Sunday, January 3, 2010

HỘI NGỘ ĐẦU NĂM của CỰU CHIẾN BINH SƯ ĐOÀN I BB/QLVNCH

Hội ngộ đầu năm của các cựu chiến binh Sư Ðoàn I BB/QLVNCH
Nguyên Huy/Người Việt
Saturday, January 02, 2010
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=106359&z=3

Không khí hội ngộ của SÐ I BB thật náo nhiệt trước nhà hàng Seafood World.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/106359-medium_DP-090102-SuDoanBB%201.jpg

Lễ truy điệu các chiến sĩ VNCH vị quốc vong thân và Cố Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Ðiềm, vị tư lệnh cuối cùng.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/106359-medium_DP-090102-SuDoanBB%202.jpg

Trong không khí vui tươi hy vọng của ngày đầu một năm mới, hơn 500 cựu chiến sĩ thuộc Sư Ðoàn I BB/QLVNCH đã có cuộc họp mặt lần đầu tiên tại Nam California.
Ngay từ lúc 4 giờ chiều ngày mùng Một, Tháng Giêng năm 2010, hàng trăm cựu chiến sĩ SÐ I BB đã cùng gia đình tập trung trước nhà hàng Seafood World, bên cạnh chiếc Jeep lùn A2 và một bức phông lớn cảnh các chiến sĩ QLVNCH tái chiếm cổ thành Quảng Trị tượng trưng cho những gì của một thời mà những người trai của thế hệ đã dâng hiến. Không khí náo nhiệt hẳn lên khi từng tốp cựu quân nhân, người thường phục, người trong quân phục ngày nào, hớn hở tìm nhau tay bắt mặt mừng, hỏi han nhau đủ thứ chuyện mà chuyện nào cũng có bóng dáng của “đơn vị cũ, chiến trường xưa,” ai mất ai còn nơi xứ tạm dung này.
Cựu Trung Úy Ðặng Văn Lộc đến từ Chicago đang nhắc lại các trận chiến Tây Nam Huế, trận “ Phun Lơ”, với cựu Ðại Úy Võ Cung đến từ North Carolina. Cả hai cùng có mặt trong các trận đánh này, trận đánh này SÐ I BB đã làm tan nát hậu cứ lớn của quân CSBV yểm trợ hậu cần cho các binh đoàn chính quy của CSBV đã tràn qua vĩ tuyến 17 bất kể là vùng “phi quân sự” theo Hiệp Ðịnh Giơ Neo 1954.
Cựu Thiếu Tá Nguyễn Mỹ, một trong những người đứng tổ chức cuộc hội ngộ này cho biết, “Chúng tôi dự trù khoảng 400 anh em sẽ có mặt nhưng anh ơi, các chị phụ trách tiếp tân vừa cho biết con số khách đến đã vượt qua 500 rồi. Ðây là lần đầu tiên anh em chúng tôi họp mặt tại thủ đô của người Việt tị nạn. Ba năm trước đây chúng tôi đã gặp gỡ nhau một lần ở Philadelphia sau hơn 30 năm chia lìa nhau. Lần hội ngộ này cũng là để kỷ niệm 55 ngày sư đoàn được thành lập đồng thời cũng là để anh em cùng làm lễ Truy Ðiệu vị tư lệnh cuối cùng là Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Ðiềm cùng là những anh em đồng ngũ đã hy sinh trong cuộc chiến vừa qua.
Nghe trong phần giới thiệu mới thấy tình đồng ngũ của các cựu chiến binh SÐ I mặn nồng thế nào. Ban tổ chức đã nhắc đến mấy chục cựu chiến binh SÐ I đến từ Pennsylvania, Florida, Massachusett, Colorado, Virginia, Washington State, Illinois, Seattle và cả từ Canada là Nguyễn Phú Thọ, Nguyễn Mạnh Khải, Phạm Văn Chắc... Ðặc biệt có cả hai vị sĩ quan Tuyên Úy Phật Giáo và Tin Lành là Hòa Thượng Thích Hạnh Ðạo và Mục Sư Nguyễn Thiện Tín và cũng có cả các bào huynh và bào đệ của Cố Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Ðiềm nữa.
Buổi hội ngộ được bắt đầu từ cuộc lễ rước Hiệu Kỳ Sư Ðoàn và di ảnh Cố Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Ðiềm, vị tư lệnh sau cùng của SÐ I BB, từ ngoài vào trong hội trường đặt trên một bàn thờ tổ quốc thiết trí chính giữa sân khấu.
Sau nghi lễ chào cờ mặc niệm chung, lễ Truy Ðiệu diễn ra với ban Tế do anh em phụ trách với những lễ nghi cổ truyền. Bài Văn Tế được đọc lên nhắc nhớ đến công ơn của các chiến sĩ QLVNCH nói chung và SÐ I nói riêng cùng là của Cố Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Ðiềm đã trải qua biết bao gian nguy, khó nhọc để giữ vững được những phần đất vùng hỏa tuyến trong suốt cuộc chiến VN.
Nếu như Quân Sử được viết lại bây giờ chắc chắn sẽ ghi rằng SÐ I là một đơn vị phải chịu nhiều cam go nhất trong cuộc chiến VN. Trấn giữ một vùng địa đầu của Việt Nam Cộng Hòa là hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên, các chiến binh của SÐ I luôn luôn phải đối đầu với những binh đoàn quân cộng sản Bắc Việt suốt trong cuộc chiến VN nhất là sau khi Hiệp Ðịnh Paris 1973 được ký kết, quân cộng sản BV đã xé bỏ ngay hiệp định và ào ạt đưa quân vào miền Nam với sự viện trợ không giới hạn của khối cộng sản quyết chiếm trọn đất nước VN, trong khi quân Ðồng Minh Hoa Kỳ lần lượt triệt thoái theo sự ấn định của hiệp định. Cuộc chiến đã diễn ra thật tàn khốc với những trận chiến mang danh Lam Sơn, với Ðại Lộ Kinh Hoàng, với Mùa Hè Ðỏ Lửa...
Trong phần nhắc lại tiểu sử của sư đoàn, đại diện ban tổ chức, cựu chiến binh Bảo Túc đã liệt kê những dấu mốc thời gian từ khi sư đoàn mới chỉ là một liên đoàn, Liên Ðoàn 21 Bộ Binh lưu động vào thời gian sau năm 1954. Do kế hoạch phát triển Quân Ðội Quốc Gia VN trước những âm mưu “Chiếu Cố Miền Nam” của CSBV sau năm 1954, Sư Ðoàn I BB được thành lập vào ngày 1 Tháng Giêng, năm 1955 với đơn vị nòng cốt là Liên Ðoàn 21 Bộ Binh lưu động. Vùng hoạt động của sư đoàn là hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên. Sau đó vào năm 1961, hai tỉnh trên được sát nhập thành Khu 11 Chiến Thuật thì Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn cũng là Bộ Tư Lệnh của Khu 11 Chiến Thuật. Từ năm 1968, do tình hình chiến cuộc gia tăng, SÐ I BB thành lập thêm Trung Ðoàn 54 BB như vậy là SÐ có tới 4 trung đoàn trong đó Trung Ðoàn 2 có đến 5 tiểu đoàn. Bên cạnh đó SÐ cũng thành lập lực lượng phản ứng cấp thời với các đơn vị Hắc Báo để đáp ứng với nhu cầu chiến cuộc. Cũng thời gian này SÐ được tăng cường thêm Thiết Ðoàn 7 Kỵ Binh, Tiểu Ðoàn 1 Công Binh, 3 tiểu đoàn Pháo Binh 105 ly và một tiểu đoàn Pháo Binh 155 ly.
Ðến năm 1969 thì SÐ còn có thêm các tiểu đoàn yểm trợ gồm Truyền Tin, Tiếp Vận, Quân Y nữa.
Trong suốt cuộc chiến VN SÐ I BB đã tạo được nhiều chiến công hiển hách được lực lượng Ðồng Minh coi là một đơn vị tinh nhuệ của QLVNCH và cũng từng được tổng thống Hoa Kỳ ân thưởng huân chương. Về phía chính quyền VN, SÐ I BB được tưởng thưởng đến 11 lần Tuyên Dương Công Trạng trước quân đội và chiến binh SÐ được mang Dây Biểu Chương mầu Tam Hợp.
Kể về các vị tư lệnh sư đoàn từ ngày thành lập, nhiều vị tướng nổi danh đã từng là Tư Lệnh Sư Ðoàn I BB. Ðã có đến 15 vị tướng luân phiên nhau nhận lãnh trách nhiệm bảo vệ miền địa đầu đất nước. Ðó các vị Lê Văn Nghiêm, Nguyễn Khánh, Tôn Thất Ðính, Nguyễn Văn Truân, Tôn Thất Xứng, Nguyễn Ðức Thắng, Nguyễn Văn Thiệu, Ðỗ Cao Trí, Trần Thanh Phong, Nguyễn Chánh Thi, Phan Xuân Nhuận, Ngô Quang Trưởng, Phạm Văn Phú, Lê Văn Thân và Nguyễn Văn Ðiềm.
Nhắc đến SÐ I BB, tác giả Phạm Phong Dinh trong cuốn “Chiến Sử QLVNCH” đã viết, “Không có địa danh nào của Quân Khu I, đặc biệt trong hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên mà không có dấu chân người lính SÐ I BB với những trận chiến đẫm máu trong vùng thung lũng Ashau và trên những cao độ chập chùng A Lưới, trong trận phản công Tết Mậu Thân, bên cạnh đồng minh nơi ngọn đồi Hamburger Hill. và trong những trận đại phản công trong mùa Hè Ðỏ Lửa đẩy lùi quân Bắc cộng vào chốn rừng sâu hạ Lào, trấn thủ vững chắc khu vực Nam sông Bến Hải.”
Có lẽ vì thế mà những người lính của Sư Ðoàn I BB sau gần 35 năm mà vẫn tìm về được với nhau trong tình huynh đệ chi binh gắn bó như trong cuộc hội ngộ đầu năm mới 2010 vừa qua.



No comments: