Thanh niên Việt Nam và Chiến dịch 'Đem Facebook lại ngay'
Trà Mi
05/01/2010
http://www.voanews.com/vietnamese/2010-01-05-voa33.cfm
Chiến dịch "Đem Facebook lại ngay" do các nhà hoạt động trẻ phát động trên mạng ra đời sau gần hai tháng cộng đồng cư dân mạng ở Việt Nam than phiền về việc trang xã hội Facebook bị ngăn cản. Những tiến bộ của thời đại kỹ thuật số ngày nay đã kết nối mọi người với nhau và giúp chúng ta tiếp cận với thông tin và thế giới bên ngoài chỉ trong chớp mắt mà không cần phải đi đâu xa xôi. Chỉ cần một cái nhấp chuột vào Internet hay vào các trang mạng kết nối xã hội như Facebook, Yahoo Plus, hoặc Twitter, chúng ta sẽ có thể gặp được người thân, bạn bè của mình ở khắp nơi trên thế giới, đồng thời biết được mọi chuyện đang diễn ra trên toàn cầu.
Sau Yahoo! 360, có thể nói Facebook là trang mạng được giới trẻ ưa chuộng và sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam.
Một bạn trẻ tên Sơn tại Sài Gòn nhận xét:
"Hiện nay Facebook đã trở thành một trào lưu mới, một blog mới thay thế cho Yahoo! 360, thu hút sự tham gia của rất nhiều người, từ già tới trẻ. Khả năng lưu truyền thông tin của nó quá nhanh và mạnh nên có một số điều nhà nước không kiểm soát được. Em thấy Facebook rất hay, rất tốt, giúp cập nhật thông tin lẹ hơn. Từ một người có thể truyền tới nhiều người khác trong cùng một list. Tuy nó không cho phép mình viết entry nhiều như Yahoo! 360 nhưng nó có nhiều chức năng thân thiện và giải trí nhiều hơn. Vì vậy, giới trẻ mình mê Facebook hơn là Yahoo! 360."
Tiện ích, dễ sử dụng, và miễn phí là những yếu tố lôi cuốn giới trẻ đến với Facebook ngày một đông. Thế nhưng kể từ tháng 11 năm 2009, những người sử dụng Facebook tại Việt Nam không còn được truy cập vào trang mạng này như những người sử dụng net ở các nước khác nữa.
Từ Sài Gòn:
"Khoảng 1 tháng nay không thể vào Facebook. Hiện giờ chỉ có xài DNS Google hay Open DNS mới vô được Facebook. Nhà nước nói là do lỗi kỹ thuật nhưng ai cũng biết là việc ngăn chặn này cũng có lý do. Họ không muốn Facebook trở thành một cái Yahoo! 360 mới nữa. Dân mạng truyền nhau một văn bản của chính quyền có nội dung yêu cầu chặn Facebook."
Tới Hà Nội:
"Mình vào mạng Facebook bình thường không được nữa. Mình phải sử dụng chương trình Open DNS mới vào được. Các cư dân mạng đang lan truyền cách mở Facebook rộng rãi."
Hay tận Thái Nguyên:
"Tụi em giờ muốn vào Facebook phải dấu địa chỉ IP mới sử dụng được. Từ xưa bạn bè em sử dụng Facebook rất nhiều, nhưng từ ngày bị chặn, lượng sử dụng giảm hẳn đi vì một số bạn không biết cách dấu địa chỉ IP."
Cư dân mạng sử dụng Facebook tại Việt Nam, đặc biệt là các bạn trẻ, thế hệ của thông tin kỹ thuật số, họ cảm nhận và phản ứng như thế nào trước sự trở ngại này?
Bạn Sơn, "khách hàng" trung thành của Facebook lâu nay, phát biểu:
"Lúc đầu khi mới bị chặn, người sử dụng Facebook ở Việt Nam vắng đi hẳn, nhưng sau thời gian mọi người tìm kiếm được phương pháp DNS thì số sử dụng đông lại, nhưng không xôm tụ bằng lúc trước nữa. DNS, theo em biết, nó là một bộ giải mã địa chỉ IP. Lúc đầu em cũng thấy khó chịu, nhưng sau thời gian biết được DNS và chỉ dẫn cho bạn bè thì mình bắt đầu 'sống chung với lũ' tiếp."
Nghinh, một bạn trẻ Hà Nội thường xuyên sử dụng Facebook để giữ liên lạc với người thân và cập nhật thông tin, cho biết:
"Hôm Facebook bị chặn ở Việt Nam, chỉ từ sáng tới chiều đã có rất nhiều thông tin trên mạng thảo luận và đưa ra những cách vượt qua sự ngăn chặn để vào trang Facebook."
Tuấn Anh, cư dân mạng tại thành phố Thái Nguyên chia sẻ:
"Mình có thấy một số phản hồi không tốt từ các bạn trẻ. Người ta thấy cái này là do nhà nước kiểm soát. Người ta không hài lòng về việc ngăn chặn Facebook, bởi đây là một mạng xã hội, nhịp cầu giao lưu của các bạn trẻ."
Không những các nạn nhân trực tiếp là các bạn trong nước, mà ngay cả các bạn trẻ người Việt đang sinh sống ở nước ngoài cũng bất bình không kém trước việc kênh thông tin và giao lưu xã hội Facebook bị trở ngại ở Việt Nam.
Từ Hoa Kỳ, Yến Nhi cùng với nhiều bạn bè khác đồng trang lứa đã hăng hái tham gia ủng hộ cuộc vận động "Đem Facebook lại ngay" do giới trẻ yêu chuộng tự do thông tin phát động trên Internet:
"Chúng em nghe một số bạn bè bên Việt Nam không dùng được Facebook nữa. Chúng em ở bên này sử dụng Facebook rất tự do, không bị ngăn cản gì cả. Mà vấn đề tự do ngôn luận là bất cứ người nào, nơi nào cũng phải có, không thể nào bị người khác cấm. Chúng em bên này quan tâm vì chúng em cũng là người Việt Nam."
Một thành viên trong nhóm các nhà hoạt động trẻ chủ xướng chiến dịch kêu gọi quyền truy cập cho người sử dụng Facebook tại Việt Nam, anh Quốc Phan, nói về mục đích chính của cuộc vận động này:
"Để cho thế giới biết Việt Nam đang chặn một website lớn nhất, để thế giới biết Việt Nam không tôn trọng tự do ngôn luận, thứ hai là để giúp các bạn hiểu biết thêm về các cách vượt qua, đòi hỏi 'Đem Facebook lại.' Chúng ta đang ở trong thế kỷ 21 thông tin để hiểu biết. Nhà cầm quyền Việt Nam phải tôn trọng điều đó."
Các bạn trẻ tham gia cuộc vận động này hy vọng các bạn trong nước sẽ ủng hộ lời kêu gọi cho quyền tự do sử dụng Facebook cũng như Internet tại Việt Nam.
Bạn Yến Nhi nhắn gửi:
"Các bạn hãy phổ biến rộng rãi video này và nếu có hiểu biết gì thêm về cách vượt qua tường lửa, hãy chỉ cho nhiều người khác và hãy nói với nhiều người về tự do ngôn luận."
Giới trẻ sử dụng Facebook tại Việt Nam biết đến cuộc vận động này nói rằng họ rất ủng hộ chiến dịch "Đem Facebook lại ngay", như bạn trẻ tên Sơn ở Sài Gòn:
"Em có coi 'Bring Facebook back' mà các bạn trên mạng post lên. Em thấy nó cũng vui vui. Nhiều group lập ra lắm. Em ủng hộ chứ, em cũng tham gia để cho người ta biết là mình muốn mọi thứ được thông thoáng chứ không nên kèm chế như vậy. Em chỉ muốn nói rằng các bạn phải cảm thấy khó chịu, phải tìm hiểu tại sao Facebook bị chặn như vậy và nói lên tiếng nói của mình, chứ cứ kiểu có thì có không có thì thôi như thế mình tự làm mất đi quyền lợi của mình. Mình phải đòi quyền lợi của mình."
Hay bạn Nghinh tại miền Bắc:
"Em là người sử dụng Internet rất nhiều. Em thích được có tiếng nói tự do, không bị cản trở. Một số trang web của nước ngoài bị chặn rất nhiều, ở Việt Nam không vào được, phải dùng kỹ thuật vượt tường lửa. Thời buổi bây giờ là công nghệ thông tin, nếu hạn chế chẳng qua chỉ làm cản trở thôi chứ không thể nào gọi là hoàn toàn ngăn chặn được. Chẳng hạn như website em không vào được thì em dùng phương pháp vượt tường lửa, còn Facebook bị chặn thì dùng DNS để mở. Em muốn thông tin nên được tự do, đa chiều. Dù việc này có cái lợi, cái hại, nhưng mà có như vậy mình mới có sự so sánh được, xem cái nào đúng, cái nào sai."
Chúng ta vừa nghe ý kiến của một số bạn trẻ trong và ngoài nước liên quan tới việc không thể truy cập và sử dụng trang mạng xã hội Facebook tại Việt Nam. Còn ý kiến của quý thính giả như thế nào? Xin chia sẻ với chúng tôi trên trang web www.voatiengviet.com hoặc tại địa chỉ email Vietnamese@VOANews.com. Chúng tôi rất mong nhận được thư và ý kiến tham luận của quý vị.
Tạp chí Thanh Niên xin chia tay với quý vị tại đây và hẹn tái ngộ trong buổi phát thanh 10 giờ tối thứ ba tuần sau.
Trà Mi kính chào tạm biệt quý thính giả, và một lần nữa, xin kính chúc quý vị một năm mới an khang, thịnh vượng.
Nhà cầm quyền VN, ‘trả Facebook lại đây!’
Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt
Thứ hai, 4 tháng Giêng 2010
http://www.viettan.org/spip.php?article9377
Rap rầm rộ với ’Facebook back’
LOS ANGELES (NV) - Một đoạn video clip ca nhạc kêu gọi thanh niên Việt Nam vượt qua rào cản của nhà nước để vào Facebook đang bị cấm đang thu hút hàng ngàn người xem trên YouTube.
Ðoạn phim dài gần 5 phút với bài nhạc rap mang tên “Facebook back,” nhại bài hát “Sexyback” của Justin Timberlake.
Trong số các nhân vật xuất hiện trên video này, có thể nhận ra hai người quen thuộc, là phóng viên Thiện Thành đài SBTN, và Luật Sư Trịnh Hội.
Cốt truyện trong video clip cũng khá đơn giản. Một cô gái, Mai Thy, đi học về, mở laptop ra, bỗng vô Facebook không được vì chính quyền Việt Nam đã chặn trang mạng xã hội này.
Ðơn giản chỉ có vậy, và thông điệp cũng đơn giản: “Bring Facebook back,” hay: “Trả Facebook lại đây.”
Click vào địa chỉ của video clip này ở: http://www.nguoi-viet.com/avc20/?v=118
(Một cách khác là vào trang Youtube.com, rồi tìm “bringfacebookback”) Phim do một nhóm thanh niên thực hiện sau một buổi gặp mặt ở Washington DC.
Theo lời Quốc Phan, một người tham gia làm cuốn video này, “Chúng tôi nói chuyện trang Facebook bị chặn ở Việt Nam, rồi có người nói họ muốn ’bring Facebook back,’ rồi lại có người nói ’Ê, Facebook back nghe sao giống như Sexy back,’ và thế là mọi sự bắt đầu.”
Quốc Phan là người viết lời nhạc rap dựa theo bài hát của Justin Timberlake. Hát tiếng Việt trong video là phóng viên Thiện Thành. Hát tiếng Anh là Michael Tô.
Vai chính trong video là cô thiếu nữ Mai Thy, cư dân Pasadena. Cùng xuất hiện trong video, ngoài Thiện Thành, Trịnh Hội, Michael Tô, và Quốc Phan, còn có hai cư dân San Jose là Huy Trần và Cường Nguyễn. Người quay và dựng phim, Nguyễn Trí Minh, cũng ló ra đôi lúc trong video này.
No comments:
Post a Comment