dấu hiệu của sự thay đổi này có thể thấy tại khắp nơi. Châu Âu mới đây đã trao chức chủ tịch của một trong những tổ chức nhân quyền quan trọng cho Kazakhstan, một nước từng bị lên án về việc bắt người tùy tiện và tra tấn. Chính quyền Úc, một thời nổi tiếng về những chỉ trích nặng nề những chế độ đàn áp, bây giờ cố tình tránh chỉ trích Trung Quốc, ngay cả khi nước này bắt giữ một giới chức cao cấp người Úc về hầm mỏ dựa trên những tố cáo mà nhiều người cho là bịa đặt. Tổng thống Nicolas Sarkozy của Pháp gần đây đã dùng nghi lễ dành cho quốc khách đón tiếp một lãnh tụ đảo chánh từ Mauritania.

Nguyên nhân của sự thay đổi này rất phức tạp. Di sản Iraq và sự thất bại trong cung cách răn dạy của George W. Bush chắc chắn là một trong các lý do. Khủng hoảng tài chánh cũng gây cảm hứng cho một tân chủ nghĩa thực dụng: lên án một nước lạm dụng nhân quyền sẽ gặp nhiều rắc rối hơn khi nước bị chỉ trích (Trung Quốc) bỗng nhiên đóng vai trò quan trọng trong việc tái phục hồi kinh tế toàn cầu. Và đối với phương Tây quen thói tiêu xài vung vít, thăng tiến nhân quyền đã trở thành món hàng xa xỉ. Thủ tướng Tony Blair có thể chú tâm vào việc cai trị ở Phi châu thời khá giả của thập niên 2000, nhưng Gordon Brown, người kế nhiệm phải để hết thì giờ — và tiền bạc – đối phó với nợ nần chồng chất của Anh. Công chúng cũng chẳng than phiền. Với nạn thất nghiệp tăng vọt, dân chúng quay về hướng nội, và ít lưu ý tới những gì xảy ra tại Sudan hay Bắc Triều Tiên. Trong khi ấy, những nước chuyên quyền đang lên, đặc biệt là Trung Quốc, vung vãi viện trợ và cố vấn cho các đối tác hải ngoại, cung ứng cho các nước chuyên chế nhỏ hơn một lựa chọn khác hơn là sự giúp đỡ của phương Tây (và thường có điều kiện đi kèm).

Rất có thể là chủ nghĩa duy tâm cũ sẽ mau chóng trở lại. Nhưng trong quá khứ, cần phải có biến cố lịch sử như vụ tấn công 11 tháng 9 để đánh thức phương Tây khỏi sự mê muội. Các nhà cải cách và vận động đang khốn khổ trong tù trên khắp thế giới có thể không đợi lâu được như vậy.

Kurlantzick là chuyên gia tại Council on Foreign Relations.
Nguồn: “Giving up on Human Rights in China and Beyond”, Joshua Kurlantzick, Newsweek, Feb. 8, 2010.

Bản tiếng Việt 2010 © Đinh Từ Thức
Bản tiếng Việt 2010 © talawas



No comments: