Sunday, February 21, 2010

BÀ MẸ ANH HÙNG

Bà Mẹ Anh Hùng
TRẦN KHẢI
Việt Báo Chủ Nhật, 2/21/2010, 12:00:00 AM
http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=2&nid=155926
Việt Nam mình có hàng chục ngàn phụ nữ được nhà nước Hà Nội phong danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” vì những đau khổ, mất mát của họ trong cuộc nội chiến Quốc-Cộng. Tuy nhiên, chính phủ đối xử với họ như thế nào cũng là điều hiển lộ ra bản chất của chế độ. Có phải họ là những vỏ chanh đã vắt hết nước? Trên nguyên tắc, không phảỉ thế. Nhưng thực tế ngậm ngùi là, họ không là cái gì cần thiết nữa.

Nhà văn nổi tiếng Võ Đắc Danh -- cũng là một nhà báo, một đạo diễn, và là một người viết blog – trong một bài đăng ngày 12-2-2010 trên blog riêng (
http://dacdanhmientay.multiply.com/journal/item/173/173) đã nói lên một chuyện để suy nghĩ. Bài viết của nhà văn Võ Đắc Danh có nhan đề “Mẹ tôi chửi thề” như sau:
“Mẹ tôi vốn nổi tiếng hiền lành, phúc hậu, ăn nói nhẹ nhàng, từ tốn, chưa bao giờ biết lớn tiếng hay nặng lời dù là với đàn gia súc gia cầm mất nết. Nhưng nay, tuổi 85, bỗng dưng bà chửi thề vì cảm thấy mình bị xúc phạm.
Số là, gần Tết, bà nhận được thông báo ngày mai lãnh đạo tới thăm Mẹ Việt Nam Anh Hùng. Sáng, bà lui cui chuẩn bị trà nước để đón khách. Lại được thông báo: Lãnh đạo bận việc nên dời lại chiều mai, cho lãnh đạo xin lỗi. Ừ, lỗi phải gì, các con cuối năm tất bật mà, mẹ chẳng trách đâu. Hôm sau lãnh đạo tới, lễ phép kính thưa, thăm hỏi và trân trọng tặng Mẹ năm trăm ngàn xài Tết.
Chuyện cũng bình thường như cái lẽ tất nhiên của lãnh đạo đối với bà trong mấy chục cái Tết đã qua, từ khi bà còn ở Cà Mau cho đến khi lên Sài Gòn. Nhưng cái khác thường của năm nay là khi bà đi lãnh tiền trợ cấp BMVNAH thì bị trừ năm trăm ngàn vì "lãnh đạo đã trao trực tiếp tận nhà rồi".
Bà chửi thề một câu rồi nói: "Thì ra nó lấy tiền của tao để tặng tao".”(hết toàn văn)

Tới đây, chúng ta thử tìm hiểu xem danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” có ý nghĩa gì.
Bộ sách Bách khoa toàn thư mở Wikipedia đã có một mục riêng, giải thích khái niệm này như sau:
“Bà mẹ Việt Nam anh hùng là danh hiệu vinh dự mà nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng hoặc truy tặng những phụ nữ Việt Nam có nhiều cống hiến, hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế. Danh hiệu này được ban hành theo pháp lệnh ngày 29 tháng 8 năm 1994 của Ủy ban thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tiêu chuẩn đạt danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" (kể cả là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam) dành cho những phụ nữ đạt một trong những tiêu chuẩn sau:
* Có hai con là liệt sĩ và có chồng hoặc bản thân là liệt sĩ;
* Có hai con mà cả hai con là liệt sĩ, hoặc chỉ có một con mà người đó là liệt sĩ;
* Có ba con trở lên là liệt sĩ;
* Có một con là liệt sĩ, chồng và bản thân là liệt sĩ.
Danh hiệu do chủ tịch nước kí tặng hoặc truy tặng theo đề nghị của chính phủ. Người được tặng (truy tặng) được cấp bằng và huy chương Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Từ tháng 12 năm 1994 đến hết năm 2001, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”:
* Cả nước: 44.253 người
o Miền Bắc: 15.033 người
o Miền Nam: 29.220 người..”(hết trích)

Theo định nghĩa trên, danh hiệu này chỉ áp dụng cho các gia đình thuộc phía CSVN và phảỉ có ít nhất 3 người là liệt sĩ, nghĩa là tử trận trong cuộc nội chiến vừa qua.

Chúng ta còn có thể nhớ tới nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, khi bà chưa vào tù và khi đang hoạt động hỗ trợ dân oan các năm 2007 và 2008, có một hồ sơ được nhà văn Trần Khảỉ Thanh Thủy phổ biến toàn cầu. Đó là một Đơn Khiếu Nại của một Bà Mẹ VN Anh Hùng. Đơn đề ngày 19-8-2007, của cụ bà Trần Thị Thơi, một Bà Mẹ VN Anh Hùng vì có chồng và 5 con trai là liệt sĩ.

Cụ bà trong bản văn “Mẹ Tôi Chửi Thề” được báo giới quốc nội chú ý nhiều hơn, vì người viết là một nhà văn nổi tiếng, tuy cụ bà chỉ mất có một số tiền (có thể đoán là vài trăm ngàn đồng?). Nhưng nỗi đau đớn của cụ bà Trần Thi Thơi thì lớn hơn nhiều, và bản thân phảỉ trở thành dân oan để ra tận Hà Nội, sống bụi đời trong công viên để khiếu nại, và được nhà văn lề trái Trần Khải Thanh Thủy giúp đưa đơn phổ biến toàn cầu.

Đơn viết như sau:
“ĐƠN KHIẾU NẠI
(V/v: Giải quyết khiếu nại của UBND huyện Châu Thành
tỉnh Đồng Tháp tại các công văn số 204/UBND-NC ngày 22/3/2005
và báo cáo số 18/BC-CBNC ngày 23/3/2006)
Kính gửi :
- Ông Nguyễn Tấn Dũng - Thủ tướng Chính phủ nước CSVN
- Các cơ quan báo chí trong và ngoài nước + Quốc tế
Tôi tên là : Trần Thị Thơi, sinh năm 1923 cùng cháu gái là Trần Thị Sao
Trú tại ấp An Ninh, xã An Khánh, Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp.
Tôi là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng - có chồng và 5 con trai là liệt sĩ trong thời kỳ gọi là “kháng chiến chống Mỹ cứu nước do nhà nước CSVN tặng thưởng”
Xin được trình bày với Quý Ông sự việc như sau:
Trong “kháng chiến chống Mỹ cứu nước” vợ chồng tôi được ông Trần Văn Khải là em ruột chồng tôi cho (5 công) 5.000 m2 để sản xuất sinh sống nuôi chồng con chiến đấu. Diện tích 5 công đất này có nguồn gốc trong số 16 công đất được chính quyền cách mạng CSVN cấp năm 1950 cho ông Nguyễn Văn Phát và ông Đoàn Văn Bàn. Ông Bàn không canh tác mới cho lại ông Phát, ông Phát cho con rể là Trần Văn Khải số diện tích 16 công này và ông Khải cho vợ chồng tôi 5 công như đã nói ở trên. Gia đình tôi quản lý sử dụng trồng lúa để lấy gạo nuôi chồng con trưởng thành đi đánh trận và chồng tôi đã hy sinh năm 1964. Sau đó 5 đứa con của tôi cũng lần lượt hy sinh tại chiến trường.
Vào khoảng 1968-1969 binh lính Việt Nam Cộng Hòa tái chiếm xã An Khánh và đã lấy mảnh đất này làm đồn bốt vừa để chống phá tiêu diệt lực lượng của quân CSVN vừa triệt đường làm ăn của gia đình có người tham gia Cộng sản. Sau năm 1975 chính quyền tiếp quản diện tích và đồn bót này làm trụ sở UBND xã. Năm 2003 trụ sở UBND xã chuyển đi chỗ khác, khoảng đất này bỏ hoang nên tôi làm đơn gửi chính quyền xin nhận lại diện tích này nhưng không được chính quyền xã và huyện giải quyết với lý do :
“Trụ sở UBND xã An Khánh (cũ) có diện tích 2.691 m2 thuộc thửa 1989 tờ bản đồ số 4 xã An Khánh. Trước thời kỳ gọi là giải phóng, chế độ cũ sử dụng làm đồn bót, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 gọi là “giải phóng” chính quyền CSVN xã An Khánh tiếp quản và xây dựng trụ sở UBND xã...” (Công văn số 204/UBND-NC ngày 22/3/2006 của UBND huyện Châu Thành).
Công văn cũng đã nêu khu đất này đã được quy hoạch làm khu dịch vụ-thương mại chợ An Khánh bằng quyết định số 66/QQD-NB ngày 13/4/2004 và “Hiện nay UBND xã An Khánh đang kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng khu đất trên theo quy hoạch đã được phê duyệt”... (công văn số 204/UBND-NC).
Thưa Quý ông Thủ tướng, qua trình bày của tôi ở trên và cách xem xét giải quyết trả lời của UBND huyện Châu Thành. Tôi xin Ông với quyền hạn và trách nhiệm của mình cho làm rõ và trả lời tôi những thắc mắc sau :
1- Diện tích của gia đình tôi đòi xin lại là 4.000 m2 trong đó 5.000 m2 của ông Khải cho vì 1.000 m2 đã bị làm đường chứ không phải là 2.691 m2 như công văn 204 nêu ? Tại sao UBND huyện không nói rõ nguồn gốc đất mà chế độ cũ đã làm đồn bót là của ai ? Vào thời gian nào ?
2- Cách giải quyết của UBND huyện Châu Thành khi bác quyền lợi của tôi có phải là các cấp chính quyền coi việc chế độ cũ lấy đất của gia đình cách mạng CS để làm đồn bót và tước đi nguồn sống của họ để chống phá cách mạng CS là đúng là hợp pháp ?
3- Diện tích 4.000 m2 còn lại của gia đình tôi bị bỏ hoang đã trên 3 năm. Trong khi gia đình tôi cần đất để sinh sống. Đây là một sự lãng phí khủng khiếp. Ai có quyền được làm như thế ? Cái quy hoạch đó còn được TREO đến bao giờ ?
Thưa quý ông trước đây Nhà nước đã có chủ trương trả lại ruộng đất cho những gia đình tham gia cách mạng CSVN bị chính quyền cũ trưng dụng, đất của gia đình tôi bị cướp đoạt sao không trả lại cho gia đình tôi ???. Nay UBND tính làm khu dịch vụ-thương mại (chưa biết đến khi nào mới có người dám bỏ tiền đầu tư) để mọi người đều được hưởng lợi ? Tại sao lại một mình gia đình tôi chịu thiệt thòi? Chẳng lẽ bao nhiêu người đã không tiếc cuộc sống của mình trong đó có chồng và 5 người con của tôi đã chiến đấu và hy sinh để thống nhất đất nước với mong muốn đem lại sự công bằng ấm no hạnh phúc, vậy mà nay kết cục lại như vậy sao? Tôi đã già rồi muốn nhận lại mảnh đất đang bị bỏ hoang mà trước kia bị chính quyền cũ sử dụng để cho con cháu sản xuất nuôi dưỡng tôi nay đã già yếu như vậy không được sao ? Tôi mà biết cuộc cách mạng CSVN này ăn cháo đá bát, đã đi đến phản bội và quay lưng lại với những người đóng góp xương máu cho đảng và nhà nước CSVN ta thì có lẽ tôi chẳng hy sinh chồng con làm gì ?
Tại sao chúng tôi là những người đã có đóng góp biết bao nhiêu công lao xây dựng nên chế độ CSVN này mà nay các vị lại nỡ bội bạc, dứt tình như vậy với chúng tôi ? Ai hy sinh công lao máu xương cho các vị ăn trên ngồi chốc mà có quyền lực đầy mình như hiện nay ? Hoàn cảnh tôi là bà mẹ Việt Nam anh hùng các vị đã trao tặng ban phát cho tôi, vậy mà các vị hóa ra chỉ lợi dụng chúng tôi để tuyên truyền có lợi cho mình thôi. Các vị chỉ lợi dụng xương máu của nhân dân để có quyền cao chức trọng thôi. Chớ trên thực tế thì các vị có tha thiết yêu thương quan tâm gì đến cảnh ngộ nghèo khổ của “bà già Việt Nam anh hùng” này. Thật là các vị chỉ giỏi đạo đức giả và chỉ là vắt chanh bỏ vỏ thôi chứ có gì là thiệt tình đâu ? Tôi viết đơn này tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng mấy tháng trước ra Hà Nội. Nay vào đúng dịp gọi là cách mạng tháng 8 và quốc khánh 2/9/2007 tôi lại gửi nhờ người nhà đưa ra thủ đô để tố cáo sự cướp đoạt trắng trợn này, thế có khổn khổ và khốn nạn cái thân già hơn 85 tuổi của tôi hay không ?
Cuối cùng tôi tha thiết Kính mong Ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hãy xem xét và trả lời cho tôi, xin Ông hãy trả lời thẳng thắn xin đừng đùn đẩy lòng vòng. Năm nay tôi đã bước sang tuổi 85 rồi quá mệt mỏi, hao tổn sức khoẻ và tiền bạc vì đi lại để đòi xin được nhận lại mảnh đất của mình bao nhiêu năm trời mà chưa kết quả gì. Tôi là gia đình có công lao với chế độ còn bị như vậy, thử hỏi các người khác là dân đen sẽ còn khốn khổ ra sao nữa đây ?
Trong đơn tố cáo này tôi kèm 2 ảnh, 1 là tôi đeo huân huy chương đầy trên ngực do nhà nước CS các ông tặng và đứa cháu gái của tôi tên là Trần Thị Sao để các ông nắm được.
Xin kính chúc Ồng sức khoẻ làm được nhiều việc tốt cho đời.
Tôi xin cảm ơn.
Xã An Khánh, ngày 19 tháng 8 năm 2007
Người làm đơn
Trần Thị Thơi”(hết toàn văn)

Trong bài “Mẹ tôi chửi thề” của nhà văn Võ Đắc Danh có hình một cụ bà ngồi giữa ba thiếu niên. Còn trong Đơn Khiếu Nại của cụ bà Trần Thị Thơi có hình cụ bà khiếu kiện đeo huân chương đầy ngực. Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy đã vào tù. Cụ bà Trần Thị Thơi đã biến dạng, không ai biết tung tích bây giờ ra sao.

Những dòng chữ đầu năm nơi đây, xin trân trọng ghi ơn Trần Khải Thanh Thủy, một nhà văn đã ngồi xuống hè phố để chép lời khiếu kiện của dân oan, và bản thân chị đã trở thành một nhà văn lãnh án tù vì đã viết và đã chia sẻ với đồng bào.



No comments: