Rắc rối xung quanh một truyện ngắn
Trần Hoàng Nhân
Thứ Ba, 19/01/2010 07:00
http://www.thethaovanhoa.vn/133N20100117024216490T0/rac-roi-xung-quanh-mot-truyen-ngan.htm
(TT&VH Cuối tuần) - Một sự kiện gây xôn xao dư luận giới cầm bút tỉnh Lâm Đồng trong thời gian gần đây: Nhà văn Lê Công - Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn nghệ Lâm Đồng kiêm TBT tạp chí Langbian vừa bị kiểm điểm và cảnh cáo sau khi cho in truyện ngắn Quán dương cầm trên tạp chí này.
Langbian dậy song
Nhà thơ Trần Ngọc Trác - Chủ tịch Hội Văn nghệ Lâm Đồng là người ký quyết định nói trên, trong đó ghi rõ lý do việc TBT tạp chí Langbian - nhà văn Lê Công - cho in truyện ngắn ấy là: “Thiếu tinh thần trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng”.
Truyện ngắn gì, của ai mà “nghiêm trọng” thế? Xin thưa, truyện ngắn mang tên Quán dương cầm của tác giả Đặng Thị Thanh Liễu (Hội viên Hội Văn nghệ Lâm Đồng) in trên tạp chí Langbian số 75, 76 (số gộp) phát hành vào hai tháng 7, 8/2009 chính là căn nguyên. Những “vấn đề”, hay đúng hơn là những câu chữ trong truyện ngắn này đã khiến nhà văn Lê Công gặp rắc rối là những câu thoại giữa các nhân vật trong cách gọi anh thương binh và chiến trường Campuchia.
Theo nhà văn Lê Công, Quán dương cầm đã in trên tạp chí Văn TP.HCM do nhà văn Anh Đức làm TBT vào tháng 6/2002 trước khi in trên tạp chí Langbian. Chưa kể, Đoàn kịch nói tỉnh Hòa Bình cũng đã chuyển thể Quán dương cầm sang sân khấu và đã công diễn. Vậy không lẽ nhà văn Anh Đức (tác giả Hòn đất) và Đoàn kịch nói tỉnh Hòa Bình cũng phải “kiểm điểm” nếu truyện Quán dương cầm có “vấn đề” thực sự?!
Nhà văn Lê Công cho biết, sau khi tạp chí số 75, 76 phát hành, tạp chí không nhận được bất kỳ thư từ hay phản hồi gì về truyện Quán dương cầm. Nhưng một tháng sau, sự việc bỗng dưng “dậy sóng” sau khi được nhà thơ Trần Ngọc Trác báo cáo với các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng. Sau đó, nhà thơ Trần Ngọc Trác trên cương vị là Chủ tịch Hội ký quyết định cảnh cáo nhà văn Lê Công về việc cho in truyện ngắn này là “vì thiếu tinh thần trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng”. Cũng theo ông Lê Công, 5 ngày sau khi ký văn bản cảnh cáo nói trên, nhà thơ Trần Ngọc Trác đã triệu tập Ban Thường vụ Hội để họp nhằm đề nghị miễn nhiệm chức danh TBT tạp chí Langbian.
Không tán thành với quyết định kỷ luật này, ông Lê Công khẳng định: “Tôi đã làm việc với cơ quan chức năng của tỉnh, cấp trên kết luận: Truyện ngắn này chỉ là một hạt sạn nhỏ trong cả số tạp chí, nếu có dư luận thì nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm”. Nhà văn Lê Công cũng đã “đối mặt” với Chi hội Văn học (thuộc Hội Văn nghệ Lâm Đồng) để nghe ý kiến phê bình. Tuy nhiên, chi hội này cũng không có văn bản cuộc họp để kết luận về mặt “chuyên môn” là truyện Quán dương cầm có “gây hậu quả nghiêm trọng” hay không. Ông TBT tạp chí Langbian thắc mắc: “Không hiểu dựa vào điều gì để nhà thơ Trần Ngọc Trác cảnh cáo tôi khi không thông qua hội đồng thẩm định chuyên môn và ban kiểm tra hội?”.
Có hai Quán dương cầm?!
Trao đổi vấn đề này với nhà thơ Trần Ngọc Trác - Chủ tịch Hội Văn nghệ Lâm Đồng, ông Trác khẳng định: “Anh Lê Công bị kiểm điểm là do biểu quyết của 10/11 hội viên trong Ban chấp hành Hội Văn nghệ Lâm Đồng. Một hội viên không biểu quyết kiểm điểm cảnh cáo nhà văn Lê Công chính là… anh Lê Công”. Ông Trác cũng cho biết thêm, sở dĩ có cuộc kiểm điểm nhà văn Lê Công là từ sự phản ánh, bất bình của bạn đọc và hội viên sau khi tạp chí Langbian in Quán dương cầm. “Sau khi có phản ánh không tốt, tôi đã nói nhà văn Lê Công giải trình. Anh Lê Công có đưa tôi xem bản in Quán dương cầm trên tạp chí Văn. Tôi đọc kỹ cả hai bản in truyện ngắn này và kết luận rằng: Quán dương cầm in trên tạp chí Văn đã được biên tập, xử lý các câu từ rất có trách nhiệm. Còn Quán dương cầm in trên Langbian thể hiện sự thiếu trách nhiệm của người duyệt bài. Có thể khẳng định, nhà văn Lê Công đã không đọc bản thảo khi duyệt in. Chứ nếu anh Công đọc bản thảo kỹ lưỡng, mà cho in truyện ngắn này như thế thì thật không ổn chút nào. Tôi còn bảo vệ nhà văn Lê Công trước Ban chấp hành Hội, là anh Công không đọc kỹ, thiếu trách nhiệm chứ không có ý hay mưu đồ gì khác”.
Về trường hợp tác giả Đặng Thị Thanh Liễu, liệu tác giả này có bị “ảnh hưởng” gì hay không, nhà thơ Trần Ngọc Trác khẳng định: “Hội Văn nghệ Lâm Đồng không thể kiểm soát chị ấy viết cái gì, Hội và tạp chí Langbian chỉ có thể kiểm soát những tác phẩm khi quyết định công bố cho nhiều người đọc”.
Trước thông tin nhà văn Lê Công có thể bị mất chức TBT Langbian, nhà thơ Trần Ngọc Trác khẳng định: “Nếu anh Lê Công không làm TBT Langbian nữa thì phải do Ban chấp hành miễn nhiệm và tôi sẽ là người ký sau khi có sự hiệp thương giữa các cơ quan chỉ đạo. Vấn đề nếu có xảy ra, hoàn toàn không phải vì anh Lê Công cho in truyện ngắn Quán dương cầm mà còn vì những sai phạm khác nữa gộp lại, Quán dương cầm chỉ là một phần nhỏ thôi. Tính đến thời điểm này, nhà văn Lê Công vẫn là TBT Langbian”.
“Tôi hỏi người - Người sống với người như thế nào?”
Câu chuyện xoay quanh một truyện ngắn dài không đầy hai trang, nghe ra, như chính hai người trong cuộc tỏ bày, có vẻ rất đơn giản và sáng tỏ. Ấy vậy nhưng nó lại đang trở thành “sóng ngầm” trong dư luận giới cầm bút không riêng ở tỉnh Lâm Đồng, và được đổi tên thành chuyện “ông Chủ tịch Hội “kiểm điểm” ông Phó Chủ tịch kiêm TBT tạp chí Văn học nghệ thuật Langbian”.
Cái cần nói ở đây trước hết là việc ứng xử đối với một tác phẩm văn nghệ, sau đó là ứng xử giữa những người làm văn nghệ với nhau. Ai cũng biết rằng, tác phẩm văn nghệ là một sản phẩm hư cấu, nó có tính hình tượng, đa nghĩa…; và hơn nữa, để hiểu đầy đủ một câu một chữ hay một tình tiết trong một tác phẩm thì phải đặt nó trong cả chỉnh thể tác phẩm ấy. Như thế, việc đánh giá tác phẩm (khen hay chê) mới khách quan, khoa học và công bằng, và mới tiến tới dễ “gặp nhau”.
Nhưng đáng tiếc là không phải những người đọc bình thường, mà chính những người làm văn nghệ ở một số địa phương trong không ít trường hợp, lại không “gặp nhau” trong việc đánh giá một tác phẩm. Sự không gặp nhau đó có thể do quan điểm, cách cảm thụ tác phẩm không giống nhau. Đó là lẽ bình thường. Nhưng trong trường hợp đó, không thiếu gì cách để “hiểu nhau” và hiểu tác phẩm như: trao đổi, thảo luận nghiệp vụ, thậm chí tổ chức hội thảo khoa học… Song đáng tiếc là trong nhiều trường hợp, “chuyện bé” cứ ngày càng bị xé ra to, “chuyện văn” lại thành “chuyện người”, thậm chí chuyện chức, chuyện quyền. Nếu cả hai phía đều không “cầu thị” để hiểu nhau thì vấn đề sẽ càng ngày càng bị đẩy đi quá xa.
Xin kết lại bài viết này bằng những câu thơ trong bài Hỏi của nhà thơ Hữu Thỉnh: Tôi hỏi đất: Đất sống với đất như thế nào? - Chúng tôi tôn cao nhau/ Tôi hỏi nước: Nước sống với nước như thế nào? - Chúng tôi làm đầy nhau/ Tôi hỏi cỏ: Cỏ sống với cỏ như thế nào? - Chúng tôi đan vào nhau. Làm nên những chân trời/ Tôi hỏi người: - Người sống với người như thế nào?/ Tôi hỏi người: - Người sống với người như thế nào?/ Tôi hỏi người: - Người sống với người như thế nào?
Trần Hoàng Nhân
No comments:
Post a Comment