Thursday, January 7, 2010

NGÀN NĂM SẼ LÀ VÔ NGHĨA

Ngàn năm sẽ là vô nghĩa
Nguyễn Trương Quý
Thứ tư, ngày 06 tháng một năm 2010
http://truongquy.blogspot.com/2010/01/ia-phuong-tinh-cua-ha-noi.html
Bài này lẽ ra không nằm trong dự định viết tiếp các tạp bút về Hà Nội sau bài
Rau tươi sách sạch, vì nó không nhàn tản. Nhưng vì liên quan đến chuyện ăn chơi của người Hà Nội vừa nóng hổi, vừa nguội ngắt, nên đưa lên. Tên ban đầu là Địa phương tính của Hà Nội, nhưng có cái tên mới tốt hơn - nhờ các anh chị bên báo TT - tuy không đi được.

Hà Nội. Khi viết hai từ đó ra, chúng ta ít nhiều có những chủ kiến: trái tim cả nước, nghìn năm văn hiến, tinh hoa văn hóa. Trừ những yếu tố kiểu “lịch sử để lại”, thì văn hóa là thứ phổ quát mọi đô thị đều cần chứ không riêng Hà Nội.

Cướp hoa. Khi nói đến hai từ này (chắc hiếm khi chúng ta phải viết ra!), ta nghĩ đó là phản ứng bốc đồng, vô văn hóa. Ắt là nếu người ta có đầy hoa, hoặc là hoa có đủ cho mọi người, hẳn không đến mức phải giành giật từng cái chậu rồi chạy thục mạng.

Vậy mà hai cặp từ trên giờ song đôi với nhau. Những kẻ cướp hoa trong lễ hội hoa, rút cục theo các báo đưa, nói cả giọng Hà Nội lẫn giọng “nhà quê”, có thanh niên mới lớn cho đến ông bà già. Lần thứ hai của một lễ hội 1 triệu đôla rút cục vẫn chỉ là một màn trình diễn ê chề của văn minh đô thị. Xấu hổ nhất (cho những người còn biết xấu hổ) là Hà Nội đã trở thành một nơi có vấn đề về “địa phương tính”. Vậy những vùng lân cận không có liên can sao? Ai cũng biết, bao quanh và làm nên Hà Nội là tứ trấn, là những khu Ba, khu Bốn, chứ không phải là bức tường Đại La đông cứng một ngàn năm.

Đầu vào của một thành phố gồm thực phẩm, hàng hóa và con người – kèm theo là lối sống của họ. Vì thế không thể coi Hà Nội như một cái phễu lọc đòi cho ra tinh hoa thanh lịch khi đầu vào là những vùng nông thôn lung lay cấu trúc truyền thống, bêtông hóa xô bồ và bần cùng hóa về đời sống tinh thần. Nói tới thanh lịch là ai cũng nghĩ ngay đến thời trước, thời các ông nghè cụ cử với những học phong sĩ khí ngùn ngụt, thời thuộc địa “phố phường dãi ánh trăng mơ” chẳng hạn. Nhưng lúc ấy cả một vùng Bắc Bộ là một cơ cấu ít biến động, tồn tại vững chắc sau những lũy tre làng, các lề thói cố kết như một cái nong khít khịt để một vài đô thị xinh xắn neo lại bên trên. Mỗi vùng quê có một cơ sở văn hóa tuy bảo thủ nhưng quy củ, nhờ thế mô hình đồng dạng lớn nhất ở khía cạnh quần cư đô thị của chúng là Hà Nội cũng dễ bề thiết lập và duy trì nét văn minh, tất nhiên dưới một luật pháp nghiêm.

Người địa phương, hay “nhà quê” mang đặc điểm của người lao động nông nghiệp: gắn với ruộng đồng và cơ cấu sản xuất nơi làng xã. Vì vậy lẽ tất nhiên là họ yêu quê hương, nơi họ đổ mồ hôi nước mắt cho nếp nhà hay sào ruộng. Bước ra một Hà Nội đang ngày càng phình to, ngoạm dần vào ruộng vườn của họ, nơi con người sống mỗi người một cái hộp, ai biết việc người nấy, tâm lý của họ chuyển sang hướng “thủ được cái gì thì thủ”, nơi họ lẩn và lẫn trong đám đông vài triệu người, khác với cộng đồng làng xóm vài trăm nóc nhà ràng buộc nhau bởi hương ước. Lễ hội hoa đối với họ rút cục chỉ như một màn triển lãm của ai đó, vậy là họ tìm cách xí phần để “tư hữu hóa” cho mình, mặc cho một cái ban tổ chức nào đó họ chẳng cần biết đi mà dọn dẹp hậu quả.

Nhưng còn người Hà Nội? Cứ nhìn vào cái sự nhợt nhạt đìu hiu như gió bấc của đời sống văn hóa giải trí Hà Nội nhiều năm qua thì chuyện tan tành lễ hội hoa là dễ hiểu. Có thành phố nào 6 triệu dân mà cả tuần giải trí đón Tết Dương lịch (trùng với lễ hội hoa), tìm mỏi mắt thông tin trên báo cũng chỉ thấy có 1 đêm ca nhạc cách mạng tại Nhà hát Lớn 600 chỗ và 1 đêm hát nhạc… Hàn Quốc tại nhà hát Tuổi Trẻ 500 chỗ, cùng 4923 chỗ xem phim của mỗi 9 rạp! Thử làm phép tính sơ cũng thấy ăn chơi cũng cạnh tranh phát sợ. Thành phố như một đống bêtông khổng lồ với le lói những điểm vui chơi phải giành giật chỗ thì không thể nào khiến người ta có trật tự được chứ đừng nói là cư xử thanh lịch.

Địa phương tính là một cái gì đó khá hão huyền và quy chụp nhưng sẽ là sự thực bi đát, nếu như người ta phải ở trong một địa phương “đói văn hóa”. Với hiện thực như thế thì một nghìn năm chỉ là vô nghĩa.

Nguyễn Trương Quý
.

No comments: