Thursday, January 21, 2010

PHẢN ỨNG CỦA QUỐC TẾ về PHAIÊN TOÀ

Phản ứng quốc tế về vụ xét xử bốn nhà đối kháng tại Việt Nam
Girish Sawlani
Nguồn
Jail for Vietnamese democracy activists
21/01/2010 - 12:43
http://www.bayvut.com.au/s%E1%BB%B1-ki%E1%BB%87n/ph%E1%BA%A3n-%E1%BB%A9ng-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF-v%E1%BB%81-v%E1%BB%A5-x%C3%A9t-x%E1%BB%AD-b%E1%BB%91n-nh%C3%A0-%C4%91%E1%BB%91i-kh%C3%A1ng-t%E1%BA%A1i-vi%E1%BB%87t-nam
Phiên tòa kết án tù một nhóm các nhà hoạt động dân chủ tại Việt Nam đã gây ra những lời chỉ trích từ phía quốc tế. Ý kiến của Giáo sư Carl Thayer từ Đại học New South Wales và bác sĩ Thanh Phong, đại diện của đảng Việt Tân.

Bốn người đàn ông, trong đó có một luật sư và một blogger, đã bị kết tội là lật đổ chính quyền nhân dân. Những người này không bị kết án tử hình nhưng mức án tù tối thiểu là 5 năm cộng với quản chế tại gia sau đó. Một trong bốn người này bị kết án 16 năm tù. Tổng lãnh sự Hoa Kì và Bộ Ngoại giao Anh lên tiếng “quan ngại sâu sắc” về vụ việc này, trong khi đó các nhà hoạt động tại Hoa Kì lên án phiên tòa xét xử này không phản ánh đúng sự thật.

Đây được xem là một trong những vụ việc liên quan đến các nhà hoạt động dân chủ gây chú ý nhất tại Việt Nam. Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định và Trần Huỳnh Duy Thức bị bắt tại TP.HCM vào giữa tháng Năm và tháng Bảy năm 2009 với tội danh ban đầu là tuyên truyền chống phá nhà nước. Nhân vật thứ tư, ông Lê Thăng Long cũng bị bắt nhưng với tội danh nhẹ hơn trong vai trò tòng phạm của những nhân vật nêu trên. Sau đó, các công tố viên đã đẩy nặng tội danh ban đầu thành lật đổ chính quyền. Báo Thanh Niên tường thuật rằng ba bị cáo chính được cho là đã chuẩn bị hàng chục tài liệu, blog chống nhà nước và tuyên truyền việc lật đổ đảng Cộng sản trước năm 2020.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam, từ trường Đại học New South Wales, nói rằng bất cứ sự cố gắng nào để lật đổ chế độ độc đảng cũng sẽ nhận được sự đáp trả cứng rắn. “Bốn nhân vật bất đồng chính kiến này đã đưa hoạt động ủng hộ dân chủ đi xa thêm một bước bằng cách thành lập đảng Dân chủ Việt Nam, tổ chức các cuộc gặp gỡ ở nước ngoài tại Thái Lan với các đại diện của các tổ chức mà chính phủ Việt Nam xem là phản động hoặc khủng bố. Họ đã vạch ra chiến lược và chiến thuật chính trị hòa bình để thách thức đảng Cộng sản vào thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu đang xảy ra và nhắm vào giới bất đồng chính kiến bên trong đảng Cộng sản với hy vọng nhận được sự ủng hộ của những người này.
Những cuộc đấu tranh ôn hòa hay bất kỳ cuộc cách mạng mang màu sắc nào đi chăng nữa nhằm lật đổ chế độ cộng sản đều sẽ nhận được phản ứng gay gắt từ chính quyền dưới quan điểm bảo vệ an ninh.”

Các nhà hoạt động dân chủ ở nước ngoài đã phản ứng giận dữ trước diễn tiến mới nhất này. Bác sĩ Nguyễn Đỗ Thanh Phong, đại diện của đảng Việt Tân tại Úc, cho biết: “Đây là những phiên xử kín và nó hoàn toàn là phiên tòa chiếu lệ. Về cơ bản, tất cả sự buộc tội và kết án đều đã được định trước. Sẽ không bao giờ có nhân chứng được gọi tham gia phiên xét xử và giới quan sát quốc tế cũng hiếm khi được cho phép tham dự. Vì vậy những phiên tòa như thế sẽ chẳng bao giờ công bằng.”
“Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế gây thêm sức ép lên chính phủ Việt Nam để họ tôn trọng tự do ngôn luận và bày tỏ ý muốn. Chúng tôi cũng đang tích cực làm việc với những người trong nước, ủng hộ họ và mở rộng ảnh hưởng của chúng tôi bằng cách giúp họ bày tỏ phát biểu ý kiến, có thể tham gia nhiều hơn vào các cuộc thảo luận chính trị và hoạt động dân sự.”

Cộng đồng thế giới cũng đã phản ứng trước vụ việc này, tiêu biểu là lời chỉ trích từ Hoa Kì và Liên minh Châu Âu. Tuy nhiên, theo ông Carl Thayer, chính quyền Việt Nam có vẻ như muốn gửi một thông điệp rõ ràng đến những người bất đồng chính kiến như một nỗ lực nhằm bảo vệ ý thức hệ cộng sản của nhà nước.
Ông Carl Thayer nói: “Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội Đảng lần thứ 11 vào năm sau và trong thời gian này, quá trình bầu cử chính trị trước đại hội sẽ diễn ra để tuyển chọn các đại biểu và quá trình này cũng sẽ diễn ra ở các cấp cơ sở. Trong quá khứ, phe tự do hoặc cấp tiến bên trong đảng Cộng sản đã dùng Đại hội Đảng và những tài liệu về đường lối hoạt động của đại hội để thúc đẩy quá trình cải cách. Những người bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động vì dân chủ ngoài đảng đã dùng cơ hội này để bình luận về các tài liệu chính sách nhằm thúc giục sự thay đổi. Theo đánh giá của tôi thì phe bảo thủ trong đảng đã dùng phiên toà này để ngăn chặn trước khả năng bất đồng tại Đại hội Đảng lần thứ 11.”


No comments: