Wednesday, January 20, 2010

SỰ TĨNH LẶNG TRƯỚC PHIÊN TOÀ XỬ 4 NHÀ BẤT ĐỒNG CHÍNH KIẾN

Sự tĩnh lặng trước phiên tòa
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2010-01-19
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Quiet-atmosphere-ahead-the-political-trial-NNguyen%20%20-01192010230410.html
Dư luận báo chí tại Việt Nam khá im ắng, trong những ngày trước khi tòa án TPHCM xử 4 nhà trí thức bị ghép tội âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân.

Báo chí dè dặt
Mặc dù là báo chí Xã Hội Chủ Nghĩa nhưng các tờ báo ở Việt Nam vẫn cạnh tranh nhau ráo riết vì lý do kinh tế. Sự yên tĩnh của giới báo chí về một sự kiện lớn là điều khác thường, biết bao chuyện để tìm hiểu đưa tin nhất là những người liên can thuộc loại nổi tiếng.
Ít ra thì 2 trong số 4 bị can bị truy tố về tội âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân là những nhân vật được xem là người của công chúng, như luật sư Lê Công Định được đào tạo ở Mỹ hay thạc sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Tiến Trung tốt nghiệp ở Pháp. Bộ Công An từng công bố bộ hồ sơ khá ly kỳ về họat động được cho là âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân. Các bị can bị cáo buộc hợp tác với một số tổ chức ở nước ngoài, tập hợp lực lượng hình thành các tổ chức chính trị phản động nhằm lật đổ chính quyền bằng phương thức bất bạo động, thực hiện âm mưu gọi là diễn biến hòa bình.

Trả lời chúng tôi về vụ án chính trị nổi bật của thập niên và tác nghiệp báo chí, ông Nguyễn Quốc Thái, nguyên Tổng Thư Ký Báo Doanh Nghiệp, hiện cư trú ở TP.HCM phát biểu:
“Báo chí ở Việt Nam theo qui chế khác với các nước có báo chí tư nhân, tất cả báo chí Việt Nam đều là của một cơ quan nào đó của nhà nước. Báo chí phải thông tin trung thực, chúng ta chưa được thông tin về phiên tòa diễn ra thì làm sao có thể bình luận được điều gì. Nếu mà suy luận trước một phiên tòa để thông tin cho độc giả thì đó là sự suy luận thiếu cơ sở và có thể sai lạc. Cứ để phiên xử diễn biến như thế nào thì báo chí sẽ thông tin đúng diễn biến phiên tòa đó.”

Trong thời đại công nghệ thông tin ngày nay, người dân quan tâm đến thời sự có thể tiếp cận nhiều nguồn thông tin từ khắp nơi trên thế giới. Nhà báo Nguyễn Quốc Thái nhìn nhận sự kiện này:
“ Đó là quyền của mỗi công dân, ngoài báo chí phát hành trong nước họ có thể tìm tòi những nguồn tin có thể có. Họ có thể lên mạng theo dõi tin tức, có được thông tin họ sẽ cân nhắc tin nào đúng tin nào sai. Họ có quyền có suy nghĩ cho riêng mình sau khi tập hợp tất cả những thông tin đó.”

Chúng tôi có tiếp xúc với một số nhà báo khác, giới báo chí nói chung rất dè dặt vì họ phải tuân thủ hướng dẫn từ cấp trên. Những vụ án chính trị trọng điểm được cho là có chỉ đạo hết sức chặt chẽ và như lời một nhà báo không muốn nêu tên: “Trong giai đoạn trước Đại Hội Đảng lần XI, bảo đảm an ninh xã hội chính trị là ưu tiên, mọi mầm mống dù chỉ nhỏ như móng chân con vi trùng cũng được giải quyết rốt ráo.”

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.


No comments: