Wednesday, January 27, 2010

GIÁO DỤC : RÁCH ĐÂU VÁ ĐẤY ?

Giáo dục: rách đâu vá đấy?
Tuấn Cường
25/01/2010
http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1427&chitiet=7608&Style=1
Mới đây, dư luận xôn xao về việc Bộ Giáo dục – Đào tạo đưa ra ý định không coi ngoại ngữ là môn thi bắt buộc trong kỳ thi THPT năm 2010. Dù chỉ mới là ý định, song, điều mà những người tâm huyết với ngành giáo dục lo lắng là qua việc này cho thấy công tác định hướng của những người “cầm cân, nảy mực” nền giáo dục nước nhà rất “tiền hậu bất nhất”. Nếu cứ đà này, giáo dục sẽ đi đến đâu?

Vài năm trước đây, Bộ đã khẳng định môn ngoại ngữ là trọng yếu để phát triển trong các bậc học. Thậm chí, Bộ còn ra quy chế điều kiện bắt buộc thi cao học là phải có đủ điểm Toefl. Đó là chưa kể đến việc cách đây không lâu, chính Bộ Giáo dục – Đào tạo đã xây dựng Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020”. Họ là người hiểu hơn ai hết về tầm quan trọng của ngoại ngữ, vậy mà sao lại có ý định trên?

Trong những năm qua, đặc biệt là từ khi nước ta gia nhập WTO, ngoại ngữ là một trong những điều kiện cần và đủ đối với hồ sơ của mỗi người khi đi xin việc. Thực tế trong công việc, chúng ta thường bị mất những hợp đồng lớn bởi trình độ ngoại ngữ chưa đủ tốt để “thuyết minh” với các đối tác nước ngoài. Đó là chưa kể đến việc, do trình độ ngoại ngữ kém nên xảy ra những thiệt hại to lớn trong các vụ việc liên quan đến kiện tụng, tranh chấp có yếu tố nước ngoài.

Cách đây khoảng 5 năm, tại nhiều cuộc họp của Hội đồng Giáo dục Quốc gia, Ủy ban văn hóa, giáo dục của Quốc hội, Bộ Giáo dục – Đào tạo, mọi người đều khẳng định: Giáo trình đào tạo trong các cấp học ở nhà trường cần hướng đến những môn phục vụ cho công việc, đáp ứng điều kiện phát triển trong nhiều lĩnh vực của đất nước. Học những chuyên ngành để phục vụ đất nước, đây chính là logic mà hiện nay nhiều quốc gia phát triển đang làm. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, ngoại ngữ là công cụ hữu hiệu cần đào tạo cho nguồn nhân lực mới trong tình hình đất nước ta hiện nay. Nếu không có ngoại ngữ, những người chủ tương lai của đất nước sẽ không đáp ứng được yêu cầu công việc đề ra.

Ý kiến của nhiều chuyên gia tâm huyết với nền giáo dục nước nhà đều chung nhận định, nếu không đưa ngoại ngữ trở thành môn thi bắt buộc thì đây sẽ là bước lùi lớn trong giáo dục. Thực tế cho thấy, các trường đại học khi kiểm tra trình độ sinh viên trúng tuyển chỉ có 30% có khả năng theo học được chương trình, 70% phải học thêm ngoại ngữ hoặc đào tạo lại mới theo kịp chương trình đào tạo ngoại ngữ của trường. Trình độ ngoại ngữ của học sinh đã thấp như vậy, nếu bỏ thi môn ngoại ngữ, đồng nghĩa với coi thường nó, chất lượng môn học này sẽ càng giảm xuống. Hơn nữa, việc làm này sẽ xảy ra hiệu ứng domino theo chiều hướng rất xấu. Khi không phải là môn thi bắt buộc, học sinh sẽ không học và đây sẽ là gánh nặng lớn cho các trường đại học vì ở cấp này ngoại ngữ lại là môn bắt buộc. Điều quan trọng hơn nữa là giáo trình môn ngoại ngữ ở cấp đại học sẽ được soạn như thế nào để phù hợp với trình độ của sinh viên và phù hợp với tiêu chí của một cử nhân đại học? Vì nếu nặng, chắc chắn học sinh sẽ không thể theo kịp, còn nhẹ, theo kiểu a, b, c thì chắc chắn không thể đáp ứng được yêu cầu công việc khi đi làm.

Lý giải về ý định trên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển và Phạm Vũ Luận cho rằng: do chất lượng giáo viên ngoại ngữ kém; tại các nơi vùng sâu, vùng xa việc học ngoại ngữ rất hạn chế, do đó để ngoại ngữ là môn thi bắt buộc sẽ bất cập. Điều này cho thấy, các nhà quản lý giáo dục vẫn thực hiện theo kiểu “ăn đong” hoặc “rách đâu vá đấy” mà không có một hoạch định xuyên suốt để khắc phục. Nếu có hoạch định xuyên suốt thì với nguồn ngân sách lớn của Nhà nước giao cho mỗi năm, chắc chắn Bộ đã triển khai thành công một chương trình đầu tư đặc biệt, dài hạn về việc nâng cao chất lượng giáo viên cũng như dạy môn ngoại ngữ tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Đó là chưa kể, nhiều người nghi ngờ: phải chăng vì “gánh nặng” nên các nhà quản lý “chuyển gam” đưa cả một thế hệ ra thử nghiệm.

Nói đến phát triển giáo dục là nói đến việc phát triển quy mô và chất lượng đào tạo. So với những lĩnh vực khác, giáo dục có đặc thù rất riêng. Để đánh giá được kết quả của nền giáo dục cần một khoảng thời gian khá dài, ít nhất là 3 năm của một bậc THPT hoặc 4 năm của bậc đại học và có thể còn lâu hơn nữa khi những cử nhân đó có việc làm. Để nhìn thấy kết quả của nền giáo dục đã mất từng đó thời gian, thì kế hoạch để phát triển giáo dục càng cần có một lộ trình lâu dài, xuyên suốt hơn nữa. Nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Quốc gia đã từng nói, muốn phát triển giáo dục không thể triển khai một cách manh mún mà cần có định hướng lâu dài. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, trước nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cũng như hội nhập với xu hướng phát triển giáo dục trong khu vực và quốc tế, hơn bao giờ hết, ngành giáo dục nước ta cần có bước chuyển mới, bứt phá và đi lên. Đặc biệt là không thể tiếp tục phát triển quy mô mà buông lỏng quản lý chất lượng như thời gian qua.

Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Giáo dục – Đào tạo có những ý định như thế khi chưa nhìn thấy hết hậu quả lâu dài của nó. Đây là bài học quý báu để Bộ cần nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đề xuất những kế hoạch phát triển nền giáo dục nước nhà, tránh tình trạng đối phó theo kiểu “rách đâu, vá đấy” .


Cần ‘thuốc đặc trị’ cho nạn sửa học bạ
Thanh Bình
Cập nhật lúc : 10:11 AM, 26/01/2010
Tháng 2 - 3 hằng năm, các ĐH, CĐ, trung cấp khối công an, quân đội bắt đầu khởi động bằng công tác sơ tuyển học sinh, thanh niên tại địa phương.
Ngoài tiêu chuẩn về lý lịch, sức khỏe, chiều cao, cân nặng... các ngành đặc thù này có tiêu chuẩn về hạnh kiểm và văn hóa, học lực một số môn phải đạt từ 6,0 trở lên.

Các trường CĐ, trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), trường nghề, cơ sở đào đạo cũng xét tuyển dựa vào học bạ bậc THCS và THPT… Một mặt tạo thuận lợi, khuyến khích thí sinh tham gia học nghề nhưng chính quy định này cũng tạo kẽ hở để “nạn” sửa điểm học bạ bùng phát.

Nhiều vụ sửa học bạ xảy ra liên tiếp trong những năm gần đầy, thậm chí có vụ đã bị khởi tố hình sự song cũng chưa đủ dóng lên hồi chuông cảnh tỉnh.

Điển hình, năm học 2008-2009, THCS Hoàng Văn Thụ, xã Đăk Gằn, huyện Đăk Mil (Dăk Nông) có 104/105 học sinh lớp 9 được xét đủ điều kiện tốt nghiệp THCS nhờ chính các giáo viên “thương” trò mà sửa học bạ.

Cũng năm học trước, đã phát hiện “đường dây” làm giả học bạ để trúng tuyển vào Trường cao đẳng Y tế Cần Thơ (lợi dụng chủ trương xét tuyển sinh vào các khoa Dược, Y không qua thi tuyển mà chỉ xét tuyển dựa trên số điểm của các môn học toán, lý, hoá, sinh của 3 năm học phổ thông).

Trước đó, năm 2008, Trường cao đẳng Y tế Nghệ An đã phát hiện 239 sinh viên của trường làm giả hồ sơ, tẩy xóa, làm lại học bạ để được xét trúng tuyển.

Việc sửa điểm và xếp loại hạnh kiểm trong học bạ khá đơn giản: giáo viên bộ môn hoặc giáo viên chủ nhiệm, dùng bút mực đỏ gạch điểm cũ và xếp loại hạnh kiểm cũ đi, viết điểm, xếp loại mới vào, thêm chỗ chốt sửa ở góc bên dưới là xong.

Nếu muốn làm mới học bạ cho "đẹp" hơn thì chỉ cần nhận được sự đồng ý của hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm, giáo viên các bộ môn. Việc làm tiêu cực này đã để lại hậu quả nghiêm trọng trong môi trường giáo dục, tạo nên sự không công bằng trong học sinh. Những HS lười nhác học tập, ý thức rèn luyện yếu kém mà lại có được hồ sơ, học bạ “ngon lành”, ngang bằng với những HS học tập, rèn luyện nghiêm túc, hết mình...

Đã đến lúc ngành giáo dục, đặc biệt là các cơ quan quản lý giáo dục tại địa phương cần siết chặt khâu quản lý hồ sơ học bạ của học sinh tại trường học. Theo đó, nâng cao vai trò trách nhiệm của ban giám hiệu nhà trường, đồng thời xử lý nghiêm đối với các trường "xin - cho" sửa học bạ. Đối với những ngành đặc thù như công an, quân đội nên sử dụng thêm sổ điểm lớn của trường để đối chiếu, kiên quyết loại bỏ và xử lý các trường hợp cố tình gian lận, làm sai lệch học bạ gốc.


No comments: