Friday, February 5, 2010

ĐẤT NƯỚC NÀY KHÔNG PHẢI CỦA RIÊNG CÁC ANH !

Đất nước này không phải của riêng các anh!
Lê Diễn Đức
Tháng Hai 4, 2010
http://ledienduc.wordpress.com/2010/02/04/d%e1%ba%a5t-n%c6%b0%e1%bb%9bc-nay-khong-ph%e1%ba%a3i-c%e1%bb%a7a-rieng-cac-anh/
“Những người như ông sẽ thay đổi Trung Quốc”.
Đó là tựa đề của bài báo trên trang nhà Ba Lan “
Dõi nhìn Trung Quốc nói về nhà phản kháng Feng Zhenghu (Phùng Chính Hồ). Tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế đánh giá ông là một nhà “bảo vệ nhân quyền” nổi tiếng.
Theo tin Reuters, ngày 2/02/2010, như vậy là kết thúc “phiên bản tiếng Trung” bộ phim “Terminal”.
Bộ phim “Terminal” của của đạo diễn Steven Spielberg, với hai tài tử điện ảnh nổi tiếng Tom Hanks và Catherine Zeta-Jones được xây dựng năm 2004 từ cảm hứng của sự việc có thật ngoài đời. Đó là Mehran Karimi Nasseri, mắc kẹt tại sân bay quốc tế Pháp Charles de Gaulle từ 1988 đến 2006.
Nhưng 3 tháng nay, tại sân bay Narita, Nhật Bản, có thêm một phiên bản thật nữa – phiên bản tiếng Trung.
Sau ba tháng “đóng đô” cầm cự tại sân bay Narita ở Tokyo, ông Phùng Chính Hồ, 55 tuổi, một nhà hoạt động nhân quyền Thượng Hải sẽ bay về quê hương mừng Năm Mới (vào 14 tháng 2).
Ông nói với báo chí rằng, ông có quyền được sống trên quê hương mình thậm chí ông làm những việc không được nhà cầm quyền ưa thích. Ông cho rằng, đất nước Trung Quốc thuộc về công dân của mình cứ không phải là chính phủ.
Ông biết rất rõ điều gì sẽ đến khi ông đặt chân lên đất Trung Quốc. Ông đã từng chịu án tù 3 năm vì tiết lộ thông tin về tham nhũng của quan chức chính quyền.
Ông Phùng Chính Hồ rất ngang bướng, cố gắng về quê hương bằng được mặc dù từ tháng Sáu năm ngoái, ông đã tám lần bị từ chối cho nhập cảnh vào Trung Quốc và bị trục xuất từ Thượng Hải trở lại Nhật Bản. Ông mang hộ chiếu Trung Quốc nhưng visa vẫn còn giá trị vào Nhật, nơi ông có gia đình và được hưởng quyền định cư vĩnh viễn – là mơ ước của hàng triệu người Trung Quốc lục địa.
Lần cuối cùng vào ngày 4/11/2009, sau khi bị buộc về Tokyo, ông quyết định không chịu qua khu vực kiểm tra cửa khẩu để nhập cảnh mà nằm lại phía ngoài cửa khẩu Nhật trong sân bay Narita để phản đối hành động của Bắc Kinh.
Tại sân bay Narita, ông phải ở trong điều kiện thiếu thốn, sống bằng hảo tâm của hành khách xuống máy bay. Ông nói rằng ông chưa được xem bộ phim “Terminal” nhưng nghe mọi người kể thì điều kiện trong vùng quá cảnh của sân bay quốc tế ở New York JFK Hoa Kỳ là thiên đường vì còn có nhiều điểm dịch vụ, nhà hàng, nơi tắm rửa công cộng, trong khi sân bay Narita chỉ có mỗi nghế cho hành khách ngồi chờ.
Ba tháng ở sân bay, ông tận dụng máy điện thoại di động viết blog và đưa tin cho bạn bè và các tổ chức nhân quyền lên mạng Twitter, nhằm nêu bật việc Trung Quốc từ chối cho phép ông quay trở về nước.
Ông nói ông quyết định rời sân bay này sau khi được nhân viên đại sứ quán Trung Quốc tới thăm – là lần đầu tiên kể từ khi ông bắt đầu chiến dịch phản đối.
Nói với hãng AP, ông Phùng nói: “Các quan chức đại sứ quán Trung Quốc đã tới gặp tôi vài lần. Giờ đây, có vẻ họ đã thừa nhận vấn đề”. “Tôi đã quyết định vào lại Nhật Bản, chuẩn bị tinh thần và quay trở lại Thượng Hải để đón Tết âm lịch”. “Tôi tin rằng lần tới tôi có thể về nhà. Là một công dân Trung Quốc, tôi có quyền được trở về”.
Từ chuyện của ông Phùng Chính Hồ tôi nhớ lại chuyện một thân hữu, anh Trần Ngọc Thành, trong năm 2002, mang hộ chiếu Ba Lan được cấp visa về nước bị công an theo dõi từng bước, mời lên làm việc liên tục vì lý do có người tố cáo buôn ma tuý.
Sau chuyến đi này, những người tham gia hoạt động dân chủ trong nhóm chúng tôi ở Ba Lan bị ghi vào sổ đen và bị từ chối cấp visa về Việt Nam, thậm chí từ chối cả cấp hộ chiếu khi hết hạn cho người vẫn còn mang hộ chiếu Việt Nam - một hành động huỷ bỏ quyền công dân phi pháp và trái đạo lý. Vài người trong chúng tôi như anh Cao Ngọc Quỳnh, cô Mạc Việt Hồng vì muốn có visa về nước đều đã phải có những “thoả thuận” nào đó với Toà đại sứ. Thoả thuận của họ ra sao thì có trời biết!
Nhờ sự can thiệp cả quyết và giúp đỡ tận tình của Toà đại sứ Ba Lan tại Hà Nội, anh Trần Ngọc Thành đã trở lại Ba Lan bình an. Trong bài viết tường thuật lại chuyến đi, anh Thành kết thúc bằng câu nói thẳng vào mặt tay công an tại cửa khẩu sân bay Nội Bài khi đe doạ anh đừng có hòng trở về nước thêm một lần nào nữa.
Anh Thành nói: “Đất nước này không phải chỉ của riêng các anh!”.

©
Ledienduc’s Blog 2010



No comments: