Friday, January 22, 2010

TƯỜNG THUẬT DIỄN BIẾN PHIÊN TOÀ XỬ 4 NHÀ HOẠT ĐỘNG DÂN CHỦ

TƯỜNG THUẬT DIỄN BIẾN PHIÊN TỎA XÉT XỬ 4 NHÀ HOẠT ĐỘNG DÂN CHỦ
Nguyễn Mai Hồng
PTDCVN
Tháng Một 21, 2010
http://ptdcvn.org/

Buổi sáng ngày 20/01/2010

07g30’: Làm thủ tục vào cửa: Kiểm tra thẻ vào cửa, túi xách tay, kim loại, vũ khí,… Thân nhân của các bị cáo không được mang theo máy ghi âm, điện thoại, máy ảnh, máy quay phim,… nhưng được mang theo giấy bút.
Thân nhân không được vào phòng xử, phải ngồi phòng ngoài theo dõi qua 2 màn hình lớn, nhưng rất mờ và cũ. Gia đình luật sư Lê Công Định và gia đình ThS Nguyễn Tiến Trung tỏ ra bất bình và yêu cầu được vào phòng xử, nhưng bị từ chối; Các nhân viên an ninh nói: Đó là lệnh của cấp trên. ThS Nguyễn tiến Trung và các bị cáo khác mấy lần quay xuống nhìn quanh có ý tìm cha mẹ, người thân, nhưng không có ai trong phòng xử!
Gia đình ThS Nguyễn Tiến Trung cho hay: 7 đảng viên, cựu chiến binh trong chi bộ Đảng của xóm được mời đến dự phiên tòa, tuy nhiên 1 đảng viên (Sơn) cáo mệt không đi, chỉ còn lại 6 người là ông Oanh, ông Liêm, ông Hoàng, ông Hải, bà Tư, bà Xuân. Những người này có xe đưa đón; mỗi người được phát 50.000đ và được đàng hoàng ngồi trong phòng xử!

08g00’: Phiên tòa khai mạc.
Thẩm phán Nguyễn Đức Sáu, Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM làm chủ tọa. Thừa ủy quyền VKSND tối cao, đại diện VKSND TP.HCM giữ quyền công tố tại tòa gồm hai kiểm sát viên Đỗ Ngọc Oánh và Trần Văn Cảnh. Có 3 hội thẩm nhân dân. Ngoài ra, hội đồng xét xử (HĐXX) còn chuẩn bị các thành viên dự khuyết để đảm bảo công tác xét xử được liên tục.
Được biết: Hai tiếng trước phiên xử, khoảng 6h sáng, các bị cáo đã được đưa đến tòa. Điều này khá đặc biệt, vì ở những phiên tòa bình thường khác, bị cáo chỉ được đưa đến khoảng trước giờ xử khoảng 15 phút. Gần 20 hãng thông tấn, báo chí quốc tế cùng hơn 30 phóng viên trong nước tác nghiệp bên ngoài thông qua màn hình lớn.
Trước vành móng ngựa, các bị cáo giữ thái độ khá bình thản, tươi tắn, đĩnh đạc, đàng hoàng.
Có 3 luật sư bào chữa: luật sư Triệu Quốc Mạnh bào chữa cho bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức, luật sư Đoàn Thái Duyên Hải bào chữa cho bị cáo Nguyễn Tiến Trung, luật sư Nguyễn Minh Tâm bào chữa cho bị cáo Lê Thăng Long. Tuy nhiên, bị cáo Lê Thăng Long, tại phiên tòa đã từ chối luật sư Nguyễn Minh Tâm vì có nhiều quan điểm không thống nhất.
Ngay trong quá trình điều tra, bị cáo Lê Công Định từ chối luật sư bào chữa mà tự bào chữa, vì cho rằng chỉ có mình mới hiểu rõ việc mình làm mà thôi.
Một số “nhân chứng” có mặt tại phiên tòa: Lê Công Tâm, Lê Thị Thu Thu, Trần Thị Thu, Bùi Thị Phương.
Mở đầu phiên tòa, trong phần thủ tục, chủ tọa Nguyễn Đức Sáu kiểm tra lý lịch từng bị cáo, tiếp theo, về quá trình bắt giữ và hỏi cung các bị cáo của cơ quan an ninh điều tra có đúng thủ tục tố tụng không.
Bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức nói: Tất cả quá trình này đều vi phạm nghiêm trong Bộ luật tố tụng hình sự. Trong quá trình hỏi cung, bị cáo đã bị truy bức, nhục hình. Khi bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức nói được một hai câu thì chất lượng âm thanh rất xấu đi, rất rè, bên ngoài không nghe được gì.

Xin lưu ý: Trong bản tường thuật này, khi nào có hiện tượng chất lượng âm thanh đột nhiên xấu đi, chúng tôi xin ghi tắt: “RÈ”.
Tiếp theo luật sư Triệu Quốc Mạnh được lên phát biểu nhưng micro bị câm không phát ra âm thanh nào.
Cũng xin lưu ý: Khi nào micro hỏng, chúng tôi xin viết tắt: “CÂM”.

Chủ tọa hỏi tiếp: Các bị cáo có chấp nhận phiên tòa với hội đồng xét xử này không? Cũng ngay lập tức bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức không thừa nhận toàn bộ hộ đồng xét xử này, vì cho rằng tất cả các thành viên hội đồng này đều là đảng viên Đảng Cộng Sản (ĐCS), việc xét xử không thể khách quan, công tâm và yêu cầu thay toàn bộ hội đồng xét xử. RÈ.
Chủ tọa phiên tòa đã đề nghị vị đại diện VKSND TP.HCM thừa ủy quyền của VKSND tối cao giữ quyền công tố tại tòa phát biểu ý kiến. Theo VKS, căn cứ vào Bộ luật Tố tụng Hình sự nhận thấy HĐXX đã thực hiện “đầy đủ các thủ tục đúng theo qui định của pháp luật”, do vậy Viện KS đề nghị tòa tiếp tục tiến hành xét xử.
Phiên tòa tạm dừng từ 08g30’- 08g50. Sau khi hội ý kín, HĐXX “xét thấy” đề nghị của bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức là “không có căn cứ”, bác yêu cầu của bị cáo và tiếp tục phiên tòa.

08g55: Công tố viên đọc bản cáo trạng.
Công tố viên đọc cáo trạng, dài khoảng 15 trang.

10g00’. Vào phần thẩm vấn, HĐXX cho gọi luật sư Lê Công Định đầu tiên.
Khi được hỏi: bị cáo có thừa nhận những gì trong cáo trạng đã nêu không? Với thái độ nhã nhặn, trả lời rành mạch, Định cho rằng, anh có viết bài đăng trên bị cáo, soạn thảo các văn kiện về pháp luật hướng tới cải cách xã hội, phát triển kinh tế,… như vậy là “chống Nhà nước CHXHCNVN”.
Nói chung, bị cáo Lê Công Định khai như trong Cáo trạng. Bị cáo Định cho rằng ông đã vi phạm điều 79 BLHS, do nhận thức có phần tiêu cực về tình hình Việt nam, do tiếp thu những quan điểm về dân chủ và nhân quyền trong thời gian học ở nước ngoài và bị ảnh hưởng khi gặp gỡ những người hoạt động chống lại Nhà nước Việt nam.
Luật sư Đoàn Thái Duyên Hải, luật sư bào chữa cho Nguyễn Tiến Trung xin phép được hỏi bị cáo Định một số chi tiết liên quan đến thân chủ của mình, như Nguyễn Tiến Trung không có trong “nhóm 5 người”, bị cáo Định không chia sẻ thông tin gì với Trung về kế hoạch hoạt động của “nhóm 5 người” vì ngày từ 05/03/2008 Trung đang ở trong quân ngũ. Bị cáo Lê Công Định xác nhận những việc đó.

10g35’:Tòa thẩm vấn bị cáo Nguyễn Tiến Trung.
Trung khai tương tự như Cáo trạng.
Trung tham gia Đảng Dân chủ Việt nam với sự chấp nhận của ông Hoàng Minh Chính.
Trung xác nhận có giới thiệu 5 người vào Đảng Dân chủ Việt nam, 23 người vào Tập hợp Thanh niên Dân chủ, quen biết ông Nguyễn Sỹ Bình qua ông Hoàng Minh Chính và có giới thiệu Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức với ông Nguyễn Sỹ Bình, cung cấp những vấn đề liên quan đến Việt nam cho chính giới Hoa kỳ, Canada, Châu Âu, xác nhận nội dung “Đơn xin khoan hồng” đọc trên TV ngày 19/08/2009 và thừa nhận như vậy là vi phạm Điều 79 BLHS.
Trung nhận thức rằng: để đất nước nhanh chóng phát triển thì phải có dân chủ, đa đảng, do vậy Trung muốn đóng góp sức mình cho đất nước:
- Vận động lấy chữ ký ủng hộ THTNDC;
- Lập website, viết bài;
- Vận động để ủng hộ nhân dân Việt nam giành quyền: tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do bầu cử, ứng cử,…
Luật sư ĐTDH nhấn mạnh thêm 1 số vấn đề: Trung không biết Nguyễn Sỹ Bình, Lê Công Định và Trần Huỳnh Duy Thức bàn bạc với nhau điều gì; Trung giới thiệu 3 người với nhau chỉ qua không gian ảo (email), không biết kế hoạch của nhóm 5 người, THTNDC không có tổ chức chặt chẽ, vì chỉ trao đổi với nhau qua email.

11g05’- 12g00’: Thẩm vấn bị cáo Lê Thăng Long
Bị cáo Lê Thăng Long bị bắt khi đang đi trên đường. Bị cáo Lê Thăng Long khai: Tham gia “nhóm nghiên cứu Chấn” có 4 người: Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Lê Thị Thu Thu, Trần Thị Thu; Đó là sự liên hệ bình thường, tự nhiên với nhau để nghiên cứu sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước với mục đích: Giám sát hoạt động của Cơ quan Nhà nước, tìm giải pháp khắc phục khủng hoảng kinh tế nếu xảy ra và phát triển đất nước trong tương lai,… “Chấn kế” chỉ có mục đích làm sao biến khủng hoảng thành cơ hội phát triển đất nước và dùng chính “Đoài” (Đảng viên ĐCSVN) để thay đổi tình hình. Nhóm này không phải là một tổ chức vì không có cương lĩnh, điều lệ, chương trình hành động.
Bị cáo Long khai “Đơn xin khoan hồng” được viết khi bị Cơ quan an ninh điều tra (CQANĐT) khủng bố về tinh thần (RÈ) và tố cáo CQANĐT bắt bớ sai luật. Bị cáo Long không làm gì vi phạm pháp luật, yêu cầu HĐXX không được suy diễn tùy tiện.

Buổi chiều.


14g00’- 15g00’: Thẩm vấn bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức.
Bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức cho rằng bị cáo bị bắt là sai luật khi CQANĐT yêu cầu cung cấp các tài khoản và mật khẩu vì họ có thể xóa các tài liệu của bị cáo. Bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức khai nhận có thành lập “Nhóm nghiên cứu Chấn” gồm 4 người như đã nêu trên. Nhóm này nghiên cứu phương thức khắc phục bệnh hành chính quan liêu để tránh cho doanh nghiệp gặp khó khăn, và nếu không chống được, chỉ còn cách “đi bằng đầu gối”. Từ đây nảy sinh nhu cầu bắt buộc giải quyết vấn đề trên bình diện tổng thể, tức phải nghiên cứu những vấn đề chính trị xã hội nói chung và đề ra giải pháp. Đây là trách nhiệm của công dân khi thấy đất nước gặp nguy cơ lớn. Việc nước là trách nhiệm của mọi công dân, chứ không phải chỉ có những người lãnh đạo ĐCSVN mới được tham gia vào việc nước.
Bị cáo Thức giải thích cụm từ “lúc phất cờ” là do việc nghiên cứu sấm Trạng Trình và không thừa nhận có chủ ý giành quyền lãnh đạo “dân tộc Lạc Hồng” như cáo trạng nêu; Từ “Chấn” ngụ ý là “chấn chỉnh”. Bị cáo Thức có làm bài thơ “Tuyên ngôn Lạc Hồng” gồm 4 câu tứ tuyệt có nội dung mơ ước về tương lai của dân tộc, chứ không soạn thảo “Tuyên ngôn Lạc Hồng” như cáo trạng đã nêu. Bị cáo nhận viết « Lời hiệu triệu » là do“mớm lời’ của CQANĐT.
Bị cáo Thức có trao đổi với luật sư Lê Công Định để viết “Con đường Việt nam”. Bị cáo Thức có quen Nguyễn Sỹ Bình lời giới thiệu qua email của Nguyễn Tiến Trung. Bị cáo Thức thỏa thuận với Nguyễn Sỹ Bình không làm điều gì phương hại đến Nhà Nước CHXHCNVN và Nguyễn Sỹ Bình đồng ý. RÈ. Bị cáo viết bản nhận tội là do bị ép buộc, bị nhục hình, chứ không xuất phát từ ý chí của bản thân. Bị cáo không thể viết khác. Chủ tọa CẮT không cho bị cáo nói tiếp.
Tiếp đến, luật sư Triệu Quốc Mạnh phát biểu, nhưng micro bị CÂM, không nghe được câu gì.

15g00’: Viện kiểm sát luận tội và đề nghị mức án.
1. Bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức thành lập “Nhóm nghiên cứu Chấn”, viết “Tuyên ngôn Lạc Hồng”, tuyên bố sẽ lãnh đạo chính phủ mới.
2. Bị cáo Lê Thăng Long bị lôi kéo tham gia “Nhóm nghiên cứu Chấn”, tự thành lập “Phong trào chấn hưng nước Việt”.
3. Bị cáo Nguyễn Tiến Trung chủ mưu thành lập THTNDC và khi đang trong quân ngũ vẫn tiếp tục hoạt động chống nước CHXHCNVN.
VKS cho rằng: Đây là những hành vi đặc biệt nghiêm trọng nhằm lật đổ Nhà Nước CHXHCNVN. Tiếp theo VKS đọc những nội dung (không liên quan gì đến vụ án) ca ngợi sự lãnh đạo của ĐCSVN đối với đất nước và dân tộc. Tuy nhiên VKS cũng nêu: Các bị cáo Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung có nhân thân và gia đình tốt và có đơn xin khoan hồng. VKS đề nghị mức án:
- Bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức: 12-13 năm tù, 4-5 năm quản chế;
- Bị cáo Nguyễn Tiến Trung: 7-8 năm tù, 3-4 năm quản chế;
- Bị cáo Lê Công Định: 5-6 năm tù, 3-4 năm quản chế;
- Bị cáo Lê Thăng Long: 5-6 năm tù, 3-4 năm quản chế.
- Và tịch thu các hiện vật gây án như máy tính xách tay, điện thoại di động… mà đã bị thu giữ trước đây.

16g00’: Phần bào chữa.

Luật sư Triệu Quốc Mạnh bào chữa cho bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức. Micro CÂM, không nghe được gì. Luật sư Mạnh tỏ ra rất bức xúc. Bên ngoài loáng thoáng nghe tiếng chủ tọa yêu cầu luật sư không được nói những gì không liên quan đến vụ án, không được nói một chiều và liên tục CẮT lời.
Bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức nói CQANĐT không cho mang bản “kết luận điều tra” và bản “cáo trạng”, mà đây là quyền của bị cáo; bị cáo phải thức 2 ngày 2 đêm học thuộc để có thể tự bào chữa cho mình, nên bây giờ rất mệt, không nói được nữa, đề nghị hoãn phần bào chữa này đến ngày hôm sau.

Luật sư Đoàn Thái Duyên Hải bào chữa cho bị cáo Nguyễn Tiến Trung:
1. Nguyễn Tiến Trung sau khi về nước được mấy tháng thì đi bộ đội; đề nghị “cá thể hóa” các hành vi bị cho là phạm tội của các bị cáo.
2. Nguyễn Tiến Trung hoàn toàn không biết việc bàn bạc của Nguyễn Sỹ Bình, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Công Định khi gặp nhau ở Thái Lan.
3. Những hành vi của Nguyễn Tiến Trung đã được sớm ngăn chặn do tham gia nghĩa vụ quân sự.
4. Liên lạc giữa các thành viên THTNDC, Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Sỹ Bình, Trần Huỳnh Duy Thức hoàn toàn bằng email trên thế giới ảo.
5. Nguyễn Tiến Trung không lôi kéo Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức gặp Nguyễn Sỹ Bình mà họ gặp trực tiếp và bàn bạc với nhau.
6. Nguyễn Tiến Trung chỉ hỗ trợ về mặt kỹ thuật website của THTNDC và “Tạp chí Dân chủ”, không can dự về nội dung.
7. THTNDC không chịu chi phối của ĐDCVN và không có chứng cứ nó hoạt động nhằm “lật đổ chính quyền nhân dân”.
8. Khi tham gia thành lập THTNDC, Nguyễn Tiến Trung mới 23 tuổi, bị tác động bởi nhiều luồng thông tin, chưa phân biệt rõ lợi hại.
9. Thành khẩn khai báo.
10. Khi về nước, các cơ quan chức năng đã tiến hành ngăn chặn, chưa gây tác hại gì cho xã hội.
11. Có thành tích xuất sắc trong học tập; 12 năm liền là HSG xuất sắc.
12. Ông ngoại và cha được tặng thưởng nhiều huân huy chương.
Đề nghị HĐXX tuyên mức án thấp nhất có thể được và được hưởng lượng khoan hồng để bị cáo sớm trở về đoàn tụ với gia đình.

Bị cáo Lê Công Định tự bào chữa:

Bị cáo nói: bị cáo không cần bào chữa mà chỉ nhấn mạnh một số vấn đề:
1. Hiến pháp VN bảo vệ quyền lãnh đạo duy nhất của ĐCSVN, cho nên khi bị cáo kêu gọi đa nguyên chính trị, có nghĩa là phải thay đổi thể chế, và vì vậy mặc nhiên vi phạm vào Điều 79 BLHS. Khi nhận thức được điều này, bị cáo đã khai báo đầy đủ và trung thực.
2. Bị cáo tin rằng tất cả các bị cáo ở đây không ai có ý định “lật đổ chính quyền nhân dân” cả, mà do nhận thức chủ quan, bị ảnh hưởng của tư tưởng dân chủ, nhân quyền phương Tây. Bản thân bị cáo cũng chưa đóng góp được gì nhiều cho phong trào dân chủ này.
3. Đây là lần đầu tiên bị cáo vi phạm pháp luật. Gia đình, gồm ông, cha mẹ của bị cáo có tham gia 2 cuộc kháng chiến. Bị cáo ân hận vì đã làm ngược lại với sự đóng góp của gia đình.
4. Hiện bị cáo có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn: là lao động chính duy nhất nuôi mẹ già và cấp dưỡng cho 2 con của ông anh mất sớm.
5. Bị cáo đã nhận rõ tính chất nghiêm trọng của các hành vi của mình, đề nghị HĐXX khoan hồng, chứ không phải là trừng trị. Bị cáo xin cảm ơn.

Bị cáo Lê Thăng Long tự bào chữa:
Trong trại giam, bị cáo có gửi bản khiếu nại, tố cáo, nhưng không được CQANĐT tiếp nhận. RÈ.
CQANĐT đã làm sai lệch hồ sơ vụ án và vi phạm qui định trong thời gian bị cáo bị tạm giam. Bản kết luận điều tra của CQANĐT Bộ công an là một sự dối trá. Trong Cáo trạng chỉ có một phần sự thật; bị cáo xin bào chữa một phần sự thật đó.
Có 2 điều kiện cấu thành tội “lật đổ chính quyền nhân dân”: 1). Có tổ chức; 2). Có hoạt động “lật đổ”.
“Nhóm nghiên cứu Chấn không phải là một tổ chức vì không có cương lĩnh, điều lệ, không có công cụ gì để có thể lật đổ chính quyền nhân dân; không sử dụng bạo lực mà chỉ cổ võ cho việc bầu cử tự do, hợp pháp và đấu tranh chống tham nhũng. Như vậy, “Nhóm nghiên cứu Chấn” luôn bảo vệ chế độ, bảo vệ chính quyền nhân dân chứ không phải “lật đổ CQND”.
Nhóm này cũng không có tuyên bố nào phủ nhận Điều 4 Hiến pháp. Trung quốc hiện nay, ngoài ĐCS lãnh đạo, còn có 7 đảng tham gia phản biện. RÈ. Chủ tọa CẮT không cho nói tiếp.

Ghi nhận một số vấn đề khi tranh tụng tại phiên tòa:
Bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức bác bỏ toàn bộ bản Cáo trạng, vì cho rằng nó hoàn toàn viết theo kết luận sai lệch của CQANĐT bị cáo. Bản Luận tội của Viện Kiểm sát cũng được viết trước, không căn cứ vào diễn biến của phiên tòa. RÈ. Và chủ tọa CẮT không cho bị cáo Thức trình bày tiếp.
Luật sư Triệu Quốc Mạnh của bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức tiếp tục tranh tụng, nhưng micro CÂM.
Bị cáo Nguyễn Tiến Trung xin bổ sung thêm ý kiến: Không phải ông Nguyễn Sĩ Bình là người đứng đầu ĐDCVN mà là ông Hoàng Minh Chính, một vị lão thành cách mạng. Chính vì vậy, Trung đã tin tưởng vào lời giới thiệu của ông Hoàng Minh Chính về ông Nguyễn Sỹ Bình.
Bị cáo Lê Thăng Long kêu oan, vì cái gọi là “Nhóm nghiên cứu Chấn” không phải là một tổ chức và không có phương tiện gì và không làm gì để “lật đổ chính quyền nhân dân”.
Viện kiểm sát cho rằng “Nhóm nghiên cứu Chấn” có mục tiêu, kế hoạch nhằm “lật đổ chính quyền nhân dân”; trong thời giam tạm giam để điều tra, bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức đã khai nhận như vậy. Bị cáo Lê Thăng Long có “liên quan” đến “Nhóm nghiên cứu Chấn”.
Tòa cho phép các bị cáo nói lời sau cùng.
Bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức: RÈ. Bị cáo Thức khẳng định không phạm tội. Bị cáo và đồng sự chỉ làm những công việc có ích cho đất nước, giúp Đảng và Nhà nước lãnh đạo điều hành đất nước tốt hơn mà thôi.
Bị cáo Lê Công Định: Đề nghị HĐXX đưa ra mức án có tính chất răn đe, khoan hồng chứ không phải là trừng trị.
Bị cáo Nguyễn Tiến Trung: Thừa nhận những hoạt động trên là vi phạm pháp luật Việt nam, xin được giảm nhẹ, khoan hồng để sớm trở về với gia đình, tiếp tục học tập và làm những việc có ích gia đình và đất nước.
Bị cáo Lê Thăng Long: bị cáo Long khẳng định mình vô tội và kêu oan. RÈ. Bị cáo có vợ là tiến sỹ trẻ, mới 26 tuổi, giảng viên Đại học Bách khoa Hà nội. Gia đình bị cáo có công với cách mạng. Bị cáo hy vọng HĐXX kết án sao cho nhân dân thế giới thấy được chính quyền Việt nam là tuyệt vời.

6g30’: Tòa tuyên án.

1. Bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức: 16 năm tù, 5 năm quản chế.
2. Bị cáo Nguyễn Tiến Trung: 7 năm tù, 3 năm quản chế.
3. Bị cáo Lê Công Định: 5 năm tù, 3 năm quản chế.
4. Bị cáo Lê Thăng Long: 5 năm tù, 3 năm quản chế.
5. Tịch thu các tang vật, khoảng 1.500.000đ đã bị thu giữ.

Ghi nhận một số vấn đề về phiên tòa.
1. Không cho thân nhân vào phòng xét xử mà lại cho rất nhiều đảng viên, cựu chiến binh trong xóm của bị cáo vào như trường hợp bị cáo Nguyễn Tiến Trung.
2. Khi bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức, bị cáo Lê Thăng Long nói thì loa RÈ không nghe được. Khi luật sư Triệu Quốc Mạnh nói thì micro bị CÂM. Đồng thời, 3 người này bị chủ tọa ngắt lời, không cho nói.
3. Mọi việc làm có tính cách ôn hòa của các bị cáo đều bị qui kết là nhằm “lật đổ chính quyền nhân dân”.
4. Bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức yêu cầu thay tất cả các thành viên của HĐXX và bác bỏ toàn bộ Cáo trạng, bị cáo Lê Thăng Long bác bỏ phần lớn Cáo trạng, bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức kêu mệt không tự bào chữa được, đề nghị cho dời đến hôm sau, có nhiều vấn đề khác còn đang tranh tụng, nhưng tòa vẫn cứ tuyên án.
5. Chủ tọa phiên tòa và Viện kiểm sát luôn ca ngợi những thành quả lãnh đạo của Đảng đối với đất nước như tăng trưởng GDP, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, và cho rằng những tồn tại có tính chất đơn lẻ và đang được khắc phục dần dần, nhưng lại thẳng thừng ngắt lời 2 bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức, bị cáo Lê Thăng Long và LS Triệu Quốc Mạnh.
6. Hầu hết gia đình các bị cáo đều có công với nước.
7. An ninh thắt chặt quanh khu vực và trong tòa án.

Tường trình từ Sài Gòn
Nguyễn Mai Hồng



No comments: