Friday, January 22, 2010

VÌ SAO MỸ và TRUNG QUỐC SẼ ĐỤNG ĐỘ

FINANCIAL TIMES
Vì sao Mỹ và Trung quốc sẽ đụng độ?
Gideon Rachman
Ngày 19-1-2010

Đăng bởi
anhbasam on 22/01/2010
http://anhbasam.com/2010/01/22/445-vi-sao-m%e1%bb%b9-va-trung-qu%e1%bb%91c-s%e1%ba%bd-d%e1%bb%a5ng-d%e1%bb%99/

Sự xung đột của Google với Trung quốc lớn chuyện hơn nhiều so với số phận của một công ty đơn lẻ, hùng mạnh. Quyết định của công ty rút khỏi Trung quốc, nếu chính quyền sở tại không thay đổi chính sách kiểm duyệt, là một điều báo trước mối quan hệ ngày càng sóng gió giữa Mỹ và Trung quốc.
Lý do vụ Google quan trọng như vậy là vì nó cho thấy các giả định làm cơ sở cho chính sách của Mỹ đối với Trung quốc kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn 1989 đã sai hoàn toàn. Nước Mỹ đã chấp nhận – thậm chí hoan nghênh – sự nổi lên của Trung quốc như một thế lực kinh tế to lớn vì những nhà làm chính sách Mỹ tự thuyết phục rằng mở cửa kinh tế chắc chắn sẽ dẫn đến tự do chính trị ở Trung quốc.
Nếu giả định đó thay đổi, chính sách của Mỹ đối với Trung quốc sẽ thay đổi cùng với nó. Chào đón sự nổi lên của một nền kinh tế khổng lồ châu Á cùng lúc chuyển thành một nền dân chủ tự do là một chuyện.
Bảo trợ sự phát triển của một nhà nước Leninist độc đảng, là đối thủ địa chính trị xảo trá duy nhất của Mỹ, lại là một chuyện khác. Kết hợp sự tan vỡ ảo tưởng chính trị nầy với tình trạng thất nghiệp hai con số ở Mỹ vốn đang bị chỉ trích rộng rãi là do sự thao túng tiền tệ của Trung quốc, bạn sẽ có công thức của một cuộc chống lại Trung quốc.

Cả Bill Clinton và George W. Bush vững tin rằng tự do thương mại và, đặc biệt, thời đại thông tin sẽ làm cho thay đổi chính trị tại Trung quốc là điều không thể tránh khỏi. Trong chuyến thăm Trung quốc năm 1998, Clinton tuyên bố: “Trong thời đại thông tin toàn cầu nầy, khi thành công kinh tế được xây trên tư tưởng, tự do cá nhân là thiết yếu cho sự vĩ đại của bất cứ quốc gia nào. Một năm sau, Bush đưa ra quan điểm tương tự: “Tự do kinh tế tạo nên tập quán tự do. Tập quán tự do tạo nên kỳ vọng dân chủ… Thương mại tự do với người Trung quốc và thời gian thuộc về chúng ta.”
Hai tổng thống phản ánh tư duy phổ biến của các học giả có ảnh hưởng nhất của Mỹ. Tom Friedman, nhà bình luận của tờ New York Times và tác giả của các cuốn sách bán chạy về toàn cầu hóa, từng tuyên bố thẳng: “Trung quốc sẽ có tự do báo chí. Toàn cầu hoá sẽ điều khiển nó.” Robert Wright, một trong những nhà tư tưởng mà Clinton hâm mộ, cho rằng nếu Trung quốc chọn ngăn chặn tự do truy cập internet, “cái giá sẽ là sự thất bại kinh tế tồi tệ”.

Cho đến nay, thực tế đang trái ngược với lý thuyết đó. Trung quốc tiếp tục kiểm duyệt các phương tiện truyền thông mới và cũ, nhưng khó mà chỉ trích nó dẫn đến “thất bại kinh tế tồi tệ”. Ngược lại, Trung quốc giờ đây là nền kinh tế lớn thứ hai và là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, có dự trữ ngoại hối trên 2.000 tỉ đôla. Nhưng toàn bộ sự phát triển kinh tế nầy cho thấy rất ít dấu hiệu kích động những thay đổi chính trị mà Bush và Clinton dự tính. Có chăng là chính quyền Trung quốc dường như ngày càng đàn áp mạnh hơn. Lưu Hiểu Ba, nhân vật bất đồng chính kiến hàng đầu, vừa rồi đã bị kết án 11 năm tù vì dính líu đến phong trào Hiến Chương 08 kêu gọi cải cách dân chủ.

Quyết định đương đầu với nhà cầm quyền Trung quốc là dấu hiệu đầu tiên cho thấy người Mỹ bắt đầu chán ngấy làm việc với chế độ toàn trị Trung quốc. Nhưng áp lực lớn nhất hầu như từ các chính khách chứ không phải từ các nhà kinh doanh. Google là một công ty ngoại lệ trong một ngành ngoại lệ về mặt chính trị. Nếu Google thực sự rút khỏi Trung quốc, nó có vẻ sẽ không bị xô đẩy trong một cuộc tháo chạy tán loạn của các công ty đa quốc gia khác chạy theo nó. Đối với đa số các công ty lớn, thị trường của nước nầy quá lớn và quá hấp dẫn để bỏ qua. Bất chấp Google, các doanh nghiệp Mỹ vẫn duy trì cuộc vận động tranh cãi về tiếp tục cam kết với Trung quốc.

Áp lực chấm dứt cam kết sẽ đến từ các nhà hoạt động công đoàn, những viên chức an ninh diều hâu và các chính khách – đặc biệt ở Quốc hội. Đến bây giờ, chính quyền Obama đã đặt chính sách của mình vững chắc trên giả định đã chi phối cách tiếp cận của Mỹ đối với Trung quốc trong một thế hệ. Các phát biểu riêng lẻ về châu Á vừa qua là tuyên bố cổ điển của tình trạng cam kết của Mỹ với Trung quốc – bao gồm sự khẳng định mang tính nghi thức là nước Mỹ hoan nghênh sự nổi lên của Trung quốc. Nhưng sau khi bị truyền hình kiểm duyệt tại Thượng Hải và bị một viên chức Trung quốc cấp thấp công kích tại hội thảo khí hậu Copenhaghen, Barack Obama có lẽ cảm thấy bớt sốt sắng hơn với Bắc Kinh. Một dấu hiệu đầu tiên cho thấy Nhà Trắng sẽ có chính sách cứng rắn hơn trong những tháng tới, với quyết định chính thức gọi Trung quốc là “kẻ thao túng tiền tệ”.

Ngay khi chính quyền tự mình không chuyển động, những tiếng nói yêu cầu phải có chính sách cứng rắn hơn đối với Trung quốc hầu như ngày càng lớn hơn tại Quốc hội. Quyết định của Google làm rõ rằng mối nguy hiểm tấn công trên mạng từ Trung quốc sẽ đóng vai trò làm gia tăng lo ngại an ninh của Mỹ đối với Trung quốc. Sự phát triển của hệ thống hoả tiễn Trung quốc đe doạ sự thống trị của hải quân Mỹ trên Thái Bình Dương cũng gây quan ngại ở Washington. Việc bán vũ khí Mỹ cho Đài loan sắp tới cũng đã khuấy động một cuộc tranh cãi.
Trong khi đó, chủ nghĩa bảo hộ dường như đang trở nên được tôn trọng về mặt tri thức hơn ở Mỹ theo những cách thức mà Trung quốc nên lo lắng.

Một cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung quốc khó mà được hoan nghênh. Nó có thể đẩy thế giới vào suy thoái và tạo ra những căng thẳng mới trong chính trị quốc tế. Nếu nó xảy ra, cả hai phía đều bị lên án. Mỹ đã chủ tâm ngây thơ về mối quan hệ giữa tự do thương mại và dân chủ. Người Trung quốc đã khiêu khích về tiền tệ và nhân quyền. Nếu họ muốn tránh khỏi xung đột tàn phá với Mỹ, họ nên có những thay đổi trong chính sách.

Người dịch: CBL
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2010



No comments: