Thursday, January 21, 2010

PHIÊN TOÀ NHẠO BÁNG CÔNG LÝ

Phiên tòa nhạo báng công lý
Hà Giang, thông tín viên RFA
2010-01-21
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vietnamese-dissidents-trial-a-mockery-of-justice-01212010133730.html
Chỉ vài giờ đồng hồ sau khi Việt Nam tuyên án bốn nhà bất đồng chính kiến Luật sư Lê Công Định, thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung và hai doanh thương Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long, nhiều tổ chức quốc tế đã lên tiếng phản đối cách ứng xử của nhà nước Hà Nội trong phiên tòa này.

Bản án đã được định đoạt trước
Riêng tổ chức Ân Xá Quốc Tế đã phổ biến một thông cáo báo chí cho rằng phiên tòa vừa qua là một trò nhạo báng công lý. Tại sao tổ chức này lại có nhận định như thế?
Mời quý thính giả theo dõi phỏng vấn sau đây giữa ký giả Hà Giang của đài chúng tôi với bà Janice Beanland, thuộc tổ chức Ân Xá Quốc Tế.

Hà Giang: Xin chào bà Janice Beanland, chúng tôi vừa nhận được Thông Cáo Báo Chí của tổ chức Ân Xá Quốc Tế lên án rằng phiên tòa xét xử các nhà bất đồng chính kiến VN là Luật sư Lê Công Định, thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung và hai doanh thương Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long là một trò nhạo báng đối với công lý, xin bà cho biết tại sao tổ chức Ân Xá Quốc Tế đã có nhận định này?
Janice Beanland: Diễn tiến phiên tòa khiến cho chúng tôi thấy rất đáng nghi ngờ là các bị can đã được xem là vô tội cho đến khi họ bị tòa buộc tội. Trong một vụ án quan trọng như thế, mà các quan tòa chỉ thảo luận vỏn vẹn trong vòng 15 phút để rồi đưa đến một bản án phải mất 45 phút mới đọc xong, thì đây rõ ràng là những dấu chỉ cho thấy việc kết tội cũng như bản án đã được định đoạt trước phiên tòa. Điều này hoàn toàn vi phạm nguyên tắc căn bản là các bị cáo phải được xem là vô tội cho đến khi được xét xử.

Hà Giang:
Còn có lý do nào khiến tổ chức của bà đã kết luận rằng phiên tòa là một nhạo báng của công lý không, thưa bà?
Janice Beanland: Chúng tôi còn biết rằng, không phải tất cả thân nhân của các bị cáo đã được vào trong tham dự, và chỉ có một số rất ít những nhà ngoại giao cũng như ký giả nước ngoài được vào trong. Tuy thế họ cũng chỉ được theo dõi phiên tòa qua màn ảnh truyền hình ở một phòng khác. Điều này hoàn toàn không thể được xem là họ đã được tham dự phiên tòa ở ngay trong phiên xử, như thế thì không thể gọi đây là một phiên tòa được xét xử công khai được.

Tù nhân lương tâm

Hà Giang: Thưa bà, Thông Cáo Báo Chí của tổ chức Ân Xá Quốc Tế còn kêu gọi nhà cầm quyền Hà Nội phải lập tức trả tự do cho 4 nhà bất đồng chính kiến vừa bị kết án, bà có thể giải thích tại sao tổ chức của bà đã có yêu cầu này không?
Janice Beanland: Với kiến thức của chúng tôi về vụ án, chúng tôi cho rằng tất cả các bị cáo đều chỉ là những tù nhân lương tâm. Bản thân họ đã không vi phạm một tội hình nào rõ ràng cả. Tất cả những hành vi của họ đều chỉ là để thể hiện quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, và tự do phát biểu chính kiến, hay phê bình những chính sách của nhà cầm quyền Việt Nam. Chúng tôi cho rằng những hành vi này, không thể được xem là những vi phạm hình sự.

Hà Giang: Nhưng theo tin của nhà cầm quyền Hà Nội thì hai trong những bị cáo này, như Luật sư Lê Công Định và thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung đã nhận tội, bà nghĩ sao?
Janice Beanland: Một trong những quan tâm lớn nhất của chúng tôi là những tù nhân chính trị tại Việt Nam đã phải chịu rất nhiều áp lực trong tù, và vì thế đã phải nhận là họ phạm tội, phạm cái “gọi là tội”. Chúng ta cũng biết là ông Trần Huỳnh Duy Thức, người phải lãnh án 16 năm tù ở, đã bị đánh đập khi bị tra khảo. Còn luật sư Lê Công Định thì ngay sau khi bị bắt đã bị biệt giam ít nhất là 6 tuần. Ai cũng biết rằng trong những hoàn cảnh bị biệt giam như thế, các tù nhân dễ bị hành hạ, và khi tinh thần bị khủng bố, người ta dễ bị sụp đổ trước những áp lực. Đó là lý do tại sao chúng ta đã có những vụ nhận tội được trình chiếu trên đài truyền hình như thế. Những ứng xử này, theo chúng tôi hoàn toàn vi phạm nguyên tắc căn bản là các bị cáo phải được xem là vô tội cho đến khi được xét xử.

Hà Giang:
Xin cảm ơn bà đã dành thời gian cho chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này.



No comments: