Tuesday, January 12, 2010

IDS, BÁT NHÃ, TRẦN ANH KIM, TALAWAS... và ĐẠI HỘI 11

IDS, Bát Nhã, Trần Anh Kim, Talawas… và Đại Hội 11
Phong Uyên
Đăng ngày 11/01/2010 lúc 13:39:17 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4496
Trong khoảng thời gian từ 6 tháng nay, những ai theo dõi thời cuộc Việt Nam từ nước ngoài đều có những nhận định khác nhau khi bàn về chủ đích và phương cách đàn áp của chính quyền CSVN đối với những đối tượng có vẻ không có quan hệ gì với nhau như Viện IDS, Tăng ni Bát Nhã, những trí thức trẻ trong nước, những người đã phục vụ chế độ như cựu đảng viên Vi Đức Hồi, cựu sĩ quan Trần Anh Kim, những Websites trong và ngoài nước như Bauxít Việt Nam, Talawas...

1. Lược kê những nhận định có vẻ trái ngược nhau


Nhận định thứ Nhất:
Sắp đến ngày khai mạc Đại Hội Đảng lần thứ 11,ĐCSVN rất lúng túng không có đường lối nhất định, nội bộ rạn nứt, chia rẽ, nên có những hành động không nhất quán, những biện pháp đàn áp thô bạo.

Chứng cớ:
- Trung ương không chi phối được địa phương. Tranh giành quyền lực giữa các phe phái địa phương đã đưa đến vụ Vi Đức Hồi. Xua đuổi tăng ni tu viện Bát Nhã ở Lâm Đồng cũng chỉ là sự tranh giành nhà đất giữa các phe phái Phật tử với nhau với sự toa rập vì quyền lợi của chính quyền địa phương.
- Ngay ở Trung ương cũng có sự tranh giành quyền lợi giữa các phe phái, đặc biệt là giữa phe "Nhà nước" nắm quyền hành chính và kinh tế với phe "Lãnh đạo" nắm bộ máy Đảng: Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đưa ra những đề nghị cải cách kinh tế, giáo dục được sự hưởng ứng của mọi tầng lớp trí thức nhưng có thể đụng đến quyền lợi của nhiều người trong chính phủ. Vì vậy phải bày ra Quyết định 97 để bức tử IDS. Nguy cơ " tự diễn biến ", " tự chuyển hoá ", có thể xảy ra làm sụp đổ Đảng nên Ban Tuyên hoá phải đưa ra Chỉ Thị 34. Vi Đức Hồi bị quản thúc, Trần Anh Kim bị xử tù cốt để cảnh báo những người trong Đảng và những phần tử trong quân đội muốn tự chuyển hoá. Luật sư Lê Công Định, thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung, sẽ bị ra toà ngày 20 và 21 tháng 1 này với tội danh "Âm mưu lật đổ chế độ" cũng vì bị coi là đối tượng của Chỉ thị 34.

Nhận định thứ Hai:
Đã có những thỏa thuận giữa các phe phái trong Đảng từ cả năm trước ngày khai mạc Đại Hội Đảng 11 rồi về đường lối phải đi để Đảng vẫn tiếp tục giữ quyền hành và chia nhau quyền lợi.

Đường lối phải đi là triệt tiêu mọi mầm mống đòi dân chủ hoá Đảng để đổi mới chế độ theo kiểu Gót Ba Chốp. Những mầm mống này mọc rễ trong thành phần trí thức sinh viên, trong nhóm sĩ quan trẻ, trong hàng ngũ đảng viên cấp dưới. Chiến lược "triệt tiêu" những đối tượng được xác định là nguy hiểm cho chế độ đã được Ban Tuyên giáo đề ra đang được thực hành theo đúng kế hoạch tuần tự nhi tiến:
- IDS, có khả năng "mớm" ý cho mọi tầng lớp trí thức, sinh viên, bị bức tử trước tiên.
- Sau đó là: Cô lập, quản chế Vi Đức Hồi để doạ dẫm tầng lớp đảng viên thấp cổ bé miệng quá chán những hành động lộng quyền tham nhũng của những ông lớn trong Đảng, có ý muốn thoát li khỏi Đảng. Xử tù Trần Anh Kim với những lời kết tội vu vơ ở một toà án địa phương không ngoài mục đích loại bỏ một nhân vật có thể trở thành gương mẫu cho những sĩ quan cấp dưới còn giữ được lí tưởng yêu nước.
- Giải tán hội đoàn tăng ni Bát Nhã là có ý nhắm vào Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Từ trước tới nay chính quyền CSVN không bao giờ cho phép một hội đoàn nào được quyền tụ tập quá mấy chục người, kể cả Giáo hội Công giáo có chỗ dựa quốc tế. Chấp nhận Bát Nhã Lâm Đồng quy tụ 400 tăng ni là có ý muốn chứng tỏ với quốc tế chính sách tôn giáo của mình kết hợp được một vị thiền sư có danh tiếng quốc tế. Khi thấy thiền sư Nhất Hạnh có vẻ hơi cứng đầu và uy tín mỗi ngày một lớn có thể trở thành một Đạt Lai Lạt Ma Việt Nam, ĐCSVN phải tìm cách xua đưổi giải tán tập đoàn tăng ni này để tránh nguy cơ 400 tăng ni Bát Nhã gieo mầm "hạt giống bồ đề" tạo ra những Bát Nhã khác thoát khỏi sự kiểm sát của chế độ.
- Cần phải triệt hạ 2 websites Talawas và Bauxít Việt Nam vì lí do sau đây:
1° Không thể để 2 Websites này cứ tiếp tục vượt qua những điều cấm kỵ: Bauxít Việt Nam đưa ra những tin tức bị cấm phổ biến ở Việt Nam và khích động lòng yêu nước chống Trung Quốc. Talawas trở thành một diễn đàn chung cho mọi độc giả trong và ngoài nước có cơ hội bàn luận và nhất là phản biện những sự kiện, những lời tuyên bố hớ hênh, những câu nói ngớ ngẩn của các vị lãnh đạo như các blogs hay mục Ý kiến độc giả của báo chí các nước dân chủ đã làm.
2° Khó có thể vu cáo những người chủ biên Talawas, Bauxít Việt Nam, các nhà văn Phạm Thị Hoài, Phạm Toàn, Nguyên Ngọc... trước nay chỉ biết có miền Bắc và chỉ hoạt động văn nghệ ở miền Bắc, là thuộc thành phần "phản động" hoài vọng miền Nam để phá bỏ sự tin cậy mỗi ngày một lớn của các độc giả thuộc giới trí thức trẻ trong và ngoài nước về tính cách đứng đắn của những Websites này.

Nhận định thứ Ba:
Từ trước tới nay trong ĐCSVN vẫn có 2 xu hướng Tả khuynh, Hữu khuynh, Bảo thủ và Cấp tiến. Tình thế trong nước và ngoài nước hiện nay đòi hỏi Đại Hội 11 phải quyết định một sự thay đổi toàn bộ về nhân sự cũng như về thể chế.

Tranh chấp giữa hai phái Bảo thủ và Cấp tiến vì vậy đã lên đến cao độ:
- Phái Bảo thủ tìm đủ mọi cách triệt hạ những thành phần trí thức và những phần tử trong Đảng và trong quân đội có thể làm hậu thuẫn cho phái Cấp tiến nếu phái này sau Đại Hội 11 nắm được ưu thế, thay đổi chính sách ngoại giao và kinh tế, xích lại gần Tây phương hơn để cân bằng ảnh hưởng Tàu. Những thăm viếng hữu nghị, những hợp tác quân sự với Tây phương gần đây lại càng làm phái Bảo thủ sôi máu hơn.
- Phái Bảo thủ không bao giờ muốn cởi mở chính trị vì sợ sẽ tạo ra một Gót Ba Chốp Việt Nam đổi mới Đảng, làm sụp đổ chế độ khiến phe bảo thủ mất hết mọi lợi quyền. Lực lượng của phe Bảo thủ là Công an và Tuyên giáo. Chỗ dựa của phe Bảo Thủ là Trung Quốc tuy biết là phải trả cái giá vô cùng đắt đỏ là chính trị, kinh tế, quân sự, đất đai Việt Nam sẽ bị Trung Quốc khống chế.
- Phái Cấp tiến vẫn giữ chế độ độc đảng nhưng muốn "đổi mới" Đảng theo nghĩa là phá bỏ bộ máy "Lãnh đạo" thành trì của phái Bảo thủ. "Quyền Lãnh đạo" là một quyền chồng chéo thật mơ hồ, nguồn gốc của lộng quyền, của tham nhũng và tạo gánh nặng cho ngân quỹ quốc gia. "Đảng Đổi mới" vẫn giữ độc quyền hành pháp: Thủ tướng nắm luôn chức vị Tổng bí thư Đảng. Tuy vẫn là chế độ độc đảng nhưng thể chế này gần với chế độ đại nghị hơn và dễ đi đến dân chủ hơn vì trong Quốc hội sẽ có 2 phe, "cầm quyền" và "phản biện". Hai phe này có thể sau sẽ trở thành 2 thành phần luân phiên nhau nắm quyền. Lập pháp cũng nhờ vậy mà có chút độc lập với Hành pháp.

2. Thử bàn luận về những nhận định này

Nhận định thứ Nhất:
Thật là quá chủ quan nếu nghĩ là ĐCSVN hiện nay rất lúng túng trước sức ép của toàn dân, không thích nghi được với đà tiến hoá nên bắt người một cách thô bạo rồi không biết giải quyết làm sao, trở thành lố bịch bị sa lầy trước khi bị đào thải:

Nhìn lại lịch sử thế giới cận đại sẽ thấy trước nay, ngoài những chính thể độc tài cá nhân, chưa có một chính thể độc tài tập thể nào mà nhân dân, dù đồng lòng đến đâu, có thể lật đổ được. Lấy những thí dụ trước mắt là chế độ độc tài quân phiệt Miến Điện: Nhân dân tranh đấu đã từ mấy chục năm nay, cả triệu người xuống đường biểu tình, cả trăm người bị bắn chết bất kể là sinh viên hay các vị sư sãi trong một nước tôn sùng đạo Phật. Một chế độ bị cả thế giới phỉ nhổ mà vẫn vững như bàn thạch vì ngoài tập đoàn "quân đội" còn có sự hỗ trợ của Trung Quốc. Iran, với chế độ "Độc Đạo toàn trị" chẳng khác gì chế độ "Độc Đảng toàn trị" ở Việt Nam, cũng vậy. Ở Việt Nam đã khi nào có cả triệu người xuống đường biểu tình chống chế độ ? Đã khi nào có những nhân vật được kính nể, có thể so sánh được với các giải thưởng Nobel, Aung San Suu Kyi, Miến điện, Shirin Ebadi, Iran, dám lên tiếng, dám ở tù ? Chế độ cộng sản sụp đổ ở Liên Xô là vì những người trong chế độ tự thanh toán lẫn nhau và chế độ Putin hiện giờ cũng vẫn "độc phái toàn trị", cũng vẫn dùng những thủ đoạn vu khống, cầm tù, ám sát những luật sư, những nhà báo tự do và còn thêm cái bất công xã hội của thời Sa hoàng nữa. Dân Đông Đức phá tường Berlin là để chạy lấy thân chứ đâu vì dám chống phá chế độ cộng sản?
Chế độ cộng sản kiểu Trung Quốc còn vững chắc hơn nữa vì dựa vào 70 triệu đảng viên và cả mấy trăm triệu thành phần trung lưu thành thị sống nhờ Đảng. Ở Việt Nam ĐCS có hơn 3 triệu đảng viên kéo theo họ hàng thân thích (mỗi gia đình Việt Nam trung bình là 6 người) cũng thành ít nhất là 20 triệu người (1/4 dân số) có dính líu tới ĐCS để sinh sống. Dù muốn dù không số dân đó đã tạo cho Đảng một chỗ dựa vô cùng vững chắc.

Nhận định thứ Hai:
Nhận định này có vẻ gần sự thực nhất: Từ trước tới nay óc "cường hào lý mục" chia nhau chiếu trên chiếu dưới trong làng trong xã vẫn ngự trị trong đầu các chóp bu cầm quyền ĐCSVN. Bởi vậy dù có đấm đá nhau thế nào chăng nữa, các phe phái trong Đảng cũng sẽ đi đến thoả hiệp chia quyền chia lợi với nhau và cùng nhau đưa kế hoạch triệt tiêu tất cả mọi mầm mống, manh nha có thể đe doạ sự độc tôn của Đảng. Và cũng vì vậy Đảng khó mà tự rạn nứt và đổ vỡ.
Tất nhiên là không có phe này tiêu diệt phe kia như ở Trung Quốc, sẽ không có tiến triển chính trị và sẽ đưa đến sự hững hờ của người dân về tiền đồ đất nước. Vòng cương toả Trung Quốc chạy từ biên giới phía Bắc qua Lào, Cambốt phía Tây phía Nam, bọc qua các hải đảo biển Đông phía Đông, sẽ mỗi ngày một thắt chặt, biến Việt Nam thành nơi khai thác tài nguyên và thị trường tiêu thụ Trung Quốc. Chính trị, kinh tế, quân sự Việt Nam sẽ hoàn toàn dưới sự khống chế của Trung Quốc và một ngày kia Trung Quốc không cần đánh (và cũng không dại gì mà đánh), Việt Nam cũng sẽ gần như là quận huyện của Trung Quốc.

Nhận định thứ Ba:
Nếu thật sự có sự tranh chấp một mất một còn giữa 2 phe Bảo thủ và Cấp tiến và sau Đại Hội 11 phe Cấp tiến được ưu thế quyết tâm thay đổi thể chế thì thật là đại phúc cho dân tộc:
- Quyền lực chính trị Việt Nam không dựa vào Tàu sẽ làm thất bại ý đồ G2 giữa Tàu và Mỹ chia nhau Đông Nam Á. Việt Nam giữ được trung lập trong Asean sẽ không bị Mỹ gán cho Tàu cùng với Lào, Cambốt và Miến Điện để Mỹ chỉ giữ Philippines, MãLai Á, Thái Lan, Indônêsia.
- Việt Nam sẽ dễ liên kết với Philippines, Thái Lan, Brunei hơn để đối mặt với Tàu trong vấn đề Biển Đông.
- EU và Mỹ là thị trường tốt cho nông ngư sản và những sản phẩm tiểu công nghệ, mỹ phẩm Việt Nam, trước nay vẫn đem lại cho Việt Nam thặng dư mậu dịch nếu không bị mất hết vì mua đồ Tàu. Tăng cường thị trường tiêu thụ hàng Việt Nam ở Âu Mỹ là tránh cho Việt Nam khỏi mỗi ngày một thêm trở thành thị trường của Tàu.
- Phái Cấp tiến nắm quyền thức thời hơn sẽ trả tự do cho những người đối kháng và sẽ nới lỏng truyền thông báo chí. Hoà giải dân tộc có cơ thực hiện để toàn dân cùng những người cầm quyền tập trung nội lực chống ngoại xâm và chấn hưng kinh tế.

3. Ảo tưởng về hai phe trong Đảng tranh chấp nhau


Nhưng không có gì chắc chắn là nhận định thứ Ba phản ánh đúng tình trạng hiện nay là có sự tranh chấp một còn một mất giữa 2 phái trong Đảng. Có lẽ đó chỉ là ảo tưởng:
Cách đây 4 năm Đại Hội Đảng lần thứ 10 được tổ chức rầm rộ với sự xuất hiện của nhiều nhân vật trẻ trung, có học miền Nam như Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng, hoàn toàn khác với những lãnh đạo già nua ít học miền Bắc, đã đem lại cho nhiều người hi vọng sẽ có đổi mới chính trị.
Cho tới ngày này, 4 năm sau, bộ mặt những nhân vật "đổi mới" đó không khác gì những bộ mặt cũ Lê Đức Anh, Đỗ Mười, mà còn lờ phờ hơn, trở thành cũ rích, khiến mọi hi vọng có sự thay đổi đều tiêu tan thành mây khói. Càng gần đến ngày khai mạc Đại Hội 11 chính sách đàn áp kết tội bỏ tù những người đã 3 đời được chế độ nuôi dưỡng, là phản động âm mưu lật đổ chính quyền, lại càng khốc liệt hơn. Kinh tế thì hoàn toàn phụ thuộc kẻ thù truyền kiếp. Chênh lệch giàu nghèo do tham nhũng tạo ra đã lên đến mức khủng khiếp.
Khó mà không kết luận là sau Đại Hội 11 cũng sẽ vẫn ông "Nguyễn Y Vân" (vẫn y nguyên) nắm toàn quyền trong tay, phân phối chức quyền cho các vai vế trong "Đảng Lãnh đạo" và "Đảng Nhà nước".
Mặc dầu vậy tôi vẫn thỉnh thoảng tin Linh thiêng đất nước tạo ra phép lạ là một trong những nhân vật mà tôi kỳ vọng từ ĐH10, đợi sau ĐH11 có đủ vây cánh, sẽ ra tay chuyển hoá Đảng.

Phong Uyên
© Thông Luận 2010



No comments: