Friday, January 15, 2010

10 NĂM CẢI CÁCH HÀNH CHÁNH VIỆT NAM

Cải cách hành chính - Nhìn lại và đi tới
BBC
Cập nhật: 10:18 GMT - thứ năm, 14 tháng 1, 2010
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/01/100113_admin_reform_book.shtml
Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) vừa công bố một tài liệu nghiên cứu quan trọng đánh dấu 10 năm ngày Việt Nam tiến hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước (2001-2010).

Cuốn sách "Cải cách nền hành chính Việt Nam: Thực trạng và giải pháp" tập hợp sáu nghiên cứu của các tác giả trong ngoài nước, đánh giá và đưa ra khuyến nghị xung quanh cố gắng cải cách của Việt Nam.
Người biên tập cuốn sách, Jairo Acuña-Alfaro (UNDP), cho biết để có tập sách này, sáu nhóm tác giả đã phỏng vấn hơn 100 cá nhân và đại diện các tổ chức, và tiến hành một số hội thảo.
Năm 2001, Thủ tướng Việt Nam (ông Phan Văn Khải) phê duyệt chương trình 10 năm, đề ra bốn lĩnh vực cải cách là cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, xây dựng và phát triển đội ngũ công chức và cải cách tài chính công.
Số liệu gần đây cho biết 60-70% công chức không qua đào tạo về quản lý nhà nước, 50% cán bộ cấp xã chỉ tốt nghiệp tiểu học hoặc trung học cơ sở.
Theo Bộ Nội vụ, từ 2003-2007, hơn 16.000 cán bộ, công chức đã chuyển ra khỏi khu vực nhà nước (chiếm 0,8% tổng số cán bộ, công chức). TP. HCM là địa phương có số công chức ra đi lớn nhất (gần 6500 người), trong khi Bộ Tài chính có hơn 1000 người thôi việc.
Ông Jairo Acuña-Alfaro nhận xét: "Yêu cầu của người dân đó là một nền hành chính có tác dụng thúc đẩy phát triển và công bằng, có sự tham gia của các thành phần xã hội trong quá trình hoạch định chính sách của nhà nước, có giá trị thực thi và được giám sát chặt chẽ."
Tuy vậy, theo ông, cải cách hành chính tới nay "đem lại kết quả vừa khả quan vừa không mấy khả quan, đồng thời cũng cho thấy đây là một quá trình cải cách chứa đựng những căng thẳng nội tại."

'Viên đá quý hiếm'
Ba tác giả, David Koh, Đặng Đức Đạm, Nguyễn Thị Kim Chung, nhận xét có khoảng cách giữa mong muốn của lãnh đạo và bên kia là năng lực và sự tự nguyện của bộ máy hành chính bên dưới.
Vì vậy mà ở Việt Nam, "cũng có những điển hình tốt về cung cấp dịch vụ công nhưng đó chỉ là những viên đá quý hiếm hoi", như lời ba nghiên cứu gia trong chương bàn về phát triển một nền văn hóa dịch vụ công hướng tới chất lượng tốt nhất.
Các tác giả khái quát hiện trạng hệ thống dịch vụ công ở Việt Nam:
"Hàng hóa và dịch vụ mà mọi người cần đều có sẵn, nhưng giá cao hơn so với trong vùng hoặc với những nước có cùng trình độ phát triển; các hàng hóa công cơ bản trong cơ sở hạ tầng như giao thông, nước, không khí, trường học, cơ sở y tế, v.v có chất lượng thấp hơn các nơi khác."
Từ bức tranh chung này, họ kêu gọi nguyên tắc thứ nhất của cải cách dịch vụ công phải là " tạo được văn hóa coi sự hài lòng của công chúng là thước đo cuối cùng đối với hiệu quả của bộ máy hành chính".
Việt Nam cũng không thể hy vọng vay mượn mô hình của các nước mà "phải lọc các ý tưởng áp dụng dựa vào hoàn cảnh tại Việt Nam".
Cải cách "không phải là tìm cách cắt giảm con số các bộ và phát triển theo đường thẳng".
"Ngược lại, dịch vụ công tốt có thể đòi hỏi mở rộng bộ máy chính phủ, hoặc tái cơ cấu chính phủ (không nhất thiết nhằm mục đích tinh giản bộ máy) nhằm làm cho việc cung cấp dịch vụ công hoàn hảo trở thành mục tiêu ưu tiên của chính phủ."
Sau khi nêu ra các nguyên tắc cải cách căn bản, ba tác giả đưa ra các khuyến nghị trong một số lĩnh vực cụ thể.
Đáng chú ý, họ kêu gọi thành lập các cơ quan quản lý đại diện, thay cho việc rất nhiều loại dịch vụ công hiện nay do chính phủ trực tiếp cung cấp hoặc do chính phủ kiểm soát chặt chẽ thông qua các bộ.
"Các cơ quan này khác các bộ ở chỗ nó trực tiếp tương tác với các công ty và nhà cung cấp dịch vụ, trung gian giữa những người lập chính sách tại các bộ và các công ty. Các cơ quan quản lý này phải được trực tiếp thành lập bởi luật của quốc hội (do chính phủ đề nghị và dự thảo) và luật phải coi các cơ quan đó là thiết chế của chính phủ trong chính sách cụ thể đó."
"Về mặt nhân sự, chính phủ chỉ nên giới hạn vai trò của mình ở việc chỉ định một số chuyên gia giỏi vào hội đồng quản trị. Hội đồng quản trị này sẽ có quyền cao nhất đối với cơ quan quản lý đó, cơ quan duy nhất có quyền chỉ định tổng giám đốc. Cơ quan quản lý chịu sự quản lý của bộ nhưng cơ quan này phải nộp báo cáo hàng năm lên Quốc hội và cả bộ lẫn cơ quan này đều có trách nhiệm giải trình trước Quốc hội."
Ba tác giả cũng đề nghị bãi bỏ các sở và phòng giáo dục tại các địa phương, mà thay vào đó là ba văn phòng tại Hà Nội, Huế và TP. HCM, bỏ quản lý hành chính của các sở, phòng đối với giáo viên và các trường.
Ba văn phòng này "sẽ phụ trách các vùng đó và sẽ là đại diện của Bộ tại vùng chứ không nằm dưới chính quyền tỉnh nữa".
Họ cũng đề nghị xem xét coi phúc lợi dành cho những người đi xuất khẩu lao động là một dịch vụ công.
Trong kịch bản này, sẽ thành lập một Cơ quan Xuất khẩu Lao động Việt Nam để thay các công ty môi giới hiện nay. Các tác giả phê phán các công ty môi giới là chạy theo lợi nhuận nên cố tuyển càng nhiều càng tốt, không quan tâm điều kiện thị trường.
Họ cho rằng "cơ chế thị trường đã thất bại khi phó mặc một số lượng lớn lao động xuất khẩu cho một số nhỏ các công ty môi giới, và điều đó đòi hỏi chính phủ phải nắm lấy vai trò này và thành lập một cơ quan (không ăn lương của chính phủ, mà hoạt động trên cơ sở phi lợi nhuận và lấy thu bù đủ chi)".

Cải cách thể chế
Nếu đây là một chương bàn tới những vấn đề cụ thể trước mắt, thì chương sách của Martin Painter, Hà Hoàng Hợp và Chu Quang Khởi lại nhấn mạnh tới cải cách thể chế mà theo họ "chứa đựng những căng thẳng và mâu thuẫn liên hệ với mô thức 'nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa'".
Giới quan sát đồng ý rằng hoạt động của nhà nước "pháp quyền XHCN" ở Việt Nam được đặt dưới quyền lực độc quyền của Đảng.
Gần đây có một số tiếng nói công khai đề nghị thi hành nguyên tắc tách vai trò lãnh đạo của Đảng ra khỏi nhà nước. Ví dụ, cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An năm ngoái nói "không thể điều hành đất nước một cách trực tiếp bằng việc sử dụng các định hướng và nghị quyết của Đảng".
Nhưng trên thực tế, như lời ba tác giả Martin Painter, Hà Hoàng Hợp và Chu Quang Khởi, thì "sự can thiệp của Đảng đã lan tỏa vào mọi công việc quản lý hàng ngày của Nhà nước".
Họ chỉ ra rằng: "Cán bộ Đảng từ cấp cao nhất đến cấp cơ sở vừa đưa ra các chỉ thị về chính sách tổng thể để từng nhánh của Nhà nước tuân theo, vừa thường xuyên can thiệp trực tiếp vào công tác quản lý và ra quyết định của các cơ quan Nhà nước này."
Như vậy, cải cách hành chính và cải cách thể chế không tách rời nhau. Không thể hy vọng cải cách hành chính đơn thuần sẽ đem lại một bộ máy công quyền hiện đại trong khi Việt Nam muốn chuyển từ nước thu nhập thấp thành nước thu nhập bậc trung trong tương lai gần. Nếu không giải quyết hệ thống các vấn đề thể chế, tức đụng đến cải cách hiến pháp và đổi mới chính trị, cải cách hành chính tiếp tục chỉ tạo ra tiến bộ giới hạn.
Các tác giả chỉ ra chương trình nghị sự 10 năm vừa quá rộng lại quá hẹp.
"Nó quá rộng bởi vì các vấn đề nêu ra nằm ngoài phạm vi hành chính của chính phủ; nó quá hẹp bởi vì các vấn đề về cấu trúc và hệ thống phải được xem xét một cách đồng thời với các chiều kích hành chính."
"Cải cách thể chế ở Việt Nam đòi hỏi phải xem xét một số vấn đề quan trọng mang tính cơ cấu liên quan đến toàn bộ hệ thống chính quyền, cũng như các cải cách đối với hệ thống của hành chính nhà nước. Cải cách thể chế hành chính nhà nước không chỉ trùng lặp với cải cách pháp lý, nó còn có mối tương thuộc với các cải cách cơ cấu, có nghĩa rằng nó liên quan đến sự thay đổi mang tính pháp hiến và chính trị."
Theo ba tác giả, không thể phủ nhận đã có những thành tích trong cải cách thể chế ở Việt Nam, ví dụ có thêm nhiều luật mới, thủ tục hành chính đã đơn giản hóa, và có những địa phương thành công khi áp dụng cơ chế "một cửa".
Nhưng, họ khuyến cáo rằng "những sự cải thiện đạt được là không đồng đều và những dấu hiệu 'mệt mỏi vì cải cách' đã trở nên khá rõ ràng".
Ba tác giả Yeow Poon, Nguyễn Khắc Hùng, Đỗ Xuân Trường lại theo dõi vấn đề cải cách công vụ, với yếu tố quan trọng nhất là làm sao sử dụng người tài trên cơ sở không phân biệt đối xử và công bằng.
Như ngầm nhìn nhận vướng mắc từ cải cách thể chế, họ nói chưa thể nhanh chóng biến nền công vụ ở Việt Nam sang chế độ dựa trên thực tài.
Một lý do là khái niệm về "tính trung lập của công chức" chưa bao giờ được đặt ra, vì "hệ thống quản lý nhân sự của Đảng tồn tại cùng với với hệ thống quản lý nhân sự của Chính phủ".
Vì bối cảnh chính trị này, các tác giả thận trọng nói "thay vì có thể có những chuyển đổi nhanh chóng của nền công vụ Việt Nam sang chế độ dựa trên thực tài, cần có một đường hướng chính sách trung hạn mang tính thực tế hơn, đó là xây dựng một chế độ kiểm soát nhằm hạn chế quyền lực của cá nhân các cán bộ lãnh đạo của Đảng và Chính phủ trong việc tuyển dụng, khen thưởng và đề bạt công chức".
"Bước tiếp theo là gắn hệ thống bảo trợ về chính trị với các phương thức tuyển chọn dựa trên năng lực để người có năng lực nhất trong số các ứng viên có đủ tiêu chuẩn chính trị được giao công việc."
Đặt ra một lộ trình dài hạn, các tác giả đề nghị thể chế hóa nguyên tắc thực tài bằng một bộ quy tắc ứng xử của công chức, và thành lập cơ chế khiếu nại độc lập. Để đến khi chế độ thực tài đã thực sự bắt rễ, khi đó sẽ lập ra một ủy ban, tòa án hay một cơ quan giám sát độc lập để công chức có thể khiếu nại nếu cho rằng bị đối xử bất công.
Công chức cảm thấy mình bị đối xử không công bằng, có thể tìm đến cơ quan này để khiếu nại.
Ba chương còn lại trong sách đề cập tới quan hệ giữa hành chính công và kinh tế; quản lý tài chính công và vấn đề chống tham nhũng.

Bấm vào đây để xem ý kiến độc giả.


No comments: