Monday, January 11, 2010

ĐẦY NHỮNG NỖI LO

Đầy Những Nỗi Lo
TRẦN KHẢI
Việt Báo Chủ Nhật, 1/10/2010, 12:00:00 AM
http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=2&nid=154191
Niềm vui thì ngắn, nỗi lo thì dài. Đó là tình hình các chuyện xảy ra ở quê nhà.

Chỉ nhìn trong tuần qua cũng thấy. Một thời Thiền Sư Nhất Hạnh đi dọc từ Nam ra Bắc, dẫn theo hàng trăm học trò Tây Mỹ, dự nhiều lễ hội Phật giáo lớn, thuyết pháp, trả lời phỏng vấn, làm lạc quan về viễn ảnh cởi mở tôn giáo của nhà nước. Bây giờ, mấy trăm tu sinh Bát Nhã phải phân tán về nhiều địa phương và tu chui. Có phải sản phẩm tôn giáo là hàng lậu thuế, và cần phải bố ráp?

Rồi chuyện giáo xứ Đồng Chiêm ở ngoại thành Hà Nội. Mới hồi cuối năm 2009 là khai mạc Năm Thánh trên toàn quốc của Giáo Hội Công Giáo VN, có cả Đức Hồng Y cấp Bộ Trưởng từ Vatican sang Hà Nội đồng tế chủ lễ. Cũng hồi cuối năm 2009, Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết sang Vatican gặp gỡ Đức Giaó Hoàng, trao tặng quà... Viễn ảnh có vẻ như sắp bang giao. Bây giờ, căng thẳng cũng phát dậy ở Hà Nội. Hàng trăm công an tới gỡ và triệt hạ một cây thánh giá bê-tông ở giaó xứ Đồng Chiêm, đánh gãy xương một số giáo dân, tới nỗi Tòa Tổng Giám Mục Hà Nôị ra văn bản gọi đó là “xúc phạm Chúa Kitô...”. Mới biết, ngaỳ vui qua mau.

Cũng hồi cuối năm 2009, các hội thánh Tin Lành đã làm được kỳ tích. Một Thánh Lễ Giáng Sinh ngoàì trời thực hiện ở một sân vận động tại Quận Gò Vấp, Sài Gòn, thu hút 40,000 tín đồ. Một thánh lễ tương tự thực hiện ở sân Mỹ Đình, Hà Nội, thu hút 12,000 tín hữu. Có vẻ như thời băng tan đã tới đối với Tin Lành?

Bề ngoàì là thế. Thực sự có lẽ là thế, đối với các mục sư được tin cậy. Bởi vì trong các bản tin tường thuật về hai thánh lễ trên, lúc đầu cho thấy nhiều do dự, chần chờ từ phía nhà nước, cho tới khi các mục sư quen tên với phía chính quyền tăng áp lực, cắm lều ở ba ngaỳ ba đêm trứơc tòa thị chính Sài Gòn mới được giấy phép. Chỉ có điều để suy nghĩ: người ta không thấy các bản tin nhắc tới mục sư Nguyễn Hồng Quang, mục sư Nguyễn Công Chính... Có lẽ sẽ để dành cho các bản tin phổ biến trong “những ngaỳ mất vui” sau này?

Những ngày vui tuần qua cũng là khi chúng ta đọc thấy tin Dân Biểu Liên Bang Joseph Cao Quang Ánh trong phái đoàn dân cử Mỹ về thăm Việt Nam. Các ông dân biểu khác trong phái đoàn thì không có gì để bàn, để suy nghĩ. Tuy nhiên, hình ảnh Dân Biểu Joseph Cao được ông Nguyễn Thanh Sơn -- chức vụ là Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam, kiêm Chủ tịch Ủy ban Nhà nước Đặc trách Người Việt sống ở Nước ngoài -- choàng vai. Quả nhiên là tình thân bằng hữu tuyệt vời. Cũng có thể nói là thân hơn bằng hữu nữa, mà đúng là tình anh em cốt nhục. Nếu đúng được như thế, thì còn gì hơn, vì sẽ được chung sức mà ngăn các mưu đồ hung hiểm của đàn anh Phương Bắc.

Nhìn cách khác, phải gọi đó là thế võ tuyệt chiêu kiếm học của ông Nguyễn Thanh Sơn. Ít nhất, báo chí nhà nước cũng ghi một số lời tuyên bố của dân biểu họ Cao: lời cảm ơn chính phủ VN đã đón ông tới thăm, lời hy vọng hợp tác song phương Mỹ-Việt nhiều cơ hội hơn trong tương lai, lời chúc VN sẽ phát triển và thịnh vượng... Tất nhiên, đó là lời chúc lành mà vị dân cử nào cũng phảỉ nói. Nhưng có thể, có lời nói về nhân quyền và quan tâm tôn giáo nào mà báo chí quốc nội chưa được nghe, hoặc có nghe mà chưa được đăng? Chúng ta không rõ, đành phải chờ Dân Biểu họ Cao về Mỹ kể lại.

Nhưng, tại sao choàng vai? Nếu để ý, chúng ta thấy rằng ông Nguyễn Thanh Sơn mặc áo sọc, cả áo sơ mi bên trong và áo veston bên ngoài. Không phảỉ vô ý. Tất cả là để chụp hình, nên thấy như thế. Vì ông Sơn biết là hôm đó sẽ đón ông Joseph Cao, và sẽ được chụp hình đăng báo, được ống kính truyền hình chiếu vào... nhưng vẫn chọn áo sọc là cố ý cả. Trong khi đó, không có viên chức nào chung quanh buổi hội kiến đó mặc áo sọc. Có phải thông điệp rằng: chúng tôi áo sọc, là vì chúng tôi dân... làng ngựa? Không phải ngựa vằn, mà chỉ là chữ để nói là... dân chơi làng ngựa thôi. Hình ảnh ông Sơn tay trái quàng vai ông họ Cao, chỉ còn thiếu hình ảnh tay phải cầm một ly rượu đưa cao lên trời.

Hình ảnh hai người đàn ông quàng vai nhau ở Mỹ, sẽ là một thông điệp lớn, gây vang dội ở San Francisco, New York... Tất nhiên, chúng ta biết rằng ông Nguyễn Thanh Sơn và ông Joseph Cao không phảỉ là dân đồng tính luyến ái. Nhưng tấm hình này sẽ gây phân hóa lớn trong nội bộ chính phủ liên bang Hoa Kỳ, nơi Tổng Thống Barack Obama trước giờ vẫn xem dân làng đồng tính như đồng minh chính trị lớn và đã bổ nhiệm một số người đồng tính, xuyên tính vào nhiều chức vụ quan trọng. Mà gần nhất, là khi TT Obama tuần qua bổ nhiệm cô Amanda Simpson vào chức vụ Cố Vấn Kỹ Thuật Cao Cấp của Bộ Thương Mại Hoa Kỳ, phụ trách đặc biệt về xuất cảng vũ khí tối tân. Cô Amanda Simpson là người đổi giống từ nam sang nữ.

Chắc chắn, quàng vai không phải là “thiền quàng vai,” mà hẳn là ông Nguyễn Thanh Sơn biết được khuynh hướng cởi mở tính phái trong chính phủ Obama, nên mới quàng vai ông Jospeh Cao trong khi tự mình mặc áo sọc trong sọc ngoài để cho biết rằng mình rất cởi mở với các bạn đứng giữa hai dòng nước tính phái như thế. Nhìn cho kỹ, như thế vẫn là chưa độc chiêu. Hãy hình dung thế này: trong khi ống kính các phóng viên chĩa vào, ông Nguyễn Thanh Sơn quàng vai ông Jospeh Cao, rồi quay sang hôn vào môi ông họ Cao đắm đuối... là tuyệt vời hơn nữa. Cho dù sau đó, ông Sơn có thể bị đảng CSVN kỷ luật, nhưng cô Amanda Simpson sẽ vận động chính phủ Obama ưu tiên bán phi đạn tối tân cho chính phủ Hà Nội. Chỉ tiếc rằng, ông Nguyễn Thanh Sơn chưa dám đánh tới thế võ hôn môi này. Cũng có thể, vì Thành Ủy Hà Nội đã ra lệnh cấm hôn nhau ở nơi công cộng chăng?

Nhức nhối cũng là chuyện Trung Quốc. Tuần qua, chính phủ CS Việt Nam phản đối tình hình TQ mở tour du lịch Hoàng Sa. Rồi ông đại sứ TQ tại VN là Tôn Quốc Tường họp báo, tuyên bố với báo giới VN rằng hai nước nên “gác lại tranh chấp Biển Đông, chờ điều kiện chín muồi,” rồi sau đó, ông chối phăng chuyện ngư dân Việt bị hải quân TQ bắt, tịch thu ngư cụ, bạo hành...

Tất nhiên, ông đại sứ Tôn Quốc Tường không hề bận tâm chuyện nên chọn áo màu gì, sọc gì... Lời nói của ông Tường có nhiều sức nặng, thấy rõ, vì làm mất vui nhiều người Việt cả trong và ngoàì nước. Thấy rõ là mây mù Biển Đông khó tránh, và có thể sẽ tiên báo một tương lai đáng ngại hơn.

Chi tiết nữa: ông Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn không chịu xuất hiện trong buổi họp báo của ông Đại Sứ Tôn Quốc Tường. Phải chi lúc đó, ông Sơn quàng vai ông Tường cho phóng viên chụp hình thì đúng là trên cả tuyệt vời. Chỉ một cú quàng vai thôi, cũng đủ trừng phạt một ông đạị sứ nước lớn ưa “nói điêu” họ Tôn này. Vậy mà ông Sơn không chịu làm.

Có phải vì nỗi lo nhiều hơn niềm vui? Đúng vậy. Niềm vui thì ngắn, nỗi lo thì dài.


No comments: