Friday, January 15, 2010

THỂ CHẾ : GÔNG CÙM và TÀI SẢN

Thể chế: Gông cùm và tài sản
Tác giả: TS. Phạm Gia Minh
Bài đã được xuất bản.: 2 giờ trước (15-1-2010)
http://tuanvietnam.net/2010-01-08-the-che-gong-cum-va-tai-san
Một thể chế phù hợp, tiến bộ là một tài sản vô giá, nhưng một khi thể chế không còn phù hợp nữa thì nó có thể trở thành chiếc cùm giam hãm mọi sáng tạo và lòng nhiệt thành, buộc thị trường phải thải loại. Ở tất cả các nền kinh tế tiên tiến các thể chế hiệu năng cao (hay "luật chơi" hấp dẫn, công bằng cho mọi người tham gia) đều sản sinh ra nhờ có một xã hội mà ở đó pháp luật là thượng tôn, thị trường là phương tiện và người dân có tiếng nói trước những vấn đề quốc kế, dân sinh.

Luật chơi
Theo cách định nghĩa của Ngân hàng Thế giới thì thể chế không phải là một công trình hay tổ chức mà chính là các quy định theo đó các cá nhân, công ty và nhà nước tác động lẫn nhau (1). Nói một cách nôm na thì đó là luật chơi giữa 3 nhóm chủ thể. Trong hoạt động kinh tế, xã hội loài người đã sản sinh ra và cũng đã thải loại đi nhiều luật chơi - có thứ luật chơi khuyến khích tối đa thị trường, nơi liên kết những cá nhân tự do hành động vì tư lợi của mình và cũng tồn tại những luật chơi có mục đích hạn chế, kìm hãm thậm chí không chấp nhận mọi hoạt động có động cơ cá thể.
Ngày nay hầu như đại đa số các nền kinh tế trên thế giới đều lựa chọn mô thức kinh tế thị trường tuy với mức độ rất khác nhau do áp dụng những luật chơi (hay thể chế) không giống nhau đi đôi với việc sử dụng những tổ chức cùng cơ cấu vận hành thị trường cũng khác nhau.
Xét một ví dụ, các nước phát triển phương Tây được đánh giá là những nền kinh tế dẫn đầu không những bởi chỉ số GDP tính theo đầu người mà còn ở năng lực tạo ra những đổi mới cơ bản trong công nghệ và tổ chức: những đổi mới đòi hỏi cao nhất về tính sáng tạo, tài năng con người và đóng vai trò làm động lực chủ yếu cho việc tăng năng suất lao động xã hội.
Internet, công nghệ vi sinh, công nghệ Nano, năng lượng phản vật chất và các dạng năng lượng sạch khác v.v...là những minh họa sinh động cho khái niệm này. Có một câu hỏi được đặt ra rất tự nhiên: cùng chọn cơ chế thị trường để phát triển nhưng tại sao số đông các quốc gia lại không thể bứt phá để làm nên những đổi mới cơ bản ?
Câu trả lời đơn giản tới mức hơi bất ngờ đối với nhiều người: yếu tố quyết định đối với khả năng tạo ra những đổi mới cơ bản của một nền kinh tế lại nằm trong môi trường thể chế của nó (2) và như vậy cũng không ngạc nhiên khi Ngân hàng thế giới khẳng định rằng "thể chế được nhìn nhận như là yếu tố chính quyết định sự phát triển lâu dài của một quốc gia (1).

Giảm thiểu chi phí giao dịch
Những nghiên cứu sâu sắc và nghiêm túc về môi trường thể chế của các nước phát triển đã cho thấy để cơ chế thị trường hoạt động ở trình độ cao, xã hội bắt buộc phải có những chi phí giao dịch tương xứng. Trong thực tế điều này được cụ thể hóa ở sự ra đời của muôn vàn loại hình dịch vụ khác nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch trên thị trường, giảm thiểu những rủi ro thường đi kèm với những trao đổi cũng như kiểm soát và thực hiện các hợp đồng.
Đặc biệt, cần phải phát huy chức năng của nhà nước là bên thi hành thứ 3 nhằm kiềm chế những tác động tiêu cực của "bàn tay vô hình" (thị trường) để đảm bảo rằng mặt trái cố hữu của thị trường không gây ra tình trạng tham lam và người bóc lột người một cách thái quá dẫn tới hỗn loạn xã hội. Do đó, chỉ có những xã hội đã xây dựng được hệ thống thể chế sâu rộng về các dịch vụ giao dịch mới có thể tận dụng tối đa tiềm năng của thị trường và thu được những lợi ích tối đa có thể có từ việc áp dụng cơ chế thị trường ( trong đó có những đổi mới cơ bản trong công nghệ và tổ chức).
Tại những nền kinh tế thiếu những dịch vụ giao dịch cần thiết, nhà nước thường có xu hướng hạn chế việc áp dụng cơ chế thị trường nhằm tránh nguy cơ bị ảnh hưởng bởi tác động tiêu cực của "bàn tay vô hình" (2).
Một ví dụ khác gần với Việt nam hơn là Trung Quốc trong quá trình chuyển đổi sang cơ chế thị trường và tiến hành hiện đại hóa đã triệt để tận dụng hệ thống thể chế dịch vụ giao dịch thị trường phát triển cao theo hình mẫu phương Tây của Hồng Kông. Đó là các dịch vụ phụ trợ thương mại đa dạng như kiểm tra và thử nghiệm sản phẩm, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải, cung cấp tài chính cho hoạt động thương mại, hậu cần và bảo hiểm để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chế tạo hàng xuất khẩu, quảng cáo, phân phối bán lẻ và bán buôn, phát triển bất động sản và triển khai cả gói các dự án cơ sở hạ tầng v.v...
Nhờ có môi trường pháp lý minh bạch và vị thế là trung tâm tài chính của vùng Đông Á đang phát triển mạnh nên vùng lãnh thổ này với nền kinh tế dịch vụ giao dịch thị trường (năm 1984 khu vực dịch vụ đã chiếm tới 67,3% GDP của Hồng Kông) thực sự đã góp phần bổ trợ cho khu vực dịch vụ giao dịch thị trường vốn còn non nớt của Trung Quốc, cho phép các công ty Trung Quốc tham gia các hoạt động buôn bán phức tạp trên thị trường quốc tế khi mới tiến hành cải cách, gắn kết nền kinh tế Trung Quốc với thị trường phương Tây và còn có vai trò làm "hình mẫu" cho sự phát triển các dịch vụ giao dịch ở đại lục .
Kinh nghiệm thành công mang tính thực dụng này của Trung Quốc khiến chúng ta lại liên tưởng đến những bài học rút ra từ những tháng năm "cải tạo tư bản" ở Miền Nam thời kỳ sau 1975. Và hiện nay do những yếu kém trong hệ thống tín dụng nông nghiệp, thu mua cũng như chế biến, tiếp thị ra thị trường quốc tế v.v... mà tuy có vị trí thứ hạng cao trên thế giới trong xuất khẩu gạo, cà phê, hạt điều mà đời sống của người nông dân trực tiếp "một nắng hai sương" vẫn bấp bênh, cơ cực. Hoa Đà lạt có lịch sử 70 năm nhưng chưa hề chiếm một vị trí dù là rất khiêm tốn trong làng hoa quốc tế.
Còn nhiều và còn nhiều ví dụ gây bức xúc trong các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, khai khoáng, điện tử, khoa học- công nghệ v.v...cho thấy những bất cập, yếu kém mà đáng lẽ không xảy ra nếu chúng ta có những tổ chức và thể chế hữu hiệu hơn trong lĩnh vực dịch vụ giao dịch thị trường.
Vì lẽ đó một trong những định hướng chủ đạo trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay để đạt được sự phát triển theo chiều sâu và bền vững, thiết nghĩ nên là tạo điều kiện để nâng cấp và làm phong phú hơn nữa khu vực dịch vụ giao dịch thị trường ở Việt Nam.

Pháp luật thượng tôn, thị trường là phương tiện, người dân có tiếng nói
Ngày nay các quốc gia đang phát triển đã nhận thức được rằng hệ thống các tổ chức và thể chế dịch vụ giao dịch thị trường càng phong phú và cạnh tranh lành mạnh thì nền kinh tế của đất nước càng có nhiều chỗ dựa cho sự phát triển bền vững.
Tuy nhiên trên thực tế mong muốn xây dựng thành công những thể chế hữu hiệu trong nền kinh tế thị trường không phải luôn dễ dàng trở thành hiện thực. Nhiều khi sự thu hẹp khoảng cách thu nhập theo GDP giữa các nền kinh tế lại không đồng nghĩa với sự tương đồng về thể chế và sự khác biệt về thể chế hầu như không thể được khắc phục một sớm một chiều bằng những biện pháp ở tầm vi mô đơn thuần (2).
Nhưng có một đặc điểm mà các nước đi sau trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần lưu ý đó là ở tất cả các nền kinh tế tiên tiến các thể chế hiệu năng cao (hay "luật chơi" hấp dẫn, công bằng cho mọi người tham gia) đều sản sinh ra nhờ có một xã hội mà ở đó pháp luật là thượng tôn, thị trường là phương tiện và người dân có tiếng nói trước những vấn đề quốc kế, dân sinh.

Nếu nhìn nhận như vậy thì quả thực thể chế phù hợp, tiến bộ đúng là một tài sản vô giá. Và ngược lại, khi một thể chế không còn phù hợp nữa thì nó có thể trở thành chiếc cùm giam hãm mọi sáng tạo và lòng nhiệt thành, buộc thị trường phải thải loại.

Thăng Long - Hà Nội 7/01/2010

----

(1). Hiệu Minh. " Hoa hậu, nhà kinh tế và thể chế kinh tế" tuanvietnam.net ngày 5/01/2010.
(2). Li Tan. Nghịch lý của chiến lược đuổi kịp.Tư duy lại mô hình phát triển kinh tế dựa vào nhà nước. NXB Trẻ. 2008



No comments: