Wednesday, January 13, 2010

VN THỬ NGHIỆM MÔ HÌNH TẬP ĐOÀN KINH TẾ MỚI


“Bên cạnh đó trong quân đội, Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện. Chính vì vậy, Tập đoàn Viễn thông Quân đội sẽ không có hội đồng quản trị mà hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ và sự điều hành của tổng giám đốc. “
Viettel “thử nghiệm” mô hình tập đoàn kinh tế mới
Lao Động số 9 Ngày 12/01/2010 Cập nhật: 8:31 AM, 12/01/2010
http://www.laodong.com.vn/Home/Viettel-thu-nghiem-mo-hinh-tap-doan-kinh-te-moi/20101/170251.laodong
(LĐ) - Hôm nay 12.1, Tập đoàn kinh tế Viettel ra mắt thành lập theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Đây là mô hình tập đoàn kinh tế đặc biệt với nhiều đặc thù và những "thử nghiệm" mới.

Thiếu tướng Hoàng Anh Xuân - Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết:
- Đầu năm 2009, Thủ tướng Chính phủ có yêu cầu Viettel và VNPT báo cáo tình hình hoạt động, quy mô DN và định hướng chiến lược phát triển. Thủ tướng Chính phủ cho rằng Viettel đã thực sự lớn mạnh, có những nét vượt trội và khác biệt. Trên cơ sở này, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho xây dựng đề án trình Chính phủ về việc thành lập Tập đoàn Viễn thông Quân đội.

Việt Nam đã có không ít tập đoàn kinh tế, trong đó một số hoạt động không mấy hiệu quả. Đã có chuyên gia cho rằng cần dừng việc thành lập mới tập đoàn kinh tế để đánh giá lại mô hình. Vậy đâu là "nét vượt trội và khác biệt" như ông nói để thuyết phục được Chính phủ?
- Trong số các tập đoàn và Tổng Cty nhà nước có rất nhiều đơn vị hoạt động có hiệu quả, có ảnh hưởng lớn trong nền kinh tế (dầu khí, VNPT, Viettel... chính là những DN lớn nhất Việt Nam theo VNR 500). Đối với Viettel, 20 năm liên tục hoạt động có lãi, đặc biệt trong 10 năm từ 1999-2009, doanh thu tăng 1.500 lần (từ 30-40 tỉ năm 1999 lên 60.000 tỉ năm 2009), 4 năm liền có doanh thu năm sau gấp đôi năm trước.
Năm 2008, tỉ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước đạt tới 87%, đứng đầu các DN nhà nước. Điều quan trọng hơn cả là Viettel còn đóng góp hiệu quả cụ thể cho xã hội như tạo công ăn việc làm cho gần 50.000 người, hàng vạn gia đình có thu nhập tương đối ổn định, tích cực tham gia công tác xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là một số chương trình xã hội lớn như Internet đến trường học, điện thoại cho 10 triệu hộ nông dân, phủ sóng biên giới, hải đảo...
Không những thế, Viettel còn đầu tư thành công và đã trở thành nhà cung cấp hàng đầu ở hai thị trường Campuchia và Lào chỉ trong một thời gian rất ngắn.

Là DN trực thuộc Bộ Quốc phòng, vậy Tập đoàn Viettel sẽ hoạt động như thế nào trong sự đặc thù này thưa ông?
- Là tập đoàn kinh tế đầu tiên của quân đội, Viettel thực hiện song song hai nhiệm vụ là sản xuất kinh doanh gắn liền với đảm bảo an ninh quốc phòng. Bên cạnh đó trong quân đội, Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện. Chính vì vậy, Tập đoàn Viễn thông Quân đội sẽ không có hội đồng quản trị mà hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ và sự điều hành của tổng giám đốc.

Mô hình này liệu có vướng mắc hay cản trở hoạt động của tập đoàn không thưa ông?
- Hoàn toàn không có gì vướng mắc bởi điều này đã được chứng minh trong quá trình phát triển của Viettel. Cụ thể, Tập đoàn Viettel sẽ không có hội đồng quản trị mà Đảng ủy tập đoàn sẽ thực hiện vai trò và chức năng giống như HĐQT ở các tập đoàn hiện có. Hội đồng quản trị là đại diện cho các chủ sở hữu. Nhưng DN nhà nước thì chỉ có một chủ sở hữu là nhà nước.
Do đó không nhất thiết phải có HĐQT. Hơn nữa, thành viên hội đồng thường không làm việc tập trung nên nếu cần họp bàn đủ thành phần thì có khi lỡ mất thời cơ. Khi trình bày quan điểm này, Thủ tướng đã đồng ý ngay về mô hình Tập đoàn kinh tế Viettel. Với mô hình này, quá trình ra quyết định sẽ tập trung và nhanh hơn.

Việt Nam đã có VNPT hoạt động cùng lĩnh vực với Viettel. Việc ra đời sau liệu có khó khăn gì không thưa ông?
- Thực tế đã chứng minh là không khó khăn, thậm chí còn thuận lợi và tốt hơn cho nền kinh tế, cho xã hội và NTD. Rõ ràng, Viettel ra đời đã phá thế độc quyền vốn có trong ngành viễn thông. Tôi cho rằng cả Viettel và VNPT đều là DN nhà nước. Vì vậy, tôi không coi đó là cạnh tranh mà coi đó là "thi đua xã hội chủ nghĩa". Cạnh tranh có thể dẫn đến triệt tiêu nhau, nhưng "thi đua xã hội chủ nghĩa" là sự tự hoàn thiện mình.

Vậy chiến lược phát triển của Viettel trong những năm tới ra sao? Liệu Viettel có cổ phần hoá không thưa ông?
- Như đã nói ở trên, Tập đoàn Viettel là một đơn vị quân đội. Mạng viễn thông của Viettel vừa phục vụ đời sống xã hội, phát triển kinh tế, đồng thời cũng là mạng lưới thông tin quân sự, cần phải đảm bảo tính chủ động, bí mật và an ninh quốc gia. Chính vì vậy, Viettel không cổ phần hoá Cty mẹ mà chỉ cổ phần hoá một số Cty con.
Chiến lược hoạt động của Viettel là đến năm 2015 là trở thành 1 trong 20 DN viễn thông lớn nhất thế giới, là một trong 10 DN đầu tư ra quốc tế lớn nhất. Trên cơ sở này, Viettel phấn đấu đến 2015 sẽ đạt doanh thu 15 tỉ USD và 30 tỉ USD vào năm 2020 cả trong và ngoài nước.
Một mục tiêu quan trọng khác là Viettel sẽ không chỉ còn là DN viễn thông đơn thuần mà sẽ mở rộng ra nghiên cứu phát triển, thiết kế, sản xuất thiết bị điện tử, viễn thông... với sản phẩm mang thương hiệu Viettel.
Điều này sẽ được hiện thực hoá ngay trong năm 2010 khi đã ký kết với đối tác của Đài Loan, trong đó Viettel chiếm 70% vốn và sẽ tung ra ít nhất 3 - 4 sản phẩm ngay trong năm nay. Cũng trong năm 2010, Viettel sẽ mở rộng đầu tư sang Châu Phi, Châu Á và Mỹ Latinh sau khi đã đầu tư thành công tại Lào (mạng Unitel) và Campuchia (mạng MetFone).

Cảm ơn Thiếu tướng!

Phạm Anh thực hiện




No comments: