Tuesday, January 5, 2010

HÀ NỘI TÍNH KIỂM SOÁT GIÁ CẢ THỊ TRƯỜNG CÙNG LÚC ĐÀN ÁP CHÍNH TRỊ

Hà Nội tính kiểm soát giá thị trường cùng lúc đàn áp chính trị
James Hookway (WSJ)
nvtncs lược dịch
05-01-2010
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7047
HÀ NỘI ‒ Đi ngược hẳng lại khuynh hướng mở cửa (thị trường và xã hội) Việt Nam đang xét lại việc kiểm soát giá thị trường của một loạt sản phẩm đồng thời tiếp tục đàn áp một số hoạt động cá nhân và chính trị.

Các doanh nghiệp nước ngoài lo lắng về sự đe dọa của kiểm soát giá cả, một điều mà nhiều nhà phân tích coi như một chuẩn hiệu của chủ nghĩa Marx trong quá khứ của Việt Nam. Việc này xẩy ra vào tháng trước, sau khi chính quyền cấm người dân truy cập vào các trang mạng như Facebook và Twitter, sau trường hợp bắt giữ (rồi thả) một số blogger chỉ trích chính phủ. Tháng mười vừa rồi, chín người bị trừng phạt nặng nề vì kêu gọi những cuộc biểu tình dân chủ.

Carlyle Thayer, một quan sát viên tình hình Việt Nam kỳ cựu và giáo sư tại Học viện Quốc phòng Úc ở Canberra, nói rằng phe bảo thủ trong Bộ Chính trị đang giữ chặt quyền lực, kiểm soát gắt gao tình hình tại Việt Nam, khi nền kinh tế của Việt Nam đang cơn khung hoảng, đặc biệt là lạm phát và hậu quả của sự giảm giá tiền tệ, càng ngày càng gia tăng. Ông Thayer nghĩ sẽ còn nhiều sự đàn áp và bắt giữ từ giờ đến lúc Đại hội Đảng, năm 2011, một sự kiện chính trị lớn nhằm mục đích để vạch rõ các định hướng chính trị và kinh tế của Việt Nam trong năm năm tới.

Kết quả, đàn áp chính trị đe dọa giảm bớt số đầu tư và sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Trong nhiều năm qua, các nhà tài trợ và giới đầu tư nước ngoài hy vọng sự tăng trưởng nhanh chóng sẽ đưa đến nhiều tranh luận chính trị và nền kinh tế ở đây tự do hơn sẽ xác định vị trí đất một nước có một nền kinh tế mới, năng động nhất châu Á và một móc nối quan trọng trong chuỗi cung cấp (hàng hoá) toàn cầu.

Đó là những gì đã xảy ra ở một số nước phát triển nhanh chóng khác trong khu vực. Trong hai mươi năm 1980 và 1990, các nền kinh tế lớn mạnh lên của Hàn Quốc và Đài Loan đã giúp phong trào dân chủ thắng những chế độ dựa vào quân đội.

Nhưng ở Việt Nam, tập đoàn lãnh đạo chọn đường lối mở rộng nhanh chóng một nền kinh tế trị giá $100 tỷ của đất nước nhưng lại không gây cơ hội để người dân đòi hỏi có nhiều tự do hơn.

Theo các tài liệu The Wall Street Journal đã tham khảo, và được chính phủ Việt Nam xác nhận, hiện giờ, đơn vị kiểm soát giá cả của Bộ Tài chính soạn thảo các đề nghị, nếu được chính phủ thực hiện, sẽ buộc tư nhân và các công ty ngoại quốc phải báo cáo cơ cấu giá cả.

Trong một số trường hợp, các quy tắc được đề xuất sẽ cho phép chính phủ định giá cả trên một loạt hàng hoá do hãng tư sản xuất hoặc nhập khẩu, gồm sản phẩm xăng dầu, phân bón và sữa để giúp chặn lạm phát trong khi Việt Nam vẫn tiếp tục bơm tiền vào một nền kinh tế thiếu kiên định. Thông thường, chính phủ chỉ áp dụng hình thức này, biện pháp mạnh này với các doanh nghiệp nhà nước, nhưng người ta chưa biết rõ Việt Nam sẽ ghi các quy tắc này vào pháp luật hay không.

Myron Brilliant, phó chủ tịch thứ nhất phụ trách quốc tế vụ tại Phòng Thương mại Hoa Kỳ ở Washington, đã viết cho quan chức Việt Nam, trong một bức thư ngày 15 tháng 12, The Wall Street Journal được biết, nói rằng kế hoạch của nhà nước Việt Nam sẽ “là một sự trở ngại cho việc đầu tư trực tiếp mới ở Việt Nam.”

Công dân Việt Nam, trong khi đó, đã phải mất một số quyền tự do chính trị và xã hội họ được hưởng trước kia, trong khi các nhà lãnh đạo cộng sản gặp khó khăn với một số vấn nạn như giảm giá tiền tệ và sự lạm phát ngày càng trầm trọng.

Các nhà ngoại giao lên tiếng với lãnh đạo Việt Nam sự quan tâm của họ về việc nhà nước ngăn cản truy cập mạng (internet). “Đây không phải là chuyện thanh thiếu niên tán gẫu trực tuyến,” Đại sứ Hoa Kỳ Michael Michalak đã nói với một hội nghị các nhà tài trợ ngày 3 tháng 12. “Mà là vấn đề quyền của người dân được giao tiếp với nhau và làm kinh doanh.”

Đại sứ Thụy Điển Rolf Bergman, thay mặt cho Liên minh châu Âu tại hội nghị đó, kêu gọi Việt Nam “xoá bỏ tất cả các hạn chế trên mạng (Internet).”

Quan chức chính phủ Việt Nam cũng chưa đáp ứng sự yêu cầu cho ý kiến, ngoại trừ việc xác nhận sự hiện hữu của dự thảo kế hoạch kiểm soát giá cả.

Trước đây, các nền kinh tế mới phát triển đã đảo ngược đường lối trong những thời gian khủng hoảng. Những nước láng giềng như Mã Lai và Thái Lan đã sử dụng sự kiểm soát vốn để ổn định tiền tệ, trong khi quyết định pháp lý bất ngờ là một mối rủi ro thường xuyên của việc kinh doanh tại các nước như Nam Dương và Phi Luật Tân.

Việt Nam, với dân số 86 triệu người, được nhiều nhà kinh tế coi là một đặt cược ít rủi ro chính trị. Các nhà phân tích coi tình hình mở mang kinh tế Việt Nam như một “Trung Quốc mới”, và những công ty lớn quốc tế từ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, như Ford Motor Co, Microsoft và Intel Corp, đã lập cơ xưởng hoạt động ở đó. Hiện giờ, hồ sơ nhân quyền ở Việt Nam trở nên trầm trọng hơn, khiến một số đối tác thương mại quan trọng, không còn miễn cưỡng, lên án nhà nước Việt Nam, một phần vì họ lo lắng rằng chỉ trích của quốc tế tăng có thể làm cho việc mở rộng quan hệ thương mại ở đây khó khăn hơn.

Nhiều nhà kinh tế và các nhà phân tích nói rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam hoang mang khi thấy nền kinh tế nhanh chóng lảo đảo từ tăng vọt đến phá sản và ngược lại, và đang dùng các biện pháp chính trị và kinh tế quyết liệt để khôi phục lại sự kiểm soát của họ trên cả nước. Một nhà phân tích có cơ sở lâu dài ở Việt Nam nhận xét rằng những thăng trầm gần đây của nền kinh tế, làm “chấn động sự tự tin của nhà cầm quyền trong ý niệm rằng cải cách kinh tế và mở cửa tự nhiên phải là điều tốt.”

Sự tương phản với khuynh hướng kinh tế trước kia, một khuynh hướng đã giúp xác định thuật ngữ “thị trường đi tiên phong” trong giới đầu tư, nổi bật rõ ràng. Trong những năm dẫn đến việc Việt Nam nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2007, Bộ Chính trị đã cố gắng đưa bộ mặt tốt nhất của nhà nước Việt Nam ra với thế giới bằng cách bổ nhiệm một nhà cải cách kinh tế, Nguyễn Tấn Dũng, làm Thủ tướng. Họ khuyến khích giới truyền thông địa phương vạch trần những sự tham nhũng và gian lận, trong khi những người bất đồng chính kiến được cho phép hoạt động hạn chế để chỉ trích hệ thống chính trị độc đảng của Việt Nam. Các giáo phái được phép tu tập theo tôn giáo của họ một cách tự do hơn.

Cùng lúc, nền kinh tế nhanh chóng mở rộng, với các công ty quốc tế lũ lượt kéo để đến tận dụng lợi thế giá thấp của lao động và đất đai ở Việt Nam. Phần lớn những tiến triển về kinh tế vẫn còn nguyên vẹn. Ngân hàng Thế giới dự kiến nền kinh tế của Việt Nam sẽ tăng 5,5% trong năm 2009. Đó là một thành quả tốt hơn nhiều nước láng giềng. Các nhà kinh tế như Ayumi Konishi, Giám đốc tại Việt Nam của Ngân hàng Phát triển châu Á, nói rằng triển vọng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn tốt đẹp.

Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng của Việt Nam kém hơn 8+% như đã trông mong. Sự gia tăng thâm hụt thương mại và ngân sách đã buộc chính phủ phải phá giá tiền tệ Việt Nam ba lần kể từ tháng sáu năm 2008, gần đây nhất, trong tháng mười một, đồng bạc Việt Nam giảm giá thêm 5%. Điều đó gây lo ngại lạm phát tăng cao, khiến nhiều người Việt Nam tranh giành lưu trữ tài sản của họ bằng vàng hoặc đô la.

Giáo sư Thayer, của Học viện Quốc phòng Australia, và các nhà phân tích khác lưu ý rằng các nhà lãnh đạo như Tô Huy Rứa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, và Tổng Cục trưởng Tổng Cục 2 Nguyễn Chí Vịnh, đã trở nên ngày càng có uy thế khi kinh tế của Việt Nam đã bắt đầu có vấn đề từ năm ngoái, trong khi ảnh hưởng của thủ tướng Dũng, người theo khuynh hướng cải cách, đang phai mờ. Người ta nghĩ rằng ông Rứa không tin tưởng ở thị trường tự do tư bản và có ý chống lại sự chuyển đổi của đất nước hướng tới một nền kinh tế cởi mở hơn. Nhiều cố gắng để gặp ông Rứa đã không có kết quả.

Đồng thời, các nhà phân tích nói chính các nhà hoạch định chính sách kinh tế cũng có một thái độ rất bảo thủ, và nhận xét Việt Nam đã ngừng cải cách kinh tế trước đó, đáng chú ý là trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1990. Các giới quen thuộc với vấn đề kiểm soát giá cả, nói rằng một số cơ quan ngoại giao, trong đó có Mỹ, đã lên tiếng về vấn đề kiểm soát giá với Việt Nam. Quan chức sứ quán Mỹ tại Hà Nội chưa lập tức đáp ứng sự yêu cầu bình luận.

Giới thiệt thòi nhiều nhất trong sự thụt lùi trở lại quá khứ, là những người bất đồng chính kiến, các nhà báo và bloggers. Một số bloggers và một số người hoạt động dân chủ bị giam giữ vì những bài họ viết chỉ trích việc nhà nước khuyến khích các công ty Trung Quốc khai thác mỏ quặng nhôm của Việt Nam ở trung nguyên. Kế hoạch khai thác mỏ đã trở thành một cột thu lôi cho các nhóm bất đồng chính kiến ở Việt Nam, trong đó có tướng Võ Nguyên Giáp, người đã lãnh đạo quân đội Việt chống quân đội Pháp và Mỹ trong những năm 1950, năm 60 và 70.

Một số người bị bắt đã được phóng thích sau khi hứa không nêu lên các vấn đề chính trị nữa, nhưng luật sư Lê Công Định đã bị bắt vào tháng Sáu vì việc bào chữa cho các người hoạt động chống chính phủ.

Sáu người đã bị kết án vào ngày 9 Tháng Mười, bị cáo buộc “tuyên truyền chống lại nhà nước,” vì đòi hỏi bầu cử đa đảng bằng những động thái công khai, như treo biểu ngữ (băng rôn) trên cầu, và qua mạng intenet. Một trong sáu người bị kết án là Nguyễn Xuân Nghĩa, một người viết tiểu thuyết nổi tiếng, .

Vào ngày 7 tháng 10, ba người khác bị tống giam cũng vì những “tội” kể trên, một hành động của nhà nước Việt Nam mà sứ quán Mỹ, trong một tuyên bố, nói rằng rất đáng “lo ngại.”

© DCVOnline

Nguồn:
Hanoi Weighs Price Controls in Crackdown, James Hookway


No comments: