Tuesday, January 5, 2010

NGƯỜI ANH HÙNG MUÔN THUỞ của SINH VIÊN VN Ở PARIS

Người anh hùng muôn thuở của sinh viên Paris
Nam Dao (Adelaide)
15/11/2007
http://www.lyhuong.net/viet/index.php?option=com_content&view=article&id=1962:1962&catid=37:bandoc&Itemid=56
Ngày 8/1/1985, người thanh niên với trái tim nồng nàn tình quê hương dân tộc, và cũng là cựu chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Paris tên Trần Văn Bá (TVB) đã hiên ngang ngẩng cao đầu thà bị bạo quyền Cộng Sản Việt Nam (CSVN) hành quyết trước tiền đình quốc hội Việt Nam còn hơn là ký tên nhận tội để được ân xá. Một Nguyễn Thái Học của thế kỷ 21 vừa bước vào sử xanh hiện đại. Gương hy sinh cao cả của vị anh hùng liệt sĩ Trần Văn Bá và hai bạn đồng đội của anh đã làm xúc động toàn thể đồng bào hải ngoại, đặc biệt là giới trẻ Việt Nam thời đó.

Sự hy sinh oanh liệt này không phải chỉ được ghi chép trên trang sử hùng Việt Nam không thôi. Hai mươi hai năm sau ngày anh TVB đền nợ nước, Sáng hội Tượng đài Nạn nhân Cộng sản (Victims of Communism Memorial Foundation) vào tối 15/11/2007 tại Tòa Đại Sứ Hung Gia Lợi ở Washington, đã tổ chức lễ trao tặng huy chương Truman-Reagan Freedom 2007 cho anh hùng Trần Văn Bá, cựu chủ tịch của THSVVNParis, người đã bị Việt cộng hành quyết ngày 8/1/1985 sau khi anh bị bắt ở làng Minh Hải, Cà Mau. Tiến sĩ Lee Edwards chủ tịch sáng hội nói "Sau khi tham khảo ý kiến đồng sự, sáng hội đồng ý chọn anh TVB là biểu tượng cho cuộc đấu tranh đòi tự do". Theo ông, lý tưởng anh Bá ấp ủ việc trở về quê hương để rồi bị bắt và xử tử, nói lên hành động bất khuất của một con người chỉ muốn mưu cầu tự do công bằng trên quê hương đang bị Cộng sản đàn áp. Huy chương Truman Reagan Tự Do là huy chương cao quý mang tên hai vị tổng thống Truman và Reagan nổi tiếng chống cộng của Hoa Kỳ đã từng được trao tặng cho những nhà tranh đấu chống cộng sản nổi tiếng trên thế giới như Lech Walesa, Vaclav Havel, Đức Giáo Hoàng John Paul II, TNS Joe Lieberman, William Buckley Jr., Elena Bonner.

Ngày 15/11/2007 hôm nay, trong khi thế giới đang vinh danh anh, ngồi thu mình trong một căn phòng nhỏ bé tôi ngậm ngùi viết lại những dòng kỷ niệm về anh. Những kỷ niệm để đời về một người bạn, một người đàn anh mà vợ chồng tôi và các anh chị em trong Tổng Hội Sinh Viên Paris (THSVP) đã cùng chung vai sát cánh bên anh chia sẻ những ngọt bùi trong suốt hàng chục năm sinh hoạt trong THSVP tranh đấu cho tự do dân chủ VN. Hôm nay tôi muốn ghi lại một phần nhỏ bé về con người thật của anh mà tôi khám phá được nơi anh .

Trước tiên, cách hành xử bình dân, khiêm nhường và xuề xòa của anh đã thu phục nhân tâm rất nhiều người, nên ai cũng gọi anh thân mật bằng cái tên "Bá đầu đỏ" vì anh có một cái bớt màu đỏ nơi trán phiá trái. Chính nhờ cách hành xử bình dị như thế mà ở Paris chỉ có anh là người duy nhất có thể nói chuyện được với tất cả mọi thành phần người Việt quốc gia tại Paris. Từ những tay anh chị cho đến nhà khoa bảng trí thức cũng đều vui vẻ qúy mến giúp anh khi anh cần đến họ. Đây là điểm son của anh Bá. Cũng vì thế mà ở những hội chợ Tết của THSVP chỉ có anh Bá là người có thể huy động được tất cả những môn phái võ đến giữ an ninh cho gần 4000 đồng hương tới tham dự hội Tết THSVP. Nhờ có sự bảo vệ của khoảng 200 võ sinh và nhiều võ sư mấy đẳng bao quanh khu vực hội trường Maubert Mutualité, đứng canh cửa trạm metro và xe bus, trong hội trường mà nhóm thân cộng Việt Kiều Yêu Nước và toà đại sứ CSVN (sau 1975) đã không thể nào phá được đêm Tết của THSVP.

Anh Bá sống rất có tình nghiã với anh chị em. Sau ngày 30/4/1975, khi cư xá sinh viên đã bị trao trả cho CSVN, các sinh viên bị đuổi nhà bơ vơ không biết nương tựa vào đâu. Anh Bá đã mời những ai không có nhà về ở chung với anh. Anh thuê 1 appartment rộng để cho mọi người về đó ăn ở miễn phí, chia sẻ ngọt bùi với nhau. Bao nhiêu tiền lương kiếm được thay vì mua nhà cho mình hay may sắm chưng diện anh đã dùng cho những chi tiêu đấu tranh và giúp đỡ bạn bè. Tinh thần đùm bọc nọ đã biến nơi cư ngụ của anh thành một gia đình mà chúng tôi gọi là gia đình Bá đầu đỏ.

Sự hãnh diện của các anh chị em gia đình Bá đầu đỏ tự nó đã nói lên một điều là qua cách hành xử yêu thương như anh em ruột thịt một nhà của anh Bá đối với họ nên không ai có mặc cảm mang nợ anh Bá và họ rất hãnh diện được là đàn em của anh Bá là vì thế.

Anh Bá là một người can đảm có tư cách của một bậc đàn anh lãnh đạo quả cảm. Khi hay tin thủ tướng Phạm Văn Đồng công du Pháp, anh Bá đã đứng ra tổ chức cuộc biểu tình để tố cáo tội ác CSVN và đòi dân chủ cho VN. Anh chị em THSVP chúng tôi dành dụm tiền in truyền đơn, hăng say đi phát ở những cư xá sinh viên, khu đại học mời mọi người đi tham dự biểu tình. Toà đại sứ CSVN tức điên ruột, sai đàn em điện thoại hăm dọa chúng tôi nếu không ngưng phát truyền đơn ở cư xá ăn Cité Internationale de l'Université de Paris thì chúng sẽ cho người đánh. Thứ bảy tuần cuối trước khi Phạm Văn Đồng sang Pháp, anh Bá cùng anh chị em THSVP và nhiều võ sư nhất quyết đến cư xá Cité Internationale de l'Université de Paris phát truyền đơn. Lúc đó CSVN trốn đằng sau đám tây đen thân cộng đứng hàng đầu bảo vệ cho họ. Trước một đám đông gần một trăm tên tây đen vạm vỡ cao từ 1.80m trở lên, mặt mày dữ tợn đằng đằng sát khí tay cầm gậy sắt dài gần 2 thước, anh Bá đã ra lệnh cho tất cả các cô phát truyền đơn hãy rút lui và chỉ có con trai xông vào mà thôi. Riêng anh Bá trên tay không có gậy gộc mà chỉ cầm sấp truyền đơn tiên phong bước tới. Thế là bọn tây đen gào thét man rợ nhào vào cầm gậy sắt đánh chúng tôi. Một bạn sinh viên bị chúng đánh té xuống và thằng tây đen cứ tiếp tục dùng gậy sắt dập lên đầu anh ta một cách dã man nên đã được cảnh sát mang vào nhà thương. Đây là tổn thất về phiá sinh viên quốc gia. Nhưng về mặt chính trị thì đây lại là một thắng lợi lớn cho người Việt quốc gia và là sự thiệt hại lớn cho uy tín của CSVN bởi vì ngày hôm sau truyền thông Pháp đã lên tiếng kết án CSVN dã man đàn áp quyền tự do phát biểu của người dân.

Tôi không bao giờ quên được quang cảnh man rợ ngày hôm nọ. Khi viết những dòng này tôi vẫn còn nghe trong tai tôi những tiếng hò hét rợn tóc gáy của đoàn quân tây đen hung tợn. Và tôi cũng không bao giờ quên được hình ảnh rất anh hùng và ánh mắt cương quyết của anh Bá quay lại nói với anh chị em SV trước khi tiến quân, những câu nói chứa chan sự bảo bọc của một bậc đàn anh dũng cảm : " Các cô hãy rút lui hết, các bạn nào không có võ nên tránh xa". Tuy nhiên các anh chị em chúng tôi vẫn quyết sống chết có nhau nên vẫn quyết tâm tiến lên cùng với anh Bá. Vào những ngày cuối tình hình còn căng thẳng hơn nữa. Bọn tay sai CSVN đứng rình nơi cột đèn ở dưới nhà chờ anh Bá xuống để đánh. Trong khi đó dẫu bị cảnh sát Pháp gọi lên đe dọa sẽ đưa anh ra đảo Corse nếu THSVP không hủy bỏ ý định tổ chức biểu tình, nhưng anh Bá vẫn quyết tâm đi tới cùng. Anh có dặn anh chị em rằng nếu anh có bị cảnh sát hốt đi giờ chót thì anh chị em cứ tiếp tục đi tới. Và sau cùng cuộc biểu tình đã diễn ra thành công chưa từng thấy tại công trường Trocadero với số người tham dự lên đến vài ngàn người. Đây là cuộc biểu tình đầu tiên ở hải ngoại với rừng cờ vàng, tràn ngập biểu ngữ tố cáo tội ác CSVN và rừng người hó hét phản đối chế độ quyết liệt đòi tự do dân chủ cho VN. Và đây cũng là cái bạt tai đầu tiên của tuổi trẻ Việt Nam và đồng bào VN ở Pháp dành cho lãnh đạo CSVN, mở đầu cho những bạt tai tiếp nối của đồng bào tỵ nạn ta trên toàn thế giới cho tới ngày hôm nay.

Anh Bá là một người có tấm lòng nhân bản và tinh thần trách nhiệm cao. Thanh niên thiếu nữ nào mà chả biết rung động thương yêu. Anh Bá cũng không thoát khỏi quy luật đó. Anh em THSVP chúng tôi đều biết anh có cảm tình đặc biệt với một cô, và chị này cũng qúy mến kính trọng anh. Đã có những lúc chúng tôi đùa nói Bá đầu đỏ phải lên xe hoa về nhà nàng . Anh đã bén lẽn nói "yêu làm chi cho mệt óc chỉ làm quẩn chân con đường mình đi mà thôi". Dẫu qua lời nói nửa đùa nửa thật ở trên nhưng sao tôi vẫn cảm nhận được nơi ánh mắt anh một nỗi luyến tiếc nào đó, một sự giằng co trong con tim TVB là có nên yêu hay không. Một sự mâu thuẫn tình cảm mà lúc đó tôi không thể nào hiểu được. Cho nên tôi lại nói đùa tiếp để thử tìm ra sự thật: "Nàng cũng đấu tranh như anh, như vậy thì lý tưởng nhất rồi còn gì". Anh cũng lại nửa đùa nửa thật bảo là cô nào lấy anh làm vợ chỉ khổ cho đời cô ta mà thôi và sau đó anh nói lãng sang chuyện khác. Vài năm sau, khi hay tin anh Bá bị xử tử hình tôi mới hiểu tại sao anh nói những điều trên. Là một người mẹ một người vợ ngày hôm nay ngẫm lại câu nói xưa tôi lại càng kính phục anh hơn. Anh thương qúy một người con gái. Anh cũng biết rằng tình yêu đã mở rộng đón anh. Nhưng anh đã chạy trốn chối bỏ nó vì lòng anh không nỡ để người anh qúy thương phải sống những chuỗi đời còn lại trong góa bụa u sầu vì anh biết rằng cái chết có thể đến với anh bất cứ lúc nào trên con đường trở về với quê hương dân tộc mà anh đã quyết tâm chọn lựa. Đây là một quan niệm về tình yêu chân thật mà tôi nghĩ là đẹp và cao thượng nhất của thời đại yêu cuồng sống vội ngày hôm nay.

Những tiện nghi vật chất xa hoa ở đời đã không cầm được chân Trần Văn Bá. Anh đã âm thầm trở về nước. Bỏ lại sau lưng thành phố hoa lệ Paris đầy quyến rũ và những thành công cá nhân . Bỏ lại sau lưng những con đường Paris đầy kỷ niệm với gia đình Trần Văn Bá và anh chị em THSVP. Bỏ lại sau lưng hạnh phúc lứa đôi. Và anh đã trở về quê hương những mong vá lại mảnh cơ đồ mục nát. Trở về tranh đấu cho công bằng lẽ phải và tình người sớm được hồi phục trên quê hương.

Đau đớn thay! Định mệnh oan nghiệt đã phủ lên đầu chàng trai nước Việt với bản án tử hình ngày 8/1/1985. Khi nghe tin trên đài truyền hình Úc, nhìn tấm hình anh trong chiếc áo tù bị công an bịt miệng tôi đã trào lệ uất ức. Khuôn mặt anh tóp lại hằn những dấu vết bị tra tấn làm anh già đi hàng chục tuổi. Cái bớt đỏ trên trán anh vẫn còn đó. Ánh mắt quật cường của buổi anh chỉ huy đàn em THSVP ra quân ở Cité Universitaire năm nào vẫn còn kia. Vẫn hiên ngang tự tại không chịu khuất phục đầu hàng bạo lực. Không bán rẻ lý tưởng ký vào bản tự thú để được khoan hồng. Cũng anh hùng đâu khác chi Nguyễn Thái Học, ngày hành quyết anh đòi không bịt mặt đế chứng kiến lần cuối trong đời cảnh bạo quyền kết liễu đời mình. Một giòng máu đỏ tươi từ trái tim người con Việt hào hùng Trần Văn Bá đã phọt bắn tóe ra khắp nơi. Giòng máu kiêu hùng quyết liệt đối đầu với bạo quyền đã vượt không gian hoà tan trong huyết quản tuổi trẻ VN hải ngoại làm sôi sục ý chí quật cường vùng lên. Và tuổi trẻ VN hải ngoại đã theo bước chân anh lên đường thề quyết tâm không đầu hàng bạo lực. Cái chết của Trần Văn Bá đã mở đường cho phong trào tuổi trẻ đấu tranh ngày càng lan rộng khắp năm châu.

Ngày hôm nay nhìn lại con đường trên 30 năm mà mình đã đi qua, mái tóc giờ đã bạc theo mầu thời gian mà vận nuớc vẫn ngày càng đen tối. Bản chất độc tài của CS vẫn còn đó. Duy chỉ có mỗi cái vỏ bề ngoài thay đổi mà thôi. Con cắc kè CS đỏ đã đổi màu biến thái thành kỳ nhông tư bản đỏ, ngày hôm nay vẫn tiếp tục dùng bạo lực trấn áp tất cả những ai nghĩ khác nó dù kẻ đó đấu tranh trong ôn hoà hay bất bạo động.

Đêm đã về khuya. Nước mắt tôi nhạt nhoà hình ảnh cuối cùng của một Trần Văn Bá bị bịt miệng ở tòa. Tôi xin hẹn sẽ có một ngày tìm về nơi mộ phần cô quạnh, đốt nén hương lòng kể cho anh nghe về những cuộc đấu tranh quyết liệt của đồng bào ta không hề ngưng nghỉ. Hãy ngủ yên anh nhé. Đừng bận tâm nuối tiếc cõi trần vì tôi tin rằng tuổi trẻ Việt Nam hải ngoại ngày hôm nay dư thừa sáng suốt để nhận ra đâu là con đường đấu tranh đúng đắn hữu ích cho quê hương dân tộc. Tuổi trẻ hải ngoại sẽ không rơi vào những cái bẫy đấu tranh ỡm ờ theo kiểu xin / cho vì họ thừa biết rằng CS biến thái sẵn sàng bạo động dùng bạo lực để trấn áp tất cả những ai nghĩ khác họ cho dù người đó có đấu tranh ôn hoà bất bạo động. Và tuổi trẻ Việt nam hải ngoại cũng sẽ chả dại gì mất tiền của hy sinh đời mình trở về xây dựng xã hội dân sự nuôi dân nghèo dùm cho chế độ, là một hình thức thực hành nghị quyết 36 mà thôi.

Xin vĩnh biệt anh anh, người anh hùng muôn thuở của Tổng Hội Sinh Viên Paris.

Nam Dao (Adelaide)
15/11/2007


Xem thêm :
Trần Văn Bá Tương Hội
www.tranvanba.org




No comments: