Wednesday, February 10, 2010

BÀI HỌC TOYOTA (Ngô Nhân Dụng)

Bài học Toyota
Ngô Nhân Dụng
Tuesday, February 09, 2010
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=108126&z=7
Chúng ta có thể rút ra nhiều bài học trong vụ hãng xe Toyota phải “gọi về” để sửa chữa chín triệu chiếc xe. Bài học quan trọng nhất là một xã hội thông tin cởi mở sẽ bảo vệ người tiêu thụ, cũng như một chế độ tự do dân chủ giúp quyền lợi của người dân được tôn trọng. Vì trong những xã hội đó, mỗi người phải chịu trách nhiệm về các hành vi của mình cho nên họ không thể lạm dụng quyền hành như trong các chế độ độc quyền.

Năm ngoái Toyota đã có lúc được coi là công ty xe hơi với số bán cao nhất thế giới. Ðó là một thành tích đáng kể đối với một công ty khởi nghiệp làm máy dệt tự động từ thế kỷ 19 và mới bắt đầu làm xe hơi từ năm 1933. Tiêu biểu cho khả năng kỹ nghệ và tinh thần làm việc cần cù, lương thiện của dân tộc Nhật Bản, công ty này hãnh diện về phẩm chất tốt; trong số các chiếc xe Toyota bán ở Mỹ từ 20 năm nay, 80% vẫn còn đang chạy được. Toyota chỉ hưởng ngôi vị công ty xe hơi lớn nhất thế giới trong một thời gian ngắn. Một công ty lâu đời nổi tiếng như vậy cũng có lúc phạm vào những lầm lẫn có thể làm thiệt hại đến uy tín và thương vụ trong nhiều năm sắp tới.

Thông tin là mạch sống của kinh tế, thông tin tự do bảo đảm những sai lầm trong hệ thống sản xuất có thể được khám phá sớm. Năm 2007, công ty bảo hiểm State Farm đã nhận thấy số thân chủ bị tai nạn vì hệ thống tăng tốc độ của xe Toyota tăng lên một cách bất thường. Họ báo động Cơ Quan An Toàn Xa Lộ Toàn Quốc (NHTSA, National Highway Traffic Safety Administration) trong chính phủ Mỹ. Cơ quan này đã nghiên cứu bản báo cáo đó, yêu cầu Toyota hành động và công ty này đã gọi về các loại xe mắc khuyết điểm đó ngay trong vòng một tháng. Năm nay, thêm nhiều tai nạn của các loại xe khác, và sau đợt này công ty đã gọi về tám loại xe, và cách đây 2 tuần đã ngưng sản xuất 8 loại xe đó. Tháng Tám vừa qua, có báo cáo đầu tiên ở Nhật Bản về bộ phận thắng của xe Prius bị kẹt, nhưng khi xét nghiệm công ty không thấy có điều gì bất thường. Ðến Tháng Mười, sau khi thêm các tin xấu ở Mỹ, công ty mới khám phá ra nhầm lẫn trong việc sản xuất; loại xe bán chạy nhất này cũng được gọi về để sửa chữa. Cho tới nay đã có 8 triệu rưỡi chiếc Toyota bị “gọi về,” để sửa chữa các bộ phận nhấn ga và thảm chân khiến bàn đạp nhấn ga bị kẹt, gây tai nạn khi xe tăng tốc độ không thể kiểm soát được. Sau khi có hơn 200 khách hàng ở Mỹ và Nhật khiếu nại về chân thắng của xe Prius, công ty lại “gọi” 437,000 chiếc xe “xăng điện” bán chạy nhất thế giới trong loại dùng xăng và điện song song để tiết kiệm năng lượng.

Xã hội tự do dân chủ bảo đảm quyền lợi cho người tiêu thụ. Công ty Toyota đã gọi về 9 triệu chiếc xe không phải vì họ có từ tâm, mà vì họ làm ăn trong những xã hội có luật lệ bảo vệ người dân. Các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về sự an toàn của người tiêu thụ, cũng giống như chính phủ phải chịu trách nhiệm về sự an toàn của người dân. Chính quyền đứng giữa người tiêu thụ và các nhà sản xuất cho nên mới đóng vai trò trọng tài một cách có hiệu quả. Chúng ta có thể tưởng tượng, nếu trước đây các loại xe Lada của Nga hay Trabant của Ðông Ðức bị các khuyết điểm như vậy thì người tiêu thụ chỉ có cách tự lo lấy chứ không biết kêu ca với ai! Vì cả các công ty xe hơi này và chính quyền đều nằm trong tay cùng một đảng Cộng Sản! Người dân Ðông Âu vẫn gọi đùa xe Trabant là “Xe Ford làm bằng giấy các tông” và dán bằng băng keo! Họ kể chuyện một người vào tiệm hỏi mua 60 mét băng keo, người bán khuyên: “Mua 40 mét cũng đủ ông ạ! Tôi cũng lái một chiếc Trabant!”

Kinh tế thị trường phải đi đôi với chế độ dân chủ mới bảo đảm được quyền lợi của người tiêu thụ, vì mọi người phải chịu trách nhiệm về các hành vi của mình. Ngày hôm qua, chủ tịch công ty Toyota đã họp báo chính thức xin lỗi về những khuyết điểm trong việc quản lý.

Ông Akio Toyoda mới nhậm chức năm ngoái, có thể nói không chịu trách nhiệm hoàn toàn về những sai lầm trong việc sản xuất các loại xe từ năm bẩy năm trước; nhưng nhân danh chủ tịch của công ty, ông “Nhận trách nhiệm cá nhân của chính tôi” về các sai lầm đó, và hứa sẽ thay đổi để từ nay không còn xẩy ra những sai lầm tương tự. Ông thuộc gia đình đã sáng lập ra công ty, tên Toyoda (chữ Hán đọc là Phong Ðiền; nghĩa là ruộng đất phì nhiêu). Năm 1933 công ty đã đổi một chữ D thành T cho giản dị hơn khi viết bằng chữ Nhật katakana, chỉ có 8 nét thay vì 10 nét mà số 8 lại là con số hên!

Ông Akio Toyoda nói trong cuộc họp báo ngày hôm qua: “Tôi không nghĩ Toyota là một công ty không bao giờ phạm sai lầm.” Trong một bài trên nhật báo Washington Post, ông viết: “Khi người tiêu thụ mua Toyota, họ không chỉ mua một chiếc xe, mà họ đặt tin tưởng vào công ty chúng tôi. Mấy tuần lễ vừa qua cho thấy rõ ràng là chúng tôi chưa xứng đáng với lòng tin cậy vào các tiêu chuẩn mà chúng tôi đã tự đặt ra cho chính mình. Quan trọng hơn nữa, chúng tôi chưa sống đúng theo các tiêu chuẩn mà quý vị thân chủ chờ đợi chúng tôi phải tuân theo. Tôi vô cùng thất vọng về điều này và tôi xin tha lỗi. Với tư cách chủ tịch Toyota, tôi xin nhận trách nhiệm cá nhân của tôi về khuyết điểm này.”

Bộ Giao Thông Nhật Bản đã chính thức khiển trách công ty Toyota vì phản ứng chậm chạp, và ngày Thứ Tư đã gặp ông đại sứ Mỹ để bảo đảm bang giao giữa hai nước không bị tổn thương vì các biến cố này. Nói cách khác, chính phủ Nhật Bản cũng đứng ra nhận chung trách nhiệm!

Báo chí ở Mỹ cũng đặt vấn đề trách nhiệm của chính phủ và các nhà lập pháp trong vụ Toyota gọi về các loại xe có khuyết điểm. Trong một xã hội tự do, các tin tức được phổ biến công khai và nhanh chóng cho nên người dân Mỹ được biết ngay lập tức về mối quan hệ giữa nhiều đại biểu Quốc Hội với công ty Toyota. Nhiều đồng Quốc Hội ở Thượng Viện và Hạ Viện trong quá khứ đã tỏ ra quá thân thiết với công ty này khi họ vận động công ty mở nhà máy trong đơn vị của họ để tạo công ăn việc làm, nhiều người trong số đó hiện nay đang ngồi trong ủy ban điều tra xem tại sao Toyota đã phạm những lỗi lầm khiến phải gọi về để sửa 9 triệu chiếc xe.

Ðiều người dân Mỹ lo ngại là nhiều người trong ban giám đốc Toyota ở Mỹ trước đây đã từng làm việc trong các cơ quan chính phủ phụ trách về an toàn xa lộ. Nhưng báo chí chú ý đặc biệt tới các nhà lập pháp. Công ty Toyota không tham dự nhiều vào các việc gây quỹ tranh cử của các nhà chính trị hai đảng ở Mỹ. Trong mùa bầu cử 2008 họ nhân viên công ty chỉ đóng góp 30,000 đô la cho các ứng cử viên ở cấp liên bang, một con số rất nhỏ so với các công ty Mỹ như Ford (880,000 đô la) và General Motors (799,000 đô la). Tuy nhiên, điều mà người dân Mỹ quan ngại là những liên hệ của công ty này với các nhà chính trị có thể khiến họ không giữ được tính khách quan trong các cuộc điều tra đang bắt đầu.

Nghị Sĩ Jay Rockefeller, đứng đầu ủy ban điều tra của Thượng Viện về vụ này, vì ông là người từng khoe công lôi kéo được công ty về mở nhà máy ở tiểu bang West Virginia của mình. Toyota hiện đang sử dụng 36,000 công nhân ở Mỹ và cung cấp việc lạm cho 166,000 người, họ vẫn tự quảng cáo là một công ty “quốc tịch Mỹ.” Một dân biểu tiểu bang California, bà Jane Harman còn được chú ý hơn nữa vì trụ sở công ty Toyota được đặt tại Torrance trong đơn vì mà bà đại diện. Báo chí còn cho biết hai vợ chồng bà đang làm chủ một số cổ phần Toyota trị giá 115,000 Mỹ kim; và công ty do gia đình bà làm chủ đang cung cấp bộ phận cho Toyota ráp xe.

Những tin tức đó được loan báo để công chúng Mỹ biết, giúp họ theo dõi và phán đoán những hành động của các đại biểu Quốc Hội. Loại tin tức như vậy chỉ có thể được tiết lộ nhanh chóng và chính xác trong một xã hội tự do dân chủ.

Kinh tế thị trường cần phải đi cùng một chế độ tự do dân chủ thì mới bảo vệ được người tiêu thụ. Một xã hội trọng pháp luật giúp cả những nhà kinh doanh lẫn các chính trị gia giữ được tinh thần trách nhiệm đối với công chúng. Ðây là một bài học cho người dân các nước đang phát triển.


No comments: