Friday, January 8, 2010

TT NGUYỄN TẤN DŨNG KHAI TỬ "HỘI NGHỊ VIỆT KIỀU"

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khai Tử Hội Nghị “Việt Kiều Yêu Nước”
Trần Nhật Kim
Tháng Một 8, 2010
http://baotoquoc.com/2010/01/08/th%e1%bb%a7-t%c6%b0%e1%bb%9bng-nguy%e1%bb%85n-t%e1%ba%a5n-dung-khai-t%e1%bb%ad-h%e1%bb%99i-ngh%e1%bb%8b-%e2%80%9cvi%e1%bb%87t-ki%e1%bb%81u-yeu-n%c6%b0%e1%bb%9bc%e2%80%9d/#more-6766
Kể từ năm 2000, chính quyền Hà Nội đã nhiều lần tổ chức “Hội Nghị Việt Kiều Yêu Nước”, vinh danh một số người Việt ở nước ngoài về làm ăn tại Việt Nam. Những người về nước đầu tư được nêu danh “tiên tiến” đã đóng trọn vai trò do nhà nước XHCNVN giàn dựng, vẫn chỉ là những người thuộc thành phần cơ hội, không làm được một điều gì ích lợi thiết thực cho người dân.
Vì sự thất bại của các Hội nghị kêu gọi người Việt ở nước ngoài về đầu tư trong những năm vừa qua, chính quyền Hà Nội đã vận động một số người Việt, qua một vài cơ sở thương mại người Việt tại Hoa Kỳ, để tổ chức một chương trình mang tên “Meet Vietnam” tại thành phố San Francisco vào 2 ngày 15 và 16 tháng 11 năm 2009. Chương trình hội nghị có ghi: “mục đích làm quen và nhờ cơ hội tiếp cận với vài trường đại học hoặc Cao đẳng nghề nghiệp.”
Hội nghị “Gặp gỡ Việt Nam” tại San Francisco chỉ là bước vận động cho mục tiêu chính là tổ chức một hội nghị mang tên “Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài” tại Hà Nội từ ngày 21 đến 23 tháng 11-2009. Ban tổ chức đưa ra con số hơn 900 người tham dự hội nghị về từ nhiều quốc gia, nhưng không nêu rõ thành phần, như số doanh nhân có liên hệ chặt chẽ với chế độ Hà Nội là bao nhiêu, số cán bộ công nhân viên các tòa đại sứ, thành phần con ông cháu cha du học qua nhiều thủ tục trở thành Việt kiều, những người về thăm gia đình được dịp ăn nhậu không mất tiền. Thành phần được lãnh đạo Hà Nội ưu tiên nhắm tới, như mục tiêu của hội nghị đưa ra chiêu dụ: “Doanh nhân kiều bào góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước” và “Trí thức kiều bào góp phần vào sự nghiệp trấn hưng đất nước”.
Người Việt hải ngoại nhận xét về kết quả chiêu dụ của hội nghị sẽ không đi đến đâu, vì bản chất của nhà nước XHCNVN nói một đằng làm một nẻo, một trò hỏa mù giữa phương tiện và mục đích.

Kêu gọi hải ngoại đầu tư
Với cung cách kinh tế nửa vời, “Kinh tế Thị trường” thêm cái đuôi “theo Định hướng XHCN”, khiến tình trạng đầu tư trở lên bất ổn. Một số nhà đầu tư người Việt hải ngoại cho hay, chỉ số an toàn nguồn vốn kém bảo đảm vì phải dựa vào một nhân vật quyền thế trong nước, nên thường bị “cướp cơm chim”. Hay bị chấn lột sạch túi, đôi khi bị giam cầm như trường hợp các ông Nguyễn Trung Trực (Úc) đầu tư ngành ngân hàng, ông Trịnh Vĩnh Bình (Hòa Lan) đầu tư ngành dầu hỏa, ông Nguyễn Gia Thiều (Pháp) đầu tư ngành viễn thông, ông Nguyễn An Trung (Nhật) quản lý ngành xe hơi, ông Nguyễn Đình Hoan (Mỹ) đầu tư về giáo dục…Tội “Trốn thuế” thường được giới cầm quyền dựa vào để có cớ “quản lý tài sản” cũng như bắt giam người đầu tư. Vì luật pháp không minh bạch nên nhiều người đã phải “bỏ của chạy lấy người”.
Nhìn chung, sau 20 năm đổi mới, các thành phố mang bộ mặt mới, cơ sở thương mại mọc lên như nấm, chốn ăn chơi tràn ngập hang cùng ngõ hẻm, tệ nạn xã hội cũng gia tăng. Đời sống người dân có nhiều thay đổi theo tỷ lệ nghịch, người dân nghèo ngày càng nghèo hơn, trong khi các quan tham vì có quyền nên có lợi, một sớm một chiều trở thành những tỷ phú triệu phú Mỹ kim. Tham nhũng nở rộ từ trung ương tới địa phương, trở thành quốc nạn không phương cứu chữa. Người Việt trong và ngoài nước có nhận định, , nếu muốn đất nước hưng thịnh, chỉ còn cách duy nhất là dẹp bỏ cả cơ chế cầm quyền.

Chiêu dụ trí thức về giúp nước
Còn lại mục tiêu thứ hai mà nhà nước XHCNVN nhắm tới là “Trí thức kiều bào góp phần vào sự nghiệp trấn hưng đất nước”, như hội nghị “Meet Vietnam” đề ra, nhằm tiếp cận với vài trường đại học hoặc cao đẳng nghề nghiệp. Người Việt hải ngoại đặt câu hỏi chế độ Hà Nội muốn gì khi có hành động “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”.
Trong khi nhà nước XHCNVN mời gọi thành phần trí thức hải ngoại về giúp phát triển đất nước, thì ngày 24 tháng 7 năm 2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 97/2009/QĐ-TTg, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2009 để hạn chế và kiểm soát các nghiên cứu của giới trí thức trong nước. Nội dung của Quyết định nêu rõ trong Khoản 2 Điều 2 về cá nhân thành lập tổ chức khoa học công nghệ “chỉ hoạt động trong lĩnh vực thuộc danh mục ban hành kèm theo Quyết định này. Nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của đảng, nhà nước cần gửi ý kiến đó cho cơ quan đảng, nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa hay gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học và công nghệ.”
Sự khoanh vùng cũng như kết quả nghiên cứu phải được đảng và nhà nước cộng sản Hà nội duyệt xét trước khi công bố, chỉ là một hành động vì quyền lợi, mà sự góp ý xây dựng của các chuyên viên về sự sai lầm của đảng và nhà nước, khi phổ biến ra đại chúng sẽ ảnh hưởng đến sự sống còn của đảng. Trong thực tế, rất nhiều nghiên cứu của các chuyên viên bị dẹp bỏ, như một số cán bộ chuyên viên trong nước tiết lộ, vì đó chỉ là một công việc làm cho có, giới lãnh đạo vừa được tiếng vừa có tiền.
Để phán đối Quyết định “ngăn chặn phát triển đất nước”, ngày 14-9-2009, Viện Nghiên Cứu Phát Triển (Institute of Development Studies-IDS), một cơ quan nghiên cứu độc lập, chỉ nhằm góp ý cho chính phủ, cho các cơ quan công quyền một cách xây dựng để sửa chữa các sai lầm, đã công bố tự giải thể vì không thể tiếp tục hoạt động theo sứ mệnh phát triển đất nước. Ông Nguyễn Quang A, viện trưởng IDS, đưa ra nhận định: “Nhà nước có vai trò quan trọng, nhưng nhà nước không phải là tất cả. Nếu họ chỉ nghĩ tới quyền lực của mình mà gây khó khăn cho hoạt động của người dân, thì cũng không thể cản được sự phát triển không thể cưỡng được của đất nước.”
Trước phản ứng quyết liệt của giới trí thức trong và ngoài nước về sự vi phạm nghiêm trọng hiến pháp và luật pháp XHCNVN của lãnh đạo Hà Nội, vì quyết định 97 đã làm đất nước tụt hậu khi chính quyền không nghe những ý kiến của các chuyên gia. Ngày 14-10-2009, nhà cầm quyền Hà Nội đã ra thông cáo, trong đó nhấn mạnh: “Quyết định 97 là cần thiết và hợp pháp, giao cho Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội xử lý việc Viện nghiên cứu Phát triển tự giải thể và xử lý những phát biểu thiếu xây dựng của một vài cá nhân trong IDS”.
Để bênh vực việc ký ban hành quyết định 97 của Thủ tướng, Thứ trưởng Nguyễn Quân đã phát biểu trong phần phỏng vấn: “…Trong bối cảnh xã hội phức tạp hiện nay, nhất là trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế đầy khó khăn thử thách, chúng ta đang cần có sự đồng thuận cao của xã hội đối với các quyết sách của Đảng và Nhà nước, cần có sự ổn định để tiếp tục phát triển, thì việc tuyên bố các kết quả nghiên cứu phản biện liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách điều hành kinh tế, xã hội phải hết sức cẩn trọng.”
Nhưng ông Quân không nói rõ thế nào là đồng thuận, sự đồng thuận này có cần ý kiến của người dân không. Hay đảng độc quyền hành động, không đếm xỉa tới ước vọng và sự sống còn của dân tộc, như khi ký Nghị định nhượng đất năm 1999 và dâng biển cho Trung cộng vào năm 2000, mà hậu quả mất chủ quyền đang xẩy ra cho đất nước. Gần đây, đảng CSVN đã đơn phương để Trung cộng đặc quyền khai thác Bauxite tại Tây Nguyên, bất kể tới an nguy về môi trường và an ninh tổ quốc. Trong năm 2009, Ông Nguyễn Văn Thuấn, Cục trưởng cục Địa chất và Khoáng sản khẳng định là chưa cấp giấy phép khai thác Bauxite, khi tuyên bố “Các dự án phải thỏa mãn đầy đủ các tiêu chuẩn thì cơ quan chúng tôi mới cấp phép khai thác”. Việc khai thác Bauxite chỉ công bố vào giữa năm 2009, trong khi công trình đã khởi sự từ năm 2008. Chính quyền Hà Nội muốn đặt người dân vào sự đã rồi và xử dụng bạo lực khủng bố thành phần phản đối nhà nước thực hiện dự án, như trong thời gian vừa qua.
Người Việt trong và ngoài nước đã nhận ra phản ứng vội vàng của chế độ Hà Nội khi ban hành quyết định 97, để ngăn chặn dư luận ngày càng bất lợi cho đảng. Trước nguy cơ mất nước vì CSVN đã bán đất nhượng biển và để Trung cộng có đặc quyền khai thác tài nguyên đất nước, nhiều thành phần dân chúng trong đó có Viện nghiên cứu và kể cả một số đảng viên kỳ cựu đã đã ký kiến nghị yêu cầu nhà nước hãy ngưng hành động phản bội dân tộc này.
Thông cáo này chỉ là một sự đe dọa, trù dập thành phần dân chúng có tinh thần yêu nước, như thường xẩy ra trong xã hội cộng sản. Hành động “xử lý” trong thông cáo của chính quyền Hà Nội đối với những cá nhân trong viện nghiên cứu IDS có những phát biểu xây dựng bị cho là không đi theo đường lối của đảng và nhà nước vạch ra, càng lộ rõ bản chất độc tài của chế độ.
Liệu lời phát biểu của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã không làm ai tin tưởng, khi ông kêu gọi những người về tham dự hội nghị tại trung tâm Mỹ đình Hà Nội “hãy nói thẳng nói thật những điều họ ưu tư trăn trở”, vì trước sau cũng chỉ là miệng lưỡi tuyên truyền theo chính sách của người cộng sản, mà bản chất là lường gạt, bạo lực, khủng bố và tù đầy, như những việc đang xẩy ra đối với những người quan tâm tới vận mệnh dân tộc. Hành động triệt hạ thành phần trí thức có nhiệt tình xây dựng phát triển đất nước hẳn là một bài học, một tiếng chuông cảnh tỉnh một số trí thức hải ngoại, vì không thấu hiểu bản chất của chế độ cộng sản, hay vì mê muội trước quyền lợi cá nhân, nên nuôi mộng tiếp tay phát triển quê hương. Khi nào chính quyền Hà Nội còn áp dụng “đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý” thì người dân chỉ là đám nô lệ, mà “nhân dân làm chủ” chỉ là một mỹ từ.

Chảy máu chất xám

Về vấn đề du học sinh, ông Lê Công Phụng khi tới nhậm chức Đại diện Ngoại giao tại Hoa Thịnh Đốn có cho biết số sinh viên Việt Nam du học tại Hoa Kỳ là 6,000 người và ông hy vọng con số sinh viên sẽ đạt tới 10,000 trong tương lai. Nhưng thực tế số sinh viên Việt Nam du học tại các đại học Hoa Kỳ đã lên tới trên 12,000 người. Ông Phụng chỉ nói tới con số sinh viên bỏ nước ra đi mà không đả động gì tới con số sinh viên sau khi tốt nghiệp trở về giúp nước. Ông cũng không cho biết con số sinh viên du học tìm mọi cách ở lại hải ngoại là bao nhiêu, không kể thành phần con ông cháu cha dự trù ở lại lâu dài, một đầu cầu của ý đồ bỏ nước ra đi.
Điều này nêu ra một câu hỏi, liệu chất xám có phải là một nhu cầu cấp thiết để xây dựng xứ sở, hay chỉ là một phương tiện “tìm đường cứu gia đình” của thành phần cầm quyền. Còn đối với những gia đình giầu có muốn cho con em xuất ngoại để thoát khỏi cơ chế “trăm năm trồng người”, thì nguồn lợi do dịch vụ này đem lại cho giới có quyền hành là bao nhiêu?
Trong nhiều thập niên vừa qua, con số sinh viên miền Bắc Việt Nam du học tại các nước Âu Châu, Đông Âu và Liên sô rất đông. Một số đã trở về phục vụ đất nước sau khi tốt nghiệp các bằng cấp chuyên nghiệp cao tại hải ngoại. Nhưng số sinh viên này chỉ sau vài năm làm việc họ lại tìm cách ra đi, như du học sinh tại Ba Lan và Tiệp cho hay, họ không chịu nổi cung cách bè phái quan liêu của thành phần lãnh đạo cơ quan, vì quyền lợi bản thân hơn là nhu cầu của đất nước, nhất là thiếu khả năng.
Liệu có phải vì tình trạng cung cầu chuyên viên không thỏa đáng này đã khiến đất nước suy sụp về chất xám, hay vì cơ chế tổ chức độc đoán của nhà nước XHCNVN không hấp dẫn những sinh viên yêu nước thật sự đã tốt nghiệp trở về nước phục vụ.
Nhà nước mải lo cho thành phần du học nên không mấy quan tâm tới việc giáo dục trong nước. Số học sinh tiểu học nghỉ học trong năm 2007, như tài liệu loan tải, lên tới 300.000 và tiếp tục gia tăng, vì gia đình không có khả năng đóng góp lệ phí cho nhà trường, trung bình 70-80 ngàn đồng mỗi tháng. Không kể quà biếu thầy cô để có điểm cao hầu được lên lớp. Nhiều sinh viên đại học tốt nghiệp hạng cao vẫn không tìm ra việc làm. Sau nhiều tốn phí và thời gian học hành, lại trở về đi sau con trâu trên mảnh ruộng cầy, trong khi các công việc lại dành cho thành phần bè phái quyền thế, thiếu khả năng cả về học vấn lẫn tài đức.
Một thí dụ điển hình nhất xẩy ra trong năm 2008, cô Phan Thị Cảnh, 23 tuổi, tốt nghiệp loại giỏi trường đại học kinh tế quốc dân Hà Nội, không tìm ra việc làm sau khi nộp đơn xin việc tại nhiều cơ quan có thông cáo đang tuyện dụng nhân viên. Hồ sơ xin việc của cô Cảnh được chuyển hết cơ sở này đến cơ quan khác. Cô Cảnh không xin được việc làm, cô phải đổi nghề và làm công việc không cần tới khả năng học vấn chuyên môn để có tiền sống và trả món nợ vay khi đi học.
Theo báo Tuổi Trẻ ghi nhận trong buổi họp do Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Nghệ an và Sở thông tin truyền thông tổ chức ngày 12-10, với sự hiện diện của ông Trần Văn Hằng, Ủy viên Trung ương đảng, nói về dư luận một người muốn có việc làm phải mất số tiền 100 triệu đồng cho các quan tham, trong khi lương tháng của một kỹ sư mới ra trường, nếu xin được việc làm sau khi hoàn tất “thủ tục đầu tiên” tại các cơ quan nhà nước, chỉ lãnh trung bình hơn 2 triệu đồng/tháng. Còn thành phần có “ô dù” thì đồng lương sẽ khá hơn vì ngoài “lương” còn có “lậu”. Những người này tiếp nối con đường tham nhũng vì phải thu lại cả vốn lẫn lời. Con số sinh viên tốt nghiệp hạng giỏi không kiếm được việc làm, như trường hợp cô Phan Thị Cảnh, không thấy nhà nước cho biết là bao nhiêu.
Theo bảng xếp hạng các đại học trên thế giới, các trường đại học tại Việt Nam không đạt yêu cầu. Ngay trường đại học nổi tiếng ở Hà Nội, như trường bách khoa, cũng chỉ được xếp hạng xấp xỉ 200, thua xa một số trường đại học trong vùng. Theo giáo sư Hoàng Tụy nhận định, ai cũng biết thực trạng giáo dục đã cũ nát thảm hại, chẳng qua chỉ vì mê ngủ nên không thấy, hoặc có thấy nhưng vì áp lực nào đó nên phải bịt mắt, giả mê để lừa dối mình cũng như người khác. Trước tình trạng nền giáo dục thê thảm như hiện nay, người dân trong nước có nhận xét, nếu có luật cấm các quan chức cấp cao cho con em du học, kể cả những cậu ấm cô chiêu không đủ khả năng theo học tại các trường trong nước, thì may ra nền giáo dục mới có cơ hội chấn hưng.
Tóm lại, một nền giáo dục èo uột, sa sút vì quản lý kém, cải cách giáo dục chỉ là một hành động vá víu, tạm thời, khiến nhiều thế hệ học sinh trở thành một vật thí nghiệm cho một chính sách giáo dục nửa vời. Liệu với thảm trạng giáo dục như hiện nay, Việt Nam có thể “xuất khẩu” sách báo sang Hoa Kỳ và các nước tự do, để giáo dục lớp trẻ hải ngoại, như tài liệu trưng bầy tại hội nghị “Meet Vietnam”? Giới phụ huynh học sinh hải ngoại hẳn phải có thái độ đối với loại “văn hóa một chiều” này, để con em không bị trở thành vật hy sinh cho chính sách “trăm năm trồng người”.

Kết luận:
Chính sách “lề phải” đã làm thui chột những tài năng, khiến đất nước có nhiều nhân tài nhưng quốc gia vẫn tụt hậu. Như nhiệt tình xây dựng của các chuyên viên thuộc Viện IDS, một số trí thức trong và ngoài nước đã đóng góp ý kiến để “Đánh thức con rồng ngủ quên”, nhưng con rồng vẫn say men chiến thắng, hay nhờ tình trạng tranh tối tranh sáng đã đem lại lợi nhuận lớn cho giới lãnh đạo. Một đất nước với 70% dân số sống về nghề nông, ở vào kỷ nguyên khoa học phát triển, mà con trâu vẫn đi trước cái cầy. Một câu hỏi được đặt ra “Làm gì cho nông thôn Việt Nam?”. Hỏi chỉ để mà hỏi, vì chính sách “đổi mới” khiến 30% nông dân không có đất canh tác. Đồng ruộng đã nhường chỗ cho sân gôn, để đáp ứng tham vọng làm giầu của các quan tham.
Trước hành động “Bịt miệng trí thức” của chế độ Hà Nội, giáo sư Carl Thayer, một chuyên viên nghiên cứu về tình hình Á Châu Thái Bình Dương đưa ra nhận định: “Từ đây, Việt Nam sẽ bị tổn hại nặng nề, vì nhà nước sẽ thiếu những quan điểm khác biệt, mặc dù có thể gây ra những tranh cãi, nhưng vẫn giúp cho chính quyền thấu hiểu mọi mặt của nhiều vấn đề và đưa ra những chính sách khôn ngoan trong việc hội nhập với toàn cầu. Việc ngăn cấm những nhà trí thức lên tiếng, gạt bỏ những đóng góp của họ là một bước lùi của Việt nam và sẽ khiến Việt Nam dần dà không còn cạnh tranh hữu hiệu được nữa với thế giới.” (Nguồn:RFA-Hà Giang)
Trong nửa thế kỷ qua, tự do ngôn luận đã bị chính quyền Hà Nội tước đoạt. Người dân chỉ được biết những gì nhà nước muốn cho biết. 600 tờ báo và hàng trăm đài truyền thanh truyền hình nằm trong tay chính quyền. Để ngăn chặn những ý kiến gây bất lợi cho sự sống còn của đảng “trước những lực lượng thù địch thúc đẩy diễn biến hòa bình”, nhà nước đã cấm các báo chí tư nhân, cũng như tìm mọi cách để triệt hạ các Blog, một nơi được thành phần tuổi trẻ trao đổi, đóng góp ý kiến, vạch rõ sai lầm của giới cầm quyền, trước vận mệnh nổi trôi của đất nước.
Để hỗ trợ cho Tự do Ngôn luận, một quyền căn bản của con người, tại Bắc Kinh, Tổng thống Hoa Kỳ, ông Obama đã tuyên bố: “Như quý vị thấy, tự do ngôn luận tại Hoa Kỳ không phải do Tổng thống ban cho người dân, nhưng đó là những gì mà người dân dùng để kiểm soát Chính phủ và Tổng thống để bảo vệ họ.”
Hội nghị “Việt kiều yêu nước” chỉ là một lớp hỏa mù che đậy những bất mãn, biến động, ngày một lan rộng trong mọi tầng lớp dân chúng trong nước, có ảnh hưởng tới sự an nguy của đảng. Với Quyết định số 97, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khai tử mọi đóng góp ý kiến giúp đất nước phát triển. Với tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết: Cuba thức Việt Nam ngủ, Cuba ngủ Việt Nam gác” thì tương lai đất nước Việt Nam sẽ còn tiến xa hơn nữa trên đường tụt hậu.

Trần Nhật Kim
25-11-2009




No comments: