Thursday, January 21, 2010

XÂY DỰNG XÃ HỘI TỪNG MẢNH MỘT : LUẬN ĐIỂM của KARL POPPER

Xây dựng xã hội từng mảnh một: Luận điểm của Karl Popper
Đoàn Thanh Liêm
Đăng ngày 21-10-2010
http://danchimviet.com/articles/1948/1/Xay-dng-xa-hi-tng-mnh-mt-Lun-im-ca-Karl-Popper/Page1.html
Công trình nghiên cứu về triết học của giáo sư Karl Popper trong suốt cuộc đời lâu dài vừa miệt mài nghiên cứu giảng dậy, vừa bền bỉ biên soạn sáng tác của ông thật là phong phú vĩ đại. Chuyên môn của ông là lãnh vực triết lý của khoa học (philosophy of science). Và ông đã dậy học tại trường Kinh tế Luân Đôn (LSE) suốt 23 năm với chức danh chính thức là vị Giáo sư về môn Luận lý và Phương pháp Khoa học (Professor of Logic and Scientific Method). Việc giới thiệu cho đày đủ công trình triết học đồ sộ đó rõ ràng là vượt ra ngoài khả năng rất hạn hẹp của người viết bài này. Do đó, như trong nhan đề của bài viết, tôi chỉ xin giới hạn việc giới thiệu về cái chủ trương “Xây dựng xã hội từng mảnh một”, mà vị đại sư đã trình bày rất khúc chiết tại nhiều trang rải rác trong cuốn sách thời danh “The Open Society and its enemies” (Xã hội Mở và những kẻ thù của nó) được xuất bản lần đầu tiên năm 1945 tại Anh quốc, rồi sau đó lại được tái bản nhiều lần và phổ biến rộng rãi tại Hoa kỳ, cũng như tại khắp nơi trên thế giới qua các bản dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nữa.

Và trong một bài tiếp theo (bài 3), người viết sẽ trình bày chi tiết hơn về sự ứng dụng chủ trương này, thông qua chương trình hoạt động văn hóa xã hội và từ thiện nhân đạo có tầm vóc toàn cầu của George Soros là một môn đệ kiệt xuất của giáo sư.

1 – Giới thiệu sơ lược về cuốn sách “Xã hội Mở và những kẻ thù của nó”

Cuốn sách này được nhiều học giả đánh giá là một công trình quan trọng nhất nghiên cứu về môn xã hội học đương đại, một thứ tác phẩm “kinh điển” (a classic). Vị đại sư Bertrand Russell thì ca ngợi tác phẩm như là một bênh đỡ vững mạnh và sâu sắc cho nền Dân chủ (a vigorous and profound defence of Democracy). Quả thật, Popper đã vận dụng triệt để cái vốn kiến thức uyên bác, vững vàng trong lãnh vực triết lý khoa học cuả mình để tìm cho ra được một lối thoát về chính trị xã hội cho thế giới lúc đó đang bị kềm kẹp khốn khổ dưới chế độ độc tài tàn bạo Đức quốc xã. Và rồi qua cuốn sách thời danh này, Popper đã được đánh giá cao là một triết gia về chính trị và xã hội nưã (political and social philosopher).

Sách dài tổng cộng trên 700 trang được phân bố trong 2 tập, với tổng cộng 25 chương, mà 10 chương đầu được dành để phân tích và bác bỏ các luận điểm của đại triết gia Plato là một thứ ‘núi Thái sơn” của nền triết học Tây phương và cả của kho tàng triết học của nhân loại nữa. Còn các chương tiếp theo, thì tác giả dành để phê phán Marx và Hegel. Mặc dầu rất kính phục vị đại sư Plato, Karl Popper vẫn thẳng thừng phê phán quan điểm của triết gia này đến nơi đến chốn, đặc biệt về quan điểm có tính chất “ không tưởng” (utopian social engineering) của Plato trong việc điều hành và lãnh đạo xã hội. Popper rất kiên quyết, triệt để chống lại cái lý luận của Plato khi chủ trương rằng “ quyền lợi cuả nhà nước được đặt trên quyền lợi cuả cá nhân “ và “cần phải dành quyền cai trị cho nhà độc tài sáng suốt, một thứ “vua kiêm triết gia” (philosopher-king).

Dĩ nhiên là Popper cũng nặng nề phê phán chê trách quan điểm của Hegel đặc biệt là thuyết “định mệnh lịch sử” (historical determinism). Nói vắn tắt là : Popper hoàn toàn bác bỏ cái chủ trương “kế hoạch hóa toàn diện” (Total Planning) của Plato và Hegel, Marx, mà thay vào đó bằng chủ trương “Xây dựng Xã hội từng mảnh một” (Piecemeal Social Engineering). Chủ trương này sẽ được bàn thảo phân tích chi tiết rành rọt hơn trong phần sau của bài viết này.

Ta nên chú ý đến thời gian và bối cảnh lúc tác giả viết cuốn sách này. Đó là từ năm 1938 đến 1943, lúc chế độ phát xít Hitler đang chiến thắng ròn rã ở khắp Âu châu, kể cả tại nước Nga. Tình hình bi thảm này trên khắp Âu châu đã khiến cho Popper phải ngày đêm lăn xả vào việc truy tìm tận gốc rễ đã phát sinh ra chế độ độc tài chuyên chế toàn trị. Vì thế mà ông đã “rất nặng lời trong việc phê phán Plato, Hegel” là những bậc thức giả được tác giả coi như chủ xướng cổ võ cho hệ thống “xã hội khép kín” (closed society) do chế độ độc tài gây dựng và duy trì. Vào thời đó, chưa có cuộc chiến tranh lạnh như trong giai đoạn sau này, kể từ khi thế chiến thứ hai chấm dứt. Nên trong cuốn sách này, Popper đã” rất nhẹ tay ” đối với Karl Marx, và cũng lại không hề đả động gì đến chế độ độc tài cộng sản sắt máu cuả Stalin.

Ngày nay vào đầu thế kỷ XXI, sau khi chế độ cộng sản sụp đổ ở nước Nga và Đông Âu để nhường chỗ cho một thể chế dân chủ thông thoáng cởi mở hơn, cùng với sự thăng tiến về nhân phẩm và nhân quyền thông qua sự phục hồi và phát triển cuả xã hội dân sự, thì lời kêu gọi “xây dựng một xã hội cởi mở”, mà Popper đã mạnh dạn gióng lên từ 60-70 năm trước, lại càng có tính cách thực tiễn thời sự và được sự hưởng ứng cuả số đông quần chúng cũng như tầng lớp trí thức khắp nơi trên thế giới.

Tóm tắt lại, cuốn sách “The Open Society” cuả Karl Popper đã góp phần gây ra được một nguồn cảm hứng nồng nhiệt, phấn khởi cho công cuộc tìm kiếm một thể chế chính trị xã hội nhân bản, văn minh tiến bộ xứng hợp với điạ vị cao quý cuả con người trong một thế giới đang mỗi ngày càng phát triển mạnh mẽ theo chiều hướng toàn diện và toàn cầu hiện nay vậy.

2 – Thảo luận về vấn đề “Xây dựng xã hội từng mảnh một”.

Luận điểm cốt lõi của Popper có thể tóm gọn lại như sau : Công việc chính yếu của bất kỳ một xã hội con người nào thì cũng chỉ là phải “giải quyết vấn đề” xảy đến cho xã hội đó (problem solving). Mà phương pháp khoa học có hiệu quả nhất là sử dụng “ giải pháp thử nghiệm” (trial solution). Giải pháp thử nghiệm như vậy đòi hỏi một sự “phê phán, kiểm tra thường xuyên” và tìm cách” loại bỏ những sai lầm” (error elimination). Nhờ quá trình hoạt động nghiêm túc như vậy, mà lần hồi con người tìm ra được giải pháp tối ưu cho các vấn đề nhân sinh (optima solution).

Popper xác định: “Trong thực tế chưa hề có một mô hình mẫu mực nào cho việc “xây dựng xã hội đại quy mô” (large-scale engineering). Đó chỉ là sản phẩm tưởng tượng của những nghệ sĩ, của loại người “không tưởng” (utopian). Mà cũng không hề có một thứ “lý thuyết định mệnh lịch sử “ nào đã được chứng minh có giá trị chính xác tuyệt đối, như mấy nhà “tiên tri” thường rêu rao…”Lời phát biểu chắc nịch của ông được nhiều người nhắc đến, đó là : “ Thay vì đứng ra như là vị tiên tri, chúng ta phải là người tạo ra số phận cho chính mình” (Instead of posing as prophets, we must become makers of our fate).

Popper đi đến một kết luận dứt khoát là: “Chỉ có một xã hội dân chủ, cởi mở, sẵn sàng tiếp nhận những phê phán, chỉ trích những sai lầm và có tinh thần phục thiện để mà điều chỉnh sửa chữa những bất cập đó, thì xã hội mới có cơ được lần hồi cải thiện. Ông nêu rõ là không thể có một “mẫu thiết kế” (blueprint) có sẵn cho bất kỳ một quốc gia nào, như các nhà độc tài thường hay áp đặt bắt buộc thần dân trong nước phải răm rắp tuân theo, mà không hề được nêu lên ý kiến phê phán thế này, thế nọ. Ông còn nói rõ hơn : Vì chúng ta không có cách nào đem lại hạnh phúc tối đa cho người dân được ( maximize happiness), nên chúng ta chỉ còn có mỗi một cách là “giảm đến mức tối thiểu sự đau khổ của quần chúng” (minimize suffering).

Phương thức “Xây dựng Xã hội từng mảnh một” chính là giải pháp tối ưu mà chúng ta có thể thực hiện được, hầu giải quyết thỏa đáng cho những vấn đề mỗi ngày một thêm phức tạp khó khăn của xã hội ngày nay vậy.

Chủ trương “Piecemeal Social Engineering “ này làm chúng ta nhớ đến quan điểm của kinh tế gia E F Schumacher trong cuốn sách nổi danh “Small is Beautiful” xuất bản hồi thập niên 1970, cũng bắt đầu tại nước Anh. Người viết đã có dịp giới thiệu tư tưởng của Schumacher từ hồi đầu năm 2009 vừa qua. Rõ ràng là quan điểm của triết gia Karl Popper có nhiều điểm tương đồng với chủ trương của kinh tế gia Fritz Schumacher, dù hai người theo đuổi hai lãnh vực hoàn toàn khác nhau, với phương pháp lý luận cũng khác nhau.

Ta hãy nghe thêm lời biện giải chi tiết hơn của Popper: “Phương pháp “từng mảnh một cho phép ta thực hiện liên tiếp nhiều thực nghiệm và những điều chỉnh liên tục (repeated experiments and continuous adjustments). Điều này có nghĩa là ta đem phương pháp khoa học vào trong lãnh vực chính trị, bởi vì toàn thể bí quyết của phương pháp khoa học thì chính là sự sẵn sàng học hỏi được từ những sai lầm” (a readiness to learn from mistakes).Thí dụ cụ thể như mô hình của từng định chế như bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hay tòa án hòa giải, cải cách giáo dục, cải tổ thuế khóa… thì cũng đơn giản thôi. Nếu những cái đó có sai sót, thì sự thiệt hại gây ra cũng chẳng có gì trầm trọng lắm, mà việc điều chỉnh sửa sai lại cũng sẽ chẳng quá khó khăn. Bởi lẽ những thử nghiệm “từng mảnh một” như vậy, thì không làm đảo lộn tòan thể trật tự của tất cả xã hội, như trong một thứ “cách mạng đai quy mô và triệt để” mà nhà lãnh đạo độc tài chuyên chế thường gây ra.

Có thể nói lập trường ”công kích chống lại độc tài chuyên chế toàn trị” (anti-totalitarian thrust) như thế của Popper rất ăn khớp với tư tưởng của các tác giả nổi danh đương thời sau thế chiến thứ hai, điển hình như Friedrick Hayek với tác phẩm “The Road to Serfdom” (Con đường dẫn tới Nô lệ), như Ludwig von Mises với tác phẩm “Omnipotent Government “ (Chính quyền Vạn năng). Trào lưu tư tưởng này đã ngăn cản, kềm bớt chủ trương của trường phái phát sinh từ vị đại sư John Maynard Keynes cũng của nước Anh, vốn cổ võ sự can thiệp mạnh mẽ quá trớn của chánh quyền trong việc điều hành nền kinh tế tại các quốc gia vốn đã có truyền thống dân chủ vững chắc lâu năm như ở Âu Mỹ.

Trước tình trạng sôi động, cuồng tín quá khích về tôn giáo ngày nay tại nhiều nơi trên thế giới, cũng như chủ trương hạn chế quyền tự do và tiếng nói của các cá nhân do chính quyền Tổng thống George W Bush theo đuổi gần đây ngay tại chính nước Mỹ, thì chủ trương kêu gọi “liên tục cải thiện xã hội từng mảnh một”, do Karl Popper khởi xướng từ trên 60 năm nay, càng có tác dụng thúc đảy mọi công dân trong khu vực xã hội dân sự phải tích cực năng động và sáng tạo hơn nữa, để tự cứu lấy mình và cứu vãn toàn thể xã hội đang có nguy cơ khủng hoảng suy thoái rất ư là trầm trọng hiện nay vậy./

California, đầu năm 2010

© Đàn Chim Việt Online 2010


No comments: