Wednesday, January 20, 2010

PHIÊN TOÀ TRÌNH DIỄN

Phiên Tòa Trình Diễn
TRẦN KHẢI
Việt Báo Thứ Tư, 1/20/2010, 12:00:00 AM
http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=2&nid=154569
Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết trong một lần mời gọi doanh nhân quốc tế và Việt Kiều vào VN kinh doanh đã nói rằng ngoài các cơ hội kinh doanh đang mở rộng, chính phủ đang ưu đãi, công nhân VN siêng năng và khéo tay, dân chúng hiếu hòa và thân thiện, đặc biệt là con gái VN rất là đẹp. Thực ra vẫn còn thiếu: Cần phải nói thêm rằng, VN có những phiên tòa trình diễn tuyệt vời. Có phải rằng, đây là chuyện thấy rõ, nhưng ông Triết cố gắng không nói, nhằm để “phân hóa nội bộ” các thế lực thù nghịch.

Bản tin Đài RFI Pháp Quốc loan hôm Thứ Ba 19-1-2010:
“Trong các phiên xử phúc thẩm bắt đầu từ hôm qua, 18/01/2010, Tòa án Nhân dân Hà Nội đã xử y án đối với ba nhà bất đồng chính kiến gồm kỹ sư Phạm Văn Trội, nhà văn Trần Đức Thạch và nhà giáo Vũ Hùng. Tòa đã giữ nguyên bản án sơ thẩm, tức là 4 năm tù đối với ông Phạm Văn Trội và 3 năm tù đối với hai ông Vũ Văn Hùng (tức Vũ Hùng) và Trần Đức Thạch.
Cả ba người đã bị đem ra xử sơ thẩm vào tháng 10 năm ngoái với tội danh '' tuyên truyền chống Nhà nước'' vì đã treo biểu ngữ, phát truyền đơn kêu gọi dân chủ đa đảng và lên án Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông, cũng như bày tỏ chính kiến trên mạng Internet...”(
hết trích)

Bạn đọc có thể nhìn một phần phiên tòa này qua mạng Youtube.com, hãy vào ô tìm kiếm bằng chữ có dấu theo font UNICODE “tòa phạm văn trội 2010” sẽ thấy một video chụp lại từ kênh truyền hình VTV2 của Hà Nội. Đó là hình ảnh bên trong phiên tòa, chỉ ngắn thôi, nhưng cũng cho thấy bản án đã định sẵn, không ai bận tâm gì chuyện tranh cãi của luật sư.

Đài VOA hôm 19-1-2010 đã phỏng vấn vị luật sư đại diện cho kỹ sư Phạm Văn Trội và nhà văn Trần Đức Thạch. Luật sư đã bị xử ép, bị cắt ngang lời nói, và đã “bức xúc... bỏ phòng xử án đi về.”
Đài này kể như sau:
“...Trong cuộc trao đổi với Trà Mi của ban Việt ngữ VOA sau phiên xử hôm thứ hai, luật sư Huỳnh Văn Đông, người đại diện cho cả hai bị can tại tòa, cho biết thêm chi tiết.
Luật sư Đông: Nhìn chung trong cả hai phiên tòa họ đã không cho tôi trình bày hết quan điểm. Họ cắt ngang. Thậm chí trong phiên xử ông Trội, họ không cho tôi đựơc nói hết, bắt buộc tôi phải ngồi xuống. Bức xức quá, tôi đã bỏ phòng xử án đi về...
... Thậm chí có một câu hỏi rất đơn giản mà Viện kiểm sát và công tố đã né tránh không trả lời chúng tôi. Đó là khi tôi yêu cầu phân biệt hoặc giải thích cho chúng tôi biết chống đảng có phải là chống nhà nứơc hay không, nói xấu đảng có phải là nói xấu nhà nứơc hay không, hoặc hai khái niệm nhà nứơc và đảng có phải là một hay không. Nếu đó là một thì chúng tôi không có gì để nói. Viện kiểm sát cũng không trả lời cho chúng tôi được điều đó...
...Qua phiên tòa, tôi đánh giá là chính phiên tòa và Hội đồng xét xử hôm nay đã phỉ báng vào công ly, một động thái mà chúng tôi cho là như vậy. Và tự họ đã làm xấu đi nền tư pháp của Việt Nam...
...Cả hai người, mặc dù tình trạng sức khỏe ông Thạch khá kém, đều khẳng định rằng những việc làm của họ là những việc làm từ lương tâm, không có gì vi phạm pháp luật cả. Họ cũng không cần xin giảm nhẹ hình phạt, họ chỉ yêu cầu tòa xem xét lại và tuyên bố họ vô tội, thế thôi...
... Thật sự chúng tôi cũng buồn cho nghề nghiệp của chúng tôi bởi vì lời nói của chúng tôi không đựơc tiếp thu, hay nói đúng hơn là chúng tôi chưa đựơc nói. Chúng tôi thấy rằng chưa có luật sư nào trên thế giới giống như luật sư chúng tôi ở Việt Nam cả. Cho nên chúng tôi lấy làm băn khoăn. Tuy nhiên, chúng tôi tham gia phiên tòa là để nâng cao tinh thần cho những người đấu tranh đó và để cho họ biết rằng là bên cạnh họ còn có chúng tôi. Và chúng tôi sẽ tiếp tục nếu như có ai đó yêu cầu...”
(hết trích)

Nghĩa là, luật sự cũng bị bịt miệng, tới nổi phải bức xúc... bỏ phòng xử án ra về. Không bịt miệng thô bụm miệng luật sư, nhưng là cắt ngang lời luật sư, không cho noí hết, và bắt luật sư phải ngồi xuống. Có phải thẩm phán nhà nước thấy rằng như thế đã là nhân đạo? Bởi vì chỉ ngắt lời, mà không có ai bịt miệng? Bởi vì chỉ bảo luật sư ngồi xuống, mà không có ai ấn vai ép ngồi xuống?
Đó là chuyện bên trong phiên tòa. Vậy thì bên ngoàì phiên tòa có diễn biến nào?

Sau đây là một bản tin ngắn từ mạng X-cà:
“DoiThoai, X-Cafevn
19.01.2010
Chỉ còn chưa đầy 20h nữa, phiên tòa xét xử 4 nhà bất đồng chính kiến sẽ bắt đầu, theo thông tin từ cánh nhà báo, Ô Lê Thăng Long đã được “vận chuyển” vào TP HCM từ cuối tháng 12/2009, toàn bộ thông tin về 4 người này cũng như phiên tòa bị bịt kín đến mức độ che dấu quả “dắm tịt” (xin lỗi các bác), bài báo duy nhất có đăng chút xíu thông tin về danh tính của vị Chánh án trên VnExpress (cache google) đã được âm thầm gỡ xuống. Các nhà báo thuộc mảng Pháp Luật, Chính trị của tất cả các báo đã được nhận 1 “chỉ thị” ngầm, cấm đưa tin trước giờ “bóng lăn”. Chưa có sự kiện nào mà cánh nhà báo chuyên nghiệp bị ngồi ngáp vặt chờ trước cổng các cơ quan có liên quan để lấy tin như sự kiện này, kể cả các nhà báo quốc tế. Một anh nhà báo đã thốt lên “chưa bao giờ uống nhiều cafe thế này để chờ lấy tin”. Trách báo chí? Không, phải trách những người ra quyết định cấm báo chí đưa tin.
Mọi nguồn thông tin cho “những nhà báo tự do” blogger, forums… cũng bị bịt kín. Chưa bao giờ, chưa có sự kiện (xét xử các nhà BĐCK) nào mà giới bloggers thiếu thông tin như sự kiện này.
Các trang web có uy tín (Bauxite, Talawas… ) có thể bình luận về sự kiện, bị đánh sập bằng nhiều cách, từ kỹ thuật (DOS) cho đến “công cụ” luật pháp...”(
hết trích)

Đó là chuyện bên ngoài phiên tòa. Chánh án cũng được giấu tên... Tại sao? Đâu có ai trả thù gì ông chánh án đâu, bởi vì ai cũng biết là cơ chế như thế, làm sao được. Hay phảỉ chăng, chính bản thân ông Chánh án cũng mắc cở vì phải đóng vai trò trong vở kịch trình diễn tư pháp này? Hay vì ông Chánh án không biết là mình sẽ giải thích với các con của ông ra sao, khi bản thân ông biết là ông phảỉ tuyên án tù những người yêu nước này? Một vết nhơ tư pháp, không chỉ ám ảnh lương tâm của ông, mà cũng sẽ ghi vào lịch sử của dân tộc nhiều đời sau.

Bên ngoài phiên tòa, thực ra cũng đang diễn ra những hoạt cảnh để người ta thắc mắc về luật pháp Việt Nam: bao giờ quê nhà có thể có một nền pháp trị nghiêm minh, độc lập?

Tại giáo xứ Bàu Sen, công an tỉnh Quảng Bình đòi tiền phạt tháo gỡ tượng Đức Mẹ mà không thấy tòa nào phán xử. Thêm nữa, cũng bất đồng: tại sao Hà Nội tháo gỡ tượng Đức Mẹ ra khỏi sân Tòa Khâm Sứ, mà không thấy phạt tiền tháo gỡ gì? Phải chăng, công an Hà Nội nhân đaọ hơn công an tỉnh Quảng Bình? Nếu nhân đạo, tiêu chuẩn pháp lý nào để dựa vào làm căn cứ?

Rồi chuyện tu viện Bát Nhã cuối năm 2009 nữa. Suốt cả các diễn tiến không hề thấy có luật sư nào nhảy vào gánh vác, trong khi chuyện này ở các nước là cả sư đoàn luật sư sẽ nhảy vào kiện tới bến chớ. Tận cùng, chỉ có 2 luật gia, đúng ra là giáo sư luật, ở Hà Nội, gửi thư cho Thầy Thích Phổ Tuệ, Pháp Chủ GHPGVN, để xin can thiệp cho 400 tu sinh Bát Nhã. Cũng thấy không có tòa án nào liên hệ tới.

Tại sao như thế? Phải chăng vì không ai tin vào tòa án Việt Nam hiện nay, nơi bên trong bị ngắt lời, và bên ngoàì bị im tiếng? Tuyệt vời. Đúng là còn có một điểm ưu việt, mà Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết cố ý chưa nói tới, rằng đó là tòa án VN, nơi ngay bản thân Chánh án cũng không muốn minh danh trên báo khi ông phải nhận vai trò đẩy vào tù những người yêu nước.


No comments: