Không thể mãi lợi dụng lòng hiếu hòa của một dân tộc
Nguyễn Văn Nguyên
Viet-Studies
18-1-2010
http://www.viet-studies.info/kinhte/KhongTheLoiDungLongHieuHoa.htm
Thư ngỏ của một sinh viên Việt Nam gửi đại sứ Trung Quốc
Không thể mãi lợi dụng lòng hiếu hòa của một dân tộc
Nguyễn Văn Nguyên
Kính thưa ngài đại sứ Tôn Quốc Tường,
Đã mười ngày trôi qua sau cuộc họp báo của ngài tại Hà Nội[1] nhưng những phát ngôn của ngài vẫn không thôi làm tôi day dứt. Với tư cách một công dân Việt Nam, tôi e rằng nếu tôi không bày tỏ thẳng thắn những suy nghĩ thì sỏi đá ở nước Việt cũng phải lên tiếng thay cho tôi.
Thưa ngài đại sứ, ngài không thể dùng mối quan hệ gia đình: “vợ chồng cũng có khi cãi nhau” để ví von với mối quan hệ lịch sử Việt Nam-Trung Quốc được. Đấy là một thái độ lấp liếm, lảng tránh trách nhiệm, xuyên tạc lịch sử của chính phủ Trung Quốc mà ngài là một đại diện tiêu biểu. Điểm lại một vài mốc lịch sử đẫm máu, đầy thủ đoạn mà nhà nước Trung Quốc đương thời đã gây ra với Việt Nam:
- Năm 1974, tháng ngày cuối cùng nhân lúc Việt Nam phải dốc toàn lực trong cuộc chiến thống nhất đất nước thì Trung Quốc, một đồng minh ý thức hệ luôn huênh hoang những ngôn từ Đồng chí – Anh em, bất ngờ tấn công vũ lực, chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
- Năm 1979 trong khi Việt Nam phải bảo vệ biên giới Tây Nam, ngăn chặn nạn diệt chủng đối với nhân dân Cămpuchia do Polpot, một lực lượng được chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn, gây ra thì Trung Quốc bất ngờ phát động chiến tranh trên toàn tuyến biên giới phía Bắc của Việt Nam.
- Từ năm 1984 tới 1989 Trung Quốc không ngừng tấn công quấy nhiễu, xâm chiếm các cao điểm của Việt Nam ở vùng biên giới[2].
- Năm 1988 Trung Quốc mở cuộc tấn công, giết hại 70 hải quân và chiếm một số đảo thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trong vòng một thập niên dồn dập những biến cố lịch sử đau thương Trung Quốc đã gây ra đối với Việt Nam. Trong những năm ấy, những đứa con, những người vợ, những bà mẹ Việt Nam chưa kịp xếp cất khăn tang cho người thân đã chấp nhận hy sinh để bảo về từng tấc đất, hòn đảo trước sự xâm lược tàn bạo của Trung Quốc thì đến năm 1991 họ phải gạt lệ, nén lòng để tiến hành bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Những tưởng rằng không vì đại cục, không có một đức hiếu hòa lớn lao thì không một dân tộc nào có thể vượt qua đau thương, thù hận để bắt tay với kẻ thù như thế.
Đáp lại tấm chân tình của nhân dân Việt Nam, bề ngoài chính phủ Trung Quốc luôn dùng những ngôn từ bóng bẫy như 16 “chữ vàng”[3], “tránh tranh chấp, cùng nhau khai thác Biển Đông” , bên trong Trung Quốc lại có những hành động thực tiễn hoàn toàn đi ngược lại mọi tuyên bố, cam kết có vẻ tốt đẹp ấy:
- Trung Quốc đã không từ một hành vi, thủ đoạn nào để phá hoại nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đầu mở cửa. Đó là những việc tận thu mua móng trâu, râu ngô non, cáp quang phế liệu …. với giá cao[4] ở mọi ngóc ngách của Việt Nam.
- Tháng 01.2005 hải quân Trung Quốc nổ súng giết hại 9 ngư dân Hòa Lộc, Thanh Hóa khi họ khai thác hải sản trên cùng biển Việt Nam[5]. Hành động này như hồi chuông cảnh báo cho Việt Nam sự bình yên, chủ quyền đất nước đang bị đe dọa. Quả vậy, từ thời điểm đó tới nay, ngư dân Việt Nam liên tục bị Trung Quốc truy đuổi, bị bắn, bị bắt giữ tàu thuyền cùng ngư cụ, bị đòi tiền chuộc.
- Tháng 11 năm 2007, Trung Quốc tuyên bố thành lập đảo huyện đảo Tam Sa nhằm thôn tính hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
- Tháng 12 năm 2008, một tập dầu khí Trung Quốc tuyên bố đầu tư đầu tư 29 tỉ USD để thăm dò, khai thác dầu khí trên biển Đông, trong đó có khu vực Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
- Tháng 12-2009, Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố “Một số ý kiến về việc đẩy mạnh phát triển xây dựng đảo du lịch quốc tế Hải Nam”, trong đó có việc thúc đẩy phát triển du lịch tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
- Trong suốt thời gian qua, Trung Quốc thường xuyên cho tàu ngư chính, tàu tuần tiểu xâm phạm khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam nhằm quấy nhiễu ngư dân Việt Nam. Đồng thời, nhiều tàu cá Trung Quốc đã liên tục xâm phạm vùng lãnh hải miền Trung Việt Nam.
Phải chăng đấy là quan niệm “đối xử nhân đạo, có trách nhiệm”, “xuất phát từ đại cục, cầu đồng, tồn dị” của Trung Quốc?
Thưa ngài đại sứ, mối bang giao hữu nghị chỉ có thể được thiết lập, duy trì lâu bền khi hai bên đều thành tâm, thiện chí theo đuổi.
Ngài cho rằng các ngư dân Việt Nam“chỉ trích Trung Quốc đối xử không nhân đạo và làm đau lòng các cơ quan hữu trách của Trung Quốc” sau khi họ được Trung Quốc giúp đỡ. Ngài phải biết rằng: sự kiện rõ ràng các tàu ngư dân Việt Nam đã bị tàu hải quân Trung Quốc đâm chìm nhưng báo chí chỉ viết là tàu lạ mà không nêu đích danh là tàu của Trung Quốc. Thì đây, những sự việc tương tự có phóng viên nào dám sơ suất để đưa tin sai sự thật? Như vậy có thể hiểu, thâm ý của ngài đại sứ là: các cơ quan của Trung Quốc đã đau lòng vì công chúng Việt Nam biết rõ những hành xử thiếu đạo lý, trái luật pháp mà họ đã gây ra cho người Việt như: xâm phạm chủ quyền hải đảo, bắt giữ người, tịch thu tàu thuyền, ngư cụ, xua đuổi ngư dân tránh bão,... . Sao ngài đại sứ cùng các cơ quan hữu trách Trung Quốc không nghĩ tới nỗi đau của những trẻ thơ Việt Nam mất cha vì Trung Quốc sát hại vô cớ trên biển Việt Nam! Đã vậy, ngài Đại sứ còn trịch thượng nhắc nhở cơ quan truyền thông Việt Nam phải che giấu những hành động sai trái của Trung quốc đối với người dân Việt Nam. Xin ngài đại sứ hãy nhớ cho, với kinh nghiệm lịch sử, lại sống trong thời đại bùng nổ truyền thông, người dân Việt Nam không dễ bề để bất kỳ ai muốn giấu giếm những điều mờ ám liên quan tới vận mệnh đất nước của họ.
Hợp tác sẽ phát triển….
Mậu dịch song phương Việt-Trung (Triệu USD)[6]
Giao thương giữa 2 nước Việt, Trung trong những năm qua ngày càng phát triển. Chưa kể trị giá hàng hóa đường mậu biên, 12,7 15,6 14,2 tỉ USD là số tiền Việt Nam phải trả để mua hàng hóa Trung Quốc các năm 2007, 2008 và 11 tháng của năm 2009 theo đường thương mại chính ngạch. Từ năm 2002, tình trạng nhập siêu của Việt Nam đối với Trung Quốc ngày càng trầm trọng: năm 2008 11 tỉ USD; mười một tháng của năm 2009 10 tỉ USD, trong khi tổng giá trị nhập siêu của Việt Nam cả năm 2009 là 12 tỉ USD. Nghĩa là, nếu không bị nhập siêu từ Trung Quốc thì năm 2009 vừa qua Việt Nam gần như không bị thâm hụt mậu dịch. Nó có nghĩa: khoản thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ không đủ để bù đắp khoản nhập siêu với Trung Quốc. Những con số phản ánh sự ảnh hưởng bất lợi ghê gớm của hàng hóa Trung Quốc đối với nền sản xuất Việt Nam. Đồng thời, giá trị hàng hóa trên đây là bao gồm không biết bao nhiêu các mặt hàng kém phẩm chất, có chứa các thành tố độc hại, hàng nhái,… như báo chí hàng ngay đưa tin, gây tác hại, kém an toàn cho người tiêu dùng Việt Nam.
Những năm gần đây, đã có hàng vạn lao động phổ thông Trung Quốc ồ ạt kéo sang làm việc tại Việt Nam một cách tùy tiện, rất nhiều người trong số đó được đưa sang bí mật, mờ ám không rõ với mục đích gì, sau đó được giải thích cho qua chuyện: chỉ là lao động nhập cư trái phép. Ngoài lao động, họ đã gây ra bao nhức nhối cho vấn đề an ninh - xã hội Việt Nam. Cuộc náo loạn điên cuồng, hung bạo đầy chất man rợ giữa đêm khuya của hàng trăm công nhân Trung Quốc, tấn công, đập phá cả một làng người dân Việt Nam ở Thanh Hóa là một minh chứng điển hình cho vấn đề đó[7].
Thật trớ trêu thay, hàng vạn người Việt phải rời bỏ quê hương đi làm Ô-Sin nơi xứ người để nhường những công việc trong nước cho người Trung Quốc.
Thử hỏi ngài đại sứ, trong quan hệ bang giao với Trung Quốc, có điều gì Việt Nam có thể làm nhưng đã không làm để duy trì được tình hữu nghị, chỉ với một điều kiện tối thiểu: giữ gìn được toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ?
Thế nhưng, đáp lại những nổ lực, thiện chí từ phía Việt Nam, ngoài sự chèn ép của chính quyền Trung Quốc, thành viên nhiều trang mạng Trung Quốc dường như chỉ muốn “ăn tươi, nuốt sống đất nước Việt Nam”[8] mà thôi. Làm sao có chuyện quái gỡ như thế? Ngài không thể cho rằng đó là do quần chúng nhân dân tự phát. Vì với công cụ chuyên chính trong tay, với nguồn lực về công nghệ thông tin, với những kỷ thuật “lọc thông tin” trên mạng, chính quyền Trung Quốc, nếu muốn có thể kiểm soát, như nhiều vụ việc mà họ đã từng làm. Nhưng phải chăng đây cũng là một thủ đoạn Trung Quốc sử dụng nhằm gây sức ép tâm lý để lung lạc tinh thần, đè bẹp ý chí bảo về chủ quyền lãnh thổ của nhân dân và nhà nước Việt Nam lúc này?
Ngài đại sứ cho rằng “báo chí Trung Quốc ít đưa tin về tranh chấp trên biển, tranh chấp về nghề cá và chúng tôi luôn xuất phát từ đại cục, tuy rằng chúng tôi ”có lý“ nhưng chúng tôi thấy cũng không nên đưa tin”. Có lý nào khác để biện minh đường 9 gạch, hình “lưỡi bò” mà Trung Quốc vẽ ra hòng thôn tính toàn bộ biển Đông nếu không phải là cái lý của kẻ hung bạo, bất chấp đạo lý và luật pháp quốc tế, bất chấp lịch sử rành rành ngàn đời nay?
Không phải vua Càn Long, Ung Chính ở Trung Quốc mà là vua Minh Mạng, Bảo Đại ở Việt Nam có những sắc chỉ đã minh chứng Hoàng Sa là của Việt Nam[9]. Không phải một nơi nào đó ở Trung Quốc mà là trên đất nước Việt Nam, ở huyện đảo Lý Sơn còn tồn tại hàng ngàn dấu tích về đội Hoàng Sa[10]. Những ngôi Chùa, ngôi Thánh đường, trạm thủy văn, giếng nước trên Hoàng Sa đầu tiên là của Việt Nam chứ không phải Trung Quốc. Một sự thật lịch sử: Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa từ Việt Nam Cộng Hòa chứ không phải ngược lại. Suốt dòng lịch sử quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, chưa bao giờ xuất hiện một hành động Việt Nam tiến hành xâm chiếm Trung Quốc. Ngược lại, các triều đại Trung Quốc trong suốt chiều dài lịch sử đã không bao giờ từ bỏ một cơ hội hòng thôn tính đất nước Việt Nam. Các bằng chứng, sự kiện lịch sử trên đây đã cho thấy, Việt Nam từ xưa đã có mặt và làm chủ quần đảo Hoàng Sa; Việt Nam chưa bao giờ xâm chiếm lãnh thổ Trung Quốc. Như thế, Việt Nam có chủ quyền hợp lệ duy nhất đối với Hoàng Sa dựa trên lịch sử, thông lệ và công pháp quốc tế. Để chứng minh sự công bằng, bình đẳng trong mối bang giao Việt – Trung, qua ngài đại sứ, yêu cầu chính phủ Trung Quốc cần nghiêm túc tôn trọng sự thật lịch sử, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam bằng cách trao trả lại cho Việt Nam toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và những đảo họ đã chiếm ở Trường Sa.
Trong mối bang giao với Việt Nam, Trung Quốc cần nghiêm túc thực hiện những lời cam kết của mình, đây là cách thể hiện tôn trọng danh dự của mình và tôn trọng lân bang. Trung Quốc không thể dùng lời ngon ngọt lừa mị để tiếp tục lợi dụng đức hiếu hòa của dân tộc Việt Nam hòng phục vụ cho mục đích đen tối là gặm nhấm chủ quyền lãnh thổ lân bang. Trong thiên hạ ngày nay không chỉ có mỗi Việt Nam và Trung Quốc. Cũng đã qua rồi một chặng dài lịch sử quan hệ Việt-Trung chỉ có chiến tranh và cống nạp. Ngày nay, với xu thế toàn cầu hóa kinh tế, văn hóa, khoa học kỷ thuật… có thể xem thế giới như một hội chợ, trong đó Trung Quốc, Việt Nam cũng chỉ là hai thành viên bình đẳng trong số hàng trăm thành viên tham gia trao đổi các giá trị vật chất, tinh thần với nhau. Ở đó, đòi hỏi mọi thành viên phải tôn trọng luật chơi, có trách nhiệm với chính mình và với người xung quanh. Nếu một thành viên nào thay vì trao đổi hàng hóa theo thỏa thuận họ lại chụp giật, móc túi, lừa gạt người khác thì chắc chắn không chỉ riêng nạn nhân mà cả cộng đồng sẽ lên án, tẩy chay. Như thế, trong hội chợ, mỗi thành viên phải chọn lựa hoặc là làm bạn hàng hoặc là làm tên lưu manh trong cộng đồng. Họ không thể nào cùng lúc đóng hai vai trò ấy.
Nguyễn Văn Nguyên
----------------------
[1] http://vietnamnet.vn/chinhtri/201001/Cho-dieu-kien-chin-muoi-giai-quyet-tranh-chap-bien-Dong-888092/
[2] http://vietinfo.eu/767/32835/tran-lao-son-trong-cuoc-chien-tranh-bien-gioi-trung-%E2%80%93-viet-nam-1984.htm
[3] 16 “chữ vàng”: ”Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”.
[4] http://danluanvn.wordpress.com/2009/12/09/gs-vu-cao-dam-d%E1%BB%ABng-nghe-nh%E1%BB%AFng-gi- trung-qu%E1%BB%91c-noi-hay-nhin-nh%E1%BB%AFng-gi-trung-qu%E1%BB%91c-lam/
[5] http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2005/01/050113_chinavietfishemen.shtml
[6] http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=355267&ChannelID=11
http://vovnews.vn/Home/Nam-2010-kim-ngach-thuong-mai-VietTrung-co-the-dat-25-ty-USD/200912/130662.vov
http://cafef.vn/20091228080323900CA33/nam-2009-viet-nam-nhap-sieu-12-ty-usd.chn
[7] http://www.youtube.com/watch?v=yMqZr4u8yQ0&feature=player_embedded#
[8] http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2009/12/091214_biendong_china_websites.shtml
[9] http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/04/090402_sacchi_hoangsa.shtml
[10] http://www.baodatviet.vn/Home/congdongviet/Hang-nghin-dau-tich-ve-Hoang-Sa-o-Ly-Son/20094/37758.datviet
No comments:
Post a Comment