Monday, January 18, 2010

KỶ NIỆM HẢI CHIẾN HOÀNG SA (1&2)

Kỷ niệm Hải Chiến Hoàng Sa, 19 Tháng Giêng, 1974 - Kỳ 1
Ðông Bàn - Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt
Saturday, January 16, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=106995&z=1

Ai sẽ khai hỏa trước?

LTS - 19 Tháng Giêng, 1974, trận hải chiến giữa Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa và Trung Cộng nổ ra tại quần đảo Hoàng Sa. Nhân kỷ niệm 36 năm trận hải chiến, và nhân dịp các cựu quân nhân Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa tổ chức “Ngày Hoàng Sa” tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh trong trận đánh cách đây 36 năm, Người Việt xin ghi nhận một số ý kiến của những người từng tham gia trận đánh, ở nhiều góc độ, và trình bày trong loạt bài viết nhiều kỳ sau đây. Bài viết này được xây dựng cốt yếu dựa trên hồi ký “Can Trường Trong Chiến Bại” của cựu Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại, với sự đồng ý của tác giả.
--------------------

Ngày 15 Tháng Giêng, 1974: Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ 16), hạm trưởng là Trung Tá Lê Văn Thự, được lịnh của Bộ Tư Lịnh Vùng 1 Duyên Hải đưa địa phương quân thuộc tiểu khu Quảng Nam và nhân viên khí tượng ra Hoàng Sa thay thế toán đang ở ngoài đó đã hết nhiệm kỳ. Ðịa phương quân báo cáo thấy “một vài ghe đánh cá xuất hiện rất gần bờ tại đảo Pattle.”
Sáng 16 Tháng Giêng, 1974: Có báo cáo, rằng một số tàu đánh cá chạy về hướng Bắc và đồng thời khi người nhái của Hải Quân Việt Nam đổ bộ thám sát các đảo Duncan và Drummond thì đụng ngay một toán quân nhân Trung Cộng.
Chiều 16 Tháng Giêng, 1974: Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại tiếp Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cùng Trung Tướng Ngô Quang Trưởng và một số tướng lãnh và đơn vị trưởng khác.
Sáng 17 Tháng Giêng, 1974: Tuần dương hạm HQ 16 báo cáo, hai tàu đánh cá Trung Cộng không tuân lịnh của chiến hạm Việt Nam ra khỏi lãnh hải Việt Nam. Xuất hiện hai tàu chở quân của Trung Cộng đến gần đảo và trên bờ có cắm nhiều cờ Trung Cộng. Trung Tá Thự cho một toán đổ bộ nhổ hết cờ Trung Cộng và thay bằng cờ Việt Nam Cộng Hòa.
8 giờ sáng, 17 Tháng Giêng, 1974: Tổng Thống Thiệu ra chỉ thị: “Không để mất một tất đất nào cả.”
10 giờ sáng, ngày 18 Tháng Giêng, 1974: Thám sát đảo Cam Tuyền vì thấy có chiến hạm Trung Cộng thả trôi gần đó. Cắm cờ Việt Nam lên đảo. Có tối thiểu bốn chiến hạm Trung Cộng tại Hoàng Sa. Chiến hạm Việt Nam ra dấu hiệu đuổi chiến hạm Trung Cộng ra ngoài lãnh hải. Trên chiến hạm Trung Cộng, các thủy thủ cũng ra dấu yêu cầu chiến hạm Việt Nam phải ra xa các đảo. Buổi chiều: tình hình Hoàng Sa căng thẳng!
Sáng ngày 19, theo hồi ký của cựu Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại, khoảng 10 giờ sáng, các chiến hạm Trung Cộng vẫn không thay đổi vị trí và bám sát chiến hạm Việt Nam. Ðề Ðốc Thoại nhắc Ðại Tá Hà Văn Ngạc rằng, đã có chỉ thị “nếu dùng tín hiệu mà chiến hạm Trung Cộng không thi hành thì nhớ bắn trước mũi tàu họ trước chớ dừng bắn trúng họ.”
Lúc đó, tàu của cả hai phía rất gần nhau, không thể bắn dọa. Theo Ðề Ðốc Thoại, thì Ðại Tá Ngạc cho biết hai bên ở thế “cài răng lược,” tức là ở vị trí xen kẽ với nhau, nếu tác xạ có thể trúng bạn.
Ðề Ðốc Thoại ghi lại, rằng ông “cảm thấy không còn giải pháp nào khác, hoặc tấn công trước hoặc rời khỏi lãnh hải của mình để tránh đụng chạm.” Nhưng, cũng vào giây phút ấy, ông nghĩ ngay thủ bút của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu: “Sáng ngày 17 Tháng Giêng, 1974, Tổng Thống Thiệu và phái đoàn gồm Trung Tướng Lê Nguyên Khang, (Tổng Tham Mưu Phó), Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, (Tư Lịnh Quân Ðoàn 1), Chuẩn Tướng Trần Ðình Thọ, (Trưởng Phòng 3 Bộ Tổng Tham Mưu), đến Bộ Tư Lịnh Vùng 1 Duyên Hải.” Tại đây, Ðề Ðốc Thoại “trình bài cặn kẽ địa hình địa thế của các đảo Hoàng Sa, lịch sử của các hải đảo này và những diễn tiến trong mấy ngày qua.”
Ông nói “...tình hình trong 24 giờ qua cho thấy Trung Cộng có ý định khiêu khích...”
Sau khi nghe Ðề Ðốc Thoại trình bày, “Tổng Thống Thiệu lấy bút giấy ra viết liên tục trong khoảng mười lăm phút. Sau khi viết xong, ông gọi tôi đến trước mặt ông và yêu cầu tôi đọc mấy trang giấy đó.”
Tổng Thống Thiệu nói: “Anh Thoại đến đây và đọc trước mặt tôi đây, có gì không rõ ràng cho tôi biết ngay từ bây giờ.” Trên đầu trang giấy có mấy chữ “Chỉ thị cho Tư Lịnh Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải.” Ðề Ðốc Thoại nhớ lại: “Những chữ này làm tôi hơi khó chịu vì ông Thiệu không ghi Tư Lịnh Quân Khu 1 hay Tư Lịnh Hải Quân mà lại đề thẳng chức vụ của tôi. Lúc đó tôi không nghĩ ra rằng với chức vụ Tổng Tư Lịnh của Quân Ðội, ông có toàn quyền chỉ thị trực tiếp mỗi đơn vị trưởng trong quân đội. Trong trang chót thì có đoạn ‘Chỉ thị cho Thủ Tướng Chánh Phủ.’”
Sau khi trao thủ bút cho Ðề Ðốc Thoại, Tổng Thống Thiệu nói tiếp: “Chúng ta không để mất một tất đất nào cả.”
Trở lại tình hình buổi sáng ngày 19 Tháng Giêng, 1974. Ðề Ðốc Thoại viết trong hồi ký, rằng ông và Ðại Tá Ngạc cùng đồng ý “là khi tình hình quá căng thẳng thì mình phải khai hỏa trước để giảm thiểu thiệt hại. Ðại Tá Ngạc đồng ý với tôi là chiến hạm Việt Nam phải khai hỏa trước.”
Ðề Ðốc Thoại nhắc thêm: “Anh nhớ hãy chỉ thị cho tất cả chiến hạm khai hỏa cùng một lúc khi anh bắt đầu khai hỏa!”
(Kỳ sau: Khai chiến Hoàng Sa trong một “tâm trạng không bao giờ quên,” theo lời cựu Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại. Tổn thất bao nhiêu? Và người Mỹ đã hành xử ra sao trong trận chiến ấy? Xin theo dõi kỳ sau: “Chuyện phải đến đã đến.”)


Hải Chiến Hoàng Sa, 19 tháng Giêng, 1974 (kỳ 2)
Ðông Bàn - Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt
Saturday, January 16, 2010
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=107021&z=3

Chuyện phải đến đã đến

LTS - 19 Tháng Giêng, 1974, trận hải chiến giữa Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa và Trung Cộng nổ ra tại quần đảo Hoàng Sa. Nhân kỷ niệm 36 năm trận hải chiến, và nhân dịp các cựu quân nhân Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa tổ chức “Ngày Hoàng Sa” tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh trong trận đánh cách đây 36 năm, Người Việt xin ghi nhận một số ý kiến của những người từng tham gia trận đánh, ở nhiều góc độ, và trình bày trong loạt bài viết nhiều kỳ. Bài viết này được xây dựng cốt yếu dựa trên hồi ký “Can Trường Trong Chiến Bại” của cựu Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại, với sự đồng ý của tác giả.
------------------------------

Chuyện gì đến đã phải đến. Ðề Ðốc Thoại viết, “Tâm trạng bồi hồi, một cảm giác mà tôi không bao giờ quên, nhưng vì không rõ vị trí của từng chiến hạm, qua máy âm thoại, tôi nói tiếp, ‘Tùy nghi khai hỏa khi nào anh (Ðại Tá Hà Văn Ngạc) sẵn sàng!’”
“Vài phút sau tiếng nổ chát chúa của các hải pháo vang vội trong máy truyền tin. Dường như Ðại Tá Ngạc hoặc nhân viên vô tuyến cố tình bấm nút ‘On’ để tôi có thể nghe. Tôi vừa hãnh diện cho Hải Quân Việt Nam vừa lo sợ cho hải đội của Ðại Tá Ngạc. Giọng Ðại Tá Ngạc rất bình tĩnh và nhà binh: ‘Báo cáo đã bắt đầu khai hỏa!’ Tôi trả lời ngay: ‘Tôi nghe tiếng súng rồi, anh Ngạc,’ và sau đó là một sự yên lặng trong khoảng năm mười phút nhưng đối với tôi nó kéo dài như hằng giờ.”
“Toán đổ bộ của HQ 16 trên xuồng cao su đang chèo ra khơi thì trận hải chiến bắt đầu, thình lình một tiếng nổ lớn vang rền, nhìn kỹ thì họ thấy đó là một tàu Trung Cộng bị trúng đạn của chiến hạm Việt Nam. Cả toán reo lên và vị trung úy chỉ huy kêu gọi cả toán cùng hát bài: ‘Việt Nam, Việt Nam!’”
Theo lời cựu Thiếu Tá Phạm Văn Hồng, xuất thân khóa 20 Võ Bị Ðà Lạt, nguyên là thiếu tá Bộ Binh, sĩ quan lãnh thổ của Phòng 3 Quân Ðoàn I, phụ trách những công việc liên quan đến lãnh thổ, trong đó có Hoàng Sa thuộc tiểu khu Quảng Nam, thì ông được lệnh của Quân Ðoàn, thiết lập một phi trường tại Hoàng Sa: “Tôi nhớ là ngày 16 hoặc 17 Tháng Giêng, khi nhận được lệnh của Quân Ðoàn thiết lập một phi trường ở Hoàng Sa, tôi cùng một số quân nhân đi ra đảo để thi hành công tác. Chiếc HQ16 do Trung Tá Lê Văn Thự chỉ huy đưa đoàn chúng tôi ra đảo, gồm tôi là trưởng đoàn, Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Ðà Nẵng là ông Kosh, hai trung úy Công Binh là anh Lê Văn Ðá và anh Vũ Hà cùng hai hạ sĩ quan truyền tin.”
Theo ông Hồng, thời điểm 1974, đảo Hoàng Sa có khoảng “trên 20 anh em địa phương quân trú đóng và do Trung Úy Phạm Hy chỉ huy, và năm hoặc sáu chuyên viên khí tượng. Còn bên cạnh đảo Hoàng Sa là đảo Cam Tuyền (còn gọi là Robert) thì có một số anh em hải quân do chiếc HQ4 hay chiếc HQ16 thả họ xuống.”
Vẫn theo Thiếu Tá Hồng, nhóm của ông “ngủ trên đảo có một đêm thôi. Sau khi xong nhiệm vụ, chúng tôi trở lại chiếc HQ16. Lúc đó, tình hình đã căng thẳng lắm rồi. Tôi thấy chiếc HQ5 và chiếc HQ4 từ Ðà Nẵng đi ra. Thời điểm này, Ðại Tá Hà Văn Ngạc là người tổng chỉ huy mặt trận ngoài đó. Chúng tôi được lệnh lên chiếc HQ5. Ðêm khuya hôm đó, Ðại Tá Ngạc gọi tôi lên phòng chỉ huy, nói rằng: ‘ông Kosh này là bạn của tôi. Ông ta ở trên tầu và cảm thấy không an toàn nên yêu cầu được đưa trở lại đảo Hoàng Sa.’”
“Chúng tôi được đưa trở lại đảo khuya hôm đó bằng xuồng nhỏ.”
Thiếu Tá Hồng nhớ lại: “Chúng tôi vào đảo mà không ai biết cả. Nghĩa là toán quân và các chuyên viên khí tượng đã ngủ hết rồi. Sáng hôm sau thì súng nổ ngoài khơi. Lúc đó tôi vừa thức dậy và đang đánh răng. Lập tức, tôi leo lên sân thượng của đài khí tượng, anh Kosh đứng cạnh, thì thấy pháo tháp của chiếc HQ16 bị trúng đạn. Chiếc HQ16 chỉ bị nghiêng 30 độ, lủng một bên và hư đài radar. Còn chiếc HQ10 Nhật Tảo do Thiếu Tá Ngụy Văn Thà chỉ huy thì bị chìm.”
“Mọi người lập tức lao ra các giao thông hào và sẵn sàng trong tình trạng tác chiến. Trận hải chiến ngoài khơi diễn ra rất nhanh. Bên mình gồm có HQ10, HQ16, HQ4 và HQ5. Sau khi trận hải chiến ngã ngũ, tức là tất cả tàu chiến của mình quay đuôi về phía đảo và quay mũi ra ngoài khơi; còn Trung Cộng bao vây các đảo bằng rất nhiều tàu nhỏ, thì chúng tôi là người bị cô lập. Theo tôi ước lượng, quân Trung Cộng đổ bộ cả một tiểu đoàn lên đảo, trong khi chúng tôi chỉ có một trung đội.”

Về mặt tổn thất, Ðề Ðốc Thoại ghi nhận:
Hải Quân Trung Cộng:
Hộ Tống Hạm Kronstad 274 bị chìm, chiến hạm này do hạm trưởng là Ðại Tá Quan Ðức chỉ huy (tử trận). Vì chiến hạm này là soái hạm nên hầu hết bộ tham mưu đều tử trận, gồm: Ðô Ðốc Phương Quang Kinh, Tư Lịnh Phó Hạm Ðội Nam Hải của Hải Quân Trung Cộng, bốn đại tá, sáu trung tá, hai thiếu tá, bảy sĩ quan cấp úy và một số đoàn viên.
Hộ Tống Hạm Kronstad 271 hư hại nặng, ủi bãi sau đó phải phá hủy, hạm trưởng là Ðại Tá Vương Kỳ Uy (tử trận).
Trục lôi hạm số 389 bị hư hại nặng do Trung Tá Triệu Quát (tử trận) chỉ huy.
Trục lôi hạm số 396, bị hư hại nặng do Ðại Tá Diệp Mạnh Hải (tử trận) chỉ huy.
Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa:
Hộ Tống Hạm Nhựt Tảo (HQ 10) bị chìm do Thiếu Tá (truy thăng cấp trung tá) Ngụy Văn Thà (tử thương) chỉ huy với 24 chiến sĩ khác hy sinh và 26 chiến sĩ mất tích (hạm phó, Ðại Úy Nguyễn Thành Trí tử thương trên xuồng cao su sau khi chiến hạm chìm).
Khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ 4) bị hư hại với hai chiến sĩ tử thương.
Tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ 5) bị hư hại với hai chiến sĩ hy sinh.
Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ 16) có một chiến sĩ hy sinh và 14 chiến sĩ khác trôi dạt trên xuồng cao su về Qui Nhơn.
Hai nhân viên người nhái tử thương trên hải đảo. Hai nhân viên người nhái tử thương trên hải đảo.
Hai mươi tám quân nhân Hải Quân, Lục Quân và Ðịa Phương Quân Việt Nam bị bắt làm tù binh và đưa về Trung Hoa Lục Ðịa.

Trận chiến diễn ra trong vòng nửa giờ đồng hồ, theo lời cựu Thiếu Tá Phạm Văn Hồng: “thì quân Trung Cộng tràn ngập trên đảo, trong bọn họ có nhiều người nói tiếng Việt. Tôi là người bị bắt sau cùng, lúc đó khoảng 1 giờ 15 phút buổi trưa. Tất cả anh em khác bị bắt trước đó khoảng hơn hai tiếng. Chúng tôi bị đưa vào nhà khí tượng trên đảo, sau đó khoảng năm giờ, tàu nhỏ đưa chúng tôi đi đảo Hải Nam. Tôi, ông Kosh và bốn sĩ quan nữa bị đưa từ Hoàng Sa về Hải Nam và ngay lập tức máy bay của Tàu bốc tôi từ Hải Nam về Quảng Châu. Còn anh em hạ sĩ quan thì Trung Cộng đưa họ bằng tàu nhỏ về Hải Nam, rồi từ đó đưa bằng tàu thủy vào Quảng Châu.”
Thiếu Tá Hồng nói rằng, những người Hoa nói tiếng Việt là “người Hoa ở miền Bắc Việt Nam,” “Tôi biết chắc như vậy, vì họ sơ hở nói với tôi là họ biết đường đi tắt từ Ðại Lộc sang Ðiện Bàn rồi qua Hội An. Nếu không sống ở Việt Nam, làm sao họ biết rõ đường đi nước bước như vậy.”
Cũng theo ghi nhận của cựu Ðề Ðốc Thoại, thì tại vị trí “chiếc Nhựt Tảo chìm, một số thủy thủ đang lềnh bềnh trên mặt nước, người thì đeo phao, người thì bám vào tất cả những gì đang nổi trên mặt nước. Dã man nhứt là khi một số thủy thủ thuộc chiến hạm Nhựt Tảo đa số bị thương, bị tàu Trung Cộng bất chấp quy lệ về hải chiến tiếp tục bắn xối xả vào các chiếc bè, rất may chỉ có một nhân viên bị thương nhờ tất cả nằm sát xuống bè để tránh đạn.”
(Kỳ sau: Những chiến sĩ tham gia trận Hoàng Sa bị phía Trung Cộng bắt đã được trao trả ra sao? Cảm nhận khi được trao trả và thời điểm đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất. “Từ đây, hai chữ 'Tổ Quốc' không còn trừu tượng!”)


Tài Liệu Trận Hải Chiến Hoàng Sa

http://haichienhoangsa.tk/

Mời xem Utube
http://www.youtube.com/user/HaiNgoaiPhiemDam#p/u/0/SYOqiNZCdS4


Trận hải chiến Hoàng Sa (BBC)
15 Tháng 12 2007 - Cập nhật 12h46 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/programmes/story/2007/12/vietnamtoday_wk50_2007.shtml


No comments: