Friday, January 22, 2010

GIA ĐÌNH NGUYỄN TIẾN TRUNG NÓI VỀ BẢN ÁN

Gia đình Nguyễn Tiến Trung nói về bản án
Mạc Việt Hồng
Đăng ngày 22-1-2010
http://danchimviet.com/articles/1958/1/Gia-inh-Nguyn-Tin-Trung-noi-v-bn-an/Page1.html

Gia đình "xót xa và buồn"


Mạc Việt Hồng (MVH): Phiên tòa hôm 20/1 đã tuyên án Nguyễn Tiến Trung 7 năm tù giam về tội "lật đổ chính quyền nhân dân", gia đình nghĩ gì về bản án này, thưa ông?
Ông Nguyễn Tự Tu (cha của Nguyễn Tiến Trung): Gia đình tôi rất xót xa vì con của chúng tôi không có tội mà lại chịu một bản án nặng nề như vậy. Con tôi chỉ vì khao khát với sự phát triển của đất nước, thấy đất nước trì trệ, tham nhũng. Trung muốn đoàn kết các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước để phát triển đất nước chống tham nhũng, chống ngoại xâm, thực hiện dân chủ, công bằng, văn minh, tự do bầu cử, tự do ngôn luận, hội họp đúng như Hiến pháp quy định.
Để làm được thì phải có lực lượng, vì vậy phải liên kết với nhau, phải có trang web, thành lập tổ chức.v.v. chính vì vậy mà Trung bị kết vào cái tội "lật đổ chính quyền nhân dân".
Nguyễn Hoài Nam (em trai Nguyễn Tiến Trung, hiện đang theo học tại Cộng hòa Pháp): Tôi rất sốc và buồn. Bản án với anh Trung là quá nặng, anh chỉ đòi hỏi những quyền tự do cơ bản của con người như quyền lập hội, lập đảng, tự do ngôn luận... đó là các quyền phổ quát mà Hiến pháp Việt Nam cũng như nhiều nước đã quy định.
Tệ hại hơn nữa là bản án dành cho anh Trần Huỳnh Duy Thức, chỉ vì phản kháng lại hội đồng xét xử, công khai lên tiếng phản đối bản án mà anh đã xử phạt thêm 4 năm tù so với đề nghị của Viện Kiểm soát. Đó là hành vi rất hèn hạ.

MVH: Nếu so với bản án của Trần Huỳnh Duy Thức (THDT) thì bản án của Trung nhẹ hơn nhiều, có thể do Trung được quốc tế chú ý và hơn nữa, trong quá trình xét xử, Trung đã tỏ ra mềm mỏng hơn?
Nguyễn Tự Tu: Anh THDT anh ấy bác bỏ hoàn toàn bản cáo trạng, bác bỏ bản kết luận điều tra của cơ quan điều tra yêu cầu điều tra lại từ đầu, anh ấy còn đòi thay đổi Hội đồng xét xử.
Anh Thức cũng tố cáo trước tòa về việc đã bị truy bức, sỉ nhục và hành hạ làm anh phải viết bản thú tội nên mặc dù Viện Kiểm soát Nhân dân đề nghị mức án 12 năm tù nhưng tòa đã tuyên cho anh 16 năm.

MVH: Theo chúng tôi được biết, gia đình mình cùng thân nhân các bị cáo khác ngồi ở phòng bên cạnh và theo dõi phiên xử qua màn hình. Nhìn ảnh chụp trong phòng xử án, chúng tôi thấy có khá nhiều chỗ còn trống, vậy vì sao họ không cho gia đình vào?
Nguyễn Tự Tu: Họ mời toàn bộ chi bộ đảng của xóm tôi gồm 7 người tới dự phiên tòa, một người từ chối không đi, còn 6 người ngồi trong phòng xử án đó, rồi cán bộ phường, cán bộ quận tới dự, hội cựu chiến binh. Còn gia đình chúng tôi thì người ta cho ngồi... xem Ti-vi ở phòng bên!
Trung có dáo dác nhìn xuống phòng xử mấy lần để tìm cha mẹ, chúng tôi ngồi phòng bên đau xót lắm. Chúng tôi phản đối thì người ta bảo đó là quyết định của cấp trên, người ta không có quyền.

MVH: Như vậy, có thể nói công an và tòa án đã bố trí những người của họ ngồi trong phòng xử?
Nguyễn Tự Tu: Đúng vậy.

MVH: Có những nhận xét khác nhau về sự "nhận tội" và "ân hận" của Trung, thái độ của gia đình mình thế nào?
Nguyễn Tự Tu: Trung không nhận tội mà nhận mình vi phạm pháp luật Việt Nam. Điều này thì anh Định anh ấy giải thích rõ hơn, chứ Trung thì nói rất ít.
Hiến pháp Việt Nam quy định trong điều 4 là đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đó là sự lãnh đạo tuyệt đối, duy nhất nên nếu có tổ chức nào mà không do ĐCS VN lập ra hoặc không tuân theo sự lãnh đạo của đảng thì đều phạm pháp cả và những hoạt động của các tổ chức này đều là "lật đổ chính quyền nhân dân".
Trong một xã hội như vậy, bất kì ai có sự bất đồng chính kiến mà nhóm họp với nhau thì đều có thể bị khép vào điều 79. Bản chất của sự nhận tội nằm ở đây.
Còn Trung nói ân hận là ân hận vì đã làm ảnh hưởng, liên lụy tới gia đình, người thân chứ không phải ân hận vì việc mình làm.

Bác bỏ hoàn toàn cáo trạng nhưng tòa cứ tuyên án

MVH: Ông nhận xét về phiên tòa hôm đó thế nào?
Nguyễn Tự Tu: Tôi cho rằng đó phiên tòa một chiều, không công bằng, mang tính áp chế nhiều hơn là xét xử. Anh Lê Thăng Long, THDT bị người ta nhiều lần không cho nói, luật sư Triệu Quốc Mạnh cũng vậy, tranh tụng hăng lắm nhưng người ta cũng không cho.
Anh Thức nói anh rất mệt vì 2 ngày phải thức trắng đọc bản cáo trạng vì họ không cho mang theo cáo trạng vào phòng xử để tự bào chữa nên anh đề nghị rời phiên tòa qua ngày hôm sau nhưng họ không cho. Mặc dù anh Long bác bỏ một phần cáo trạng, còn anh Thức bác bỏ toàn bộ nhưng tòa cứ tuyên án. Phiên tòa diễn ra rất ngắn. Nên rõ ràng chúng tôi thấy không thỏa đáng, không minh bạch.

MVH: Có dư luận rằng, phần tranh tụng gay cấn của THDT đã bị những người phụ trách kỹ thuật của tòa làm cho loa rè đi và nghe không rõ?
Nguyễn Tự Tu: Vâng, đúng như vậy. Khi anh Thức hay luật sư của anh là Triệu Quốc Mạnh nói thì lúc chúng tôi nghe được, lúc nghe rè rè, không thấy gì dù qua màn hình chúng tôi nhìn thấy rõ thái độc bức xúc của THDT và luật sư của anh nhưng tòa liên tục ngắt lời không cho nói.
Anh Lê Thăng Long cũng nhiều lần bị tòa đuổi không cho nói.

Bị khai trừ vì không... giáo dục đươc nhân dân!

MVH: Việc Trung tranh đấu đã xảy ra nhiều năm nay, gia đình chắc cũng biết từ lâu, vậy thái độ của gia đình ra sao?
Nguyễn Tự Tu: Chúng tôi không muốn Trung làm chính trị, chỉ muốn sống bình an. Thời gian đầu, chúng tôi cũng khuyên bảo Trung rất nhiều nhưng ý chí của Trung lớn lắm nên không ngăn cản được.
Gia đình chúng tôi luôn tôn trọng quyền tự do và các quyết định của con cái, dù chúng tôi không muốn. Cũng có thể, do cả 2 vợ chồng chúng tôi đều đi học ở nước ngoài về nên chúng tôi cũng ảnh hưởng của văn hóa phương Tây.

MVH: Vụ án có làm ảnh tới công việc hay những ứng xử của chính quyền với gia đình mình không?
Nguyễn Tự Tu: Hai chúng tôi đều là đảng viên ĐCS, tôi 35 năm tuổi đảng, có cả huy chương nữa nhưng vừa rồi họ đã khai trừ cả 2 chúng tôi rồi vì lý do không khuyên bảo được con cái.

MVH: Con cái đã trưởng thành rồi, có thể có sự lựa chọn riêng, tại sao vì lý do đó mà họ lại khai trừ, thưa ông?
Nguyễn Tự Tu: Chúng tôi cũng có nói thế nhưng ý kiến của Đảng như vậy thì tất cả phải chấp hành thôi. Không có điều nào trong điều lệ đảng nói rằng, không khuyên bảo được con cái hay không giáo dục được nhân dân thì bị khai trừ cả nhưng họ làm thế thì mình chịu thôi.

Tiếp tục "gây sức ép":

Hiện cả cha và em trai của Trung đều không biết anh có kháng án hay không nhưng họ nói, sẽ tôn trọng hoàn toàn các quyết định của Nguyễn Tiến Trung. Hoài Nam nói thêm rằng, "kháng án nhiều khi cũng không có lợi. Ví dụ trường hợp của anh Thức, khi anh kháng cáo ngay tại tòa và đã bị trả thù bằng cách tăng thêm bản án 4 năm. Chúng tôi nghĩ nên lựa chọn cách nào có lợi nhất, không nhất thiết là kháng án". Và, Hoài Nam nói tiếp về những dự tính trong tương lai:

MVH: Là người đang học tập tại nước ngoài, có thể tiếp xúc với báo giới, các tổ chức nhân quyền, các chính trị gia, anh có hướng gì trong việc đấu tranh tiếp theo đòi trả tự do cho NTT không?
Nguyễn Hoài Nam: Từ khi anh Trung bị bắt, các thầy cô ở trường Insa nơi Trung từng học tập đã lập ra Ủy ban Bảo vệ Nguyễn Tiến Trung. Từ đó tới nay hội đã làm được nhiều việc như biểu tình ở Pháp, trao đổi tin tức với các phóng viên, các tổ chức hoạt động nhân quyền, các nhà chính trị.v.v.
Hiện nhóm ủng hộ anh Trung trên Face Book đã lên tới gần 1000 người.
Đến nay dù có một số kết quả nhất định nhưng việc anh Trung bị xử án như vậy cho thấy chúng tôi chưa hoàn thành sứ mệnh của mình. Chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động để gia tăng sức ép lên chính quyền Việt Nam. Việt Nam trên con đường hội nhập với thế giới rất cần sự viện trợ cũng như ủng hộ của quốc tế nên chúng tôi hy vọng sẽ gây một sức ép nhất định để rút ngắn thời gian thi hành án thực tế cho anh Trung cũng như các bạn của anh.

MVH: Hồi còn hoạt động ở nước ngoài, anh Trung có nhiều cuộc tiếp xúc với các chính trị gia ở Mỹ, Canada trong đó phải kể tới cựu Tổng thống Bush, thủ tướng Canada, vậy hướng "gây sức ép" của các anh ra sao ở những quốc gia này?
Nguyễn Hoài Nam: Đúng là, khi còn ở nước ngoài, anh Trung cũng đã tạo dựng được một số mối quan hệ và điều này rất thuận lợi cho việc gây sức ép với chính quyền Việt Nam. Ngoài Tổng thống Bush, thủ tướng Canada, anh Trung cũng có gặp một số nghị sĩ thuộc 2 đảng Cộng Hòa và Dân chủ. Họ cũng đã lên tiếng và có một số hành động trong khuôn khổ của mình. Nhiều người, không công khai trên báo chí nhưng họ có nói chuyện với nhà cầm quyền Việt Nam.

MVH: Có vẻ như anh đang tiếp bước anh trai mình, dự dịnh cá nhân của anh trong tương lai ra sao sau bản án khắc nghiệt dành cho anh trai mình?
Nguyễn Hoài Nam: Trước đây tôi vẫn luôn là người ủng hộ dân chủ, mong muốn cho Việt Nam có một nền tư pháp độc lập, tôn trong các quyền con người nhưng tôi chưa có hoạt động gì cụ thể cho tới khi anh Trung bị bắt. Dự định sắp tới của tôi chỉ làm tất những gì có thể để rút ngắn thời gian thụ án cho anh Trung.
Còn tương lai thì khi nào anh Trung ra tù tôi mới tính tiếp cho mình.© Đàn Chim Việt Online 2010



No comments: