Sunday, February 7, 2010

2010, NĂM CỦA TRUNG QUỐC ?

2010, năm của Trung Quốc ?
Trần Kha
Đăng ngày 07/02/2010 lúc 14:13:11 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4569
Trước đà suy thoái kinh tế và tài chánh chung trên toàn cầu năm 2009, Trung Quốc vẫn đứng vững với tỉ lệ tăng trưởng GDP 8,7%. Đó là chưa kể sự lên cấp trong thứ bậc tiêu thụ và xuất khẩu, Trung Quốc trở thành quốc gia tiêu thụ nhiều xe hơi nhất thế giới với 13 triệu chiếc, vượt qua Mỹ với 10 triệu chiếc ; đứng đầu thế giới về lượng hàng hoá xuất khẩu với tổng trị giá 2.207 tỉ USD (10% thị phần quốc tế), vượt qua Đức ; đứng thứ ba về tổng sản lượng GDP, sau Mỹ và Nhật, v.v.
Không khí phát triển nhộn nhịp trong những năm qua của Trung Quốc khá giống Nhật Bản vào đầu thập niên 1970. Tạp chí Thời Nay, phát hành tại Sài Gòn, đã ra một đặc san đặc biệt tháng 3-1970 với chủ đề "1970: năm của Nhật Bản" để đánh dấu sư vươn lên của Nhật Bản khi tổ chức Hội chợ quốc tế Expo Osaka 1970 sau khi tổ chức thành công Olympic Tokyo 1964, xây dựng đường xe điện cao tốc Shinkansen và vượt Tây Đức cả về lượng xuất khẩu lẫn GNP đứng thứ hai thế giới, sau Hoa Kỳ.
Trước những chỉ số lạc quan trên, giới quan sát quốc tế tiên đoán rằng: 2010 sẽ là năm của Trung Quốc, theo đó GDP của Trung Quốc sẽ vượt qua Nhật, đứng thứ nhì thế giới sau Mỹ, và sẽ không bao lâu vượt luôn cả Hoa Kỳ để chiếm ngôi vị hàng đầu về sức mạnh kinh tế.
Thực tế có giản dị như vậy không ?


Bối rối ngay trong những ngày đầu năm con Cọp

Ngày nay không còn ai phủ nhận sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc. Trong vòng 30 năm, sau những cố gắng vượt bậc, từ một quốc gia lạc hậu Trung Quốc đã trở thành một quốc gia hùng cường và giới lãnh đạo Bắc Kinh đã không e dè khi tranh giành ngôi vị lãnh đạo thế giới với Mỹ trên mọi lãnh vực, đặc biệt là kinh tế và quốc phòng. Không những thế, Bắc Kinh còn răn đe và hù doạ trừng phạt nếu Hoa Kỳ không làm theo những gì họ muốn và đã toại nguyện. Trong năm 2009, chính quyền của tổng thống Obama đã không bán vũ khí cho Đài Loan, không gặp Dalai Lama, không lên án những vi phạm nhân quyền, không bênh vực người Uighur bị đàn áp, v.v. Tất cả chỉ vì Washington muốn hoà hoãn với Bắc Kinh để giải quyết những vấn đề quốc tế đang còn nóng bỏng, như tại Iran và Bắc Triều Tiên.
Nhưng sự nhún nhường này đã không mang lại kết quả mong muốn, Trung Quốc cứ được một đòi hai, yêu sách liên tục. Tình trạng này không thể kéo dài. Ngay từ đầu năm 2010, lời qua tiếng lại giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng gay gắt có thể dẫn đến đối đầu.
Ban đầu là lời đe doạ rút khỏi thị trường Trung Quốc của hãng Google vì cho rằng tin tặc Trung Quốc đã tấn công vào hệ thống thư điện tử của trang miền để đánh cắp một số cơ sở dữ liệu nhạy cảm. Google đã phát hiện vụ việc này từ giữa tháng 12-2009 nhưng chỉ đưa ra lời đe doạ vào giữa tháng 1-2010, sau khi hợp tác điều tra cùng với 20 công ty kỹ thuật cao cấp khác của Mỹ tại Trung Quốc và tin chắc rằng có sự nhúng tay của Bắc Kinh ở phía sau. Google yêu cầu chính quyền Trung Quốc tháo gỡ những rào cản mang tính chính trị, nhất là sự kiểm duyệt kết quả tìm kiếm trên mạng
www.google.cn”.
Cũng nên biết, Google đã có mặt tại Trung Quốc từ năm 2006 vì tin rằng sẽ chiếm phần lớn một thị trường 385 triệu máy vi tính. Tuy rất mạnh trên toàn cầu, nhưng sau 3 năm hoạt động, Google chỉ chiếm 1/3 thị trường tìm kiếm trên mạng tại Trung Quốc với khoảng 30 triệu người có trương mục gmail, lợi tức thu về không được bao nhiêu vì bị Baidu, một công ty do nhà nước Trung Quốc hỗ trợ, chiếm giữ.
Nếu vụ việc dừng lại ở mức độ này thì không có gì đáng nói, vì các hãng đối thủ của Google là Yahoo, Microsoft, Adobe, Juniper... cũng đã từng gặp và được giải quyết ổn thỏa. Nhưng lần này, chính quyền Hoa Kỳ trực tiếp lên tiếng can thiệp và bênh vực Google. Ngày 21-1-2010, bà Hillary Clinton, ngoại trưởng Hoa Kỳ, yêu cầu Bắc Kinh nghiêm túc điều tra vụ tin tặc Trung Quốc tấn công Google. Liền tức thì, trong cuộc phỏng vấn ngày 25-1-2010, người phát ngôn của Bộ công nghiệp và tin học Trung Quốc phủ nhận mọi liên hệ giữa nhà chức trách và các vụ tấn công vào hệ thống bảo mật của Google và khẳng định việc Mỹ nghi ngờ chính quyền Trung Quốc đứng sau lưng vụ việc này là "hết sức vô lý" và không có căn cứ.
Điều mà dư luận quốc tế nghi ngờ chính quyền Trung Quốc có nhúng tay vào vụ việc này là bài xã luận đăng trên tờ China Daily, một tờ báo quốc doanh phát hành bằng tiếng Anh ngay sau đó, chỉ trích chiến lược phát triển Internet của Hoa Kỳ. Bài báo viết, "Mỹ sử dụng Internet như một công cụ để can thiệp vào các sinh hoạt từ tài chánh, kỹ nghệ và tiếp thị đến chính trị, văn hoá của các quốc gia khác nhằm biến Internet thành một trung tâm quyền lực duy nhất trên thế giới". Bài báo còn tố cáo các cơ quan tình báo của Mỹ cũng đọc lén thư điện tử của công dân Mỹ. Nếu thực sự Bắc Kinh không có dính líu vào vụ việc này thì lôi kéo sự kiện đọc lén thư điện tử của các cơ quan tình báo của Mỹ vào làm gì, nếu không muốn để biện hộ cho hành động của chính quyền Trung Quốc ? Đó là chưa kể nhiều bài viết khác đăng trên các báo quốc doanh kêu gọi Google và và các doanh nghiệp nước ngoài tuân thủ những "thông lệ" khi hoạt động tại Trung Quốc.
Nhưng trầm trọng nhất là sự phẫn nộ của Bắc Kinh ngày 29-1-2010 khi hay tin Hoa Kỳ bán một số vũ khí phòng thủ chiến lược cho Đài Loan. Người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc, ông Huang Xueping, cho biết Bắc Kinh đã cắt đứt mọi trao đổi quân sự và hợp tác an ninh với Washington. Theo ông Huang, Bắc Kinh đang thực hiện tiến trình thống nhất với Đài Loan trong hoà bình vì là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc. Ông còn đe doạ Trung Quốc sẽ trừng phạt những công ty Mỹ dính líu tới vụ chuyển giao vũ khí này.
Theo thông báo của bộ quốc phòng Mỹ, tổng trị giá lượng vũ khí bán cho Đài Loan trong năm kế toán 2009 là 6,392 tỉ USD, gồm 114 phi đạn chống hỏa tiễn Patriot PAC-3 (2,81 tỉ), 60 trực thăng UH-60M Black Hawk (3,1 tỉ), 2 tàu dò mìn dưới đáy biển Osprey (105 triệu), 12 phi đạn đối hạm Harpoon (37 triệu) và một số trang thiết bị truyền tin cho các phản lực cơ chiến đấu đời cũ F-16 A/B (340 triệu).
Trong năm 2008, Bắc Kinh cũng đã lấy những quyết định tương tự, ngưng hợp tác với Washington trong hơn một năm khi hay tin Hoa Kỳ bán cho Đài Loan một số lượng vũ khí trị giá 6,5 tỉ USD, gồm 30 trực thăng tấn công Apache AH-64 và 330 phi đạn Patriot. Nhưng chính quyền của tổng thống Bush đã không hề nhượïng bộ.
Không biết lần này Bắc Kinh dự định sẽ trả đũa như thế nào vì Trung Quốc cần Hoa Kỳ nhiều hơn là ngược lại. Kỹ nghệ quốc phòng của Trung Quốc rất cần mua lại kỹ thuật tiên tiến của Mỹ để hiện đại hoá quân đội, đặc biệt là hệ thồng hướng dẫn bằng vệ tinh GPS. Giới tin tặc Trung Quốc cũng trông đợi rất nhiều vào sự dễ dãi của các công ty kỹ thuật cao cấp của Mỹ để đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ, những phát minh hay bằng sáng chế mới. Đe doạ ngưng hợp tác Hoa Kỳ trên các vấn đề quốc tế như an ninh tại vùng Darfur, nguyên tử tại Bắc Triều Tiên và Iran, tài giảm sản xuất vũ khí nguyên tử, v.v. không ảnh hưởng gì đến sức mạnh của Hoa Kỳ, vì nếu cần Hoa Kỳ vẫn có thể tự đảm nhiệm lấy một mình như đã từng làm tại Iraq và Afghanistan. Nhưng chắc chắn Bắc Kinh sẽ không dám làm mạnh vì Hoa Kỳ còn một lá bài tẩy, đó là yêu cầu mua 66 phản lực cơ chiến đấu đời mới F-16 C/D (khoảng 4,9 tỉ) và 8 tàu ngầm diesel (15 tỉ) của Đài Loan nhưng vì còn nễ mặt Bắc Kinh nên Washington chưa bật đèn xanh.
Sự cứng rắn đột ngột của chính quyền Obama đối với Trung Quốc xuất phát từ một nguyên do giản dị và cũng là sức mạnh của Hoa Kỳ mà ban lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc không hề biết, đó là cử tri. Sau gần một năm cầm quyền, uy tín của tổng thống Barack Obama giảm sút trầm trọng, chủ trương thực dụng (nhượng bộ với Trung Quốc, hoà hoãn với về việc nhóm khủng bố Hồi giáo, v.v.) không còn ăn khách nữa. Nhất là sau khi ghế thượng nghị sĩ tiểu bang Massachusetts lọt vào tay đảng Cộng Hoà giữa tháng 1 vừa qua, tổng thống Obama mất đi đa số tại Thượng viện, từ đây các chính sách của ông và đảng Dân Chủ sẽ không được thông qua một cách dễ dàng.
Người Mỹ rất tự hào về sức mạnh áp đảo của họ. Chính sách hoà hoãn và mềm dẽo của tổng thống Obama với Trung Quốc không những đã không mang lại kết quả mong muốn mà còn bị mang tiếng là e sợ Trung Quốc. Phục hồi uy tín và sức mạnh của Hoa Kỳ trên chính trường quốc tế chính vì thế là một chiến lược bắt buộc mà Obama phải làm để chinh phục lại lòng tin của cử tri. Trong những ngày sắp tới, ông sẽ long trọng đón tiếp Dalai Lama, lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng, bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh. Tiếp theo sau chắc chắn sẽ là áp lực buộc điều chỉnh lại đồng nhân dân tệ (CNY) mà Hoa Kỳ và thế giới cho rằng Bắc Kinh cố ý hạ thấp trị giá để tiếp tục xuất khẩu hàng hoá với giá rẻ thu về ngoại tệ. Thế cờ đang đổi ngược.
Mặc dù vậy, Bắc Kinh cũng còn hai lá bài tẩy khác để gây thanh thế và làm áp lực với thế giới: quốc phòng và kinh tế.Sức mạnh quân sự của Trung Quốc

Niềm tự hào về sức mạnh quân sự của Trung Quốc có thể nhìn thấy qua sự rạng rỡ và hân hoan trên nét mặt của những viên chức cao cấp nhất của đảng và chính quyền trong buổi duyệt binh ngày quốc khánh 1-10-2009, kỷ niệm 60 năm ngày thành lập nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa.
Cái đinh của buổi diễn binh này là sự diễn hành của 108 quân xa chở 180 loại hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử. "Đông Phong 31A" là loại hỏa tiễn xuyên lục địa đời mới do Trung Quốc tự sản xuất năm 2007, nặng 42 tấn, dài 13 m, đường kính trên 2,25 m, có thể bay xa 11.000 km đến tận Washington hay New York. Kế là hỏa tiễn cự ly trung bình "Đông Phong 21C", nặng 14,7 tấn, dài 10,7 m, đường kính 1,4 m, có thể bay xa từ 2.500 đến 3.000 km tới các đô thị chủ yếu của Nhật, Nam Hàn, Singapore. Sau cùng là hỏa tiễn cự ly gần "Trường Kiếm 10" có thể bay từ 1500 đến 2000 km tới Đài Loan, Sensaku hay Hoàng Sa, Trường Sa, v.v. Tất cả những loại hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử này được cất dấu dưới dãy núi phía bắc Bắc Kinh, sâu 1.000 mà và dài 5.000 km.
Niềm tự hào thứ hai là các loại chiến xa đời mới ZTZ96A, ZTZ99 và những loại xe chỡ máy bay trinh sát không người lái (drone), bộ đội radar cơ động, điện tử đối không, bộ phận truyền tin và hậu cần.
Sau cuộc diễn binh trên đất liền là phần biểu diễn trên không của 156 máy bay quân sự. Đây là lần đầu tiên máy bay điện tử cảnh giác sớm với hệ thống radar chiến lược KJ-2000 (AWACS) xuất hiện công khai trên nền trời. Kế đến là các loại máy bay tiếp tế xăng trên không H-6U, oanh tạc cơ H-6H, chiến đấu cơ J-8F, oanh tạc chiến đấu cơ JH-7A, J-10, J-11B, tất cả đều phỏng theo bằng sáng chế mua lại của Nga. Cuối cùng là phân đội 5 chiếc máy bay tỏa khí đỏ, vàng, xanh do 5 nữ phi công lái.
Một sự kiện đáng chú ý là sự tham dự của các đơn vị bộ binh trong cuộc diễn binh, đặc biệt là những lực lượng đặc biệt, thuỷ quân lục chiến, cảnh sát vũ trang trên những xe thiết giáp chạy trên đất liền lẫn trên nước, tất cả đều ăn mặc gọn gàng theo kiểu quân đội NATO và trang bị bằng súng ngắn hãm thanh. Ngay cả nữ quân nhân cũng được trang bị bằng loại súng này.
Việc toàn thể bộ đội Trung Quốc đều đeo súng liên thanh ngắn hãm thanh chuyên dùng để trấn áp bạo động không chỉ ở mặt trình bày tính hiện đại mà còn cho thấy chiến lược quốc phòng của Trung Quốc không còn đặt trọng tâm vào chiến thuật trận địa chiến chính quy kiểu biển người như chiến tranh Triều Tiên hay Trung-Việt, mà nhắm vào những nhóm du kích quân ly khai tại các vùng dân tộc ít người hay đô thị. Còn các loại xe thiết giáp thuỷ bộ cho thấy Bắc Kinh đang chuẩn bị can thiệp quân sự trên đảo Đài Loan, các hải đảo trên Biển Vàng và các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phía Nam đảo Hải Nam.
So với ngày thành lập Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa ngày 1-10-1949, Hồng vệ binh Trung Quốc đã tiến một bước nhảy vọt. Nhắc lại, ước muốn duy nhất của Mao Trạch Đông trong giai đoạn này là làm sao bắt kịp và vượt qua quân đội Anh trong 50 năm tới. Lý do là nếu Anh không giao trả Hong Kong vào năm 1997, Trung Quốc sẽ dùng bạo lực để chiếm lại. Ngày nay thì ước nguyện đó đã thành hiện thực, nhưng hơn hẳn quân đội Anh về số lượng. Từ 1990 trở lại đây, ban lãnh đạo đảng cộng sản tại Bắc Kinh đang âm thầm thực hiện một tham vọng khác là đuổi kịp, ngang ngửa và vượt qua Mỹ trong vòng 50 năm tới (vào khoảng 2040) để ít nhất chia đôi vai trò lãnh đạo khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và không gian cùng với Mỹ. Chương trình phóng người lên vũ trụ từ năm 2003 trở lại đây nằm trong kế hoạch "chế thiên" đó.
Cuộc diễn binh ngày 1-10-2009 không phải tình cờ, nó là một tính toán có cân nhắc của Bắc Kinh để phô trương thanh thế. Trong suốt thời gian từ 1950 đến 1959, bộ trưởng Bành Đức Hoài đã tổ chức 10 cuộc diễn binh, mỗi năm một lần. Nhưng liên tiếp 25 năm sau đó, từ 1960 đến 1984, không một cuộc diễn binh nào được tổ chức vì lúc đó Mao Trạch Đông đang tiến hành những cuộc thanh trừng nội bộ qua các cuộc cách mạng nông nghiệp và văn hoá. Để giải tỏa tin đồn Trung Quốc bị kiệt quệ sau các cuộc cách mạng và tranh chấp nội bộ, nhất là sau biến cố Thiên An Môn, Đặng Tiểu Bình cho tổ chức một cuộc diễn binh lớn năm 1984 để phô trương những tiến bộ về quốc phòng, với những hỏa tiễn Đông Phong (Scud). Nhưng từ sau 1984 đến 1989, không một cuộc diễn binh nào được tổ chức. Chỉ nhân dịp kỷ niệm quốc khánh lần thứ 50, Bắc Kinh mới tổ chức một cuộc diễn binh lớn năm 1999. Phải chờ 10 năm sau, một cuộc diễn binh kỷ niệm quốc khánh lần thứ 60, cuộc diễn binh mới được tổ chức lại lại. Cũng nên biết là gần như toàn bộ những trang thiết bị kỹ thuật quân sự của quân đội Trung Quốc, từ vũ khí chiến lược đến chiến thuật, đều do Liên Xô, nay là Nga, giúp đỡ hay bán lại, kể cả bằng sáng chế, trừ vũ khí hạch tâm vì Liên Xô từ chối.
Trong cuộc chạy đua võ trang hiện nay mà Bắc Kinh là tác nhân, Trung Quốc đang trở thành nạn nhân của chính mình vì quá tốn kém. Có thể ví Trung Quốc như một lực sĩ được bơm chất kích thích để thắng trên sân thi đấu nhưng đang kiệt quệ vì phải xâm phạm vào nguồn vốn dự trữ. Tất cả những số tiền kiếm được do xuất khẩu hay tiết kiệm đang đổ vào một lỗ hỗng không đáy, vì không bao giờ đủ. Bù lại, lượng vũ khí trong kho dự trữ của Trung Quốc khó ai bì kịp, nhưng hơn phân nửa đã lỗi thời: gần 1.200 tàu chiến đủ loại trong đó có gần 60 tàu ngầm đủ loại và hơn 600 tàu tấn công, hơn 2.000 máy bay chiến đấu đủ loại và hàng chục ngàn chiến xa và xe bọc thép.
Khác với Trung Quốc, các quốc gia phương Tây, Nga và Nhật Bản trang bị quân lực của họ một cách tiệm tiến, chỉ sản xuất vừa đủ để sử dụng cho những nhu cầu cần thiết chứ không nhằm phô trương. Mặc dù có dư khả năng tài chánh để tài trợ, do nguồn thuế mang lại, khả năng trang bị quân sự cũng tùy theo túi tiền vì không có nhu cầu chiến tranh. Liên Xô trước đây đã bỏ cuộc vì không thể chạy đua đường dài với Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh hành tinh (star war), mà thực chất là cuộc tranh giành ảnh hưởng trên không gian qua vệ tinh. Hệ thống phóng phi đạn nguyên tử và phát hiện định vị của quân đội Trung Quốc đang dùng hệ thống GPS của Hoa Kỳ.
Nói chung quân đội Trung Quốc đã tiến một bước rất dài trên đường hiện đại hoá, nhưng chưa đủ khả năng tranh tài trực tiếp với Nga, khối NATO và Hoa Kỳ. Đó là chưa kể Đài Loan, một hòn đảo nhỏ nhưng rất khó nuốt bằng vũ lực. Điểm yếu của quốc phòng Trung Quốc là còn lệ thuộc quá nhiều vào các bằng sáng chế mua của nước ngoài với giá rất cao để sản xuất những cơ phận chính (loại động cơ phản lực và hệ thống truyền tin qua vệ tinh). Tổng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đều được trích từ nguồn ngoại tệ do xuất khẩu mang lại, từ 90 đến 150 tỉ USD/năm, đứng thứ nhì sau Hoa Kỳ.

Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc

Trong năm này, mũi nhọn của sức mạnh kinh tế Trung Quốc tập trung vào Hội Chợ Quốc Tế Thượng Hải 2010, kéo dài trong 6 tháng từ ngày 1-5 đến 31-10-2010, với những chủ đề về đô thị và đời sống. Đây sẽ là cuộc triển lãm quốc tế lớn nhất từ trước đến nay. Ban tổ chức dự trù sẽ đón tiếp 100 triệu lượt người, với sự trưng bày sản phẩm của 220 quốc gia và công ty xí nghiệp lớn quốc tế, với hy vọng thu vào một khoảng ngoại tệ lớn nhằm tăng thêm nguồn dự trữ ngoại tệ vốn đã gấp đôi Nhật với 2.200 tỉ USD.
Trong dịp này, Trung Quốc muốn xoá bỏ hình ảnh nghèo nàn và lạc hậu trước kia để chứng tỏ trước thế giới Trung Quốc ngày nay là một đại cường về kinh tế lẫn quân sự. Sự năng động của thành phố Thượng Hải có thể so sánh với các siêu đô thị lớn khác trên thế giới như Tokyo, Osaka, Seoul, New York, Los Angeles hay Hongkong, với một rừng nhà cao tầng che khuất bầu trời.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng muốn cho thế giới thấy nền kinh tế của Trung Quốc ngày nay đã bớt lệ thuộc vào xuất khẩu và đang tập trung phát triển thị trường nội địa, do mức sống của người dân ngày càng được nâng cao. Năm 2008, lợi tức đầu người tại Trung Quốc đã gia tăng một cách ngoạn mục: 3.259 USD/năm, đứng hạng 104 trên tổng số 193 quốc gia trên thế giới. Tại những thành phố lớn, lợi tức đầu người ngang bằng với những quốc gia giàu có khác.
Một thí dụ, năm 2006, Trung Quốc được xếp hạng 3 về sản xuất xe hơi sau Mỹ và Nhật. Năm 2008, Trung Quốc đã sản xuất tổng cộng 10 triệu chiếc, năm 2012 dự trù tăng lên 12 triệu chiếc hy vọng sẽ đứng đầu thế giới. Trong 8 năm, từ 2001 đến 2008, tổng số xe hơi sản xuất của Trung Quốc đã tăng lên gấp 5 lần nhưng số người sở hữu xe tại Trung Quốc vẫn còn rất thấp. Thống kê năm 2006 cho biết tỉ lệ sở hữu xe hơi tại Trung Quốc là 1%, 1 chiếc xe cho 100 người. Với một dân số trên 1,4 tỉ người, tiềm năng thị trường xe hơi của Trung Quốc còn rất lớn khi mức sống của người dân được nâng cao.
Chính sách của các xí nghiệp sản xuất xe hơi tại Trung Quốc là xuất khẩu tối đa để thu về ngoại tệ. Năm 2004, hơn 80.000 xe được xuất khẩu ra nước ngoài, năm 2007 con số tăng lên một cách ngoạn mục: 600.000 chiếc, tăng gấp 7,5 lần. Nhưng do kỹ thuật còn kém số xe này chỉ được bán sang những nước có mức sống trung bình như Nga, Iran và các quốc gia châu Phi.
Tuy vậy mục tiêu mà các xí nghiệp sản xuất xe hơi Trung Quốc nhắm tới là xâm nhập vào các thị trường Hoa Kỳ và châu Âu vì ít gặp bất trắc về việc trả tiền. Chính vì thế, giới doanh nhân Trung Quốc đã bằng mọi cách lôi kéo các công ty sản xuất xe hơi Âu Mỹ và Nhật tiên tiến như Volkswagen, General Motor, Toyota vào hợp tác để học hỏi kỹ thuật. Vấn đề là sau một thời gian cộng tác, giới sản xuất xe hơi Trung Quốc liền trở mặt thôi hợp tác để tự sản xuất một mình với nhãn hiệu, design, kỹ thuật của những đối tác nước ngoài. Nhưng họ chỉ học hỏi được một phần kỹ thuật sản xuất mà thôi, vì giới doanh nhân phương Tây và Nhật Bản không cung cấp hết mọi bí quyết sản xuất. Hơn nữa lượng xe hơi sản xuất tại Trung Quốc là những kiểu đã lỗi thời, tiêu thụ nhiều nhiên liệu và thái độ CO2 cao, không thích hợp với thị hiếu người tiêu thụ phương Tây, do đó rất khó bán. Để giải quyết nạn ứ đọng xe hơi sản xuất ra, giới sản xuất xe hơi Trung Quốc tập trung vào thị trường nội địa, qua đó Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ xe hơi lớn nhất thế giới, với 13 triệu chiếc năm, đứng đầu thế giới về số xe bán ra. Nhưng đây là một viên thuốc độc bọc đường, với số lượng xe hơi ngày càng tăng, Trung Quốc phải nhập thêm rất nhiều nhiên liệu mà mình không có, hơn nữa vì là những kiểu xe cũ nên thải rất nhiều CO2 làm ô nhiễm thêm bầu khí quyển vốn đã bị ô nhiễm bởi những nhà máy hoá chất và các lò phát điện chạy bằng than đá.
Một yếu tố khác đang đe doạ tương lai và sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc là sự tẩy chay hàng hoá Trung Quốc vì không tôn trọng sức khoẻ và sản xuất không đúng theo tiêu chuẫn của thị trường phương Tây. Lúc đầu mọi người đều thích hàng hoá Trung Quốc vì giá rẻ và bề ngoài hào nhoáng, nhưng về lâu về dài số tiền chi ra để mua những hàng hoá rẻ tiền này cao hơn là mua một món hàng sản xuất tại phương Tây mắc hơn nhưng có thể sử dụng lâu bền hơn. Hiện tượng này thể hiện qua sự hồi hương về xứ mẹ của những xí nghiệp đầu tư phương Tây, đồng thời cũng để tránh bị phiền nhiễu khi những đối tác địa phương sau khi đã học hỏi được kỹ thuật muốn tách riêng, một kiểu ăn cháo đá bát mà doanh nhân phương Tây rất kỵ.
Để tránh bị bế tắc, doanh nhân Trung Quốc đang xâm nhập thị trường các quốc gia nghèo khó để tìm nguyên vật liệu mang về nước. Lúc đầu dân chúng tại những quốc gia này rất thích vì có thể mua sắm những hàng hoá trước kia bị coi là xa xỉ như áo quần, giầy dép, tivi, tủ lạnh, máy nghe nhạc, điện thoại cầm tay, vật dụng trong nhà, xe gắn máy, xe hơi kiểu nhỏ. Nhưng với thời gian họ thấy bị tước đoạt hết mọi lợi tức và công ăn việc làm, vì phẩm chất hàng hoá nội địa sản xuất kém hơn và đắt hơn hàng nhập từ Trung Quốc. Thêm vào đó, sau khi đã ký kết những hợp đồng xây dựng hạ tầng với quốc gia bản địa, thay vì tuyển dụng nhân công địa phương doanh nhân Trung Quốc đưa công nhân Trung Quốc vào quốc gia đương cuộc làm việc. Khi hợp đồng làm việc chấm dứt, những người này ở lại luôn tại quốc gia bản địa để buôn bán và chiếm lĩnh luôn các thị trường nội địa và bóp nghẹt sinh hoạt kinh tế địa phương. Sự phản đối của người châu Phi đang âm ỉ chỉ chực hờ cơ hội để bộc phát, không ai có thể tiên đoán những gì sẽ xảy ra sau đó.
Nhưng tham vọng của Bắc Kinh không dừng ở đó, ban lãnh đạo đảng cộng sản muốn biến Trung Quốc từ đây đến 2050 thành một quốc gia lãnh đạo thế giới về khoa học kỹ thuật. Bằng cách nào, đó còn là một dấu hỏi lớn vì tất cả những khoa học kỹ thuật mà các xí nghiệp Trung Quốc hiện nay đang sử dụng đều đến từ nước ngoài, do mua lại bằng sáng chế hay sao chép bất hợp pháp. Suy cho cùng, sức mạnh kinh tế của Trung Quốc hiện nay hoàn toàn nhân tạo, không có nền móng vững chắc. Trước kia sức mạnh dựa vào xuất khẩu, nay hướng vào thị trường nội địa để giữ mức tăng trưởng cao trong khi dân chúng chưa quen tiêu thụ.
Sau đỉnh cao 2010 này, sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất là các quốc gia giàu có phương Tây hạn chế nhập khẩu hàng hoá từ Trung Quốc vì không muốn cán cân ngoại thương bị thâm thủng thêm. Thứ hai là sự phát triển thị trường nội địa là giả tạo vì chính quyền bơm 586 triệu USD để khuyến khích tiêu dùng, nhưng dân chúng Trung Quốc thích tiết kiệm hơn là tiêu xài. Thứ ba là bong bóng bất động sản sẽ nổ bùng sau Expo Thượng Hải như trường hợp Hoa Kỳ năm 2008, vì một số ngân hàng sẽ bị khánh tận do không thu lại được tiền cho vay. Hiện nay, hơn 50% phòng ốc trong các toà nhà cao tầng tại Thượng Hải và Bắc Kinh không có người thuê. (Tỉ lệ tan vỡ của các ngân hàng tại Thượng Hải cao gấp 2,4 lần so với các thành phố lớn khác). Thứ tư là tỉ lệ thất nghiệp ngày càng tăng, mỗi năm có từ 6 đến 7 triệu sinh viên tốt nghiệp, chỉ hơn một nửa tìm được công ăn việc làm, số còn lại vào quân ngũ hoặc bị thất nghiệp, đó là chưa kể hơn 200 triệu lưu dân thất nghiệp lang thang trên khắp các thành phố lớn để tìm việc. Thứ năm là áp lực buộc điều chỉnh đồng CNY ngày càng gay gắt, khả năng xuất khẩu sẽ giảm nặng và tỉ lệ lạm phát trong nước sẽ tăng cao. Thứ sáu là tuôn nguồn hàng sản xuất dư thừa với giá rẻ vào các thị trường ASEAN và châu Phi để thu hồi lại vốn sản xuất và sau đó chiếm lĩnh luôn các thị trường này.
Theo nhận xét riêng, ước muốn đứng đầu thế giới về kinh tế lẫn quân sự là một viễn tượng xa vời. Không một cường qưốc nào đủ kiên nhẫn ngồi yên chờ Trung Quốc qua mặt mình 20 năm sắp tới.

Trần Kha
(Machida, Tokyo)

© Thông Luận 2010


No comments: