Monday, January 18, 2010

XUẤT KHẨU GẠO 2009 ĐẠT 6 TRIỆU TẤN, NÔNG DÂN VUI hay BUỒN ?

Xuất khẩu gạo 2009 đạt 6 triệu tấn, nông dân vui hay buồn?
Hoàng Kim (Đồng Tháp)
Chủ Nhật, 17/1/2010, 18:30 (GMT+7)
http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/bandocviet/28680/
Khi nói về xuất khẩu gạo năm 2009 người ta chú ý đến việc đạt kỷ lục xuất khẩu lên 6 triệu tấn; người ta chú ý đến giá gạo tăng vào cuối năm... Vậy thực trạng thu nhập của nông dân chúng tôi như thế nào? Chúng tôi có làm tăng năng suất để làm tăng 1,3 triệu tấn gạo xuất khẩu hay không? Chúng tôi được lợi gì từ việc tăng giá lúa vào cuối năm? Với bài viết này, nông dân chúng tôi muốn đưa ra một cái nhìn thực tế hơn.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, trong bài
Xuất khẩu nông sản: "Bay qua vùng thời tiết xấu”, năm 2008 xuất khẩu gạo đạt 4,7 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,9 tỉ đô la Mỹ (tính ra, giá bán bình quân 617,02 đô la Mỹ/tấn). Năm 2009 xuất khẩu đạt 6 triệu tấn, kim ngạch đạt 2.6 tỉ đô la Mỹ (giá bán bình quân 433,33 đô la Mỹ/ tấn).

Như vậy, mặc dù năm 2009 xuất khẩu nhiều hơn năm 2008 đến 1,3 triệu tấn gạo, nhưng kim ngạch xuất khẩu giảm 300.000 đô la Mỹ, giá bán giảm 183,69 đô la Mỹ/tấn.
Các con số này thể hiện hai thái cực trong việc kinh doanh xuất khẩu gạo giữa doanh nghiệp xuất khẩu gạo và nông dân sản xuất lúa.

Do lợi nhuận của các doanh nghiệp trong Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) tính trên đầu tấn gạo xuất khẩu, nên khoản tăng 1,3 triệu tấn gạo sẽ làm tăng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong hiệp hội.
Trong khi đó, đối với nông dân, do lợi nhuận phụ thuộc vào giá bán gạo xuất khẩu, năm nay giá gạo xuất khẩu giảm 183,69 đô la Mỹ so với năm 2008, tính ra thu nhập của nông dân cũng giảm gần 30% so với năm 2008.
Nếu quả thật nông dân chúng tôi tăng năng suất được 1,3 triệu tấn gạo thì thu nhập của chúng tôi gần bằng năm 2008, nhưng thực tế năng suất năm nay cũng chỉ bằng năm 2008, nên việc tăng số lượng xuất khẩu không hề làm tăng thu nhập của nông dân.

Giá lúa chỉ lên vào tháng 11, sau khi nông dân đã bán hết lúa (chỉ trừ một số ít người làm vụ 3 mới bán được lúa giá cao) nên đại bộ phận nông dân không hưởng lợi gì từ việc giá lúa tăng cao. Giá lúa tăng, không những nông dân không được lợi mà còn bị thiệt hại, do giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các mặt hàng cần thiết điều tăng theo giá lúa.

Với thu nhập giảm 30%, chắc chắn năm nay nông dân chúng tôi sẽ có một cái tết thắt lưng buộc bụng.
Với việc giá bán gạo giảm 183,69 đô la Mỹ/tấn so với năm 2008, tính ra số tiền bị mất đi lên đến 1,10 tỉ đô la Mỹ (183,69 đô la Mỹ x 6 triệu tấn gạo). Theo tôi, cần làm rõ việc phải bán rẻ gạo đến 183,69 đô la Mỹ/tấn có bao nhiêu phần trăm là do ảnh hưởng khách quan của thị trường thế giới, bao nhiêu phần trăm là do chủ quan của VFA, bao nhiêu phần trăm do tập quán canh tác của nông dân... để từ đó tìm cách khắc phục. Cần phải thấy rằng mức thiệt hại 1,10 tỉ đô la Mỹ do bán gạo giá rẻ gây ra cho nông dân là điều quan trọng, chứ không nên thỏa mãn bằng con số thành tích xuất khẩu đạt kỷ lục 6 triệu tấn.

Việc xuất khẩu gạo có nhiều vấn đề cần phải giải quyết để tăng thu nhập cho nông dân. Trước tiên, đó là việc ấn định giá sàn xuất khẩu gạo. Việc ấn định giá sàn cần theo sát với giá thế giới, muốn vậy phải có một cơ quan độc lập của Chính phủ ấn định giá sàn, chứ không thể giao toàn quyền cho 21 vị doanh nhân trong VFA, vì dù là giám đốc hay tổng giám đốc của các doanh nghiệp nhà nước cũng không thể làm thay công việc của Chính phủ.
Theo tôi, cơ quan độc lập của Chính phủ cũng sẽ giám sát và kiểm tra việc thực hiện giá sàn của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Cơ quan này cũng ấn định giá thu mua lúa cho nông dân căn cứ vào giá sàn xuất khẩu gạo. Giá thu mua lúa trong nước phải căn cứ vào giá bán gạo xuất khẩu.
Chỉ còn khoảng nửa tháng nữa là nông dân chúng tôi thu hoạch lúa vụ đông xuân, rất mong hạt gạo chúng tôi được bán với giá của thị trường thế giới, rất mong hạt lúa của chúng tôi được thu mua đúng với giá bán gạo xuất khẩu.


No comments: