Monday, January 11, 2010

VIỆT NAM : NHỮNG GÌ ĐÁNG CHÚ Ý NHẤT TRONG NĂM 2009 ?

Những gì đáng chú ý nhất năm 2009 ?
Nguyễn Gia Kiểng
Đăng ngày 11/01/2010 lúc 00:00:00 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4494
Ký giả Phượng Hoàng của đài SBS hỏi tôi về "ba sự kiện nổi bật và quan trọng nhất trong năm 2009". Câu hỏi hóc búa. Việt Nam là nước đông dân thứ 13 trên thế giới, trên trái đất này cứ 1000 người thì có 15 người Việt Nam. Chúng ta lại đang ở giữa một cuộc chuyển hoá lịch sử, trong bối cảnh của một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Dĩ nhiên là phải có rất nhiều biến cố nổi bật và quan trọng trong năm qua. Chọn lựa ba sự kiện "nổi bật và quan trọng" nhất là điều rất khó, càng khó vì có những biến cố nổi bật mà chưa chắc đã thực sự quan trọng, ngược lại cũng có những sự kiện quan trọng nhưng không thu hút được sự chú ý. Tôi chọn ba sự kiện sau đây chỉ vì câu hỏi của bà Phượng Hoàng buộc tôi phải chọn.

*

Sự kiện thứ nhất là trong năm qua chính quyền cộng sản đã gia tăng đàn áp một cách rõ rệt, về cả bề mặt lẫn chiều sâu, về số lượng người bị đàn áp cũng như mức độ thô bạo. Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Mạnh Sơn, Ngô Quỳnh, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Kim Nhàn, Trần Đức Thạch, Vũ Hùng, Phạm Văn Trội bị xử những án tù rất nặng trong hai phiên toà tại Hà Nội và Hải Phòng sau một năm giam giữ chỉ vì đã treo, hoặc tiếp tay treo, một số biểu ngữ chống tham nhũng, kêu gọi dân chủ, kêu gọi giữ vẹn toàn lãnh thổ. Chính quyền cộng sản gán cho họ tội tuyên truyền chống nhà nước. Cô Phạm Thanh Nghiên, đã bị giam từ hơn một năm nay, chờ ra toà lãnh án tù chỉ vì đã ngồi trong nhà để phản đối Trung Quốc lấn chiếm. Cựu trung tá Trần Anh Kim vừa bị xử 5 năm rưỡi tù giam và ba năm quản chế; Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung và Lê Thăng Long, bị bắt giam từ nửa năm nay, sắp ra toà vì bị buộc tội "hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân" để lãnh những án tù có thể trên 15 năm. Chính quyền cộng sản leo thang trong sự buộc tội tuỳ tiện và cũng leo thang trong sự hung bạo, viện vào những việc làm ôn hoà phù hợp với luật pháp và quyền công dân để cáo buộc những tội danh nghiêm trọng như "lật đổ chính quyền". Đó là chưa kể vô số những vụ xét nhà, tịch thu máy vi tính, đấu tố tại phường khóm, triệu tập ra đồn công an thẩm vấn, có khi đánh đập ngay tại đồn công an. Và cũng không nên quên những vụ công an dùng bọn đầu gấu và những phần tử quá khích để hành hung các tín đồ Công Giáo, Phật Giáo, Cao Đài tại Tam Toà, Bảo Lộc, Định Quán.
Phải hiểu tầm quan trọng của đại hội 11 sắp tới của Đảng Cộng sản Việt Nam nếu muốn hiểu đợt đàn áp này. Nó được dự trù vào tháng 1-2011 nhưng, như mọi đại hội đảng, nó phải được chuẩn bị từ hai năm trước đó, nghĩa là từ đầu năm 2009. Hai công tác chuẩn bị chính là quyết định đường lối và nhân sự lãnh đạo cho khoá mới. Cho đến nay, có lẽ chỉ trừ đại hội 3 năm 1960 và đại hội 6 năm 1986, chưa bao giờ đảng cộng sản phải đứng trước những chọn lựa khó khăn về cả đường lối lẫn nhân sự lãnh đạo. Đại hội 3 năm 1960 phải lấy quyết định quan trọng là phát động cuộc chiến tranh với miền Nam, nhưng quyết định này hầu đã có đồng thuận trong đảng vào lúc đó nên đã dễ đạt tới. Quyết định gây chiến sau đó đã có tác dụng tự nhiên là tăng cường liên minh Lê Duẩn - Lê Đức Thọ vì hai ông này vừa chủ chiến vừa hiểu biết tình hình miền Nam, nhưng liên minh Duẩn - Thọ vốn đã có sức mạnh áp đảo từ trước. Cho nên xét cho cùng đại hội 3 tuy khó khăn nhưng không đe dọa sự đoàn kết trong đảng. Một tình trạng tương tự cũng đã xảy ra với đại hội 6 năm 1986 khi đảng cộng sản phải chấp nhận "đổi mới để tồn tại". Đại hội 11 khó khăn hơn nhiều cho đảng cộng sản vì cùng một lúc nó phải lấy những quyết định rất lớn về cả đường lối lẫn lãnh đạo. Nó diễn ra vào chính sách "đổi mới" hoàn toàn không còn gì là mới và hơn thế nữa đã tích lũy những mâu thuẫn nghiêm trọng phải giải quyết ngay; thêm vào đó là thế giới đang khủng hoảng và rõ ràng là mô thức Trung Quốc mà Việt Nam sao chép không thể tiếp tục được nữa. Nó cũng đến vào một lúc mà xã hôi Việt Nam đã chín muồi cho một thay đổi chế độ. Trong hơn ba thập niên qua, nhất là từ sau đại hội 6, đã diễn ra một cuộc giằng co giữa một bên là xã hội dân sự Việt Nam vùng vẫy để tự cởi trói và một bên là đảng cộng sản cố duy trì chế độ kìm kẹp; tương quan lực lượng đã không ngừng biến đổi thuận lợi cho xã hội dân sự và ngày nay điểm đoạn tuyệt đã đến rất gần. Phải lấy quyết định, không lấy quyết định cũng là một quyết định và còn là quyết định phiêu lưu nhất. Đại hội 11 cũng sẽ là đại hội của một sự chuyển giao thế hệ toàn bộ. Tất cả những người có thành tích và vai trò trong cuộc chiến đưa đảng cộng sản đến thắng lợi đều sẽ ra đi hết. Họ sẽ không còn ở đó để cầm quyền hoặc đỡ đầu cho những người cầm quyền. Những người lãnh đạo xuất phát từ đại hội 11 sẽ phải tìm sự chính đáng trong những thành tích của họ từ sau 1975, nhưng sự chính đáng này không ai có. Không một cấp lãnh đạo cộng sản nào có thể tự hào về một thành tích nào, hơn nữa còn đóng góp tạo ra tham nhũng và làm băng hoại đạo đức xã hội. Vấn đề nhân sự lãnh đạo sẽ không có giải đáp. Sẽ không có những khuôn mặt đủ uy tín để áp đặt những thay đổi cần thiết, thậm chí để giữ cho đảng khỏi rạn nứt. Trong tình trạng bế tắc đó, nhất là nội bộ đảng đã rất phân hoá, những tranh cãi và tranh giành có thể làm đảng tan vỡ. Trừ khi có những kẻ thù chung và những mối lo chung. Những vụ đàn áp này không nhắm triệt tiêu những mối nguy có thực, chúng chỉ nhắm tạo ra ấn tượng là có những kẻ thù nguy hiểm và những âm mưu lật đổ chế độ để đoàn kết đảng trong giai đoạn chuẩn bị đại hội.

