Tuesday, January 26, 2010

THANH NIÊN THẢO LUẬN về BẢN ÁN 4 NHÀ DÂN CHỦ (I)

Thanh niên thảo luận về bản án của 4 nhà dân chủ Trà Mi - VOA
Washington DC
26/01/2010
http://www.voanews.com/vietnamese/2010-01-26-voa33.cfm

Bản án từ 5 đến 16 năm tù dành cho 4 nhà hoạt động dân chủ Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, và Lê Thăng Long đang gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước, đồng thời làm dấy lên những lời chỉ trích và mối quan ngại của cộng đồng quốc tế về tình hình thực thi dân chủ-nhân quyền tại Việt Nam. Các bạn trẻ có cảm nghĩ như thế nào về những bản án này? Tạp chí Thanh Niên ghi nhận ý kiến của 3 thính giả trẻ đăng ký tham gia chương trình qua đường dây điện thoại từ Việt Nam và Hoa Kỳ.

Hùng: Mình tên Hùng, 35 tuổi ở Sài Gòn.
Bảo: Mình tên Bảo, 25 tuổi, hiện sống ở Sài Gòn.
Thông: Mình tên Thông, ở New York, Hoa Kỳ, hiện là nghiên cứu sinh ngành sinh học phân tử.

Trà Mi: Chương trình này chúng tôi muốn ghi nhận cảm nghĩ của một số người trẻ ở các nơi về bản án đối với 4 nhà dân chủ ở Việt Nam: Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, và Lê Thăng Long. Là những ngừơi trẻ từ nhiều nơi tham gia chương trình này, ý kiến và cảm nghĩ của các bạn về những bản án này như thế nào? Xin mời anh Hùng trước.
Hùng: Theo mình, các bản án dành cho 4 nhà đấu tranh cho tự do-dân chủ ở Việt Nam là những bản án nặng nề, oan ức cho họ. Đây là những thanh niên trí thức dũng cảm của Việt Nam, dám mạnh mẽ nói lên tiếng nói chính kiến của mình. Họ không hề có một vũ khí nào trong tay mà bị gán ghép tội là âm mưu lật đổ chế độ. Một sự vô lý, không hề có công lý tại Việt Nam.

Trà Mi: Coi bộ anh Hùng không đồng tình với bản án này. Trà Mi xin ghi nhận ý kiến của những người khác trước khi hỏi thăm thêm anh Hùng. Mời anh Thông.
Thông: Những bản án rất là vô lý bởi vì những người này chỉ bày tỏ ý kiến của họ qua các bài viết mà thôi, không thể nào ghép họ vào tội lật đổ chính quyền được. Những bản án này xâm phạm vào những điều quy định trong Hiến pháp Việt Nam rằng người dân có quyền bày tỏ ý kiến.

Trà Mi: Cảm ơn Thông, mời ý kiến của Bảo.
Bảo: Xem xét một cách cụ thể và rõ ràng thì bản án của 4 nhà hoạt động dân chủ vừa rồi là những bản án chính trị. Điều luật 79 về tội “lật đổ chính quyền” đựơc diễn giải hết sức mơ hồ. Cho nên những hoạt động của Trung, Định, Thức, Long đều bị quy chụp vào tội này. Bảo nghĩ hoạt động dân chủ tại Việt Nam trước hết mình phải chịu đựơc điều tiếng và thứ hai là phải chịu rủi ro. Xét bản án này, riêng cá nhân Bảo không đồng tình việc đưa họ ra xét xử vội vã và quy chụp một cách chủ quan. Khi dựa vào điều luật đó, họ phải đưa ra bằng chứng rõ ràng, cụ thể. Nào là “xuyên tạc”, nào là “làm ra các đầu tài liệu”, nhưng họ không nói rõ là xuyên tạc như thế nào, lật đổ ra sao, bằng hình thức gì. Rõ ràng đây là một bản án hết sức vô lý.

Trà Mi: Các bạn nói rằng những người này chỉ hoạt động dân chủ một cách ôn hoà mà bị lãnh những bản án nặng nề như thế, các bạn không đồng tình. Ngược lại, báo chí nhà nước cũng như cũng có ý kiến cho rằng luật pháp Việt Nam bảo vệ quyền lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản trong khi những người này kêu gọi đa nguyên-đa đảng, tức là họ phạm pháp, họ có tội. Do vậy, những bản án đối với họ cũng là một điều không cần phải giải thích. Các bạn có ý kiến như thế nào?
Bảo: Bộ luật Hình sự và Hiến pháp mà nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam định đó là do Quốc hội lập ra. Mà đa số trong Quốc hội, nếu không muốn nói là 100%, các đại biểu Quốc hội hiện tại đều là đảng viên của Đảng Cộng sản. Điều này chứng tỏ rằng Hiến pháp cũng là do Đảng chỉ định. Đây là một rủi ro cho sự phát triển của tiến trình dân chủ hoá đất nước. Điều 79 quy chụp những cái tội như lật đổ Đảng Cộng sản. Nó phi lý ở chỗ rằng Trung, Định, Thức, và Long chủ xướng đa nguyên-đa đảng ở đây là sự kết hợp với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản để cùng nhau chung tay xây dựng đất nước, đưa Việt Nam phát triển, chứ không phải là “lật đổ” sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Bản án này rõ ràng đàn áp phong trào đối lập.

Trà Mi: Cảm ơn Bảo. Ở đây các bạn cũng đồng ý rằng luật pháp đã quy định như vậy. Những người này làm những điều ngược lại. Thế các bạn có đồng ý là những người này có tội hay không?
Hùng: Theo mình, 4 nhà hoạt động dân chủ này hoàn toàn không có tội trong sự đấu tranh dân chủ. Đó là chính nghĩa. Họ muốn thay đổi đường lối, họ đòi hỏi đa nguyên-đa đảng để cho xã hội Việt Nam tốt đẹp hơn, có dân chủ-nhân quyền, để người dân đựơc ấm no, hạnh phúc hơn. Chứ hiện tại xã hội Việt Nam bây giờ bị đàn áp tôn giáo, đàn áp nhân quyền, không thể chấp nhận đựơc. Mà xu hướng toàn cầu bây giờ là một xã hội dân chủ-tự do, có nhân quyền.

Trà Mi: Cảm ơn anh Hùng.
Bảo: Cho Bảo có ý kiến.
Trà Mi: Mời Bảo.
Bảo: Theo mình, 4 nhà hoạt động đấu tranh dân chủ này cũng chỉ vì lợi ích cho đất nước. Tuy nhiên, Bảo không đồng ý với anh Hùng. Những người này vi phạm pháp luật trong một đất nước xã hội chủ nghĩa như thế này. Bởi vì bất kỳ ai trong một quốc gia nào cũng đều phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật của quốc gia đấy, cho dù Hiến pháp của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có nhiều lỗ hổng và đang do một phe là Đảng Cộng sản chỉ định ra. Nếu anh đang sống ở Mỹ mà anh vi phạm pháp luật của Mỹ thì anh bị trừng phạt, đó là điều dĩ nhiên thôi, đúng không?

Trà Mi: Vâng, tiếp nối ý kiến của Bảo, bất cứ quốc gia nào cũng có luật pháp, luật lệ riêng của họ, những người dân ở trong nước đó bắt buộc phải làm theo. Nếu làm ngược lại dĩ nhiên bị coi là phạm pháp, có tội, và bị trừng phạt. Các bạn công nhận điều đó, thế thì tại sao các bạn vẫn phản đối bản án đối với 4 nhà dân chủ này?
Bảo: Mình công nhận 4 nhà hoạt động dân chủ vi phạm pháp luật của nước Việt Nam. Tuy nhiên, mình vẫn cho rằng các bản án đó là vô lý là do, thứ nhất, luật pháp và Hiến pháp của Việt Nam do Đảng chỉ định ra chứ không phải do dân trưng cầu dân ý thông qua. Bốn nhà dân chủ này vi phạm luật pháp của Đảng Cộng sản mà thôi.

Trà Mi: Ý của Bảo có thể hiểu rằng 4 người này có tội so với luật pháp Việt Nam đề ra, nhưng bạn vẫn phản đối các bản án vì bạn không nghĩ đó là một cái tội so với nền dân chủ chung và sự tiến bộ mà nhân loại đang hướng tới.
Bảo: Dạ đúng rồi.

Trà Mi: Cảm ơn ý kiến của Bảo. Các bạn khác, có người nào có ý kiến nào khác nữa không?
Thông: Mình rất đồng ý với quan điểm của anh Bảo. Hiến pháp của Việt Nam hiện nay là do chính Đảng Cộng sản lập ra để họ duy trì sự lãnh đạo của họ. Cho nên, nếu một ai có một ý kiến phản biện lại những đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản thì tất nhiên bị coi là phạm pháp, nhưng chỉ là phạm cái luật của chính Đảng Cộng sản lập ra. Họ vẫn vô tội bởi vì họ không làm gì hơn là đấu tranh cho một nước Việt Nam công bình. Họ có tội với chính Hiến pháp của Đảng Cộng sản lập ra, nhưng họ vô tội với những lợi ích của dân tộc Việt Nam.

Trà Mi: Theo các bạn, những người có xu hướng dân chủ là những người yêu nước, dấn thân vì sự phát triển chung của đất nước. Nếu có một lập luận ngược lại nói rằng yêu nước-thương dân cũng có nhiều kiểu, đâu cần phải dứt khoát đi theo con đường đấu tranh “kích động”, “gây rối”, tạo nên những sự mất trật tự, và rằng người dân Việt Nam muốn bình yên, họ không muốn xáo trộn những gì đã cất công gầy dựng lên. Ý kiến của các bạn ra sao?
Thông: Đó là cái luận biện của nhà nước Việt Nam mà thôi. Thật sự nguyên tắc căn bản của dân chủ là ôn hoà, tôn trọng sự khác biệt. Cho nên không có chuyện “bạo động” hoặc này kia. Nếu Việt Nam mình mà có dân chủ thì mọi người dân có thể bầu ra những nhà lãnh đạo tốt nhất, tài nhất, chăm lo cho người dân nhất. Chuyện “bạo động” này kia là một biện luận nhằm tạo sự sợ hãi cho người dân Việt Nam mà thôi.

Trà Mi: Thông nói một nền dân chủ phải tôn trọng những ý kiến khác biệt. Nếu như có ý kiến cho rằng những ý kiến khác biệt phải là những ý kiến xây dựng. Ý kiến khác biệt không có nghĩa là những ý kiến chống phá. Bởi lẽ theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, những ngừơi này đã làm ra những tài liệu có nội dung “chống phá nhà nứơc”, “làm mất lòng tin của người dân đối với sự lãnh đạo của đảng và nhà nước”, như vậy chẳng khác nào là họ cố tình “kích động”, “gây rối”.

Ý kiến của các bạn trẻ ra sao?

Vì thời lựơng dành cho chương trình tới đây đã hết. Trà Mi mời quý vị đón nghe phần thảo luận tiếp theo trong buổi phát thanh của đài VOA lúc 10 giờ tối thứ ba tuần sau.

Trà Mi cũng rất mong được bạn nghe đài khắp nơi góp tiếng trong chương trình này. Xin để lại lời nhắn cho chúng tôi trên trang web
www.voatiengviet.com, hoặc tại địa chỉ email Vietnamese@VOANews.com . Để chúng tôi có thể mời quý vị tham luận các chủ đề trên Tạp Chí Thanh Niên của đài VOA, xin quý vị vui lòng để lại số phone, chúng tôi sẽ liên lạc và mời quý vị tham gia.

Tạp chí Thanh Niên sẽ trở lại trên làn sóng này vào tối thứ ba tuần tới. Quý vị và các bạn đừng quên giờ hẹn với chương trình nhé. Trà Mi kính chào tạm biệt quý vị.



No comments: