Monday, January 18, 2010

VỤ ÁN LÊ CÔNG ĐỊNH : ÁN SẼ MÚT KHUNG NHƯNG KHÔNG NẶNG

Vụ Lê Công Ðịnh là 'án điểm', án sẽ 'mút khung' nhưng không nặng
Hải Châu/Người Việt
Sunday, January 17, 2010
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=107009&z=2
Nhiều luật sư né tránh, 'xin hai chữ bình an'

VIỆT NAM - Dư luận trong nước, đặc biệt trong giới luật sư, bắt đầu “nóng” khi phiên xử các nhân vật Lê Công Ðịnh, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, và Lê Thăng Long, đang đến gần.
Nguồn tin từ Việt Nam cho biết, để chuẩn bị, Hà Nội sẽ cho họp báo trước và sau phiên xử, dự kiến bắt đầu vào các ngày 20 và 21 Tháng Giêng, 2010, tại Sài Gòn.
Một thẩm phán hiện đang là Phó Chánh Tòa Hình Sự một tỉnh phía Nam, nhận định với điều kiện không nêu danh tánh, rằng “Vụ Lê Công Ðịnh là án điểm. Mà đã là án điểm, người ta sẽ làm rất chặt chẽ về mặt tố tụng.”
Nhân vật này nói, để chuẩn bị phiên xử, “luôn luôn có các cuộc họp 'nội chính' giữa ba cơ quan, là An Ninh Ðiều Tra, Viện Kiểm Sát và Tòa Án. Mỗi giai đoạn đều có họp nội chính của cả ba ngành. Khi kết thúc điều tra, người ta sẽ họp để ra kết luận điều tra. Rồi trước khi Viện Kiểm Sát ra bản cáo trạng thì cũng phải họp ba ngành. Ngay cả trước khi tòa án ra quyết định xét xử thì cũng phải họp ba ngành để sắp xếp nhân sự và bàn phương hướng tổ chức phiên tòa.”
Cho đến nay, dư luận nói nhiều về việc “đổi tội danh” của các nhân vật trong “Vụ Lê Công Ðịnh,” từ Ðiều 88 sang Ðiều 79. Phó Chánh Án Tòa Hình Sự tỉnh phía Nam nhận định thêm, trong vụ án này, “người ta truy tố theo Khoản 1, Ðiều 79 thì sẽ 'mút khung.'”
“Mút khung” là cách nói trong nước, nhưng trong trường hợp này, “Sẽ không phải là tử hình, mà là cao nhất trong các mức án đề xuất ngay trong kỳ họp nội bộ ba ngành Ðiều Tra, Kiểm Sát và Tòa Án.”

Ðề cập đến phiên xử Lê Công Ðịnh, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, và Lê Thăng Long là điều “nhạy cảm” hiện nay. Chúng tôi hỏi ý kiến Luật Sư Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ Nhiệm Ðoàn Luật Sư Thành Phố, thì ông trả lời, “Việc xét xử Luật Sư Lê Công Ðịnh không phải là chuyên môn của chúng tôi nên chúng tôi không biết gì nhiều.”
Trong khi đó, theo Luật Sư Phạm Thị Ngọt, giảng viên Học Viện Tư Pháp, nơi đào tạo luật sư tại Sài Gòn hiện nay, thì việc “xét xử nhóm các nhà nhân danh là hoạt động dân chủ này làm xôn xao dư luận và tốn hao bút mực của báo chí rất nhiều.” Bà Ngọt, giảng viên bộ môn Hình Sự từ năm 1983, nhận định thêm, kinh nghiệm trong lãnh vực hình sự thì các tòa án thường “giơ cao đánh khẽ,” và mức án cao nhất có thể là tám năm dành cho Luật Sư Lê Công Ðịnh, sáu năm dành cho các bị cáo khác.
Nhận định của vị Phó Chánh Án Tòa Hình Sự yêu cầu không nêu dánh tánh có đôi chút khác biệt. Người này nói, “Nếu bản án là 12 năm thì sẽ đi đủ 12 năm chứ không có ân xá miễn giảm gì đâu!”
Nhân vật này cũng nhận định, “đổi tội danh trong quá trình tố tụng là chuyện bình thường!” “Từ điều 88 Bộ Luật Hình Sự thay đổi sang điều 79 là từ tội nhẹ chuyển sang tội danh nặng hơn.” Và lý do là vì tội danh này “áp dụng cho nhóm tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.”
Nhưng, không hẳn áp dụng Ðiều 79 thì hiển nhiên đồng nghĩa với bản án nặng hơn. Phó Chánh Án Tòa Hình Sự so sánh, “Nhìn trường hợp các ông Nguyễn Xuân Nghĩa và ông Trần Anh Kim thì thấy ngay. Ông Nghĩa bị truy tố theo điều 88, nhẹ hơn ông Trần Anh Kim bị truy tố theo điều 79, nhưng mức hình phạt của ông Nguyễn Xuân Nghĩa lại nặng hơn ông Trần Anh Kim.”
Ông Nghĩa bị Tòa Sơ Thẩm kết án sáu năm tù, còn ông Trần Anh Kim thì 5 năm.
Nhân vật này đưa ra nhận định, “Mức án cho các nhân vật trong vụ Lê Công Ðịnh có thể từ 12 năm đến 15 năm. Nặng nhất là Luật Sư Lê Công Ðịnh và nhẹ nhất là ông Lê Thăng Long.”

Khi nói về tính độc lập của hệ thống Tòa Án tại Việt Nam, một Luật Sư thuộc Ðoàn Luật Sư Sài Gòn và hiện đang giảng dạy tại Học Viện Tư Pháp, nói rằng “Ngành Tư Pháp, đặc biệt là Tòa Án, độc lập trong chừng mực mà thôi.”
Nhiều sinh viên đang theo học ngành Luật tại Việt Nam tỏ ra lúng túng từ khi Luật Sư Lê Công Ðịnh bị bắt và mang ra xét xử. Một giảng viên Ðại Học Luật ở Sài Gòn nói rằng, “Vụ án Lê Công Ðịnh cho thấy phía cơ quan tiến hành tố tụng đã tỏ ra lung túng khi xử lý. Nhất là các đoạn băng chiếu trên VTV về việc nhận tội thấy không được bình thường.”
“Bắt người từ Tháng Sáu, 2009 đến nay, để lâu như vậy là vi phạm tố tụng rồi. Vấn đề có tội hay không đâu có cần lên truyền hình nhận tội làm gì. Nếu ra tòa người ta nói bị tra tấn hay ép buộc thì phản tác dụng.”
Hầu hết các luật sư đều biết tận gốc rễ của vụ án này nhưng không dám nói ra, sợ bị an ninh “soi” và làm khó dễ.
Giảng viên Ðại Học Luật kể thêm, “Các sinh viên của tôi khủng hoảng từ vụ án này vì Luật Sư Lê Công Ðịnh là người rất nổi tiếng. Tôi đã trấn an các em rất nhiều, nhiều em cho hay là gần đây không dám lên blog cá nhân để giãi bày, vì nhà trường công bố bắt gặp blog của sinh viên nào 'có vấn đề' là sẽ cấm thi và kỷ luật.”
Giảng viên này thắc mắc rất nhiều về hành động của chính quyền tung đoạn phim “nhận tội” lên Tivi. “Tôi mong cho vụ án được xét xử sớm để giải tỏa nhiều thắc mắc của tôi. Ðoạn băng nhận tội có hay không? Và trên hết là cách nhà nước đối xử như thế nào với các nhà bất đồng chính kiến. Ở nước ngoài, tiếng nói bất đồng với nhà cầm quyền là bình thường. Nhưng ở nước này thì 'có vấn đề.'”
Nhiều luật sư khác cũng được chúng tôi hỏi ý kiến. Ða số đều trả lời, “Cho tôi xin hai chữ bình an nhé.”



No comments: