Wednesday, January 20, 2010

VƯỢT QUA VẠN LÝ TƯỜNG LỬA

Vượt qua Vạn Lý Tường Lửa
Los Angeles Times
Sunday, January 17, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=107022&z=15
BẮC KINH (LA Times) - Zhang Shan chưa hề chú ý đến việc kiểm duyệt Internet ở Trung Quốc. Người thư ký phòng triển lãm nghệ thuật nói, điều đó không liên hệ gì đến cuộc sống hằng ngày của cô.
Thế rồi năm ngoái, cô không vào được một số trang mạng cô yêu thích. Ðầu tiên là Youtube, rồi đến Twitter, sau đó là Facebook.
Ðây là nét cọ đáng nhớ đầu tiên của cô về cái gọi là Vạn Lý Tường Lửa (Great Firewall) của Trung Quốc, một trong nhiều cơ chế hùng hậu của chính quyền dùng để ngăn chận những đề mục họ cho là nhạy cảm đối với 384 triệu người sử dụng Internet.
Ðứng bên ngoài một khu thương xá đông đúc ở Bắc Kinh, cô Zhang nói, “Thật tình mà nói tôi không ưa chuyện này chút nào.”
Rồi cô thận trọng hạ giọng xuống và tiếp, “May mà một người bạn cho tôi một nhu liệu, đem cài vào máy tôi có thể vào lại tất cả các trang mạng nói trên. Nhiều bạn khác của tôi cũng đang dùng nhu liệu này.”

Tuần này Google dọa sẽ rút chân ra khỏi Trung Quốc, tiếp sau một loạt vụ tin tặc tấn công vào dịch vụ e-mail do công ty cung cấp, điều này nhiều người cho là có bàn tay của chính quyền Bắc Kinh, là một nhắc nhở rõ ràng cho thấy có sự hạn chế tự do Internet ở quốc gia này.
Nhưng nếu việc kiểm duyệt mạng ở Trung Quốc là một trò chơi mèo bắt chuột không bao giờ kết thúc, thì chuột sẽ sinh sản thật nhanh. Mặc dù chính quyền ngày càng áp dụng những biện pháp gay gắt để siết chặt luồng thông tin, và để bắt giữ những người tình nghi chống đối, dân lên mạng vẫn tìm cách luồn lách để né tránh sự giới hạn đó.

Ðược biết với tên fanqiang, hay “trèo tường,” công việc này là đi vòng bằng cách vào một máy chủ khác nằm bên ngoài Trung Quốc, xa hẳn tầm kiểm soát của chính quyền. Mặc dù những thao tác này nằm trong phạm vi hiểu biết về kỹ thuật của các bloggers và sinh viên học sinh Trung Quốc, tuy nhiên lời đồn lan nhanh về cách thức làm thế nào để vào được các trang mạng bị cấm kỵ.

Nếu Google thật sự sẽ giã từ Trung Quốc, thì theo nhiều chuyên gia đây là một chiến thắng đối với Bắc Kinh dù rằng họ phải trả với một giá đắt. Google cảnh cáo họ sẽ rút khỏi Trung Quốc hơn là chấp nhận ngày càng bị kiểm duyệt nhiều hơn, điều này được một số dân mạng ở đây hết sức ca ngợi. Hằng triệu người trước đây chỉ biết trông nhờ ở dịch vụ này để tìm kiếm thông tin, nay trở nên phải chịu thách thức nhiều hơn trước việc kiểm soát của chính quyền, và càng phải tích cực hơn trong việc tìm cách luồn lách qua Vạn Lý Tường Lửa.

Những cuộc bố ráp gần đây trên các trang mạng thuộc hệ thống xã hội đã khiến có thêm một số người dân thường căm ghét, những kẻ trước đây ít quan tâm đến việc chính phủ hạn chế tiếp cận những thông tin có tính cách đồi trụy hoặc nhạy cảm chính trị.
Xiao Qiang, giám đốc của Dự Án Internet Trung Quốc ở UC Berkeley nói, “Hình thức kiểm duyệt hay nhất là kiểm duyệt mà bạn không biết đến. Nhưng với những vấn đề xảy ra gần đây, vấn đề trở thành đại chúng. Ðiều này tự nó làm phá hỏng mục đích của sự kiểm duyệt. Nó khiến cho người ta ngày càng thay đổi quan điểm.”

Chính quyền bắt đầu siết chặt Internet ở Trung Quốc kể từ năm 2008, khi có cuộc nổi dậy ở vùng tự trị Tây Tạng ở phía Tây. Việc bố ráp leo thang sau cuộc nổi loạn chủng tộc bùng nổ ở tỉnh Xinjiang bất kham, hồi mùa Hè năm ngoái, khi Twitter và một dịch vụ tương tự của Trung Quốc có tên Fanfou bị ngăn chận. Facebook, được biết có đến 400,000 người dân Trung Quốc ghi danh đầu năm ngoái cũng bị cấm vào. Tất cả hiện vẫn còn bị giới hạn ở Trung Quốc.

Tuy nhiên Vạn Lý Tường Lửa là lỗ hổng được ưa chuộng nhất. Bất cứ ai muốn tránh khỏi bị giới hạn có thể tìm đến một proxy server, hay một virtual private network, thường nghe quen với tên tắt VPN. (proxy server là một máy chủ hay một hệ thống máy điện toán phục vụ yêu cầu của thân chủ bằng cách chuyển tiếp yêu cầu qua những máy chủ khác.)
Chúng vận hành bằng cách nhập (log-in) máy điện toán ở TQ vào một máy chủ ở nước ngoài, là máy có thể tự do vào mạng Internet. Khi dữ kiện dội ngược về máy ở TQ, chúng được che giấu theo một cách khiến chúng có thể lọt được qua lưới lọc của chính quyền.
Kỹ thuật này rất cần thiết đối với các công ty nước ngoài hoạt đông ở Trung Quốc, như ngân hàng là ngành kinh doanh cần sự an ninh an toàn để làm ăn, đây là lý do vì sao mà chính quyền Trung Quốc cho phép họ sử dụng. Tuy nhiên cũng ngày càng có thêm nhiều người tuồng như lợi dụng cơ hội này để vào Internet và thoát khỏi mạng lưới kiểm soát.

Có chừng một triệu người ở Trung Quốc sử dụng Hotspot Shield, một VPN miễn phí mà số người ghi danh khắp thế giới là 7.5 triệu, theo lời một nữ phát ngôn viên của Hotspot Shield.
Bill Bullock, chủ tịch điều hành của dịch vụ VPN, thuộc công ty WiTopia, Inc., cho biết số người sử dụng WiTopia ở TQ tăng gấp đôi mỗi năm, đặc biệt là sau khi chính quyền bố ráp trên mạng.

Michael Anti, một nhà hoạt động Internet nổi tiếng TQ vẫn tỏ vẻ khích lệ rằng, việc kiểm duyệt đang bị thất thế dần. Ðối với ông, không có ví dụ nào cụ thể hơn việc gia tăng sử dụng Twitter ở Trung Quốc.
Trước khi mạng bị chận hồi Tháng Bảy năm ngoái, Anti nói, 1,000 người đã theo chân đường tắt của ông được biết qua tweets. Nay ông có đến 12,000 thành viên, hết hai phần ba trong số này mà ông tin là đang ở TQ, đã sử dụng nhu liệu này để vượt tường lửa.
Anti nói, “Sự kiểm duyệt ở TQ được làm nhắm vào nhu liệu Web 1.0, nhưng bây giờ tất cả đều xài Web 2.0 rồi.”

Ông Xiao ở UC Berkeley nói, có 30,000 người sử dụng dịch vụ Twitter ở TQ trước khi nó bị liệt kê vào sổ đen. Con số này vọt lên thêm 10,000 sau khi chính quyền chận mạng này, và từ đó vọt lên 50,000. Anti thì phỏng chừng con số là 100,000.
Xiao tiếp, “Chỉ xét về Twitter mà nói thôi thì rõ ràng Vạn Lý Tường Lửa đã thất bại.”
Công ty Twitter đã không đáp ứng yêu cầu xác nhận về các con số nói trên.

Mặc dù một số người TQ có kiến thức về kỹ thuật đã vượt được Vạn Lý Tường Lửa một cách dễ dàng, điều đó chưa có nghĩa là nỗ lực của chính quyền không đáng kể. Jonathan Zittrain, đồng sáng lập Berkman Center for Internet & Society thuộc Harvard Law School cho rằng, mục tiêu của Bắc Kinh là gây khó khăn trong việc tiếp cận những thông tin bị hạn chế, đủ để cho một người bình thường không phải bận tâm để tìm cách vào đó nữa.
Zittrain nói, “Theo tôi hầu hết dân lên mạng ở TQ đều ý thức được rằng, có một số chỗ họ không vào được dễ dàng nếu họ không chịu bỏ công thêm, và có khuynh hướng cảm thấy điều này làm họ phiền toái hơn là nổi giận.”

Thăm dò cho thấy có sự ủng hộ rộng rãi trong việc hạn chế vào các trang mạng Internet, như là một cách để duy trì trật tự xã hội. Cho dù có sự kiểm soát của chính quyền, người Trung Quốc bình thường ngày nay vẫn tiếp cận được nhiều thông tin hơn so với bất kỳ lúc nào trong lịch sử của quốc gia cộng sản này.
Sun Lu, một sinh viên 20 tuổi nói, “Theo tôi chính quyền nên kiểm soát nội dung của Internet. Khi họ muốn ngăn chận điều gì đó tức là họ đã có lý do để làm vậy.”

Nhiều chuyên gia nhận xét, ngày nào vẫn còn những người TQ quá thờ ơ thì Vạn Lý Tường Lửa vẫn còn là một rào cản đáng kể.
Liu Weiwei, một nhân viên dịch vụ quảng cáo nói, “Nước tôi không phải là một quốc gia tự do phát biểu.”

(TP)



No comments: