Tuesday, January 26, 2010

HOA KỲ HỢP TÁC VỚI 4 NƯỚC HẠ NGUỒN SÔNG MEKONG

Mỹ bắt đầu cụ thể hoá chiến lược hợp tác với 4 nước hạ nguồn sông Mêkông, trong đó có Việt Nam
Trọng Nghĩa
Bài đăng ngày 26/01/2010 Cập nhật lần cuối ngày 26/01/2010 15:30 TU

http://www.rfi.fr/actuvi/articles/121/article_6628.asp
Tháng 7 năm 2009, tại Hội Nghị ASEAN ở Phuket, ngoại trưởng Clinton đã loan báo ý định của Mỹ là củng cố trở lại vai trò của mình trong khu vực. Yếu tố trung tâm của chiến lược này là Sáng kiến Lower Mekong Initiative đã được ký kết giữa Mỹ và 4 nước hạ nguồn Mêkông gồm Việt Nam, Lào, Cam Bốt và Thái Lan.

Dù không phô trương ồn ào, Hoa Kỳ vẫn kín đáo thúc đẩy sáng kiến này và đến thượng tuần tháng giêng vừa qua, bộ Ngoại giao Mỹ chính thức công bố một số chi tiết cụ thể về bước đầu hợp tác trong khuôn khổ sáng kiến đã đề ra.

Tài liệu thông tin đề ngày 06/01/2010 trên trang Web của bộ Ngoại Giao Mỹ đã xác định 4 lãnh vực hợp tác chủ yếu giữa Hoa Kỳ và 4 nước hạ nguồn sông Mêkông : môi trường, y tế, giáo dục và hạ tầng cơ sở. Điểm đáng chú ý là trong các đề án hợp tác, ngoài một số chương trình mới, phần còn lại đã dựa trên những chương trình đang thực hiện với từng quốc gia cụ thể, nhưng sẽ được phát triển thêm. Tài liệu đã nêu bật ba đề án đã bắt đầu được xúc tiến, trong đó có hai chương trình hợp tác liên quan tới Việt Nam.

Trước hết là Chương trình chia sẻ thông tin trong giới nghiên cứu khoa học nhằm tìm kiếm những phương cách phát triển vùng lưu vực sông Mêkông một cách bền vững. Trong khuôn khổ chương trình này, vào tháng 12 vừa qua, Viện Quan Sát Địa chất Hoa Kỳ và Trường Đại Học Cần Thơ của Việt Nam đã tập hợp các chuyên gia trong toàn khu vực để trao đổi thông tin về tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu và hoạt động của con người trên hệ sinh thái cũng như vấn đề an toàn lương thực cho vùng lưu vực sông Mêkông.

Bên cạnh đó, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ cũng đã làm việc với Việt Nam và Thái Lan trong một chương trình mang tên Đối tác trong việc đưa khí méthane vào Thị trường (Methane-to-Markets Partnership). Mục tiêu của đề án này là nhằm giúp phía Việt Nam và Thái Lan thu góp khí mêthane do súc vật trong các trại chăn nuôi thải ra, để sau đó chuyển hóa thành điện sử dụng.

Thắt chặt quan hệ với Ủy ban Sông Mêkông MRC
Ngoài các chương trình hợp tác cụ thể kể trên, Hoa Kỳ còn nêu rõ quyết tâm định chế hoá cơ cấu hợp tác với 4 nước vùng hạ nguồn sông Mêkông, một động thái được giới quan sát cho là nhằm hạn chế ảnh hưởng càng lúc càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Bề nổi của quyết tâm định chế hoá cơ cấu hợp tác "Hoa Kỳ - Mêkông" này việc Ủy ban Sông Mississipi của Mỹ sẽ chính thức ''kết nghĩa'' trong năm nay với Ủy ban Sông Mêkông, cơ chế liên chính phủ của 4 nước vùng hạ lưu sông Mêkông.
Về phần chính quyền Mỹ, bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng cử một người đặc trách Hồ sơ Mêkông trong Vụ Đông Á Thái Bình Dương. Đồng thời các hoạt động ngoại giao hướng về khu vực sông Mêkông cũng được tăng cường. Kể từ nay, ông Jeremy Bird, lãnh đạo hiện thời của Ban Thư ký Ùy ban Sông Mêkông sẽ ghé Washington trong các vòng công du của mình, trong lúc Hoa Kỳ sẽ thường xuyên cử quan sát viên đến dự các sinh hoạt của Ủy Ban Sông Mêkông.
Theo giáo sư Catherin Dalpino, chuyên gia về Đông Nam Á, nguyên phó trợ lý Ngoại Trưởng Mỹ, thì với hành động tích cực dấn thân vào vùng hạ nguồn sông Mêkông, Hoa Kỳ có thể hạn chế đà bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Trong thời gian qua, với tư cách là một nước trong lưu vực sông Mêkông, thông qua cơ chế Tiểu Vùng Sông Mêkông GMS, Trung Quốc đã không ngừng nâng cao uy thế, và thường xuyên bị tố cáo là lợi dụng vị trí trên thượng nguồn, chẳng hạn như thực hiện những công trình thủy điện, để thu lợi về mình, bất kể tác hại đối với 4 nước phiá dưới.
Theo các nhà quan sát, dù bất bình, nhưng tiếng nói của các nước Đông Nam Á đã bị thế lực của Trung Quốc lấn át. Trong tình hình đó, việc một cường quốc như Hoa Kỳ, với nhiều kinh nghiệm và khả năng công nghệ, quyết định dấn thân vào khu vực bên cạnh 4 nước hạ nguồn sông Mêkông, có thể giúp cân bằng trở lại tình hình trong vùng.


No comments: