Wednesday, January 20, 2010

ĐÀN ÁP KHÔNG PHẢI LÀ CÔNG LÝ

Đàn áp không phải là Công lý
Việt Long, phóng viên RFA
2010-01-19
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/The-upcoming-trials-of-vietnamese-dissidents-VLong-01192010214434.html
Ngày 20 và 21 tháng 1 năm 2010, chính quyền VN sẽ xét xử nhiều nhà tranh đấu vì nhân quyền như LS Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa… Luật sư Trần Thanh Hiệp đưa ra nhận định trước các phiên tòa.
Tòa án nhân Hà Nội vừa mới xử lại và giữ nguyên bản án sơ thẩm phạt 4 năm tù giam, kỹ sư Phạm Văn Trội, 3 năm tù giam đối với nhà văn Trần Đức Thạch và nhà giáo Vũ Hùng về tội tuyên truyền chống Nhà nước.
Ngày 20-01-2010 tòa án nhân dân cấp sơ thẩm thành phố Sài Gòn sẽ xử vụ các nhận vật trí thức trong đó có Luật sư Lê Công Định, kỹ sư Nguyễn Tiến Trung bị truy tố về tội âm mưu lật đổ chính quyền.
Và ngày 21-01-2010 tòa án nhân dân Hải Phòng cũng mở phiên xử phúc thẩm để xử lại vụ 6 nhân vật khác về tội tuyên truyền chống Nhà nước, trong đó nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa bị coi là chủ mưu, được yêu cầu cho biết nhận xét của ông về những phiên xử hàng loạt nói trên.

Luật sư Trần Thanh Hiệp, chủ tịch Trung Tâm Việt Nam về Nhân Quyền, trụ sở đặt tại Paris, nói rằng ông rất quan tâm trước bước leo thang đàn áp rất đáng quan ngại hiện nay của bộ máy cầm quyền Hà Nội.
Sau đây xin mời quý vị theo dõi cuộc trao đổi giữa Việt Long của đài Á Châu Tự Do và Luật sư Hiệp.
Leo thang đàn áp

Việt Long: Trong những phiên xử tại Việt Nam như vừa được trình bày, có lẽ công luận đang chờ theo dõi diễn tiến vụ xử 4 nhân vật được quốc tế biết đến nhiều, mà hồ sơ tội trạng đã được thiết lập chiếu điều 79 Bộ luật hình sự xử lý tội âm mưu lật đổ chính quyền. Cảm tưởng của luật sư ra sao về các mặt nhân quyền, công lý ở Việt Nam trước những phiên xử dồn dập như vậy?
LS Trần Thanh Hiệp: Quang cảnh náo nhiệt trong sinh hoạt tư pháp vừa được nêu lên đó mang nhiều ý nghĩa vừa đã rất rõ vừa lại chưa rõ. Theo tôi, có một điều đã rất rõ đó là tình trạng căng thẳng này trong xã hội bắt nguồn từ sự chống đối đường lối cai trị của nhà cầm quyền ngày càng gia tăng và càng tỏ ra không còn là việc nhỏ nữa, không thể bỏ qua hay giải quyết bằng biện pháp hành chánh được mà phải nhờ đến tòa án. Nếu luật pháp mà tốt nghĩa là thuận lòng người và tòa án là trọng tài vô tư thì mức độ căng thẳng sẽ sút giảm vì công lý được thực hiện.
Nhưng việc tòa phúc thẩm Hà Nội trong vụ Phạm Văn Trội-Trần Đức Thạch vẫn giữ nguyên những mức hình phạt của tòa dưới mặc dù các đương sự đã kháng cáo cho thấy là công lý vẫn chưa xuất hiện. Tất nhiên còn phải đợi thêm kết quả của hai vụ sắp xử thì mới rút ra được những kết luận đầy đủ. Vậy trong khi chờ đợi thì tôi có thể nói rằng công lý vẫn ở đằng trước và cho đến phiên xử vừa qua của tòa phúc thẩm Hà Nội thì cuộc đàn áp đối lập ở Việt Nam vẫn tiếp tục qua những bước leo thang mới.

Việt Long: Tòa trên chỉ y án tòa dưới thì luật sư cũng cho là leo thang sao?
LS Trần Thanh Hiệp: Tuy tôi đã thận trọng để nói rằng có những bước leo thang đàn áp mới nhưng thật ra cũng đã có leo thang trong vụ án Phạm Văn Trội-Trần Đức Thạch. Tòa phúc thẩm không leo lên một bậc mới nhưng đã đứng ở bậc cũ mà tòa dưới đã leo, tức là tòa này đã bướcthêm một bước leo thang đàn áp đối với những người dân hoạt động dân chủ ôn hòa. Tôi sẽ xin bàn sau nếu có cơ hội, về vụ án Nguyễn Xuân Nghĩa sắp xử trong những ngày tới.
Nhưng trong vụ Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Hùynh Duy Thức tuy chưa xử nhưng đã có leo thang đàn áp rồi. Cơ quan điều tra khởi đầu đã làm tình làm tội để ép buộc các bị can nhận tội trước báo chí là đã phạm vào điều 88 Bô luật hình sự.
Nhưng phút chót các cơ quan này lại đổi tội danh từ nhẹ là tội tuyên truyền chống Nhà nước sang tội nặng hơn là âm mưu lật đổ chính quyền mà hình phạt tối đa là tử hình. Đổi mà không giải thích được, như mọi người đã thấy trong phiên xử ông Trần Anh Kim, vì sao đã phải đổi tội như thế. Vậy thì chỉ còn là vì muốn leo thang mượn điều 79 này để hù dọa mà khủng bố dân.
Ngoài ra lại còn bao vây bao chí cấm không cho những cơ quan truyền thông đại chúng được sử dụng các dụng cụ truyền thanh, truyền hình để theo dõi và tường thuật phiên xử. Rõ ràng la một bước leo thang để hòng lên tới đỉnh cao thời toàn trị Xit TaLin, Mao Trạch Đông v.v…

Âm mưu lật đổ chính quyền?
Việt Long: Liệu Nhà nước Việt Nam có thể nói rằng vì điều 79 liên quan tới một tội phạm rất nghiêm trọng nên cần phải xử kín không?
LS Trần Thanh Hiệp: Trên nguyên tắc thì tòa án có quyền lấy quyết định xử kín, nhưng một khi đã cho công chúng tham dự thì tình trạng nửa kín nửa hở là điều không biện minh được. Nhưng leo thang không phải chỉ vì cách xử nửa kín nửa hở này mà là vì ngay chính điều 79 Bộ luật hình sự. Tôi cần đi sâu một chút về luật học để nói cho rõ về điều khoản này.

Việt Long: Mời luật sư nêu ý kiến.
LS Trần Thanh Hiệp: Đúng là ở trong các bộ luật hình sự của hầu hết quốc gia trên thế giới đều có ghi tội danh âm mưu lật đổ chính quyền. Nhưng để xét xử thông qua tội danh ấy thì phải căn cứ vào nội dung của nó chứ không thể chỉ dựa vào danh xưng mà thôi.
Và ở trong nội dung này phải định nghĩa thế nào là “âm mưu”, là “lật đổ”, là “chính quyền”. Chứ không phải bất cứ một hành vi nào hoặc là ý nghĩ, quan điểm hoặc là tinh cảm không ưa hay ngay cả muốn thay đổi chính quyền tại chức cũng có thể bị ghép vao tội âm mưu lật đổ chính quyền được.
Nói chung các bộ luật ấy đều xác định rằng chỉ là âm mưu lật đổ chính quyền những hành vi nào mang tính bạo lực trực tiếp xâm phạm đến lãnh thổ, an ninh đối nội, đối ngoại, đến sự tồn vong của chính thể, của chế độ thì mới có thể coi là âm mưu lật đổ chính quyền.
Bộ luật hình sự đương hành ở Việt Nam trái lại nơi điều 79 cực kỳ mơ hồ về cách định nghĩa tội danh lật đổ chính quyền. Vì chỉ thấy nói rằng: ”Người nào hoạt động hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân thì bị phạt như sau….”, tuyệt nhiên không xác định thế nào là lật đổ chẳng lẽ một đề nghị bằng lời phát biểu hay bằng bài viêt thay đổi để chế độ xấu trở thành tốt cũng bị coi là lật đổ chính quyền hay sao?

Việt Long: Dù coi đó là một điều khoản mơ hồ chăng nữa thì luật sư căn cứ vào đâu để khẳng định rằng tự bản thân sự mơ hồ đó là một bước leo thang?
LS Trần Thanh Hiệp: Bộ luật hình sự năm 2000 hiện đang áp dụng dưới chế độ đương hành ở Việt Nam là một kiến trúc hính luật thoát thai từ bộ luật hình sự năm 1995 là con đẻ của chế độ chuyên chính vô sản toàn trị được thiết lập năm 1980. Trong khung cảnh chính trị đó thì người ta hiểu được vì sao không một ai nếu không phải là Đảng Cộn sản Việt Nam có quyền thay đổi chế độ và loại tôi phạm lật đổ mơ hồ kiểu điều 79 có cơ sở ý thức hệ để biện minh.
Nhưng cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, cả hệ thống độc tài toàn trị cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô cũ sụp đổ, Đảng cộng sản cầm quyền ở Việt Nam năm 1992 và 2001 đã phải sửa đổi hiến pháp để đổi mới, từ bỏ chuyên chê để di vào dân chủ và hội nhập vào cộng dồng thế giới.
Điều 3 của Hiến pháp, văn bản sửa đổi và bổ sung năm 2001 đã ghi rằng “Nhà nước bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân, thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc…”
Điều 3 này từ tinh thần đến văn tự đã long trọng và công khai dưới hình thức thành văn công nhận cho bất cứ một người dân nào với tư cách là một thành tố của người chủ tập thể đất nước cũng có quyền tự do suy nghĩ, đề xuất đường lối thực hiện một xã hội văn minh, dân chủ.
Luật sư Lê Công Định trên cơ sở những kiến thức hiện đại về luật học cũng như về chính trị học của ông nếu có đưa ra những đề xuất sửa đổi hiến pháp hay soạn thảo mộ hiến pháp mới hoàn bị hơn thì ông chỉ hành sử mộ “quyền chính trị” hợp pháp vì đã được đạo luật tối cao của quốc gia công nhân.
Thanh niên Nguyễn Tiến Trung gia nhập một chính đảng Đảng Dân Chủ có thành tích tham gia tử những ngày đầu của cuộc cách mạng dân chủ năm 1945 để cổ võ cho sự phát huy của sinh hoạt dân chủ cho phù hợp với xu thế của thời đại không thể coi là lật đổ chính quyền được nhất là chính quyền ấy đã cam kết và bảo đảm thực thi dân chủ.
Như vậy, bình thường ra nhà cầm quyền Hà Nội không có cơ sở pháp lý xác đáng và vững chắc để truy tố dưới tội danh lật đổ chính quyền những nhà tranh đấu dân chủ ôn hòa và tiến bộ như Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức.
Nhưng nếu cứ truy tố bừa bãi rồi bỏ tù họ, như đã xảy ra trong vụ xử Trần Anh Kim thì rõ ràng là một vụ leo thang đàn áp chứ không phải là một vụ xét xử công bằng để thực hiện công lý

Việt Long: Vậy theo luật sư, thế nào là xét xử công bằng để thực hiện công lý?
LS Trần Thanh Hiệp: Theo tôi, phải chấm dứt ngay chính sách đàn áp có hệ thống và quy mô mà nhà cầm quyền Hà Nội đang muốn đi tới cùng. Để giữ cho xã hội có trật tự và ổn định, phải áp dụng nghiêm chỉnh pháp luật.
Muốn vậy phải sửa đổi càng sớm càng tốt hệ thống pháp luậ công cụ đàn áp để thay thế bằng một hệ thống pháp tôn trọng và bảo vệ nhân quyền. Tôi tin rằng nếu chọn hướng đi mới này nhà cầm quyền Hà Nội sẽ nhận được sự trợ lực rộng lớn ở khắp mọi nơi trên thế giới.

Việt Long: Xin cảm ơn luật sư Trần Thanh Hiệp và xin được nhắc lại, rằng ý kiến của luật sư Hiệp không nhất thiết phản ánh quan điểm của đài Á Châu Tự Do.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.



No comments: