Thursday, January 7, 2010

NHÂN SỰ ĐẠI HỘI 11 ĐẢNG CSVN

Nhân sự Đại hội 11
Người Yêu Nước
06.01.2009
http://www.x-cafevn.org/node/2557
Chỉ còn 1 năm nữa là đến Đại hội 11 của Đảng ta. Dự kiến Đại hội 11 sẽ diễn ra vào tháng 1 năm 2011. Ai sẽ làm Tổng bí thư, Chủ tịch nước, và Thủ tướng là mối quan tâm của nhiều người.

Vào hồi năm 2006, Đại hội 10, có một đặc điểm nổi bật trong Đảng ta, chưa từng có từ trước tới nay, đó là “xu hướng Bắc tiến”, như cách nói đùa của nhiều người. Đại hội 10 đánh dấu sự chiếm đa số trong Bộ chính trị là người miền Nam, và người miền Nam đều nắm giữc các nhiệm vụ chủ chốt cả. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng người Cà Mau, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết người Bình Dương, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang người Long An, Bộ trưởng Công An Lê Hồng Anh người Kiên Giang, Phó thủ tướng phụ trách nội chính Trương Vĩnh Trọng người Bến Tre. Và tất cả các vị lãnh đạo này đều là cộng sản “nằm vùng”, ở lại miền Nam trong suốt cuộc chiến tranh, chứ không phải cộng sản “tập kết ra Bắc”.

Trong Đảng ta từ lâu đã có sự phân chia quyền lực theo một nguyên tắc bất thành văn, đó là Tổng bí thư có quyền lực to nhất phải là người miền Bắc, Thủ tướng có quyền về làm kinh tế là người miền Nam, và Chủ tịch nước ít quyền lực nhất là người miền Trung. Tại Đại hội 10, nguyên tắc phân chia 3 miền đó bị phá vỡ, người miền Nam nắm cả 2 chức vụ Thủ tướng và Chủ tịch nước. Thường trực Ban bí thư có quyền lực đứng thứ hai trong Đảng cũng thuộc về người miền Nam, là ông Trương Tấn Sang. Khi đó có giải thích là nguyên tắc 3 miền không còn quan trọng nữa, miễn là người có tài thì được bổ nhiệm. Đó chỉ là cách giải thích bao biện, “gọt chân cho vừa giày”. Dự kiến đưa ông Nguyễn Minh Triết ra làm Thủ tướng sau ông Phan Văn Khải đã bị đảo lộn, vì chuyện ông Trương Tấn Sang khi còn làm Bí thư Sài Gòn không chịu ra Hà Nội, không chịu nhường chức Bí thư Sài Gòn cho ông Triết, như nhiều người đã biết. Đến Đại hội 10, ông Nguyễn Tấn Dũng đã làm Phó thủ tướng thường trực gần 10 năm, lại trẻ, sinh năm 1949. Còn ông Triết già hơn, sinh năm 1942, và cũng đang chỉ làm Bí thư Sài Gòn. Nếu đưa ông Triết làm Thủ tướng, thì biết giải thích với dư luận về ông Phó thủ tướng trẻ măng Nguyên Tấn Dũng như thế nào? Không lẽ công tác chuẩn bị cán bộ của Đảng ta bị nhầm à? Cãi nhau đến giờ chót, cuối cùng Đại hội 10 đành phải để ông Dũng làm Thủ tướng, mặc dù người ta biết ông Dũng không có tài năng gì cả. Vậy ông Triết làm gì? Làm Tổng bí thư thì rõ ràng ông Triết không thể đọ với cánh miền Bắc. Loay hoay mãi, cuối cùng Đại hội 10 đành phá vỡ nguyên tắc cân bằng 3 miền, để ông Triết làm Chủ tịch nước, chiếm mất vị trí của người miền Trung. Tại Đại hội 10, người miền Trung chỉ còn ông Nguyễn Văn Chi, làm chức Trưởng ban Kiểm tra Trung ương. Thật ra tại Đại hội 10 đã từng có dự kiến đưa ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Đà Nẵng hiện nay, ra Trung ương làm chức vụ to hơn, ví dụ Phó thủ tướng, để lên Chủ tịch nước. Nhưng rồi không thành. Đến bây giờ, ông Nguyễn Bá Thanh vẫn là một ứng cử viên nặng ký cho các chức vụ quan trọng hơn tại Đại hội 11.

Với Đại hội 11, nguyên tắc cân bằng 3 miền có được phục hồi không? Gần đây người ta thấy ông Trương Tấn Sang đã từ vị trí số 6 trong Bộ chính trị, nhảy lên vị trí số 2. Còn ông Nguyễn Văn Chi, Trưởng ban kiểm tra Trung ương, từ vị trí số 12 đã nhảy lên vị trí số 3. Có thể dự đoán được là đang có một số dự kiến ông Trương Tấn Sang sẽ làm Tổng bí thư thay ông Nông Đức Mạnh vào Đại hội 11, và ông Nguyễn Văn Chi quê miền Trung , sinh năm 1945, sẽ làm Chủ tịch nước. Thế nhưng trong Đảng ta hiện nay cũng đang có sự thảo luận mạnh mẽ về việc sáp nhập 2 chức vụ Tổng bí thư và Chủ tịch nước vào làm một, Tổng bí thư sẽ kiêm Chủ tịch nước, để bảo đảm sự tập trung quyền lực. Khi đó, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước sẽ có vai trò như một Tổng thống. Đây là một xu hướng tiến bộ, và Đảng ta đang có sự chuẩn bị tích cực cho việc sáp nhập này. Hiện nay trong cả nước đang tiến hành làm thí điểm ở trên 10 tỉnh, bao gồm khoảng 500 xã, việc Bí thư kiêm Chủ tịch ở cấp tỉnh, huyện, và xã. Việc sáp nhập này đã được Đảng ta thảo luận từ hồi ông Lê Khả Phiêu làm Tổng bí thư năm 1997-2001, nhưng sau đó lại dừng lại, vì thấy phức tạp. Đến nay, ông Tổng bí thư Nông Đức Mạnh rất mạnh dạn khuyến khích xu hướng này, cho thảo luận rộng rãi, và cho làm thí điểm. Và rất may mắn là chủ trương sáp nhập này đều được các ông Sang, Triết, Dũng... ủng hộ.

Nếu như việc sáp nhập chức Tổng bí thư và Chủ tịch nước được Đại hội 11 quyết định, thì người miền Trung sẽ làm gì? Ông Nguyễn Văn Chi sẽ làm gì? Rất có thể ông Chi sẽ làm Thường trực Ban bí thư, chức vụ của ông Sang hiện nay, hoặc làm Chủ tịch Quốc hội, nếu như Đảng lại cho xóa bỏ chức Thường trực ban bí thư, như Đại hội 9 đã từng bỏ. Như vậy, dù đã sáp nhập chức vụ Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước, thì vẫn bảo đảm nguyên tắc 3 miền được.

Nhưng cũng có thể việc đưa ông Chi lên vị trí số 3 trong Bộ chính trị hiện nay chỉ là một cách để xoa dịu sự bực bội của người miền Trung, trước Đại hội 11. Và đến Đại hội 11, ông Nguyễn Bá Thanh mới thực sự là nhân vật quan trọng đại diện cho miền Trung. Gần đây đã bắt đầu có nhiều ý kiến phê phán ông Trưởng ban Kiểm tra Nguyễn Văn Chi, là ông Chi đã cho xử lý kỷ luật quá nhiều cán bộ, gây oán thán trong Đảng. Bởi vậy vai trò của ông Chi trong Đại hội 11 cũng chưa chắc chắn lắm. Nhưng nếu so sánh ông Chi, với ông Thanh, thì rõ ràng ông Nguyễn Bá Thanh hơn, vì ông Thanh trẻ hơn, lại đang làm được nhiều việc cho Đà nẵng hơn, mạnh dạn đổi mới hơn. Thời ông Chi làm Bí thư Đà Nẵng, không thấy ông làm được gì.

Vấn đề lớn nhất là liệu ông Trương Tấn Sang có thể làm chức Tổng bí thư được không? Cách đây vài tháng, khi ông Sang tìm mọi cách lên được vị trí số 2 trong Bộ chính trị, để làm bước đệm cho Đại hội 11, thì đã có nhiều lời đồn thổi ông Sang sẽ làm Tổng bí thư thay ông Mạnh. Nhưng đến nay, sau vài tháng, tình hình có vẻ có nhiều thay đổi. Chức Tổng bí thư có một lần duy nhất do người Quảng Trị nắm giữ, là ông Lê Duẩn, do cụ Hồ đưa ông Duẩn lên, nhằm bảo đảm sự đoàn kết Bắc, Trung , Nam trong cuộc chiến tranh lâu dài. Nhưng sau đó, chưa bao giờ người miền Nam, hay miền Trung nắm được chức vụ này. Cũng giống như chức vụ Bộ trưởng Bộ quốc phòng, chưa bao giờ người miền Nam, cũng như miền Trung được nắm giữ. Trong không khí hừng hực “Bắc tiến” từ hồi Đại hội Đảng 10 năm 2006, ông Sang và phe cánh của ông có lẽ cũng nghĩ rằng việc giành chức Tổng bí thư không khó lắm. Nhưng tình hình đang có nhiều sự thay đổi, các cán cân lực lượng đang ngày càng lộ rõ. Nhất là cánh quân đội, không muốn ông Sang làm Tổng bí thư, tức chức vụ sẽ kiêm Bí thư quân ủy Trung ương. Không thể đùa với bên quân đội được. Có thể ông Sang đã dần dần hiểu được thế cờ. Ông Sang đang có bước lùi khôn khéo. Ông Sang chưa bỏ hẳn ý định làm Tổng bí thư, nhưng ông cũng đang nhòm ngó sang chức vụ của ông Nguyễn Tấn Dũng. Nếu ông Sang làm Thủ tướng thay ông Dũng, thì không có nhiều cản trở lắm, vì ông là người miền Nam, lại là Bí thư cũ của Sài Gòn. Mà Bí thư Sài Gòn có truyền thống làm Thủ tướng. Ông Sang cũng chưa già lắm, cùng tuổi với ông Dũng, sinh năm 1949. Vậy ông Dũng đi đâu? Sau hơn 4 năm làm Thủ tướng, ông Dũng chưa chứng tỏ được khả năng của ông, ngoài 2 việc: ông ký cho một loạt quân đội và công an lên cấp tướng, và con gái ông cưới một Việt kiều vốn xuất thân trong một gia đình quan chức của phe bên kia. Chưa bao giờ quân đội và công an của ta có nhiều cấp tướng đến như thế, khiến cho giảm hẳn ý nghĩa cao quý của các chức vụ cao cấp này. Người ta dễ hiểu ngay là Đảng và Nhà nước ta hiện nay đang mất lòng dân nghiêm trọng, nên cần phải ban phát phần thưởng để có nhiều người bảo vệ Đảng. Nhưng nhìn vào những người được phong tướng hiện nay, phần nhiều là hạng xôi thịt, cơ hội, nịnh bợ. Người chân chính rất ít. Một trong những người chân chính nhất được phong tướng, là ông thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, Cục trưởng Cục C14-Cục Cảnh sát hình sự, thì lập tức đã bị truy tố trong vụ PMU18, với tội danh rất vớ vẩn: lộ bí mật công tác, vì cung cấp thông tin cho nhà báo chống tham nhũng. Một trong những kẻ xôi thịt nhất, cơ hội nhất, là Cao Ngọc Oánh, nguyên thủ trưởng của ông Quắc, thì được phục hồi chức vụ, và còn được phong thêm một cấp, lên trung tướng. Thật là một trò hề trong việc phong tướng hiện nay, mà ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người đóng vai chính trong trò hề này.

Những kẻ được phong tướng bừa bãi vừa rồi sẽ bảo vệ Đảng, hay phá Đảng? Thời gian sẽ trả lời. Nhưng lòng dân hiện nay nói chung là rất ngao ngán, nhất là trong giới quân đội và công an. Họ đang chờ một cái gì đó to lớn sẽ xảy ra. Ai cũng nhìn thấy sự giả dối và đểu giả đang tăng lên trong Đảng. Bởi vậy Đảng ta đang cố phát động cuộc vận động học tập gương đạo đức Bác Hồ, để mong phục hồi được nhân phẩm trong Đảng. Thế nhưng Đảng ta lại không cho học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và tự do, nhất là tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện trong Hiến pháp 1946. Bởi vậy cuộc học tập đạo đức Bác Hồ ngay bản thân nó cũng là một sự giả dối.

Con gái ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cưới một đại gia Việt kiều giàu có kếch xù cũng là một đòn nặng đánh vào uy tín của ông. Hiện nay, người Việt ta lấy người nước ngoài, lấy Việt kiều chẳng phải hiếm nữa. Nhưng ở vị trí Thủ tướng, thì đó lại là một vấn đề khác. Cũng giống như người bình thường cúi chào Nhật hoàng thì không sao, nhưng ông Tổng thống Obama cúi chào Nhật hoàng lại là câu chuyện để người ta đánh giá.
Ngoài 2 việc đó ra, người ta không thấy ông Dũng làm được việc gì to lớn, trừ việc ông Dũng luôn biết cách cười tươi trước ông kính truyền hình.
Dĩ nhiên ông Dũng đang tìm mọi cách để ở lại làm Thủ tướng thêm một khóa nữa. Nhưng khả năng thi đấu của ông Dũng so với ông Sang chỉ là 20 trên 80. Bởi vì điều quan trọng nhất là người ta không nhìn thấy một thành tựu nổi bật nào của ông Dũng trong suốt khóa làm Thủ tướng của ông. Những kẻ đang lăng xăng bợ đỡ ông Dũng thì chúng đâu có quan tâm đến việc ông Dũng còn hay mất. Ông Dũng mất chức thì bọn chúng lập tức quay sang bợ đỡ người khác ngay. Nhiều người nói trong lịch sử 4000 năm của dân tộc ta, chưa có thời nào mà có nhiều kẻ bợ đỡ, nịnh nọt, luồn cúi, bẩn thỉu, đểu giả được trọng dụng như dưới chế độ Cộng sản biến chất hiện nay ở nước ta. Bản thân ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ là một thứ lưu manh gặp thời mà thôi.

Vậy thì ai sẽ làm Tổng bí thư vào Đại hội 11? Đang có 2 ứng cử viên nặng ký vươn lên hàng đầu, là ông đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ quốc phòng, và ông Hồ Đức Việt Trưởng Ban tổ chức Trung ương. Cả hai ông này đều có đạo đức trong sáng, và liêm khiết. Nếu tình hình ta và Trung Quốc căng thẳng lên nữa, thì rất có thể ông Thanh sẽ lên làm Tổng bí thư. Quân đội đã từng làm Tổng bí thư, đó là ông Lê Khả Phiêu, và một lần làm Chủ tịch nước, đó là ông Lê Đức Anh. Và nay, nếu sơn hà nguy biến, thì quân đội rất có thể lại giành quyền lãnh đạo đất nước.

Còn nếu tình hình không có chuyển biến xấu hơn, thì rất có thể ông Hồ Đức Việt sẽ làm Tổng bí thư. Ông Việt quê Ngệ An, sinh năm 1947, không trẻ, nhưng cũng không quá già. Ông là một trí thức thực sự, được đào tạo cơ bản, chứ không phải trí thức dởm như nhiều vị lãnh đạo trong Đảng ta hiện nay. Ông học tại Tiệp Khắc trong 9 năm, tốt nghiệp tiến sĩ toán-lý tại Tiệp Khắc năm 1974. Ông Việt đã từng giảng dạy môn toán-cơ trong thời gian dài ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Khoa toán-cơ, và trong 2 năm1981-1982, ông Việt cũng đã đi tu nghiệp tại Pháp. Ông Việt cũng đã được chuẩn bị khá cơ bản để làm chức vụ cao hơn: ông đã làm Bí thư Trung ương Đoàn, rồi làm Bí thư tỉnh Quảng Ninh, Bí thư tỉnh Thái Nguyên, và nay là Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Có thể nói ứng cử viên chức Tổng bí thư của ông Hồ Đức Việt đang nặng ký hơn ông đại tướng Phùng Quang Thanh.

Đại hội 11 năm 2011 có đặt ra vấn đề đổi tên Đảng, đổi tên nước không? Đây là vấn đề mà Bộ chính trị đã từng nhiều lần bàn thảo, nhưng chưa dám công khai đưa ra Hội nghị trung ương, cũng như đưa ra Đại hội Đảng. Rất nhiều đảng viên trung kiên đã có đề nghị lên Trung ương Đảng nên lấy lại tên Đảng Lao động Việt Nam, và lấy lại tên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, là 2 cái tên do Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt cho Đảng ta, và cho nước ta. Việc trở lại tên cũ thật ra là một đòi hỏi khách quan, và cần thiết, nhất là trong bối cảnh toàn phe xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ, và trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Rất có thể Đại hội 11 chưa đặt ra vấn đề đổi lại tên Đảng và tên nước, nhưng trong suốt 5 năm của khóa Đại hội 11 (2011-2016), người ta dự đoán chắc chắn vấn đề đổi lại tên Đảng và tên nước sẽ được đặt ra. Bởi vì đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh, mà lại không sử dụng tên Đảng và tên nước do cụ Hồ đặt, thì có khác gì “chỉ nói mồm học theo Bác, mà không thực làm theo Bác”.

Vấn để cuối cùng và quan trọng nhất, liên quan đến cuộc sống của từng người dân, là sau Đại hội 11, liệu tình hình tự do, dân chủ ở nước ta có được cải thiện thêm không? Liệu dân ta có được quyền tự do báo chí, có báo chí tư nhân, xuất bản tư nhân hoạt động theo luật pháp không, để giải phóng vấn đề tư tưởng cho dân? Liệu dân ta có được quyền bầu cử trực tiếp các cán bộ địa phương không, để bảo đảm người tài có thể tham gia tranh cử vào làm lãnh đạo ở địa phương không? Liệu dân ta có được quyền tự do cư trú thực sự không, để giải phóng thị trường lao động ? Liệu dân ta có được quyền tư hữu ruộng đất thực sự không, để giảm thiểu được tệ cướp đất của dân hiện nay? Đó là các quyền tự do, dân chủ tối thiểu mà dân ta đòi hỏi, mà vẫn không làm ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Đảng, liệu Đại hội 11 có trả lại cho dân ta các quyền đó không?

Chưa biết. Rất có thể phải sau Đại hội 11, dân ta mới đòi được Đảng trả lại các quyền đó cho dân. Nhưng các dấu hiệu tích cực của Đại hội 11, thì chắc chắn chúng ta sẽ nhìn thấy. Xu hướng dân chủ, cởi mở, và lành mạnh hóa, đang dần dần thắng thế trong Đảng ta. Những yếu tố lưu manh, cơ hội trong Đảng đang dần dần lộ rõ. Đại hội 11 sẽ cho thấy cái thiện, hay cái ác sẽ thắng thế trong Đảng ta. Nếu cái ác thắng, thì Đại hội 11 sẽ là Đại hội cuối cùng của Đảng ta. Vì nhân dân sẽ không cho phép cái ác tồn tại lâu hơn nữa. Nếu cái thiện thắng, thì Đại hội 11 sẽ mở ra một trang phát triển mới cho đất nước ta. Đó là điều mà phần lớn dân ta mong muốn




No comments: