Blogger không tin sẽ có cơ hội đối thoại
Trân Văn, phóng viên đài RFA
2010-01-23
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Bloggers-do-not-hope-for-dialogue-but-look-forward-to-playing-a-peace-tvan-01232010084857.html
Hôm 21 tháng 1, tại Bảo tàng Truyền thông, tọa lạc ở Washington D.C, bà Hillary Clinton, Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã trình bày quan điểm của chính phủ Hoa Kỳ về “Tự do trên Internet”.
Một trong những nội dung được Ngoại trưởng Hoa Kỳ nêu ra trong buổi thuyết trình này là lời kêu gọi giới lãnh đạo Việt Nam hãy thảo luận với những người bất đồng quan điểm, đối thoại với các blogger.
Chính quyền Việt Nam chưa cho biết quan điểm của họ về đề nghị của Ngoại trưởng Hoa Kỳ? Còn các blogger Việt Nam thì sao? Họ nghĩ gì về đề nghị của Ngoại trưởng Hoa Kỳ? Trân Văn đã phỏng vấn một số blogger. Mời quý vị nghe Trân Văn tường thuật...
Đối thoại? Khó!
Ở buổi thuyết trình về quan điểm của Hoa Kỳ đối với “Tự do trên Internet”, bà Hillary Clinton, Ngoại trưởng Hoa Kỳ kêu gọi các công ty của Hoa Kỳ đừng hỗ trợ việc kiểm duyệt Internet. Bà Clinton nhấn mạnh, Hoa Kỳ lên án việc kiểm duyệt Internet và hạn chế quyền tự do thông tin. Cũng theo bà, cần phải có biện pháp trừng phạt những quốc gia và những cá nhân thực hiện các cuộc tấn công trên Internet.
Trong phát biểu của bà Clinton, Việt Nam được xem là một trong những quốc gia đang có vấn đề về “Tự do trên Internet”. Khi được hỏi về quan điểm của Hoa Kỳ, trước sự kiện các ông: Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, Lê Thăng Long, chỉ vì bày tỏ quan điểm và góp ý với chính quyền mà bị xem là “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, rồi bị kết án từ 5 năm đến 16 năm tù, bà Hillary Clinton cho biết: “Vâng, chúng tôi đã công khai lên tiếng phản đối việc kết án, giam giữ các blogger ở Việt Nam cũng như sự sách nhiễu các tu sĩ Phật giáo và những người khác.
Việt Nam đã có nhiều tiến bộ và đang nỗ lực hướng tới việc nâng cao mức sống cho dân chúng. Chúng tôi nghĩ rằng chính phủ Việt Nam không cần phải sợ những góp ý. Tôi hy vọng được thấy họ thay đổi nhiều hơn. Nếu quý vị không đồng ý với những gì được một trang web hay một blogger đề cập, hãy đối thoại với họ. Giải thích với họ về những việc quý vị đang làm, gạt bỏ những thông tin không đúng, chỉ ra đâu là cạm bẫy mà một blogger có thể vướng vào.
Tôi hy vọng Việt Nam sẽ nỗ lực nhiều hơn theo hướng đó, những thay đổi này cần song hành với sự tiến bộ mà chúng ta đã được thấy trong vài năm gần đây.”
Đến nay, chính quyền Việt Nam chưa cho biết quan điểm của họ trước đề nghị nên đối thoại với giới blogger của Ngoại trưởng Hoa Kỳ.
Còn giới blogger ở Việt Nam, họ nghĩ gì trước đề nghị mà họ là một bên có liên quan? Blogger có nickname là “Anh Ba Sài Gòn” nêu nhận định của ông: “Lời đề nghị đó rất là hợp lý vì lực lượng blogger rất là năng nổ và họ quan tâm tới hiện tình đất nước, họ cũng là giới quan sát những bước đi của chính quyền. Một chính phủ khôn ngoan thì nên đối thoại với blogger. Tuy nhiên với một đất nước như Việt Nam thì chuyện đó xem ra khó có khả năng xảy ra.”
Không chỉ có blogger Anh Ba Sài Gòn hoài nghi về tính khả thi của đề nghị, theo đó chính quyền Việt Nam nên tổ chức đối thoại với giới blogger. Vì sao? Blogger Người Buôn Gió giải thích: “Tôi không tin rằng có một cuộc đối thoại như thế. Nhà nước không coi blog là một kênh thông tin chính thức để mà đối thoại. Tuy Hiến pháp ghi rằng công dân có quyền tự do ngôn luận nhưng khi mà anh có ý kiến muốn đóng góp thì anh phải gửi ý kiến đấy đến cơ quan có chức năng mà họ quy định, đấy là quyền tự do ngôn luận mà họ quy định. Còn nếu anh phát tán ở trên mạng thì người ta chưa công nhận những trang blog ấy là một kênh thông tin chính thức để mà người ta tiếp thu. Thứ hai, khi anh đóng góp trên mạng mà họ cảm thấy là không theo ý của họ, vi phạm pháp luật của họ thì họ vẫn xử lý anh vì tội tuyên truyền chống phá nhà nước.”
Blogger Bút Thép cũng nghĩ như vậy, đồng thời ông còn dự liệu một tình huống khác: “Bảo rằng chính quyền này hưởng ứng lời kêu gọi của Ngoại trưởng Mỹ thì chắc không có đâu! Trong trường hợp nào đó mà họ muốn tổ chức những cuộc đối thoại, gặp gỡ các blogger thì họ sẽ làm theo ý của họ và thường thì những cuộc gặp gỡ, đối thoại đó cũng chỉ mang tính màu mè để cho người ta thấy rằng, xã hội này vẫn có dân chủ, vẫn có sự quan tâm của chính quyền giống như là những nước khác nhưng những cuộc đối thoại đó vẫn nằm trong tầm kiểm soát của họ. Họ sẽ tìm ra những blogger ví dụ như Đoàn Thanh niên hoặc là sinh viên của trường... Đại học An ninh chẳng hạn. Những cuộc hội thảo đó chẳng có ý nghĩa gì vì không phải là những cuộc hội thoại đúng nghĩa của nó.”
Chơi bằng thiện ý, trong bình an: Không dễ!
Chúng tôi đã đề nghị các blogger tham dự cuộc khảo sát này tạm gạt bỏ sự hoài nghi để cho biết, họ sẽ nói gì nếu tình huống giả định là chính quyền Việt Nam sẽ tổ chức một cuộc đối thoại với giới blogger, xảy ra (?).
Blogger Bút Thép bảo rằng: “Nếu như có một cuộc đối thoại như thế mà tôi có thể tham dự thì tôi sẽ trình bày một tham luận. Trong đó tôi sẽ kêu gọi chính quyền nên tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do bày tỏ quan điểm của mọi công dân Việt Nam trên tinh thần mà Hiến pháp Việt Nam đã công nhận, cũng như trên tinh thần những văn bản mà Việt Nam đã cam kết với Liên Hiệp Quốc như là Hiến chương Liên Hiệp Quốc, như là Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế chẳng hạn... Tôi sẽ trình bày cho chính quyền thấy rằng, việc tôn trọng quyền tự do lên tiếng bày tỏ quan điểm, chính kiến của mọi công dân không xấu đi hình ảnh của Việt Nam mà chỉ tốt thêm cho chính quyền. Nếu như chính quyền biết lắng nghe thì chính quyền sẽ có những thay đổi theo hướng tích cực.”
Nhu cầu của blogger Người Buôn Gió gọn gàng hơn, ông kể: “Tôi không biết các blogger khác có nhu cầu đối thoại với nhà nước hay không (?) nhưng cá nhân tôi, tôi chỉ mong muốn rằng được nói những gì mà mình nghĩ, những gì mà mình nhìn thấy, được chia sẻ với mọi người mà không bị kết tội tuyên truyền chống phá gì cả. Thứ hai, tôi mong muốn rằng những blog đấy không bị nhà nước chặn tường lửa để tôi có thể chia sẻ các thứ với bạn bè tôi.”
Tương tự, blogger Anh Ba Sài Gòn cho biết, nếu được mời tham dự một buổi đối thoại như thế, ông sẽ đề nghị: “Được chơi blog, được bày tỏ quan điểm, bày tỏ sự quan tâm, sự ưa thích và bình luận những vấn đề về đất nước, về chính sách, về xã hội, về con người, về giáo dục, về mọi mặt và muốn được chơi blog một cách bình an, không có ai đem sức mạnh của bạo quyền đe dọa tụi tôi thế này, thế kia, mời đi làm việc... Tôi cảm thấy nếu mà tôi được chơi blog mà không có ai làm phiền, không có ai đặt vào một cái blacklist, không có ai nghĩ tôi là một người có ý đồ chống đối, lật đổ, đừng đưa tôi vào dạng thù địch... Bấy nhiêu là tôi cũng đã thấy thỏa mãn rồi.”
Thực tế đang rất khắc nghiệt
Vì sao những mong muốn vốn giản đơn, vẫn được xem như tất nhiên lại phải chờ để được trình bày trong một cuộc đối thoại khó có thể trở thành hiện thực, muốn nghe blogger tâm sự phải nêu giả định?
Blogger Bút Thép kể về bối cảnh hiện nay tại Việt Nam: “Giới blogger cầm bút là vì bức xúc về những vấn đề chính trị xã hội. Đối với giới blogger thì vấn đề gây bức xúc nhiều nhất chính là sự hạn chế nhu cầu phát biểu chính kiến. Bây giờ nhiều blogger không biết phải viết như thế nào để không bị dính líu tới chính quyền. Sau những vụ đàn áp vừa rồi, những người cầm bút ở Việt Nam không biết viết như thế nào để không bị phiền toái bởi an ninh.”
Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.
No comments:
Post a Comment