Phiên tòa Lê Công Định: ‘Nhất định Trần Huỳnh Duy Thức sẽ kháng án’
Hải Châu/Người Việt
Wednesday, January 20, 2010
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=107139&z=1
SÀI GÒN (NV) – Trong một phiên tòa diễn ra chóng vánh, sớm hơn dự tính một ngày, Tòa án thành phố Sài Gòn hôm 20 tháng 1 đã đưa ra bản án sơ thẩm cho 4 nhà hoạt động dân chủ với tổng cộng 33 năm tù giam chưa tính thời gian quản chế khi bị khép tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Bản án được tuyên ngay trong chiều tối ngày 20 tháng Giêng. Bất ngờ nhất là mức án dành cho luật sư Lê Công Định là 5 năm tù giam (kèm 3 năm quản chế) và với doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức 16 năm tù giam (kèm 5 năm quản chế).
Riêng mức án của Thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung và ông Lê Thăng Long không có bất ngờ như các tin đã đưa trên Người Việt trước đây, khi Nguyễn Tiến Trung bị 7 năm tù (kèm 3 năm quản chế), Lê Thăng Long bị 5 năm tù (kèm 3 năm quản chế).
Kháng án vì ‘quá nặng’?
Sau khi phiên tòa kết thúc, trả lời phỏng vấn của Người Việt, luật sư Triệu Quốc Mạnh, người bào chữa cho ông Trần Huỳnh Duy Thức, nói rằng: ‘Không ngờ phía tòa lại cho Trần Huỳnh Duy Thức bản án nặng đến vậy. Cao hơn nhiều so với buộc tội của Viện Kiểm sát giữ quyền công tố.’
Theo Luật sư Triệu Quốc Mạnh, ‘Phía trong phiên tòa khá căng thẳng, các bị cáo bình tĩnh và có phần tự tin khi phiên tòa bắt đầu. Thân nhân các bị cáo cũng tham dự phiên tòa trực tiếp.’
Luật sư Triệu Quốc Mạnh cho hay ông “không có áp lực nào khi bào chữa cho ông Trần Huỳnh Duy Thức, và đã vào trại giam gặp Thức hai lần trước khi xử.”
Tin cho biết, rong phần thủ tục phiên tòa, ông Trần Huỳnh Duy Thức đề nghị được thay đổi toàn bộ Hội đồng xét xử. Tuy nhiên, yêu cầu này của ông Thức đã bị chánh án bác.
Bình luận về việc này, Luật Sư Mạnh cho hay, ‘Đó là quyền của bị cáo được pháp luật công nhận, rất tiếc sau khi hỏi ý kiến của Viện Kiểm sát thì tòa hình sự sơ thẩm đã bác yêu cầu của thân chủ của ông”. Nếu yêu cầu này được chấp nhận thì ‘Mọi việc sẽ đảo lộn không như dự kiến ban đầu.’
Trả lời câu hỏi của Người Việt rằng, ‘liệu ông Thức có kháng án không và có hy vọng gì trong phiên phúc thẩm sắp tới hay không?’ Luật sư Mạnh do dự, “Có thể Thức sẽ kháng án, vì bản án quá nặng so với Thức.’
Và hy vọng hay không còn ‘Tùy thuộc vào nhiều yếu có khách quan bên ngoài và chủ quan của cáo nữa.’
Thế nhưng, một luật sư chuyên về hình sự ở Quận 10 cho Người Việt biết, ‘Thường thì sau khi xử sơ thẩm phía cán bộ trại giam và cơ quan điều tra luôn hăm dọa các bị cáo đừng kháng án. Nếu ai kháng án thì họ sẽ kỷ luật và cắt các chi tiêu thăm nuôi. Do vậy nhiều bị cáo vì sợ đã không dám kháng án, dù biết bất công với mình”.
Luật sư này nói thêm rằng, ‘Các phiên tòa chính trị khi kháng án nếu không có áp bên ngoài thì khó mà thay đổi mức án. Như trường hợp của Công Nhân và Văn Đài sau đó có giảm chút ít. Nhưng áp lực quốc tế phải đủ mạnh.’
‘Nhận tội’
Theo tường thuật của các báo trong nước theo dõi phiên tòa thì hai ông Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung đã ‘nhận tội’.
Theo báo Tuổi Trẻ, ‘Trong suốt phần thẩm vấn vào buổi sáng, bị cáo Lê Công Định trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử một cách thành khẩn và tỏ ra ân hận vì hành vi sai phạm của mình.’
Báo này thuật lại lời của ông Định nói rằng, “Là luật sư, bị cáo biết mình đã vi phạm điều 79 Bộ luật hình sự vì đã tham gia Đảng Dân chủ VN mà mục đích cuối cùng của đảng này là hoạt động nhằm thay đổi thể chế chính trị ở VN”.
Lời của ông Định được Tuổi Trẻ thuật lại khi ‘nhận tội’, rằng, ‘Những sai phạm của bị cáo xuất phát từ cái nhìn tiêu cực về tình hình VN; do bị cáo du học nước ngoài nên ảnh hưởng tư tưởng dân chủ nhân quyền; do tiếp xúc, làm việc với những tổ chức, cá nhân chống đối, phản động nên ảnh hưởng theo.’
Tương tự Lê Công Định, theo báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tiến Trung nói trước tòa rằng, ‘bị cáo quá tin tưởng vào lời dụ dỗ của Trần Huỳnh Duy Thức; thành lập tổ chức thanh niên dân chủ lôi kéo du học sinh VN ở nước ngoài; giới thiệu Lê Công Định vào Đảng Dân chủ và cung cấp thông tin liên quan đến nhà nước VN cho các tổ chức phản động nước ngoài.’
Vẫn theo Tuổi Trẻ, ‘Bị cáo Trung cũng giải thích hành vi phạm tội của mình là do bị xúi giục rằng chỉ có con đường đa nguyên đa đảng mới đưa đất nước phát triển, vì vậy mới mong muốn thay đổi thể chế chính trị ở VN.’
Thế nhưng, khác với Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung, hai ông Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long đã không nhận tội.
Cũng trong phần thủ tục phiên tòa, ông Lê Thăng Long đã từ chối việc luật sư Nguyễn Minh Tâm bào chữa cho mình. Lời ông Long được Tuổi Trẻ trích thuật, ‘Quan điểm của luật sư không tương đồng với quan điểm của bị cáo.”
Liên quan đến bên ngoài tòa án, theo các nguồn tin của Người Việt, phía công an đã lập nhiều chốt chặn quanh khu vực bên ngoài tòa án. An ninh xiết chặt, công an đứng đầy 4 trục đường: Nguyễn Du- Nguyễn Trung Trực- Lý Tự Trọng và Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Công Lý cũ).
Phía bên trong khu vực tòa án thì có xe phá sóng điện thoại di động đậu ngay trong sân. Bất cứ ai ra vào tòa hôm 20/1/2010 đều bị chặn và soát hỏi có đem theo máy ghi âm,chụp hình không? Không được dừng xe lại xung quanh khu vực tòa án. Ai dừng lại dù nghe điện thoại di động cũng bị công an đến xua đuổi đi ngay.
Những Bài Liên Quan:
Dư luận Sài Gòn trước phiên toà xử 4 nhà dân chủ (Tuesday, January 19, 2010 4:12:51 PM)
VN bắt đầu phiên xử 4 nhà dân chủ ‘âm mưu lật đổ chính quyền’ (Tuesday, January 19, 2010 7:50:16 PM)
No comments:
Post a Comment