Cuộc sống chẳng còn là dòng sông êm ả
Đăng bởi boxitvn on 25/01/2010
http://boxitvn.wordpress.com/2010/01/25/cuoc-song-chang-con-la-dong-song-em-a/
Bài của Thomas Fuller (The New York Times) – in lại trên tuần báo Courrier international ngày 20-01-2010 – PT dịch
Càng ngày càng có thêm nhiều dự án ngăn dòng trên con sông Mêkông. Phát triển kinh tế lại thành ra phương hại đến tương lai ngư dân và cuộc sống muôn thuở dọc đôi bờ sông, tờ New York Times viết.
Những thúng cá, những người dân làng bơi lội tắm táp, một cái chợ bán đủ thứ kiếm được từ rừng sâu: đó là những kỷ niệm ấu thơ của Pornlert Prompanya về con sông Mêkông hoang dã xưa. Bây giờ, người đàn ông 32 tuổi ấy tổ chức những chuyến du lịch dọc con sông Mêkông với bộ mặt hoàn toàn khác: ở Sop Ruak, nơi biên giới với Thái Lan và Myanmar, một sòng bạc mới toanh có mái vòm giát vàng giang tay đón những con bạc cỡ bự từ xe ô tô hòm đen bước xuống.
Dòng sông biến đổi thật nhanh, do kinh tế phát triển, do những nhu cầu về điện của vùng này và nhu cầu vận chuyển hàng hóa. Ngay cả khi con sông này chưa bị ô nhiễm gây hoại thư như vô số con sông châu Á khác, sông Mêkông cũng chẳng còn là dòng chảy êm ả như cách đây nhiều thế kỷ nữa.
Trung Hoa đã xây dựng ba con đập, và con đập thứ tư đang xây sẽ là con đập cao nhất thế giới. Nước Lào có kế hoạch xây trên sông Mêkông và các chi lưu của sông này vô số đập thủy điện – bẩy mươi dự án cả thẩy, trong đó bẩy dự án đã hoàn thành – và các nhà cầm quyền ở đây đã tuyên bố nước Lào thành “cục pin của châu Á”. Sau hết, Nước Campuchia có kế hoạch xây hai con đập. Giấc mơ của các n hà thực dân Pháp dùng con sống như cửa ngõ bước vào đất Tầu đã được thực hiện từng phần: sau khi các kỹ sư Tầu dùng thuốc nổ phá cả loạt thác ghềnh vào đầu những năm 2000, tình hình thương mại theo đường sông giữa Trung Hoa và Thái Lan đã tăng lên gần 50%. Các nhà sinh thái lo ngại rằng những dự án này sẽ tiêu diệt các nguồn thu nhập của cư dân sống nhờ vào sông Mêkông đã nhiều thế kỷ nay. Những phương diện bị phê phán nhiều hơn cả của các con đập này là vấn đề tác đông của chúng tới những đàn cá di cư và việc trồng lúa ở vùng đồng bằng Việt Nam, nơi tập trung hơn một nửa năng lực trồng trọt của nước này. Thật vậy, nền nông nghiệp vùng đồng bằng sông Mêkông vốn được hưởng lợi từ phù sa con sông đầy chất dinh dưỡng nay đã bị các con đập của người Tầu giữ lại. Theo tính toán của các chuyên gia, các con đập sẽ chặn đứng một tỷ lệ phù sa lớn hơn nữa cùng với vô số giống cá, điều đó gây tai họa cho hoạt động nuôi trồng thủy sản, và Ủy ban sông Mêkông, một cơ quan tư vấn do các chính phủ Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam thành lập năm 1995, đã ước tính lên đến 2 tỷ đô-la.
Theo một công trình nghiên cứu tiến hành năm 2006, trong hàng trăm giống cá sống trên con sông này, thì 87% là cá di cư.
“Những con đập đặt ra những vấn đề vô cùng lớn đối với sáu chục triệu dân sống trong lưu vực sông Mêkông”, Milton Osborne, nghiên cứu viên được mời tới Viện nghiên cứu chính trị quốc tế Lowy ở Sydney, đồng thời là tác giả nhiều công trình về sông Mêkông. “Con người ở đây bị gắn chặt vào với con sông này.” Theo một số nhà phân tích, việc gia tăng mạnh mẽ các con đập trên sông Mêkông có thể gây ra xung đột mang tầm quốc tế. Có những phong trào công dân Thái tỏ ra bất bình trước vẻ dửng dưng của Trung Hoa trước những hệ quả do các công trình của họ gây ra cho người dân sống dưới hạ lưu con sông này.
Cả Trung Hoa lẫn Myanmar – hai quốc gia nằm cao trên thượng lưu con sông – đều không phải là thành viên của Ủy ban sông Mêkông, điều này khiến họ không bị buộc phải hỏi ý kiến các nước khác đối với những vấn đề chẳng hạn như việc xây đập và phân chia nguồn nước. Thế nhưng, giờ đây, chuyện các con đập vẫn không thành mối quan tâm mang tính chất quốc gia của bất kỳ nước nào có con sông này chảy qua. Không thấy xảy ra ở những nước này bất kỳ phong trào phản đối lớn nào, và đối với rất nhiều con người trong vùng, thậm chí lại còn coi việc xây cất đó là biểu hiện của sự tiến bộ. Sự phát triển của sông Mêkông cũng là biểu hiện của một châu Á mới, cuối cùng đã thoát khỏi những xung đột ý thức hệ làm tê liệt họ. Theo Pornlert Prompanya, dẫu sao thì cái ngôi làng thời thơ ấu của ông nay đã trở thành chốn đô thị đón du khách trong những khách sạn và nhà hàng sang trọng, các mặt tiêu cực của vấn đề xem ra vẫn lớn hơn những mặt tích cực. Ông nói rằng con sông bây giờ hành xử bất ưng khó đoán trước được, câu con cá cũng khó và tắm thì chẳng có gì thú vị nữa, bởi vì dòng sông “quá bẩn và quá ô nhiễm”. “Xưa kia, mực nước sông thay đổi theo mùa”, ông nói thêm. “Bây giờ đây, mực nước này tùy thuộc vào việc Trung Hoa cần dùng của nó bao nhiêu nước.”
Tham khảo
Sông Mêkông chạy qua Đông Nam châu Á với chiều dài khoảng 4 900 kilomet. Nó bắt nguồn từ đỉnh Himalaya rồi chảy xuống miền Nam Trung Hoa, Myanmar, Tháï Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam trước khi đổ ra mạn Nam của biển Đông. Kể từ khi Trung Quốc xây con đập đầu tiên, rất nhiều chủng loại sinh vật như cá heo và cá heo sông Mêkông đang trên đường tuyệt diệt, mực nước thì bị hạ thấp, con cá câu lên đều nhỏ và ít hơn rất nhiều. Ở nhiều chỗ, dòng chảy quá mạnh, do phá ghềnh thác, phá các bãi cát và mở rộng các khúc sông hẹp. Campuchia là quốc gia lệ thuộc hơn cả vào dòng chảy và các trận lụt của con sông này: người ta e ngại có thể xảy ra nạn đói vì thế. Tất cả các thành phố lớn của Lào đều nằm bên sông, và thành phố lớn quan trọng của Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh, đã bị đe dọa vì dòng chảy sông Mêkông không đủ mạnh và còn bị ô nhiễm nữa.
No comments:
Post a Comment