Đảng cộng sản cần đàn áp và họ cũng nghĩ có thể đàn áp mà không gặp những phản ứng mạnh từ Hoa Kỳ. Họ phần nào có lý bởi vì chính quyền Obama là một chính quyền thực dụng, không coi những giá trị dân chủ và nhân quyền là ưu tư hàng đầu của chính sách đối ngoại. Nhưng có lẽ họ đã hơi bị bất ngờ vì phản ứng của Liên Hiệp Châu Âu.

*
Sự kiện quan trong thứ hai là quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc chuyển sang thế đối đầu.
Ngày 31-12-2008 hai bên hoàn tất việc cắm mốc biên giới một cách tưng bừng nhưng sau đó quan hệ ngày càng trở nên phức tạp. Trung Quốc cho đăng một số bài báo đe dọa đánh Việt Nam hoặc cảnh giác về nguy cơ Việt Nam sẽ tấn công họ, Việt Nam làm ngơ để cho một số trí thức lên án Trung Quốc, cụ thể là phản đối dự án cho Trung Quốc khai thác bôxit tại Tây Nguyên. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông và biểu quyết đạo luật bảo vệ vùng biển và các hải đảo, Việt Nam phản đối bởi vì các vùng biển và hải đảo đó bao gồm cả những gì thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trung Quốc tổ chức du lịch trên Hoàng Sa và Việt Nam phản đối. Trung Quốc và Việt Nam đều đặt chính quyền địa phương tại Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc gia tăng uy hiếp ngư dân Việt Nam trên Biển Đông và Việt Nam ngày càng phản đối một cách mạnh mẽ hơn. Việt Nam mua máy bay chiến đấu hiện đại và tầu ngầm của Nga và Trung Quốc coi đây như là một sự chuẩn bị để đối đầu với họ. Việt Nam gia tăng quan hệ hợp tác về quân sự với các cường quốc, bộ trưởng quốc phòng Việt Nam thăm viếng Hoa Kỳ, và Trung Quốc nói bóng gió rằng Việt Nam đang tìm hậu thuẫn để chống lại họ. Điều cần lưu ý là những lời qua tiếng lại ngày càng nhiều và càng ít rào đón và nể nang. Cho tới nay tuy chưa có những lời tuyên bố thực sự thù địch nhưng người ta có thể thấy cả hai bên đều không muốn hoà giải và đang tiến dần đến thế đối đầu.

Người ta sẽ không thể hiểu quan hệ Việt Trung nếu không nắm vững hai sự kiện.

Một là trong Đảng Cộng sản Việt Nam không hề có khuynh hướng thân Trung Quốc, các cấp lãnh đạo cộng sản Việt Nam đều không ưa Trung Quốc, họ chỉ khác nhau ở chỗ sợ Trung Quốc nhiều hay ít thôi. Bắc Kinh thừa biết điều đó và cũng không ưa gì ĐCSVN mà họ từng thoá mạ là giả dối, vong ân bội nghĩa. Tâm lý dựa vào Trung Quốc để tồn tại trước đây có thực cũng ngày một yếu đi vì một mặt Trung Quốc không giúp đỡ gì cho Việt Nam mà chỉ chèn ép và, mặt khác, Trung Quốc không có chọn lựa nào khác hơn là mong muốn chế độ cộng sản Việt Nam kéo dài để đừng phải tiếp giáp với một nước dân chủ lớn, nhất là hai tỉnh tiếp giáp với Việt Nam, Vân Nam và Quảng Tây, lại là những tỉnh tự trị trong đó khuynh hướng ly khai rất mạnh. Chưa kể là nước Việt Nam cộng sản hiện nay đang là một khách hàng quan trọng của Trung Quốc, hàng năm đem lại cho Trung Quốc một số thặng dư thương mại rất lớn; năm 2009 con số này là 11,300 tỉ USD trong tổng só thâm thủng ngoại thương 12,246 tỉ USD của Việt Nam, nghĩa là thâm thủng đối Trung Quốc gần bằng tổng số, chính xác là 92%, thâm thủng ngoại thương của Việt Nam. Cũng chưa kể khối hàng lậu khổng lồ từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam hàng ngày. Quan hệ với Trung Quốc làm Việt Nam chảy máu nặng. Càng ngày càng có nhiều người, ngay cả trong số cán bộ trung và cao cấp cộng sản Việt Nam, nhận ra rằng quan hệ đối với Trung Quốc hoặc phải được lành mạnh hoá hoặc phải chấm dứt. Chính quyền cộng sản Việt Nam ngày càng nhận ra rằng Trung Quốc cũng cần họ không kém gì họ cần Trung Quốc. Có thể có những cấp lãnh đạo cộng sản Việt Nam bị Trung Quốc mua chuộc nhưng họ chỉ là một thiểu số.

Hai là lý do chính khiến chính quyền cộng sản Việt Nam sợ Trung Quốc là biên giới trên đất liền. Đa số các sắc dân sống trong vùng này, bên này cũng như bên kia biên giới, đều ít gắn bó với cả Trung Quốc lẫn Việt Nam. Họ có thể ngả theo bên nào ve vãn họ nhiều hơn, và Trung Quốc có nhiều phương tiện để mua chuộc hơn. Việt Nam đã mất nhiều phần đất như thế và luôn luôn lo ngại sẽ mất thêm. Nhưng nay mốc biên giới Việt - Trung đã cắm, lo ngại biên giới phía Bắc nếu chưa hẳn là đã tan biến thì cũng giảm đi rất nhiều, Việt Nam không còn lý do để phải sợ và nhẫn nhục nữa. Dĩ nhiên Trung Quốc có thể lộng hành trên Biển Đông, truy bức ngư dân Việt Nam, ngăn cản Việt Nam khai thác dầu khí ngoài khơi, như họ đang làm, nhưng họ không thể chiếm đóng được biển và cũng không thể lộng hành một cách lâu dài mà không bị thế giới và các nước trong vùng lên án. Như vậy sự thay đổi thái độ đối với Trung Quốc của chính quyền cộng sản Việt Nam là có lý do nền tảng, do đó mâu thuẫn giữa hai chính quyền chỉ có thể gia tăng. Thế đối đầu khó tránh khỏi và Việt Nam, yếu hơn Trung Quốc về mọi phương diện, sẽ rất cần hậu thuẫn của thế giới.

*

Sự kiện thứ ba là sự lúng túng rõ rệt của chính quyền cộng sản trong một tình trạng kinh tế nguy ngập.

Trong thông điệp đầu năm của ông, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khoe rằng kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 5,2% trong năm qua. Không nên tin, bởi vì tỉ lệ tăng trưởng tuỳ thuộc tổng sản lượng nội địa (GDP) và tỉ lệ lạm phát trong khi cả hai con số này đều được chính quyền cộng sản tính một cách rất không chính xác. Thực tế là hoạt động của các công ty đã giảm sút và đời sống của quần chúng đã khó khăn hơn. Chính quyền, và cá nhân ông Dũng nói riêng, đã tỏ rất thiếu bài bản trong việc đương đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế. Gói kích cầu -số tiền bỏ ra để kích thích hoạt động kinh tế- được công bố là 8 tỉ USD. Số tiền này tuy chưa bằng 1% những gói kích cầu của Mỹ và Trung Quốc nhưng rất lớn đối với Việt Nam vì tương đương với gần 10% GDP, nhất là chúng bị thâm thủng cán cân thương mại kinh niên và không có khả năng kích cầu độc lập. Tuy vậy số tiền này được bố trí một cách mâu thuẫn. Thí dụ như bớt thuế gần 2 tỉ USD để gia tăng khối tiền tệ và kích thích tiêu thụ nhưng đồng thời lại bán hơn một tỉ USD công trái, nghĩa là vay của công chúng (vì chắc chắn là sẽ không có người hay công ty nước ngoài mua công trái này), với tác dụng là giảm bớt khối lượng tiền tệ và sức mua. Một thí dụ khác là hơn một tỉ USD được dùng để hỗ trợ lãi xuất tín dụng cho các ngân hàng, nhưng rồi nhà nước lại tăng lãi xuất cơ bản từ 7% lên 8%. Một điểm cũng rất đáng lưu ý trong gói kích cầu này là khoản "chuyển nguồn vốn đầu tư kế hoạch năm 2008 sang năm 2009 khoảng 30.200 tỉ đồng". Tại sao những đầu tư này, tổng cộng 2 tỉ USD vào thời điểm chúng được quyết định, lại chưa được tháo khoán? Vì các dự án đầu tư kế hoạch này không khả thi hay vì chúng không có lợi? Điểm này cho chúng ta một ý niệm về mức độ nghiêm túc của các dự án đầu tư kế hoạch. Chính phủ của ông Dũng còn làm những sai lầm lớn khác. Cuối năm 2007 họ tung ra 150 nghìn tỉ đồng để mua 9 tỉ USD làm cả nước điêu đứng vì vật giá tăng vọt, lý do là để "hỗ trợ đồng đô la" vì sợ hối suất đồng đô la Mỹ sẽ giảm sút nghiêm trọng so với đồng tiền Việt Nam; dự đoán này sai một cách lố bịch vì điều ngược lại đã xảy ra. Đồng đô la lúc đó bằng 15.000 đồng Việt Nam, ngày nay nó đổi lấy 18.500 đồng. Cuối năm 2008 chính phủ của ông Dũng trổ tài một lần nữa. Thấy thực phẩm lên giá đột ngột họ ra lệnh cấm xuất cảng gạo, họ nghĩ rằng giá gạo sẽ còn tăng thêm và sợ bán hố. Sau đó thì giá gạo xuống nhanh và nông dân khốn khổ. Thực ra giá thực phẩm chỉ biến động trong một thởi gian ngắn, ngay lúc ông Dũng lấy quyết định cấm xuất khẩu gạo Ngân Hàng Thế Giới (WB) cũng chỉ ước lượng mức thiếu hụt lương thực trên thế giới vào khoảng 500 triệu USD. Trong một nước dân chủ những sai lầm như vậy chắc chắn đã buộc chính phủ phải từ chức.

Nghiêm trọng hơn nữa là dự án khai thác bôxit Tây Nguyên. Rất nhiều tác giả đã nói một cách chính xác về mặt kỹ thuật để chứng minh dự án này là một sai lầm lớn và nếu được thực hiện sẽ là một thảm kịch cho môi trường, họ cũng nói rằng khai thác bôxit chủ yếu là một cách để xuất khẩu điện mà Việt Nam không có. Với kinh nghiệm những năm làm kỹ sư nghiên cứu trong ngành sản xuất nhôm tôi chỉ có thể đồng ý với họ. Nhưng còn một lý do khác, thuần tuý kinh tế, chứng tỏ dự án khai thác bôxit Tây Nguyên là một sai lầm. Giá nguyên liệu thay đổi theo những chu kỳ, với khuynh hướng dài hạn là xuống. Các nhà kinh tế nói tiếng Anh có một câu tục ngữ dí dỏm là "những gì ở đất ra thì chỉ có thể xuống giá" (what comes from the ground can only go down). Nguyên liệu lên giá trong khoảng từ 5 tới 7 năm và sau đó xuống giá trong khoảng 20 năm liền. Thế giới đang bắt đầu giai đoạn xuống giá của nguyên liệu; như vậy ngay cả nếu có tất cả mọi lý do kỹ thuật để khai thác bôxit Tây Nguyên thì cũng không nên khai thác vào lúc này. Chấm. Dù vậy ông Dũng vẫn nói rằng dự án khai thác bôxit Tây Nguyên phải tiếp tục vì "đó là một trong những chủ trương lớn của đảng".

Sự khoe khoang của ông Dũng càng lố lăng vào lúc chính phủ của ông công bố một con số đáng sợ: trong năm 2009 đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đã giảm 70% so với năm 2008. Đây là một sự tháo chạy. Càng đáng sợ vì một đặc tính của kinh tế Việt Nam, một nền kinh tế đặt trọng tâm vào xuất khẩu nhưng lại nhập siêu kinh niên, do đó lệ thuộc rất nặng nề vào đầu tư nước ngoài, và số lượng ngoại tệ do người Việt hải ngoại gửi về.

*
Như đã nói trong phần đầu bài này, còn nhiều sự kiện khác có thể cũng quan trọng không kém trong năm qua. Nhưng hãy thử rút ra một vài kết luận đầu tiên từ ba sự kiện tạm được chọn này.

Kinh tế đang đứng trước nguy cơ lớn, bằng mọi giá phải phục hồi, và nếu có thể gia tăng, nguồn đầu tư nước ngoài, đồng thời chinh phục thêm thị trường tại các nước đã phát triển, trước hết là Mỹ và Châu Âu. Trong bối cảnh kinh tế thế giới mới, mà một trong những nét đậm nhất là khuynh hướng triệt thoái về nội địa - giảm nhập khẩu và đầu tư ra nước ngoài- đây là những mục tiêu rất khó đạt, ngay cả nếu chúng ta là một nước dân chủ được cảm tình của thế giới. Chắc chắn không phải là những vụ án chính trị thô bạo và những lời tuyên bố kiên trì với chủ nghĩa Mác-Lênin có thể tranh thủ được lòng tin của các nhà đầu tư. Liên Hiệp Châu Âu (thị trường xuất khẩu thứ hai của Việt Nam) đã từng lên án chủ nghĩa Mác-Lênin như là một tội ác đối với loài người và vừa ra quyết nghị lên án những vi phạm nhân quyền của chính quyền cộng sản Việt Nam và khuyến cáo các nước thành viên đặt vấn đề nhân quyền như là một điều kiên cho mọi hợp tác. Chính quyền Obama dù "thực tiễn" đến đâu cũng không thể làm khác, vả lại tổng thống Obama đã bắt đầu bị đả kích là bỏ rơi các giá trị dân chủ. Cũng đừng nên quên vai trò áp đảo của xã hội dân sự Hoa Kỳ, trong đó các tộ chức bảo vệ nhân quyền rất mạnh.

Trong thế đối đầu không tránh khỏi với Trung Quốc Việt Nam bắt buộc phải có sự hỗ trợ trực tiếp hay gián tiếp về quân sự của Hoa Kỳ và các nước phương Tây, và điều kiện để các nước này ủng hộ là phải thực hiện các quyền tự do chính trị. Chiến tranh lạnh đã chấm dứt, Hoa Kỳ và phương Tây không còn lý do nào để bảo vệ một chế độ độc tài.

Thêm vào đó là nhận thức ngày càng rõ rệt, trong nhân dân và ngay trong lớp cán bộ, đảng viên cộng sản trẻ, rằng Việt Nam đã quá tụt hậu so với thế giới và cách duy nhất để khắc phục mối nguy thua kém này là hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các nước phương Tây và chấp nhận kiểu mẫu xã hội của họ.

Áp lực dân chủ hoá sẽ rất lớn trong xã hội cũng như trong đảng. Nó có thể biểu lộ đưới nhiều dạng: đòi bó chủ nghĩa Mác-Lenin và đổi tên đảng, đòi dân chủ trong nội bộ đảng, hay đòi chấp nhận đa nguyên đa đảng v.v. nhưng sẽ rất mạnh và đều giống nhau ở một điểm là mở ra một giai đoạn đầy ẩn số. Trong khi đó ban lãnh đạo xuất phát từ đại hội 11 sẽ chỉ có thể là một ban lãnh đạo yếu, gồm những người không có thành tích, không có uy tín và cũng không có chung một tầm nhìn. Duy trì một chế độ toàn trị với những người lãnh đạo mờ nhạt là điều tự nó đã không thể được, càng không được trong hoàn cảnh sắp tới, sự ngoan cố chỉ làm tan vỡ đảng trước khi làm sụp đổ chế độ trong hỗn loạn. Dù đảng cộng sản muốn hay không muốn thì cũng sẽ bắt buộc phải có thay đổi chính trị lớn sau đại hội 11 theo chiều hướng rất thuân lợi cho cuộc vận động dân chủ. Không thể khác.

Tuy nhiên, một trong những sự kiện nổi bật trong năm qua cũng là đối lập dân chủ đã rất lu mờ. Những phiên toà và những bản án thô bạo đã không gặp phản ứng mạnh mẽ đáng lẽ phải có, hình ảnh những người đối lập từng gây tiếng vang lên truyền hình nhận tội và xin khoan hồng tuy tố giác sự thô bỉ của chế độ nhưng cũng gây thất vọng, kể cả cho những tổ chức nhân quyền quốc tế thường yểm trợ phong trào dân chủ Việt Nam. Phần lớn các tổ chức dân chủ yếu đi, nhiều tổ chức hầu như không còn hoạt động. Các kết hợp "á dân chủ" -của những người chủ trương dân chủ hoá bằng con đường hợp tác, điển hình là IDS- có lúc gây ảo tưởng hầu như đã tan biến hết. Giữa những người được coi hoặc tự coi là dân chủ sự đoàn kết và đứng đắn cũng sút giảm một cách đáng buồn. Nhà văn nữ Trần Khải Thanh Thuỷ và chồng bị công an dẫn bọn côn đồ tới tận nhà hành hung. Thanh Thuỷ, đang mắc bệnh lao và tiểu đường ở mức độ nguy hiểm, bị đánh chảy máu đầu; sau đó không phải bọn côn đồ mà chính Thanh Thuỷ bị bắt về tội đả thương và hiện vẫn còn bị giam. Vậy mà vẫn có những người "dân chủ" gửi thư lên mạng Internet nói rằng Thanh Thuỷ bị bắt là phải! "Lu mờ" có lẽ còn là từ hơi yếu để chỉ tình trạng hiện nay của phong trào dân chủ Việt Nam, một tình trạng đang gây thất vọng và làm nhiều người bỏ cuộc.

*

Vậy thì lời cuối cùng của bài này xin được dành cho cuộc vận động dân chủ. Nếu suy nghĩ một cách bình tĩnh thì tình trạng này thực ra đáng mừng. Nó là tình trạng bắt buộc phải có để cuộc vận động dân chủ có thể thành công. Một lực lượng đấu tranh để thay đổi lịch sử chỉ có thể thành hình và xây dựng trong gian khổ. Nếu cuộc đấu tranh cho dân chủ là một cuộc vui thì sẽ có những người nhập cuộc để mua vui. Thực tế cho thấy là vào những lúc mà cuộc vận động dân chủ có vẻ dễ dàng rất nhiều người không hề có bản lãnh và chuẩn bị nhảy ra lập tổ chức, tung ra tuyên ngôn, cương lĩnh, thi đua gây tiếng vang và đánh lạc sự chú ý khỏi những cố gắng nghiêm chỉnh. Không thể làm được gì trong một tình trạng nhốn nháo như thế. Tình trạng này hiện nay đã chấm dứt và có nhiều hy vọng sẽ không tái diễn. Lịch sử của các quốc gia cũng đã chứng tỏ rằng các cuộc đấu tranh chính trị lớn chỉ thành công sau khi đã tâp trung được lực lượng, nghĩa là sau khi những khó khăn và thử thách đã làm công việc sàng lọc của chúng. Chúng ta đang ở giai đoạn sàng lọc bắt buộc này.

Phong trào dân chủ đang trải qua mùa đông, nhưng mùa đông cũng chính là mùa mà những cây mạnh tích lũy nhựa sống để chuẩn bị đâm chồi nẩy lộc, đơm hoa kết trái.

Nguyễn Gia Kiểng


© Thông Luận 2010


No comments: